Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Mồ hôi & nước mắt

 BÓNG CỦA MỒ HÔI

Tản văn
Nguyễn Ngọc Tư
Nhà kiêm luôn quán nước ngó ra đường, nằm đoạn giữa hai dải âm thanh của đôi thánh đường Hồi giáo gần đó. Mảnh ruộng cũng nhỏ nằm ngay sau nhà, đủ cơm cho cả năm, nhưng cũng ngốn ngấu nhiều thời gian và tâm sức. Gần năm năm trở lại đây, mùa nước lên, má con chị thêm dịch vụ cho mấy hội nhóm săn ảnh. Thằng con chèo xuồng đưa khách ra chỗ có chòm thốt nốt soi bóng nước đẹp nhất vạt đồng. Chị, hoặc trụng mấy tô mì cho khách dằn bụng, hoặc làm người mẫu ảnh. Công việc sau khó hơn, nhưng kiếm được nhiều tiền hơn.
Như mấy anh chụp ảnh nói, cảnh có đẹp cỡ nào mà không có con người thì cũng không sức sống. Chị chính là sức sống mà họ cần, là hồn vía của vạt đồng lai láng nước, của những cây thốt nốt nom cô độc, những lùm điên điển vàng bông. “Tui quê trớt, xấu òm, biết làm chi đâu”, chị nhớ lần đầu được mời làm mẫu, đã xua tay từ chối. Mấy anh chụp ảnh cười, dỗ chị cứ làm tiếp việc của mình, “chỉ vậy thôi là dư sức đẹp”. Trưa đó thằng nhỏ chống xuồng theo bạn vượt đồng nhổ bông súng, thứ bông súng vượt lên theo con nước, muốt dài. Nhổ được bao nhiêu, nó tha về giao cho chị, rồi ôm lưới đuổi theo bầy cá linh. Phần rửa sạch phù sa, khoanh tròn chúng lại theo từng bụi trước khi đem ra chợ bán là việc của đàn bà. Vậy nên mấy anh nhiếp ảnh mới bắt gặp một chị da nâu trầm mình bên đập, với mớ bông súng trải xoè quanh.
Quay phải, đúng rồi, ngước lên xíu, xong ngoái lại, ôi ngoái vừa thôi chớ đừng như kiểu trật cổ vậy, giữ nguyên dáng vậy là đúng đẹp, vai thả lỏng chút, lưng hơi gồng rồi, giờ cười thôi, mà đơ quá, gượng gạo quá, miệng cười mà mắt chưa cười, hai thứ đó phải đi đôi, chị ơi nghĩ gì vui vui đi. Bao giờ tới đoạn cười cũng khó. Nghĩ đời mình vui nhiều, không phải không có, cố thì sẽ bới được ra giữa đống ký ức bộn bề, lau dọn chúng cho sáng bóng, nhưng đều là chuyện đã qua, nhớ lại vui trong bụng thôi, khó lấy đó mà cười thả ga. Hay nghĩ về món tiền công mà mình nhận được, thì là chuyện của chút nữa, của sắp tới, cái chị cần để cười hết cỡ là hiện tại, ngay lúc này. Dễ gì mà vô tư lự trước một rừng ống kính đen ngòm chỉa vào mình, như thăm dò, như rình mò. Chưa kể lúc cười đúng như họ mong đợi rồi, đông cứng nụ cười đó vài ba phút rồi, mà động tác tay chưa đủ đẹp, vành nón lá quá nghiêng, hay gió thổi không đúng lúc làm đổ rạp đám bông điên điển ở hậu cảnh, coi như bỏ. Mấy anh chụp ảnh nói chị đẹp sẵn, nước da trầm khoẻ khoắn, mắt tròn sâu, mặt đường nét rãnh hằn đâu ra đó, đôi bàn tay gân guốc đúng điệu dân quê, giờ chỉ cần cười toả nắng nữa là được. Mà phải là nắng sớm mai, không phải nắng xiên khoai uể oải chiều tà. Buổi đầu làm mẫu nửa người dưới chị ngâm trong nước, nhưng nửa trên lại mướt mải mồ hôi. Tóc tai dính bết cả, nhưng mấy anh chụp ảnh nói vậy mới đẹp, càng mồ hôi càng đẹp. Họ nói - không biết thật hay giỡn - mồ hôi mà làm giả, kiểu như vẩy nước vào cũng không đẹp bằng mồ hôi thật, thiếu hơi muối nên nhìn hạt nó không trong và tròn chắc, không đọng lại lâu trên da.
Nhưng thằng con chị cãi, đẹp nhất má mình là khi nằm võng nghe cải lương buổi xế trưa, hay khi má gội đầu xong, ngồi hong tóc trước quạt gió, hoặc khi má tắt đèn chuẩn bị dọn quán, chắp tay sau đít nấn ná đứng nhìn ngấn trăng rọi vói vào nhà, kiểu không nỡ nào đóng cửa. “Trời ơi, mấy lúc vậy bả đẹp kinh hồn vía”, thằng nhỏ vừa ngậm cọng cỏ mần trầu bên mép, vừa nói với mấy tay máy, gạ gẫm họ ghi lại hình ảnh má mình những lúc mà cậu cho là đẹp. Một người trong đám họ cười, mẫu ảnh phải làm gì đó, không ngồi không vậy được đâu. “Đếm tiền thì sao?”, thằng nhỏ không bỏ cuộc. Tối nào đếm xong má nó cũng vuốt mớ tiền giấy cho thẳng thớm, trước khi ràng dây thun hoặc chia ra từng gói nhỏ. Gói để dành cho nó cưới vợ, gói đi chợ, gói gửi về cho cha mẹ già bên Ba Chúc. Má nó làm công việc đó một cách nhẩn nha, như nhấm nháp hương vị của thứ trái ngọt mình đã tự mình trồng tưới. Xong việc vẫn còn lơ mơ một lúc, như dư vị vẫn còn trong cổ họng. Những tờ giấy bạc qua tay trẻ con cũng dính dấp xi rô, kẹo sing gum, mấy hột cơm, hay là mủ chuối từ tay mẹ chúng. “Mớ đó là lên hình cũng đẹp dữ dằn”, thằng con đeo bám không chịu thôi. Thấy kẻ mù mờ nghệ thuật này còn lâu mới nản lòng, ai đó chốt hạ cho xong, “làm gì thì cũng phải có mồ hôi, đắt giá là ở mồ hôi đầm đìa đó, được giải hay không là nhờ nó”.
“Ủa, gì kỳ, tươm tất mà không chịu đẹp, đòi te tua là sao?”, thằng con bực bội thấy rõ, quay tìm má để tìm kiếm đồng minh. Nhưng chị bận soi gương chỉnh lại cái mat’ra. Lần đó chị vào vai một người đàn bà Chăm đang dệt vải.
Và bộ ảnh nọ chị ít mồ hôi nhất, trong gần chục năm làm mẫu. Chỉ lấm tấm một chút trên trán, rịn thẫm mép khăn thêu. Nhiều lần chị nhìn lại chính mình, từ hình họ tráng in ra giấy gửi về, hoặc ghé mắt vội trên màn hình máy ảnh, hết thảy chị trong ấy đều lam lũ, mướt mải. Người đàn bà trong đó dẫu đang tung chài, hay hái bông điên điển, hay rửa bông súng với hậu cảnh chòm thốt nốt, kiểu gì thì cũng đẫm mồ hôi, cũng khoe bàn tay tựa cành khô, cũng cái cười xếp nếp nhăn lên mặt nhưng mắt rạng rỡ vô cùng. Chị không có tên thật trong những bức ảnh đó, họ gọi chị bằng “nét đẹp lao động”, hay “tung chài”, hay “hoa của nước”. Nhưng không hề gì, chị biết kẻ trong ảnh là mình, dù đang làm gì mặc trang phục dân tộc nào. Cả thằng con chị cũng nhận đó là má mình, “nhưng xấu”.
“Má đẹp nhất là không làm gì”, thằng nhỏ nói, chìa cho chị coi tấm hình nó chụp bằng điện thoại rẻ tiền, loại nghe gọi chọi. Chị nằm trễ nãi trên võng, như chẳng lo nghĩ gì, trong thứ ánh sáng chạng vạng, tay chân buông thả lỏng lơi. Ảnh mờ căm, không bố cục chi hết, nhưng chị biết mình đó. Một phiên bản mà chị chưa bao giờ nghĩ là có, và nhìn thấy dù là trong gương.
Chỉ là chị không biết mình ở phiên bản nào thì đẹp hơn. Chị của mồ hôi thì nhìn đã quen rồi. Đến thành mặc định, chị cứ sợ không mồ hôi thì không ai nhận ra mình, nói chi là mời làm mẫu. Lâu lâu ai đó gọi khoe ảnh chụp chị được trao giải cao, rồi ai đó khoe chân dung chị được bảo tàng phụ nữ mua lại. “Vậy là ảnh chị được treo ở đó cả trăm năm nữa, cho cháu chắt chị coi”, nghệ sĩ nọ hồ hởi nói qua điện thoại. Đứa con nghe tin tự dưng trong lòng bức bối. Nó cũng không biết mình buồn bực vì lẽ gì. Nhưng một bữa trên đường đi làm hồ, ngang qua bảo tàng nọ, thằng con chị nhận ra, chừng nào cái bảo tàng còn, cái ảnh kia còn treo trên vách phòng trưng bày thì má mình còn dầm mình trong nước lũ rửa bùn sình cho bông súng.
Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư
Dùng bản Tư gởi
Lên trang này ngày 18-1-2023

(Copied từ Viet-Studies.net)



Nhưng lão muốn đặt lại tựa, là, Sự khốn nạn của tuyên truyền, nghe ... khốn nạn quá chăng?

Không có nhận xét nào: