Thứ Hai, 28 tháng 9, 2009

Lan man bão

Ngồi chờ cô bạn Ketsana ghé thăm.
Mình không biết tiếng Lào. Nghe rằng Ketsana là tên một loại cây hương liệu quý. Mới mơ mộng (liêu trai) về cô bạn yểu điệu mà thơm ngát.
Nhưng thực tế phũ phàng. Người ta đang so sánh cô với anh bạn đồng hương dữ dằn của cô, "con voi lớn" (Xangsane). Trùng hợp hay không? Anh bạn này đã ghé thăm Đà Nẵng cách nay gần đúng 3 năm. Và cho đến bây giờ dân tình bên sông Hàn còn lưu tiếng khiếp.
Cô nàng đỏng đảnh chưa rõ sẽ ghé vào đâu. Khiến một dải từ Quảng Trị vào Đà Nẵng hồi hộp.

Mình ngồi trong nhà lặng gió. Mà nghe mấy cái cây tội nghiệp quanh nhà vật vã. Tiếng rít ù ù như kêu gào. Thử noi Tô học sĩ, gió tám phương tứ hướng mà lòng không động (!?).

Bèn đọc linh tinh.
Mình vốn có đức tốt. Ở chỗ không thèm đọc báo và nhà không sắm tv. Nhưng tu chưa đến nơi nên không ngăn nổi tính thỉnh thoảng liếc ngang liếc dọc. :)
Chuyện là mấy hôm nay mọi người bàn tán về cái-gọi-là cuộc thi hoa hậu quý-bà-thành-đạt. Được truyền trên VTV. Từ những cô cậu bé học sinh bình: hài vãi. Đến những nhà báo uyên thâm thừa nhận: hài thật. VTV đã tìm ra tiết mục thay thế cho những gặp nhau cuối tuần cuối tháng cuối năm rồi chăng?
Nên mình không nén nổi tò mò mà mục sở thị qua vài đoạn video. Giới thiệu rằng từ những quý-bà-22-tuổi (?!) đến tuổi sồn sồn. Thấy ngay mấy quý bà ở-tuổi-khả-kính trang phục áo tắm, cũng "đong đưa" và tự giới thiệu theo phong cách Lậm Văn Sai, hét tướng mấy từ cuối câu. Khiến mình không khỏi liên tưởng cuộc thi dành cho các cháu mẫu giáo, thì lại trang phục hát hò như những kẻ từng trải phong sương.
Còn thành-đạt thì quả là ... khó nói. Nghe có quý-bà từng lái "xe điên", gây tai nạn hàng loạt rồi bỏ chạy. Sau đó chỉ việc rời đồn CA với nụ cười trên môi. Lại còn cô cựu-hoa-hậu gì đó thuở còn chưa là quý-bà (ở cái xứ mà các cuộc thi hoa hậu nhiều hơn lá trên rừng này) "ngạc nhiên" khi bị đánh rớt. Mình có cái xui xẻo đã từng diện kiến cô này và chứng kiến cái sự nhạt hơn nước ốc.

Cư dân mạng cười chán rồi tự hỏi, sao người này người kia thành đạt xinh đẹp nổi tiếng lại không dự thi? Lại tự trả lời, vì họ đâu có rảnh. Hóa ra là vậy. Vậy thì mấy cuộc thi này nọ nọ kia blah blah blah xin thêm vào cuối một từ RẢNH cho nó minh bạch (!!).
Chỉ tội dân ta cứ tưởng lên tv là chính-thức danh-hiệu cao-quý. Nào biết chỉ là cuộc chơi lố lăng của nhà đài.

Thôi thì lại một cơn bão với cái tên dịu dàng nữa vừa qua.

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2009

Chuyện thứ ba

Nhớ lại ba câu chuyện tình buồn thật giống nhau. Một chàng trai, một cô thôn nữ. Và khi người chiến binh trở về thì người thương đã không còn.
Hầu như cùng trong một giai đoạn lịch sử.

Nhưng số phận câu chuyện thứ ba mang nhiều trắc trở hơn hai câu chuyện đã kể. Cả với câu chuyện, cả với người kể chuyện.
Ngày còn đi học, mình may mắn lắm mới được biết về câu chuyện. Và cố gắng lắm mới được đọc nó. Lần đầu tiên, trên những trang vở chép tay.
Rồi thời gian dần qua, vẫn chưa cảm nhận được cái hay của câu chuyện. Hơn hết lúc đó là sự thắc mắc. Thắc mắc tại sao nó lại bị cấm.

Phải qua nhiều trải nghiệm, mình mới nhận ra. Khi lịch sử muốn tạo anh hùng, thì con người không có nhiều chọn lựa. Khi ra ngõ gặp chuyện vĩ đại, thì chuyện bình thường trở thành tội lỗi.

Hôm nay, mình chỉ muốn kể lại câu chuyện bình dị mà buồn bã này. Chứ không phải hai câu chuyện trước. Vì không phải các anh hùng, mà chính sự dung dị của cuộc sống mới là bất tử ...


Màu Tím Hoa Sim
Hữu Loan

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh

Tôi
Người vệ quốc quân xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh
Bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo.

Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng đời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê.

Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương.

Tôi về không gặp nàng.
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương tàn lạnh vây quanh.

Tóc nàng xanh xanh
Ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được trông nhau một lần.

Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím.
Áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa đèn khuya bóng nhỏ.
Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa!…

Một chiều rừng mưa
Ba người anh
Từ chiến trường Đông Bắc
Biết tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng.

Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về cỏ vàng chân mộ chí.

Chiều hành quân qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết.
Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai tôi hát trong màu hoa
“Áo anh sút chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm
Mẹ già chưa khâu …”

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009

Chuyện thứ hai

QUÊ HƯƠNG

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
Ai bảo chăn trâu là khổ?
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.

Có những buổi trốn học
Ðuổi bướm cạnh cầu ao
Mẹ bắt được
Chưa đánh roi nào đã khóc.
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích.

Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ, tôi đi.
Cô bé nhà bên
Có ai ngờ, cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn, thương thương quá đi thôi.
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Ðơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi.

Hòa bình tôi lại trở về đây
Vẫn mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con, khó nói lắm anh ơi!
Tôi nắm bày tay em, nhỏ nhắn, ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng.

Hôm nay nhận được tin em
Không tin được, dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi, quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!

Ðau xé lòng anh, chết nửa con người
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.

Giang Nam

Vĩ thanh:
Sau này hóa ra đó là một tin thất thiệt. Người con gái vẫn còn sống. Họ gặp lại nhau và nên duyên chồng vợ. Hai vợ chồng về già sống tại thành phố Nha trang. Có kinh doanh thêm nước mắm để kiếm sống ...

Chỉ nhớ tuổi học trò mình đã từng say mê bài thơ. Thuộc từng câu. Nhưng rồi thời gian cũng dần phôi phai.

Gần đây gặp nhiều bạn trẻ. Họ không hề biết gì về câu chuyện tình ấy.

Trong vài chiếu rượu còn tếu táo rằng: bài thơ sở dĩ lưu danh vì chân lý "xưa yêu quê hương vì có chim có bướm ..."

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

Chuyện thứ nhất

Bảy năm về trước em mười bảy
Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng
Xuân Dục, Đoài Đông hai nhánh lúa
Bữa thì em tới bữa anh sang

Câu chuyện của Vũ Cao. Có tên gọi "Núi đôi".

Em vẫn đùa anh sao khéo thế
Núi chồng núi vợ đứng song đôi

Cứ như phải thế, họ xa nhau.

Mới ngỏ lời thôi đành lỗi hẹn

Người con trai ra đi.

Anh vào bộ đội lên Đông Bắc

Bao thương nhớ dồn cho ngày trở về. Nhưng

Mới đến đầu ao tin sét đánh
Giặc giết em rồi, dưới gốc thông

Chuyện tình chưa kịp nhen nhóm đã kết buồn. Chàng trai sớm nâng nỗi buồn đau lên "một tầm cao mới". Blah blah blah.

Thực ra ngày ấy nghe chuyện này mình chỉ có cảm giác thinh thích. Cảm giác không quá sâu đậm để sớm nhạt nhòa.

Có lẽ thời đại chỉ mượn câu chuyện ...

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2009

Chuyện cũ kể lại cho rất ít người nghe

- Anh nói gì đi!
- ?!
- Anh kể chuyện gì đi cho vui!
- Uh, đúng rồi, anh kể chuyện cho vui!
- Chuyện vui ah? Tiếu lâm nha?
- Không, kể chuyện cho vui, không phải chuyện vui.
- Chuyện không vui, thì chuyện buồn vậy.
- Anh thật là, hay anh kể chuyện tình yêu đi!
- Uh, đúng rồi, chuyện tình.
- Uh, chuyện tình. Chuyện tình thì đương nhiên là buồn rồi.
- Anh lại thế.
- Được rồi. Anh kể. Mà không phải chỉ một. Những ba chuyện tình. Ba chuyện tình buồn.

Những câu chuyện này nay đã là cổ tích. Với thế hệ anh cũng là cổ tích. Nhưng bọn anh còn bị ám ảnh. Khó lãng quên.
Ba câu chuyện tình khác nhau. Nhưng rất giống nhau. Nghe xong mấy em sẽ thấy chúng giống nhau thế nào. Bạn cùng thời với anh, chỉ nghe một là họ biết ngay hai câu chuyện còn lại.

Anh nhớ cũng không rõ nữa. Có lẽ anh cứ kể theo kiểu của anh. Theo cách chúng ám ảnh trong trí nhớ của anh. Có gì không chính xác thì mong mọi người lượng thứ.

...

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Lan man bình thường

Bình thường.
Như bình thường.
Ngày bình thường.
Một ngày bình thường.

Đi trực về. Vào chiếu rượu Quê choa. Đọc Bình thường thôi.
Bình thường thôi.
Báo đăng một hiệu trưởng trong nhiều năm mua trinh hàng chục học sinh. Nhiều người chép miệng: bình thường thôi.
Bình thường thôi.

Xách xe đạp quanh phố, như bình thường. Trừ chiếc xe buýt màu hồng của HTV đậu trên đường Bạch Đằng, còn lại tất cả vẫn bình thường.
Bình thường thôi.
Vẫn những chiếc xe máy hối hả ngược xuôi. Xả khói và còi ầm ĩ. Bình thường thôi.
Vẫn chen chúc nhau chẳng ai nhường ai ở các ngã tư. Bình thường thôi.
Vẫn vượt-đèn-đỏ-thản-nhiên trước mũi mọi người ở các ngã tư khác. Bình thường thôi.

Bình thường thôi.
Vào quán. Vẫn ồn ào í ới. Vẫn xả rác la liệt, xung quanh những-chiếc-giỏ-nhựa-xinh-xắn-gần-như-trống-rỗng. Bình thường thôi.

Bình thường thôi.
Bạn ơi hãy đến thăm quê hương chúng tôi ...

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2009

?

Cuối cùng thì TASS cũng đã có quyền tuyên bố:


Có chữ ký và dấu đỏ chót. Xác nhận trịnh trọng của chính quyền.
Mình thực sự là người tự do, cho đến phút này, và sẽ, ít nhất trong 6 tháng nữa. Haha.

Xưa người ta mơ ước có mảnh đất cắm dùi (mặc dù mình không hiểu dùi gì và cắm để làm gì, hehe). Lại có kẻ "vô địa khả mai".
Còn mình thì còn có chỗ trồng cây xư.

Mới biết mình cũng còn may mắn vậy.

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2009

Lan man bánh

Xưa nay nếu có ai chỉ nọ kia mà hỏi mình rằng hoa ấy hoa gì thì mình ... biết chết liền.
Cứ giống có lông có cánh bay được thì là chim. Loài có vây có đuôi bơi được thì là cá. Nếu lại hỏi chim gì cá gì thì mình ... chết liền không kịp biết.

Hôm rồi bạn cho túi bánh. Hình dáng giống nhau, đều gói trong lá chuối. Đến lúc ăn mấy cái rồi mới biết có đến hai loại khác nhau.
Loại thứ nhất làm bằng bột nếp trộn nước lá gai đen, nhân đậu xanh. Là bánh ít (lá gai) đen.



Loại thứ hai cũng nhân đậu xanh vàng ươm, nhưng được bọc trong lớp bột lọc trong suốt xen ít sợi cùi dừa. Quen gọi bánh su sê.



Nhìn lại mới thấy lá chuối gói bánh ít chỉ gập lại, hững hờ mà không cần giằng buộc, phải chăng tại bánh ... ít?
Bánh đầy mâm anh rằng bánh ít
Trầu cả chợ chị bảo trầu không

Còn bánh su sê thì gói buộc cẩn thận. Sách chép lại rằng:
Bánh su sê hay còn gọi là bánh phu thê. Tên gọi này gắn liền với câu chuyện kể về vợ chồng người lái buôn thuở xưa. Chuyện kể rằng, trước lúc người chồng lên đường đi buôn ở phương xa, người vợ làm bánh tặng chồng và thề rằng cho dù xa nhau nhưng lòng nàng vẫn luôn ngọt ngào, đậm đà như bánh.
Vậy dây buộc bánh hay ... ?
Từ ngày chàng bước xuống ghe
Sóng bao nhiêu đợt bánh phu thê rầu bấy nhiêu

Người gói bánh hay hữu ý làm thơ?

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2009

Lan man mưa

Hôm qua chạy xe máy trong mưa dọc tuyến quốc lộ.
Xung quanh là những đông đảo đồng-bào-tập-làm-cảnh-sát-giao-thông. Còi tứ phương tám hướng. Dân ta vẫn vậy. Làm hay không bằng hét to.
Và vội vã đánh cược tính mạng mình cùng nhiều-người-xung-quanh để giành lấy những khoảnh-khắc-thời-gian-có-vẻ-quý-giá-chẳng-để-làm-gì.

Mình e dè đi sau một chiếc ô tô to đùng. Nghĩ, nhanh chẳng để làm gì. Kẻ trước người sau nhanh chậm khác nhau ai-chả-tới-đó (địa ngục!).
Chiếc xe khách loại hai tầng giường nằm. Có chữ to tướng: Ba Đào. Tự dưng nhớ:
Sắc bất ba đào dị nịch nhân.
Vốn là vế đối của câu:
Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách.
Cũng hợp cảnh quá. Mấy hôm nay tầm tã đến thâm cả đất trời.

Thuở xưa, vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng tên là Ngưu Lang, vì say mê nhan sắc của một tiên nữ tên là Chức Nữ nên bỏ phế việc chăn trâu, để trâu đi nghinh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông.
Nhưng về sau, Ngọc Hoàng nghĩ lại, thương tình nên ra ơn cho Ngưu Lang, Chức Nữ mỗi năm được gặp nhau một lần vào tháng Bảy. Và khi tiễn nhau, Ngưu Lang Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hoá thành cơn mưa và được dương thế đặt tên là mưa ngâu.

Ngọc Hoàng thật ác quá đi. Bao nhiêu năm vẫn không quên chút lỗi cũ. Để đến nỗi hai ông bà tội nghiệp kia khóc ngập đất trời. Kiểu này cứ năm sau nỗi nhớ nhung lại còn hơn năm trước.
Hay bữa nay số đôi chàng Ngưu nàng Chức tăng lên gấp bội? Khiến cống cống mới xây chảy không hết nước mắt. Đê đê mới đắp ngăn không nổi lệ tràn.

Để vẫn rằng: tháng Bảy mưa ngâu ...

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

Thời gian và ...

Tối qua ĐN có một cơn mưa thật lớn. Có lẽ cơn mưa cũng đã làm đất trời nóng nực phần nào dịu lại. Nhưng có làm mát được tâm hồn? (Và cơn mưa đến ...)

Tối qua mình lại có một cuộc nói chuyện dài với chú. Sau một thời gian dài.
Ôi thời gian!
Không phải là thời gian gần 4 tiếng nói chuyện. Cũng không hẳn là thời gian gần 1 năm không gặp.
Nhưng rõ ràng là thời gian này đo bằng năm bằng tháng. Không phải tính ngày giờ.

Ngày giờ thì trôi chậm nhưng năm tháng lại qua mau.

Không biết có phải tại chú đã già? Nên những lý lẽ không còn thuyết phục?
Hay tại mình đã già? Nên không còn đủ nhạy bén tiếp thu?
Khoảng cách 12 múi giờ như không được rút ngắn qua Y!M như trước nữa!
Than ôi thời gian!

Vậy mà mình vẫn loay hoay trong lãng phí thời gian. Trong tuyệt vọng ngày mỗi ngày mỗi tăng.
Chú vẫn cố tỏ ra lạc quan như xưa. Liệu có còn thực? Theo chú thì mình còn phải có 30 năm làm việc trước mắt nữa. Muốn nghỉ mà được chăng?

Nhưng đánh giá thực tế thì mình với chú thống nhất cao. Phải chăng lối thoát qua cửa quá hẹp? Mà quan trọng hơn, cái cửa hẹp ấy ở đâu?
Chú lại nói về Nhục nhãn - Thiên nhãn - Tuệ nhãn - Pháp nhãn - Phật nhãn.
Nếu mình tin, thì mình nghĩ đâu chỉ có 5? Mà sẽ là vô cùng nhãn. Nhưng Phật cũng chỉ mới có đến 5, thì ... ?!
Mà có tin được chăng? Khi mà mình loay hoay nào có thấy gì với 2 con nhục nhãn tội nghiệp. Lâu lâu lại còn đau nhức đến oải người.
Nhục nhãn 2 con thấy thế giới 3D. Người tài có thiên nhãn. Nhìn xa hơn chăng? "Trên thông thiên văn dưới tường địa lý"? Thấy được trục thời gian nữa chăng (4D)? "Biết quá khứ đoán định tương lai"?
Chưa nói Pháp nhãn, Phật nhãn, mình cần Tuệ nhãn để truy tìm cánh cửa hẹp. Người biết thì ít lắm, mà không chỉ được. Người tưởng là biết thì nhiều lắm, ích gì? Còn người không biết thật là Hằng hà sa số.

Duyên đốn ngộ ở đâu?