Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Bi ai

Gần đây rộ lên đăng lại "10 điều bi ai của dân tộc", được cho là của cụ Phan Châu Trinh.


1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.
 2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.
 3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.
 4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.
5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.
6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.
7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.
9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.
10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v...


Thực ra thì đây là một dạng tóm tắt ý, khá giống với trong lời giới thiệu của Nguyễn Văn Dương cho Tỉnh quốc hồn ca I của cụ Phan Tây Hồ.

Nếu nói cho chính xác thì phải còn hai mục nữa:

11. Người ta thi đua sản xuất các mặt hàng mới và tốt.

12. Người ta chú trọng tổ chức y tế một cách chu đáo tinh tường.

Chính là tóm tắt Tỉnh quốc hồn ca, bao gồm 13 chương, 468 câu theo thể loại văn vần song thất lục bát. 12 điều trên là nội dung 12 chương, trừ ra chương đầu gọi là Mở đầu.

Mỗi chương đều được mở đầu bằng nêu gương "người ta" và sau đó là nghiêm khắc phê "mình".

Ví dụ, chương năm có tiêu đề Đoàn kết, thương yêu nhau! (điều 4 ở trên), mở đầu như sau:

Người ta nghĩ sâu dài cặn kẽ,
Đũa bó to ai bẻ cho xuôi?
Chia ra từng chiếc từng đôi,
Phải ai tai nấy thương ôi còn gì.
Vậy nên từ đồng nhi, phụ nữ,
Chẳng ai không phải giữ lấy nòi.
Khôn ngoan đối đáp người ngoài,
Người trong một nước thì coi như nhà.



Hay như chương mười một Làm việc vì nước vì dân! (điều 10 ở trên), có đoạn:

Người mình không đức, không tài,
Ham quan, ham tước, chen vai cúi đầu
Cửa quyền môn mai chầu tối chực,
Đua chen nhau rạo rực như sôi.
Cửa tiền cửa hậu lăn vùi,
Cùng ra đến lỗ giậu chui cũng lòn.
Mình được rồi lo con lo cháu,
Lạ lùng thay cái máu tham quan.


Nói chung những giáo huấn kiểu này, may là của bậc đức cao vọng trọng nên mọi người dè dặt (cũng là một đặc tính rất Việt nam), chứ bình thường thì các phản ứng thông dụng sẽ là:

- Sai bét

- Không đúng hoàn toàn, có người thế này có người thế nọ (loại ý kiến này có thể nhiều nhất)

- Mày làm được gì mà dám nói thế? (may quá, cụ Phan nói, hehe)

- Thế mày là ai, ở đâu?

Tóm lại thái độ tiếp thu chê bai điển hình, hihi. Còn đồng ý may ra chỉ một vài.


Dù cho chỉ là số ít như vậy đi chăng nữa, nhưng cách đây hơn thế kỷ như thế, bây giờ vẫn còn như thế thì câu hỏi không phải là nhỏ. Chưa kể "số ít" này còn đóng vai trò thế nào trong lịch sử dân tộc, mới là "bi ai".





Nhân đọc lại PCT toàn tập, thấy lời kết tội cương quyết của ông dành cho Phạm Ngọc Quát về cái chết của Trần Quý Cáp.

Lịch sử, đặc biệt đang lờ mờ trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều nghi vấn. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu, có nghiên cứu hẳn hoi, chỉ đặt nghi vấn cho sự liên quan của Nguyễn (Văn) Mại, còn Phạm Ngọc Quát dường như không còn nghi ngờ gì nữa.

Sách vở ngày nay có lối nói cứ đổ cho tội ác phong kiến thực dân. Thực ra một vụ án đã mang danh "mạc tu hữu" tất phải có Tần Cối.


Btw, Phạm Ngọc Quát có người cháu nội về sau cũng khá thành công trong một chính phủ khác, là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.

Không có nhận xét nào: