Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

Tứ quân tử

Vốn chẳng định nói về quân tử, là loài đã bị tuyệt chủng trên đất nước này (!?).

Mà chỉ định nói về hoa. Nhân năm đầu tiên Đà Nẵng có đường hoa. Và mình cũng có thời gian lang thang dạo phố xem hoa Tết. (Lạ là có bao giờ tất bật gì đâu, sao trước chẳng thong dong?).


Không hiểu sao mình cứ bị ám ảnh bởi câu thơ của cụ Nguyễn Yên Đổ:

Đương say ta chẳng biết rằng hoa

Mình không chưng hoa, cũng chẳng chơi hoa. Xưa nay nghe thiên hạ ba hoa nhiều, rảnh rỗi tối ba mươi, mới hỏi chuyện cùng bạn Gúc. Bỏ qua những lộn xộn tứ quý, tứ bình, ... mình thử xem tứ quân tử.

Trừ một vài (có lẽ) lầm lẫn tùng trúc cúc mai, thì tứ quân tử của người xưa là mai lan trúc cúc.




Đầu tiên nói về thứ tự, hình như phải là mai-lan-trúc-cúc, nhầm lẫn thành mai-lan-cúc-trúc khá phổ biến.

Nhầm lẫn rất nhiều nữa là lạm dụng hai chữ thuỷ mặc, trong khi tranh rõ là có màu.

Mình sẽ không lạm bàn, vì sao được xưng là tứ quân tử. Chuyện này hẳn không thể tóm tắt trong vài dòng. Nên cũng sẽ không xem mặc mai, mặc lan, mặc trúc, mặc cúc.

Tuy nhiên, nếu thắc mắc về lan, mình lại hoàn toàn không thắc mắc về trúc. Từ xưa mình vẫn phục trúc quân tử:

Vị xuất thổ thời tiên hữu tiết
Đáo lăng vân xứ dã hư (vô) tâm

Nhớ chuyện lý luận của cụ Mạc (Đĩnh Chi) bên Tàu, rằng chim sẻ (tiểu nhân) không được vẽ đậu cành trúc (quân tử). Tuy nhiên lại thường xuyên có chuyện vẽ chim sẻ đậu cành mai thì chẳng thấy cụ í nói gì, hihi.

Chuyện mai thì khá ồn ào. Cây mai vàng ngày nay của dân xứ ta thực ra chẳng liên quan gì đến cây mai giỏi chịu gió rét đứng đầu tứ quân tử. Mình xem từ điển Thiều Chửu thì mai được dịch là mơ, chú thích có hoa mơ trắng và hoa mơ đỏ. Nhiều tranh tứ quân tử vẽ hoa mơ đỏ khiến không ít người tưởng tứ quân tử là đào-lan-trúc-cúc. Học giả Đông A còn mắng cây mai vàng là giả tá. Than ôi, nếu nói giả tá ở xứ này thì đâu chỉ một mai vàng?

Mai lan trúc cúc tứ quân tử lưu lạc xứ ta chỉ còn mỗi cái tên. Hình hài xưa nếu ai biết đến chẳng đã gọi mơ lan tre cúc?


Hoa ngày Tết la liệt mai cùng cúc, vàng tươi khoe sắc xuân, vàng rực rỡ tượng trưng phú quý. Mai vàng đã giả tá rồi, còn cúc vàng liệu có ...

4 nhận xét:

Cô Nhỏ nói...

Đêm giao thừa được biết thêm đôi điều thú vị về Tứ quân tử. Cảm ơn Lãn ông. Giao thừa ấm áp, năm mới vui vẻ nhé ông ơi ! :)

Thủy Nguyệt lãn ông nói...

Tks. Chúc Cô nhỏ và gia đình năm mới an khang, hạnh phúc!

Unknown nói...

Th ơi e có 1 thắc mắc vậy tứ quý chính các là : Tùng trúc cúc mai phải không ạ?

Thủy Nguyệt lãn ông nói...

Thực ra, tứ quý chính xác là 4 vật tiêu biểu. Phổ biến nhất, và thường được thể hiện qua các bức tranh, là 4 loại cây (cũng thường kèm theo 4 loại chim) đại diện cho 4 mùa trong năm Xuân Hạ Thu Đông.
Có nhiều bộ tứ quý khác nhau, khó nói thế nào là chính xác, nhưng đúng là chúng ta thường thấy nhất: tùng trúc cúc mai. Thứ tự này cũng thường được nói cho thuận miệng, chứ treo tranh phải chú ý đến thự tự các mùa. Tùng đại diện cho mùa Đông, trúc - Hạ, cúc - Thu và mai - Xuân.

Có thể thấy các loài cây tiêu biểu này gần gũi với văn hoá Trung Hoa. Ở phía Nam Trung Quốc cũng có câu Xuân Liễu - Hạ Quỳ - Thu Cúc - Đông Mai. Phương Nam khí hậu nóng hơn, mùa Hạ thường nhắc tới hoa Sen (giống hoa Quỳ).