Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

Già

Lão già hiển nhiên là già, nhưng chưa đến mức như chữ già trong tiêu đề ở trên hehe.

Giả dụ như có một ngày (không biết có có không) đạt đến chữ già ấy, thì chỉ có mong muốn vẫn được sống theo ý mình. Nói ra điều này phải nói nhỏ nhỏ, kẻo ... mấy người giờ đã già rồi nghe thấy. Chút gian dối còn sót lại này, nghiệm, cũng chưa chắc biết được là do đâu.

Tấm gương (bí mật) là: có bệnh không chữa trị, nhịn ăn nằm quay mặt vào tường và ... đi. Bí mật này, muốn thực hiện được, phải ... độc tài.

Độc tài, không dễ. Phải có thực lực, mà thực lực đủ mạnh. Lão, chỉ trọng nhất một điều, là, dám vỗ ngực, nói, tao độc tài.

Cái nếp xứ này, không được vậy. Nên lúc nào cũng loanh quanh. Trong nhà ngoài đường lúc nào cũng một lối ấy. Rốt cuộc, không thỏa thuận được với ai. Cho đến khi, bị đàn áp ...


Sent from my iPhone

Quảng

Rảnh việc, trời hửng, tranh thủ bách bộ dạo phố.

Lạ, sao lắm quán Mỳ Quảng đến thế? Ngũ Quảng đồng đường?

Tuy nhiên điểm sáng lão thích nhất là có cái cửa hàng to đùng bán ... động cơ điện. Công nghiệp hoá đến rồi?!


Sent from my iPhone

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

Hạnh phúc

Người bảo: Đừng đợi đến già mới nhận ra đâu là điều hạnh phúc nhất đời bạn.

Ta hỏi lại: Thế nhỡ đến già vẫn chưa nhận ra ... ?


Sent from my iPhone

Truyền thống

Xem phim tài liệu thế này:

Hai ông bà đi mua sắm đồ lễ cưới cho con trai. Họ đến vùng kia vốn nổi tiếng với nghề chạm bạc làm đồ trang sức. Nói thế nhưng nay chỉ còn mỗi một ông gì đó là còn làm nghề ấy.

Bà nói, chúng tôi muốn mua đồ trang sức tặng cho cô dâu.

Người bán đưa ra một bộ kiềng vòng gì đó bảo, bà mua bộ này.

Hai ông bà cầm xem, ông bảo, là bộ này.

Lão già nằm xem phim bảo, đời không lựa chọn chẳng đơn giản ư hihi.


Sent from my iPhone

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Tất niên

Sau nhiều năm mới lại "ăn" tất niên ở nhà, do năm nay sẽ không về Tết, cũng như sau Tết vì bận trực.

Hôm qua đang nắng và khá nóng, nửa đêm về sáng trời đổ mưa lạnh. Sáng về làng, thăm mộ thắp hương. Trưa đang cúng thì biết tin chú L mất.

Loay hoay đến chiều mới cuốc bộ một vòng ra phố. Về đến nhà mẹ bảo thay pin cho đồng hồ. Chỉnh giờ xong mẹ hỏi sao không chỉnh giờ? Hỏi lại chứ bây giờ mấy giờ? Mẹ trả lời trưa rồi chứ sao mới 5h. Huhu chiều rồi chứ trưa gì nữa, trưa mới cúng xong mà ...

(Lâu nay mẹ lẫn nhiều, nhưng vẫn cương quyết ở một mình ???!!!).


Sent from my iPhone

Limousine

Biết đến dịch vụ này đã lâu, nhưng vì qua vexegiare.com, mà lại có thông tin không mấy hay ho về trang web ấy nên nhiều lần không chọn.

Thời gian trôi qua, nghĩ nên thử, cũng phải cho họ cơ hội, vạn sự khởi đầu nan. Nhưng những trải nghiệm đầu tiên không được suôn sẻ cho lắm.

Đầu tiên là sẽ không đón tại nhà như quảng cáo, thôi thì tạm thông cảm do ... Tết. Cũng do Tết, giá vé tăng từ 170K lên 200K. Là đồng hương mà nghe giọng cô điều hành còn không ra, nói gì người địa phương khác.

Cuối cùng thì, tuy chỉ đón ở vài điểm chính song xe cũng loanh quanh mất gần một tiếng đồng hồ. Một phần do những điểm hẹn không khoa học. Mà đó là lão lên xe thứ 6 trong 9 hành khách.

Xe được "độ" lại nội ngoại thất cho đẹp, nhưng khá "quê" thay vì sang trọng hay tiện lợi. Và khi chạy vẫn xóc xòng xọc. Chưa kể loại xe nhỏ này khó mà chạy êm được trên đường sá "chuẩn vn".

Kết hợp thêm văn hoá hành khách và mấy đồng chí áo vàng chặn xe nữa tạo nên trọn một chuyến đi không thật dễ chịu.


Sent from my iPhone

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

Bò giá tréo

Cụ Vương Hồng Sển dền dứ cả chục trang sách về món "bò giá tréo", khiến một kẻ "ẩm thực bất tri kỳ vị" như lão cũng nổi cơn tò mò, rốt cuộc hoá ra chẳng có gì khác hơn món ... bê thui quen thuộc của xứ Quảng.

Nhưng nếu nói về "văn hoá ẩm thực" thì "ẩm thực" tuy giống mà "văn hoá" đã khác xa.

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2019

Hư hỏng

Có phải tại cuối năm, mà nhìn gì cũng ra mất mát? Giờ viết về vụ hao tài trong năm qua hehe.

Chả là mới đọc được bài viết này trên Tinh tế:

MacBook Pro Touch Bar có thể bị lỗi màn hình vì cáp dễ gãy, dễ mòn

iFixit phát hiện ra rằng những chiếc MacBook Pro 2016 trở đi có thể gặp lỗi hắt sáng từ cạnh dưới màn hình. Việc này bắt nguồn từ cáp ribbon nối màn hình với bo mạch chủ nằm bên dưới Touch Bar, cáp này quấn qua bản lề và được cố định bằng một cặp lò xo nằm bên dưới. Thiết kế này giúp cáp không bị gãy dù bạn có mở màn hình ở góc bao nhiêu khi đi chăng nữa, nhưng vấn đề là chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng thì cáp bắt đầu bị "mỏi" và mòn đi. Cáp đèn nền sẽ là cái chịu ảnh hưởng đầu tiên, khi cáp không hoạt động bình thường thì hiện tượng hắt sáng không đều sẽ xuất hiện. Màn hình cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi mở màn hình ra hơn 40 độ.

iFixit nhận xét việc Apple sử dụng cáp dẻo nhưng mỏng và dễ gãy chính là nguyên nhân, trong khi MacBook Pro 2015 trở về trước sử dụng cáp dày hơn, nó không quấn quanh bản lề mà đi xuyên qua nên bền hơn. Dường như việc chuyển sang dùng cáp mỏng hơn là để giúp cho thiết kế của máy mỏng hơn. Vì cáp này được làm chết với màn hình nên đứt cáp thì phải thay luôn cả màn hình, tức là thay vì chỉ đổi cáp là xong thì bạn phải thay cả nắp máy với giá chục triệu. Tất nhiên, việc làm cáp có thể gỡ ra sẽ khiến việc làm cho thiết bị mỏng hơn trở nên khó khăn.

Hiện Apple chưa nói gì về điều này. Một số người xách máy tới Apple thì được thay miễn phí, một số thì không do Apple chưa có thông báo chính thức. Một số người dùng post về lỗi này trên trang hỗ trợ của Apple thì thấy một số post đã bị xóa.

Hiện tại lỗi này chỉ ảnh hưởng đến các MacBook Pro 2016 có Touch Bar trở về sau. MacBook Air không sử dụng cùng thiết kế cáp nhưng iFixit nói rằng nhìn nó cũng khá mỏng manh.

Thường thì với các lỗi dạng này Apple sẽ mở rộng chương trình bảo hành của mình và thay màn hình miễn phí cho cả các máy đã hết hạn bảo hành, nhưng để xem thế nào đã vì không phải lúc nào hãng cũng làm thế.


Người viết bài này cứ y như ... ngồi sau lưng lão mà viết vậy huhu. Đúng là, bắt đầu từ cáp đèn nền. Và đúng là, phải thay luôn màn hình, cả nắp máy. Điểm an ủi là, lão không tốn đến chục triệu mà chỉ ... 8tr. Thực ra, đáng lẽ thay màn hình hết ... 12tr, nhưng do không có sẵn nên phải gửi màn hình cũ (hỏng) để đổi và chỉ tốn ... 8tr.

Sau khi đọc bài này, ngờ rằng có thể người ta được Apple thay miễn phí?! Nhưng không sao, đã chấp nhận sống ở vn là đành chấp nhận cả những điều như vậy. Không có các cửa hàng chính thức của Apple, phải mua máy qua đường xách tay (để chọn đúng cấu hình) ...


Klq, nhưng nhân nói chuyện công nghệ nên "phe" luôn. Trong một diễn biến khác, lão quyết định đưa nhà mình tiến tới "cuộc cách mạng 4.0" haha:


Mất chó

Xưa sách Tam tự kinh, vốn được xem là sách vỡ lòng cho con nít học chữ, có viết:

Khuyển thủ dạ
Kê tư thần

Nghĩa là: chó canh đêm, gà báo sáng.

Rồi thời thế đổi thay, gà chẳng còn mấy con biết gáy sáng, mà chó thì thay vì đuổi trộm lại trở thành miếng mồi ngon cho quân trộm cắp.


Trạm mới nơi lão làm việc, tuy không phải là nơi cùng cốc, song cũng thuộc chốn thâm sơn, thế mà nuôi mấy con chó bầu bạn cũng không xong, được con nào mất con nấy.

Gần đây nhất giữ được 4 con, cuối tuần vừa rồi mất luôn 2 chú lớn nhất. Vậy là chú chó lai Phú quốc to lớn lộc ngộc lưng mang xoáy chưa được nếm mùi đời chắc đã vào nồi? mà chú chó mặt xù chân ngắn tham ăn tục uống hẳn cũng cùng chung số phận?

Lục mấy tấm hình cũ càng cám cảnh đời ... chó ngắn ngủi. Nhân loài người đua nhau #10yearschallenge, thôi thì cũng làm cho cô chó vàng dáng sư tử một cái #10monthschallenge:



Xã hội ưu việt đến thế ư? Sách Tam tự kinh nói trên xưa mở đầu rằng:

Nhân chi sơ
Tánh bổn thiện
Tánh tương cận
Tập tương viễn
Cẩu bất giáo
Tánh nãi thiên
...

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

Luận cổ suy kim


85. THỬA GIÀY

Nước Trịnh có kẻ định thửa giày, đo chân làm no, rồi để cái no bên chỗ ngồi. Lúc đi chợ, quên không cầm no đi. Đến hàng giày mới sực nhớ ra nói rằng: “Thôi quên! Không cầm no đi rồi!”. Rồi, mãi vội chạy về nhà lấy no. Khi trở lại thì chợ đã tan, không thửa được giày nữa.

Có người thấy thế bảo rằng: “Sao không đưa chân ra người ta đo có được không?”
Anh ta cãi: “Tôi chỉ tin cái no thôi, chớ tôi không tin chân tôi được.”

Ôi! Thửa giày cốt chỉ đi vừa chân là được mà không tin chân, chỉ tin cái no đo chân, chẳng là câu nệ quá lắm ư! Ở đời kẻ làm công việc cứ bo bo giữ lề lối cổ hủ, không biết thế nào là hợp thời thích nghi thì có khác gì người đi thử giày chỉ tin no đo chân, mà không tin chính chân mình hay chăng?


Đà thành mới rồi có chuyện, nhà ở xã hội, người có nhu cầu không mua được, lại kẻ mua được đem bán vì "không có nhu cầu". Ấy cũng vì lối làm việc như người nước Trịnh đi thửa giày mà thôi.

Mà, cả xứ này, ngày nay, đều một lối làm việc như thế cả.

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2019

Xe

Nhân chuyện xe cộ phục vụ thượng thư bộ công đang ì xèo, nhiều người hẳn cũng bán tín bán nghi, song, ai ở trong hệ thống sẽ hiểu.

Thể chế này, từ buổi sơ khai, vốn dựa trên nền tuyên truyền, rằng, phục vụ là chính. Các quan lại "công bộc" chỉ hưởng đồng lương tượng trưng, nhưng những phương tiện "công" họ sử dụng thì nằm ngoài mọi con số. Nhà cửa, xe cộ, ... Mãi sau này người ta mới nói về "tham nhũng", nhưng, nhiều điều đã trở thành thói quen thì vẫn chưa được nói đến.


Ngày lão mới vào công ty, chiếc xe phục vụ cho dự án trên đỉnh núi dường như hoạt động hết công suất, nhưng nghe nói người ta cấm mua xe kèm dự án như vậy. Dần dần thời cuộc đổi thay, công ty sắm hơn chục chiếc xe, trong khi chỉ có 4 lái xe. Gđ, pGđ nay đều có bằng lái cả, lương đã cao ngật ngưỡng chứ không còn như xưa, song, "giải quyết khâu oai" không cần bỏ tiền túi ra mua xe riêng (thậm chí có cả xe biển số xanh 80 luôn).

Công ty không cần hoạt động tiếp thị quảng bá kinh doanh gì nhưng điều xe tiếp khách thì khá rầm rộ, đặc biệt phục vụ quan chức thì ưu tiên hơn cả hoạt động sản xuất, phục vụ cả gia đình "khách" đến thăm "thành phố đáng sống". Kiểm toán chỉ cần so sánh chi phí xăng xe với chi phí sản xuất thì rõ (... sự trớ trêu). Một kiểu "lấy của làng làm lệnh" quen thuộc.


Thêm một chuyện "vui vui". Số lượng xe, số lượng lái xe như thế, trong suốt thời gian có 2 lái xe chuẩn bị về hưu và cả một thời gian dài sau khi họ đã về hưu (chỉ còn 2 lái xe). Mãi mới thấy tuyển (đúng quy trình) được 2 lái xe chưa đầy 20 tuổi, "con em trong ngành", dĩ nhiên hehe.

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2019

Phim

Nói về phim, nhiều người tếu táo rằng, bọn Âu làm phim cứ như thật, bọn Mỹ thì làm phim láo nhưng giống y như thật, còn bọn Việt làm phim thật cứ như ... láo.

Là tín đồ phim Mỹ, lão công nhận, bọn Mỹ là phim láo thật, nhiều khi đang xem cũng phải phì cười, đúng là ... như phim Mỹ. Không kể những phim như Superman, hay Aquaman, hay những phim như Fast & Furious, ... thì nhiều phim kiểu hành động, hình sự hay thậm chí lãng mạn cũng bao gồm vô số các chi tiết phi logic. Nói một cách bỗ bã, nhiều khi thấy các nhân vật ... ngu bỏ mẹ.

Song, có lẽ, đó chỉ là ngôn ngữ điện ảnh, nhằm diễn đạt một ý tưởng nào đó. Và, có lẽ, cốt yếu là ý tưởng được truyền đạt. Có ý tưởng. Không lo sợ bị cấm đoán.


Quan trọng nhất là, không phải ý tưởng của những kẻ chuyên đi cấm đoán người khác ...

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019

Rác

Nhân thấy sự tuyên truyền về vấn nạn rác thải trên VTV thời gian gần đây. Thêm vào đó là khá nhiều sự kiện liên quan, hội nghị quốc tế về rác thải nhựa, đặc biệt rác đổ xuống biển, rồi tình trạng rác ở nông thôn, rồi dân chặn đường vào bãi rác, ...

Thật ra, bây giờ mới nói là quá chậm, nhưng đó là chuyện bình thường ở đất nước này, thôi thì, chậm còn hơn không. Vấn đề là, người ta vẫn chỉ mới tập trung vào đầu, tuyên truyền, và đuôi, kiểm tra, còn khúc giữa dài dằng dặc rộng mênh mông thì ...

Hiển nhiên, tuyên truyền và kiểm tra là rất quan trọng, nhất là ở một xứ như xứ ta, ý thức tự giác vẫn còn quá xa xỉ. Nhưng cách làm này dường như giải thích được tại sao ngày càng nhiều quan lại chỉ giỏi khua môi múa mép đồng thời lạm dụng quyền lực một cách vô cảm. Hiếm hoi lắm mới có một người biết thực làm, và người đưa ra được chính sách khả thi còn hiếm hoi hơn.


Kết quả, không những tình trạng càng ngày càng tệ, thậm chí lâm vào bế tắc, mà việc tuyên truyền cũng trở nên sáo rỗng, và việc kiểm tra trở thành miếng đất màu mỡ cho tham nhũng và hối lộ.

DNNN

Công ty lão là một doanh nghiệp nhà nước. (Cuối năm, Tết đến, mùa tất niên, nói chiện công ty chơi hehe.).

DNNN cũng không phải là quá tệ, chỉ là chủ sở hữu không rõ ràng (do quá rõ ràng?!). Nên, những người đại diện chủ sở hữu, rốt cuộc không rõ là "người sử dụng lao động", hay cũng chỉ đơn giản là "người lao động"?

Điều tệ là, nghe đồn, có ai đó ở cấp rất cao (của nhà nước, đương nhiên) bảo đảm rằng, công ty sẽ mãi mãi là DNNN (trước làn sóng cổ phần hoá). Vì lý do này nọ (an ninh quốc phòng chủ quyền gì đó) thì cũng không đến nỗi quá tệ (dù không nhất thiết đúng). Tệ là ở chính bản thân lời bảo đảm, và tệ hơn là ở sự phấn khởi của những người nghe lời bảo đảm đó.


Bây giờ, công ty được mệnh danh là nhà trẻ trung ương. Thực tế mà nói, nhà trẻ, chẳng phải đợi đến tận bây giờ. Mà, danh nghĩa, hoàn toàn đúng quy trình. "Ưu tiên con em trong ngành".

Nhân viên trong công ty sống với nhau rất "vui vẻ". Các hoạt động kiểu thể thao, văn nghệ, nữ công, ... được tài trợ nhiệt tình, nhân tiện kết hợp đi thăm quan, mua sắm, chi phí còn cao hơn chi phí sửa chữa máy móc thiết bị. "Đi học tập" (ở nước ngoài) không phải là nghĩa vụ mà là quyền lợi.

Nhiều chuyện khác tạm không nói đến. Thời điểm này, công ty hầu như thay đổi thế hệ. Đã, đang và sẽ có hàng loạt giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng, trưởng ban, trưởng trung tâm vân vân các kiểu về hưu. Thời gian cuối (nhẹ thì vài tháng, nặng có khi đến 2, 3 năm), các "sếp" chuẩn bị về hưu hầu như không làm việc gì cả. Không chỉ hưởng nguyên lương, mà lương cao ngất ngưởng, họ còn được ưu tiên bố trí những chuyến "công tác" ("tình nghĩa") (thăm thú các nơi, tạm biệt các đồng nghiệp, bạn bè). Vui vẻ lắm, và rất cảm động.


Chỉ những nhân viên thường, không làm ở khối văn phòng (nên quan hệ kém?), là cắm cúi làm việc, là lặng lẽ về hưu. Không giỏi múa hát thì cũng không bao giờ được đi đây đi đó (bằng tiền của "nhà nước", dĩ nhiên). Nhẽ, ghen tị ư? Mọi người sống hoà đồng vui vẻ thế cơ mà?

Thảng hoặc lắm mới có chuyện va chạm trong công việc. Hoặc, ai cũng bị giảm thu nhập do chất lượng công việc kém. Nhưng rồi cũng sớm ổn thôi.

Ờ, chỉ mấy người thực sự làm việc mới bức xúc với những tồn tại của công ty. Những kẻ "lạc loài" này sẽ sớm lạc lõng thôi, ai quan tâm cơ chứ. Chẳng phải không khí chung vui vẻ là chính sao? (Dù hầu như không hỗ trợ công việc). Những tồn tại ư? Chuyện ... của tương lai ấy mà ...

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2019

Khai sinh không cha

Thư mời họp. Gửi ông/bà Khai sinh không cha. Là phụ huynh em ...

Mừng bộ dục vina xứ đã thực sự bước vào kỷ nguyên 4.0!


P/S: Một người quen biết của lão ở Mỹ cho rằng, đầu têu vụ 4.0 là người Đức. Họ có các máy móc đảm nhiệm những nhiệm vụ chuyên biệt hết sức hoàn hảo. Tuy nhiên, để khai thác sử dụng những máy móc này, hiện vẫn phải thông qua "đại diện" của chúng, thuộc giống "homo sapien". Một ví dụ quen thuộc chính là ... lái xe.

Với sự phát triển mạnh mẽ của AI, các máy móc nói trên hoàn toàn có thể "sa thải" người đại diện, tự mình đảm nhiệm việc giao tiếp với xã hội loài người, và với không chỉ loài người. (Nhiều người nhìn xa trông rộng lo sợ chúng sẽ, không chỉ giao tiếp, mà còn thống trị luôn loài người, đơn giản vì chúng làm công việc của chúng tốt hơn con người làm.).

Những lo ngại này vẫn còn xa vời đối với nhiều cộng đồng, nơi trình độ chỉ mới cỡ 0.4 (nhưng rất thích, và luôn mồm nói về ... 4.0). Thích, vì lười, và kém cỏi không làm được nhiều thứ, nên luôn ước có máy móc làm thay. Hiển nhiên, những máy móc "mong ước" này sẽ đến ... từ cộng đồng khác. (Trớ trêu nữa là, những cộng đồng này từng có truyền thống vẻ vang đánh đuổi thực dân, đế quốc.).

Có vẻ như, không chỉ không làm được gì mà vẫn ba hoa về 4.0, họ còn tiên phong bước vào 4.0 bằng cách độc đáo: tự hạ mình xuống dưới máy móc. (Cũng không có gì đáng ngạc nhiên, với tư duy, thay vì e ngại máy móc thống trị con người, hay kiêu hãnh chỉ huy máy móc, họ chỉ lo sợ máy móc tranh cướp mất công việc của con người ...).

(2 mặt của đồng xu vina xã hội = thượng tầng mơ màng về các robot "ngoại bang" + hạ tầng sợ mất việc vào tay những robot đó. 2 mặt này thống nhất ở chỗ: hỗ trợ nhau cùng ... "tiến bộ".).

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

Khoảng cách

Nền văn hoá Ấn Độ là một nền văn hoá vĩ đại. Không chỉ với những di sản kỳ vĩ mà nó đã xây dựng được, vật chất cũng như phi vật chất, mà còn với hằng hà sa số các đường nét tinh tế đó đây trong cuộc sống, đặc biệt trong từng con người.

Lạ là, xã hội Ấn Độ lại vô cùng phức tạp. Nổi bật nhất là tính phân chia ra quá nhiều giai tầng giai cấp. Liệu có thể nói, chính sự mâu thuẫn, khác biệt vốn chia nhỏ xã hội là yếu tố kích thích sự sâu sắc, đa dạng của nền văn hoá?

Tiếc là không phải dân tộc nào cũng có thể làm được như vậy. Khoảng cách giữa các cá thể là điều hiện diện trong mọi xã hội, nhưng không nhiều cá thể có thể tự phát triển một triết lý sống cho mình.

Về khoảng cách, người Trung Hoa cổ đại than "đắc nhất tri kỷ khả dĩ bất hận", người phương Tây ví von "người ta phải to tiếng với nhau là bởi vì trái tim ở quá xa nhau". Thực tế chứng tỏ rằng, thảng hoặc lắm mới có kẻ gặp được người tri âm tri kỷ, và, thảng hoặc lắm, mới có được hai trái tim gần nhau đến độ không cần tiếng nói nữa.


Thường thì, người này không hài lòng về người kia, chỉ vì những khoảng cách giữa họ. Nếu giữ được tỉnh táo, người ta sẽ hiểu rằng, vì chính những khoảng cách này, người kia cũng sẽ không hài lòng về mình y hệt như vậy. Trong đa số các xã hội, con người chỉ có thể tạm thời giấu đi các khoảng cách này. Hoặc giả vờ như không nhìn thấy chúng (tục gọi là tế nhị haha), hoặc thoả thuận tránh chúng trong một thời gian. Nếu không có đủ những khoảng thời gian riêng tư để bộc lộ chúng, không ai có thể che giấu mãi được.

Có vẻ như người phương Tây làm điều này tốt hơn, vì mỗi cá nhân có tính độc lập cao hơn. Ngoài ra, chỉ còn một yếu tố giữ được người ta ở lại với nhau, cùng khoảng cách giữa họ, đó là tình yêu. Những thứ định thay thế, như thể chế, hay truyền thống, chưa bao giờ là những yếu tố bền vững.

Nhưng, tình yêu, mà phải làm điều này, thì, cũng đau đớn lắm ...

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2019

Chuyện ăn

Đinh Hùng kể rằng, Thạch Lam có câu nói, đã được viết trong Hà nội băm sáu phố phường, và vẫn thường được các thực khách nhắc đi nhắc lại mỗi khi tụ tập ăn uống ... ở nhà Thạch Lam, "Hãy bảo cho tôi biết bạn ăn uống ra sao, tôi sẽ nói cho bạn rõ bạn là hạng người nào".

Hiển nhiên, đây là một phiên bản trong rất nhiều những phiên bản, kiểu "hãy cho tôi biết bạn đọc sách gì ...", "hãy cho tôi biết bạn chơi với ai ...", ... Và hẳn cũng không sai bao nhiêu, vì "hành vi tạo thói quen, thói quen tạo phong cách, (phong cách tạo số phận)". Nên, chuyện một số thầy bói tài ba cũng không phải là không có cơ sở.

Chiếu theo lĩnh vực "ăn" mà nói, nếu tự bói cho mình một quẻ, ắt lão là kẻ hủ lậu đuểnh đoảng thật chẳng ra gì.

Nhân tiện, cũng nhắc chuyện ăn uống với Tản Đà, vẫn theo Đinh Hùng, thì, không biết ăn lòng cá, hẳn lão "đáng gọi là bỉ phu, nếu không phải là xuẩn ngốc", và, không biết uống rượu, thực là "cầm thú chi tình". Hihi.

Đinh Hùng còn kể chuyện "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu ăn liền tù tì một mạch hết 4 cái bánh chưng mới nấu (loại bánh chưng lớn của miền Bắc chứ không phải mấy cái con con dân trong Nam hay ăn). Thạch Lam chỉ tủm tỉm cười mà nhắc lại ... nửa câu nói quen thuộc của mình "hãy bảo cho tôi biết bạn ăn uống ra sao ..." Chẳng rõ, "thầy" Thạch Lam có "phán", hay thực sự chỉ bỏ lửng ... như vậy về thi sĩ họ Ngô "đương làm thi sĩ hoá Tây đoan, nửa mặt nhà thơ nửa mặt quan ..." hehe.


Nhớ lại, chuyện khác, có thể không liên quan, vì "ăn" không mấy. Nhưng cũng vẫn là chuyện bên bàn nhậu ("chiến trường" chính của ngV?!). Có người bảo, vn nghèo rớt mùng tơi mà lúc nào cũng khoe giàu với đẹp. Kẻ cãi lại, rằng giàu thật chứ, phá như thế mà vẫn còn thì chứng tỏ rất giàu ...

Chả là, không biết tư tưởng lớn gặp nhau, hay dù gì cũng từng chung một phe, hoặc sao chép ý tưởng của nhau (hay của ai đó), mà, sáng nay lão bắt gặp sự trùng hợp:


Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

Sai

Chạy xe ngang qua quảng trường, thấy lâu nay có một chiếc xe kiểu của quân đội, biển số đỏ đậu thường xuyên ở đó. Trên nóc xe là những ăng-ten như một trạm BTS, giống hệt các ăng-ten trên nóc nhà VNPT cách đó chỉ vài chục mét. Như có cái gì sai sai?

Chạy xe thêm đoạn nữa thì có một chiếc ô-tô vượt qua, vượt luôn đèn đỏ. Chỉ kịp thấy sau xe có tấm biển "TẬP LÁI". Lại có cái gì sai sai nữa?


Nhớ lại sáng nay trên tv, một "đạo mạo viên" chém gió với một "bình hoa di động", về đạo đức xã hội, nghĩ, có cái gì đó sai chắc luôn!

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

Âm nhạc vs ...

Định nói về âm nhạc, nhưng lại thấy hơi ... chính trị quá haha. Chả là, người ta bảo chỉ có các quốc gia cộng sản và phát xít mới có hẳn một cơ quan lo việc tuyên truyền. Thậm chí ở những nơi đó chữ "tuyên truyền" còn được xem là ... cao quý, trong khi nhiều phần khác của thế giới lại coi khái niệm này là ... xấu xa.

Có lần nhậu, mấy bạn nhậu tếu táo, rằng Mỹ cũng có cơ quan tuyên truyền chứ sao không? Chính là Hollywood vậy! Hiển nhiên nói đùa, mà xem ra đùa không mấy?

Dông dài, chung quy chỉ tại lang thang trên Youtube, thấy thích mấy video của Avtoradio Diskoteka 80. Đây là các show của Autoradio Disco 80's Festival, được biểu diễn tại Moscow và Saint Petersburg. Chủ yếu trình bày những bài hát được yêu thích một thời, thời những năm 80 của thế kỷ 20.

Những bài hát ấy, in đậm trong tâm trí lão, có lẽ bởi chúng đã đi vào đó đúng thời điểm, những năm học đại học. Tình cờ, đó cũng chính là những năm kết thúc của hàng loạt các chế độ toàn trị ở Đông Âu. Nay nghe lại, bỗng phát hiện ra, sao nhiều nhóm nhạc trong số đó (tuy các thành viên mang tính quốc tế khá cao) có "quốc tịch" Đức đến thế?

Boney M, Modern Talking, Bad Boys Blue, Silent Circle, CC Catch, Sandra, Scorpions, ... Bởi nước Đức lúc đó bị chia cắt Đông-Tây, với bức tường đã thành biểu tượng ở Berlin? Hoặc hơi hướng chính trị quá chăng, khi thấy cảnh những ban nhạc này được tung hô nồng nhiệt ở Moscow, dù họ đã qua thời đỉnh cao? (Gần đây, vài cái tên trong số này cũng đã tới Hà nội).

Người ta cũng nói âm nhạc không biên giới, hay khi lời nói bất lực thì âm nhạc vang lên. Trong đầu lão cũng còn in nhiều bài nhạc "đỏ" một thời, không khỏi rạo rực khi nghe các giai điệu rộn rã một thời quen thuộc. Nhưng khi nhớ đến lời hát thì bỗng chùng lại bởi ... mùi máu huhu.


Xưa có câu, hữu xạ tự nhiên hương, ...


Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

Aquaman & Atlantis

Vậy là, sau nguyên một năm 2018 "tu", hôm nay, lần đầu tiên trở lại rạp phim, vào đúng ngày đầu tiên của năm 2019.

Không khí, không gian CGV Vincom hầu như vẫn thế. Chỉ lão là bị "hạ cấp" từ hạng VVIP xuống Member "trơn" hihi.

Sau 1 năm, lại cảm nhận sự rung chuyển của những âm thanh hình ảnh hoành tráng, khác với chỉ xem lấy nội dung mờ ảo trên các trang online hay màn hình tv.


Người đầu tiên gặp lại là Aquaman, vua của Atlantis. Lần này, đứng riêng một mình chứ không chỉ phụ góp trong Justice League.

Jason Momoa thì lão vẫn còn nhớ, từ Conan the Barbarian (2011). Khá buồn cười là, ngày ấy lão tìm xem Conan - Momoa do một sự nhầm lẫn nhỏ, cứ tưởng đó là Conan the Barbarian (1982) của vua thể hình Arnold Schwarzenegger mà lão đã từng xem thời còn sinh viên. Cũng buồn cười nữa là, gây ấn tượng với lão không phải là gã Conan Jason Momoa cơ bắp, mà là nhân vật nữ xinh đẹp Tamara của Rachel Nichols hehe.

Còn vương quốc Atlantis của Aquaman thì ... chính lão cũng góp nhiều phần xây dựng lại từ đống hoang tàn ... trong trò JewelLegends_Atlantis (mua bản quyền trên Macbook hẳn hoi) haha.



Có thể, bắt nguồn đã từ lâu, từ lời kêu cứu Atlantis is calling (SOS for love) của ... Modern Talking :-D

Ký ức




Sáng đầu năm nằm trong chăn ấm, tình cờ xem lại một đoạn trong bộ phim cũ, Ex Machina. (Có lẽ vì thấy khuôn mặt khả ái của cô người máy Ava, Alicia Vikander, hihi).

Ava định thực hiện (ngược) một đoạn Turing test, trong đó có câu hỏi, Ký ức cũ nhất của bạn là gì?

Chà, mới nhất còn có thể lẫn lộn, nữa là. Hoặc không thể sắp xếp theo trình tự thời gian những thứ chỉ vừa mới kịp trở thành "ký ức". Hoặc, thậm chí không chắc liệu nó đã là ký ức? Nhưng, thường thì vẫn còn có thể nhớ rõ từng chi tiết.

Ký ức cũ, trái lại, lờ mờ chi tiết. Và, quá lờ mờ thời gian, để có thể nhận ra, ký ức nào là cũ nhất.


Thử nhớ về thời đi học. Chỉ riêng cấp 1 đã qua Nghệ An, Quảng Trị, Huế, mỗi nơi không dưới 2 trường. Không, phải có "cũ" hơn, thời còn chưa đi học. Đâu đó ở Vĩnh Phú, giờ không biết là thuộc Vĩnh Phúc hay Phú Thọ ngày nay.

Bị mấy cậu bạn lớn tuổi hơn chút lừa, bảo đem cục gạch ném vào bụi tre, nơi có một tổ ong vò vẽ. Ong đốt kín đầu, hai tay phủi túi bụi. Sau đó là cạo đầu, bôi vôi, cả hai tay nữa. Nhưng không nhớ ra người bạn nào trong số ấy, vì sau đó lão đã rời đi từ bấy đến nay không một lần trở lại. Cũng không nhớ, lúc ấy có đau hay không.

Nhớ, có lần đẩy cô cháu gái kém 4 tuổi đi chơi. Bằng một chiếc xe mây, 4 bánh gỗ (có lẽ thế?). Chiếc xe bị lật, loay hoay dựng lại mãi không được, cho đến khi có người lớn đến. Nhưng không nhớ, lúc ấy cô cháu có khóc nhiều không? Và, cũng không nhớ, lúc ấy đã bối rối như thế nào (sau này, những lúc bối rối, luôn là những "kỷ niệm" tồi tệ nhất, tồi tệ hơn cả những cơn đau, những thời khắc cô đơn, hay những phút giây hạnh phúc). Năm ấy, cháu mấy tuổi cậu mấy tuổi nhỉ?

Không nhớ, 2 ký ức này, cái nào trước cái nào sau? Ký ức nào cũ hơn? Mà, ký ức, chẳng lẽ chỉ đơn giản là sự kiện? Passed Turing test nghĩa là không phân biệt được giữa AI và con người. Nói vậy, trong memory phải có không chỉ sự kiện, mà lưu giữ cả cảm xúc?

Lão không nhớ cảm xúc những lúc đó. Còn nhiều chuyện khác, có thể "cũ" hơn, có thể "đậm" hơn, thì, chỉ nghe những người lớn hơn nhắc đi nhắc lại. Đó, có phải là một kiểu "ký ức"?


Rốt cục, những câu hỏi kiểu này, có thể là câu hỏi dành cho Turing test?