Trích Một đời người qua được mấy dòng sông của Nguyễn Thị Hậu (Hậu khảo cổ).
Sau này lịch sử còn cho tôi biết, sông Gianh từng là nơi xảy ra nhiều trận chiến vô cùng ác liệt. Từ năm 1627 đến 1672 hai bên Trịnh–Nguyễn giao tranh liên tục ở vùng này. Tuy cùng lấy danh nghĩa "Phù Lê" nhưng sau nhiều năm giao chiến, cả hai bên đều kiệt quệ về sức người sức của nên phải chấp nhận đình chiến. Sông Gianh trở thành ranh giới chia nước Đại Việt thành Đàng Trong và Đàng Ngoài trong hơn hai trăm năm sau đó.
Đại Nam liệt truyện kể rằng, sau trận chiến ác liệt kéo dài vào cuối vào năm 1672, khi chiến thuyền quân Trịnh rút lui, chúa Trịnh ra lệnh tha tất cả tù binh phe chúa Nguyễn, lại cho quần áo, ai muốn đi đâu thì đi. Bởi vì đó là những người bị bắt đi lính, không theo bên này thì phải theo phía kia, gần như ngoài ý muốn. Còn phía chúa Nguyễn “Sau khi quân địch rút lui, phàm những quân lính Bắc Hà bị bắt, Hoàng tử Hiệp đều sai cấp cho tiền gạo quần áo, tha cho về, không giết một người nào. Lại đặt một lễ đàn trong thành Trấn Ninh tế tướng sĩ tử vong, cũng đặt một đàn ở ngoài thành Trấn Ninh để tế quân Hà Bắc chết trận”. Người chết thuộc bên này hay bên kia đều là dân nước Việt, tất cả đều xứng đáng giải oan sau cuộc “nồi da xáo thịt”.
Dòng sông nào là giới tuyến thì dù hai trăm năm hay hai mươi năm, một chuyến đò ngang cũng sẽ nối liền… Còn lòng người, lỡ cắt chia rồi thì phải bao lâu mới về một mối?
Sau này, con cháu họ vẫn tiếp tục đánh nhau. Vẫn nhiều người chết, nhiều người bị bắt. Vẫn lấy sông làm ranh giới.
Nhưng sau này, ranh giới không chỉ ở dòng sông. Vì vua chúa sau này không còn nhân nghĩa như trước ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét