Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Thiên hạ

Lịch sử văn hoá phong kiến Trung Hoa luôn đề cao vua hiền không ai hơn Nghiêu Thuấn.

Nghiêu làm vua, không nhường thiên hạ cho con mà nhường cho Thuấn. Sau đó Thuấn cũng không nhường ngôi cho con mà nhường cho Vũ. Đến lượt Vũ thì không giữ được, sách viết - "bắt đầu lệ lấy của thiên hạ làm của nhà".

Tiếp trải lịch sử mấy ngàn năm cha truyền con nối mà vẫn coi Nghiêu Thuấn là hiền phỏng có nguỵ lắm chăng?



Xét kỹ Nghiêu vốn gả cả 2 con gái là Nga Hoàng Nữ Anh cho Thuấn, vậy Thuấn nào phải người ngoài? Nhường ngôi cho con rể, lại là con rể "double" hehe không vừa lòng với con trai Đan Chu, tưởng cũng thường?

Chưa kể nói chuyện ngôn bất tận tín, vốn cũng có sách chép Thuấn giam Nghiêu lại, không cho Đan Chu gặp cha, chiếm lấy thiên hạ.


Đến chuyện Thuấn, lại chịu "bạo hành gia đình từ nhỏ". Mẹ mất sớm, mẹ kế và em cùng cha khác mẹ là Tượng ganh ghét, cha là Cổ Tẩu ngang ngạnh ngày ngày đuổi đánh. Sau có được thiên hạ đem cho người ngoài, lấy gì làm lạ?



Chuyện khác về Nghiêu.

Nghiêu làm vua, nghe Hứa Do là bậc hiền đức bèn đưa thiên hạ tới nhường cho. Hứa Do không nhận, còn cho lời ấy làm bẩn tai mình thời ra bờ suối rửa tai.

Kẻ có gắng chối bỏ, kẻ không có quyết từ. Thiên hạ thời thịnh trị lại nhơ nhớp đến thế sao?


Sào Phủ dắt trâu ra suối uống nước, gặp Hứa Do rửa tai, nghe thủng chuyện cũng đưa trâu lên đầu nguồn vì chê nước bẩn. Còn chê rằng "ông (Hứa Do) sống sao để Nghiêu biết tiếng mà tìm đến, là chưa đạt vậy!".

Sào Phủ là ẩn sĩ, không sống trong nhà mà làm tổ trên cây để ở, mới có tên gọi ấy (Sào Phủ). Cũng dạng dị nhân có tiếng khác người, mới biết chê người khác được mà vị tất mình đã làm được?





P/S. Mấy dấu hỏi (?) trong bài là do lão già lười nơi núi kia bỏ vào, bởi nghe chuyện thường mà lấy làm nghi hoặc ...

2 nhận xét:

tunrua nói...

Lại nói chuyện lão già lười trên núi nọ, nghe chuyện thiên hạ mà lòng sinh nghi, lật tới lật lui miếng sử, ngửa mặt than rằng: “ Hậu sinh botay”, Hix :)

Thủy Nguyệt lãn ông nói...

:)