Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010

Hổ


Nếu kể từ thời khắc Đất Trời vào Xuân đến nay mình mới gõ những chữ đầu tiên cho một năm mới thì quả là khí muộn. Đã đến hội Tịch Điền, lòng không khỏi bùi ngùi cho thân phận con trâu năm cũ.
Giữa thời bằng cấp lá đa thì âu mình cũng chả dám sánh cụ Tú, nên không đến phải "bất khả vô văn tự". Nhưng thấy người người nhắc mãi con hổ năm nay, sinh cảm khái mà nghĩ thế này:

Nhẫn nhục cày như Trâu, bị chửi đồ trâu
Huênh hoang mạnh tựa Hổ, thấy mình thật hổ.

Chẳng dám đối điếc gì, chỉ là nói mãi năm hổ nên mình mới bị ám ảnh bởi một Cụ đã "muôn năm cũ". Xin chép lại ra đây:

Thế Lữ

Nhớ Rừng

Tặng Nguyễn Tường Tam
(Lời con Hổ ở vườn Bách thú)

Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành, hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm-thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể muôn của loài
Giữa chốn thảo hoa, không tên không tuổi.

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu?

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.

Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán
Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi
Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

1936
THẾ LỮ

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2010

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2010

Chuyện cuối năm

Trưa nay NV tổ chức tất niên.
Trớ trêu không, khi cùng một nhà hàng, cùng một thời điểm, NV ở tầng trên thì VT tổ chức ở tầng dưới.
Cty non trẻ, tuy còn nhiều khó khăn phía trước nhưng đang ăn nên làm ra, quy tụ nhiều thành viên chủ chốt vốn là nhân viên cty kia. Trong khi cty kia, dù không chính thức nói ra, khó khăn có phần chồng chất.
Hoạt động cùng lĩnh vực, khéo thì có thể cộng tác tốt, mà dở thì nói trắng ra là đối thủ.
Mình biết trước tình huống một chút, nên không đến nỗi bất ngờ. Gặp và thấy anh A. già đi nhiều, nhưng không nói chuyện được lâu.
Quý là anh Đ. có lên chung vui. Nói chuyện không nhiều, mình cứ nghĩ mãi về sự thích nghi với hoàn cảnh.
Thế hệ đương đại dường như bị thử thách quá nhiều khi thời cuộc biến chuyển nhanh hơn con người có thể thay đổi.

Đọc báo thấy khoe nhóm nọ nhóm kia được giải thưởng danh giá về nghiên cứu khoa học. Chẳng biết giải thưởng có danh giá thật không, không thấy nói nghiên cứu cái gì.
Bao giờ mới có tin kiểu nghiên cứu gì đó. Tình cờ ai kia đánh giá bằng một giải thưởng ...
Rồi thì chuyện người bắt được cá mập chỉ mong kiếm tiền mà nản.
Thấy hình ảnh quen thuộc của người Nhật, cúi gập người xin lỗi, khi Toyota nhận khủng hoảng. Buồn cho dân ta.

Trên đường về nhà, một ông trung niên vô cớ gây sự khi ô tô lách qua đám đông. Trên xe toàn anh em trẻ mà bình tĩnh. Thấy thương hại cho gã kia.
Than ôi dân ta là vậy. Không biết gã có say, chứ mình thì mệt. Biết rượu bia vào là khổ sao vẫn không chừa. Vì mình cũng là dân xứ này vậy. Đau đầu quá, ngủ thôi.

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2010

?

"Một câu hỏi lớn không lời đáp ..."

Đọc câu chuyện về cái Tết buồn nhất trong cuộc đời nhà văn Lê Lựu. Tết năm 2010. Tất niên Kỷ Sửu, tân niên Canh Dần.
Có lẽ đây cũng (sẽ) là cái Tết buồn nhất trong cuộc đời mình (cầu mong cho chỉ là) đến giờ phút này.

Không phải "Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn ..."
Không phải do mất mát. Chẳng phải tại đau thương.

Hội nghị công nhân viên chức. Thấy nhiều điều nhưng chẳng buồn phát biểu.
Việc ngập đầu, nào phải nhàn cư?

Lờ mờ thấy nhiều người nhìn mình thiện cảm. Loáng thoáng nghe đôi lời ngợi khen.
Dự án gấp rút, ý nghĩ trong đầu mình tuôn ra ào ạt thành hùng biện.
Mà sao vẫn thấy như mộng du giữa đời?

Ghi chép đã lắm. Tìm kiếm ra cũng nhiều điều.
Cứ thấy trống rỗng.

Trước mặt nhiều thách thức. Lại thờ ơ.

Bạn trong Nam bảo vào chơi. Trả lời mình bận.
Bạn ngoài Bắc rủ ra chơi. Thác rằng mình bận.
Bận thật chăng?

Trước nhiều khi trốn chạy cô đơn trốn vào công việc.
Nay công việc bao quanh thấy mình như kẻ trần truồng phơi mình giữa phố.

Cuộc chơi ngắn ngủi có giúp mặc lại áo quần?
Quan hệ lâu dài liệu thay mái nhà trú ẩn?

Đi đường nghe cơ quan người người hát ca tất niên chúc tụng.
Qua phố thấy nhà nhà cúng quảy đầu heo vàng mã.
Lại người ghét Tết, xưa mình đắc ý tán đồng nay thờ ơ chẳng biết.

Tìm chút đẹp, mong chút cao thượng sao mà vô vọng.
Thế giới ảo nhiều người chẳng biết tốt thật chăng thông minh thật chăng. Chỉ chắc rằng chống lại họ thật là xấu xa đen tối. Tất cả nhưng chẳng là ai, chửi thì mình không hơn cụ Chí.

Chiều nay ra về lốp xe xẹp lép. Chỗ sửa xe ngay cổng lại nghỉ sớm. Đẩy xe đoạn dài bụng nghĩ chắc tiêu cái ruột. Hóa mở ra không thấy thủng chỗ nào (??).

Cảm mình giống cái lốp xe. Không thủng nhưng lòng không giữ.