Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Mục hạ vô nhân

Xem Kỹ thuật của người An nam, thấy có bức vẽ:


Trên có 4 chữ đề: phường xẩm đánh nhau.


Bỗng nhớ 4 chữ: mục hạ vô nhân (目下無人). Nghĩa là: dưới mắt không có người. Xưa dùng để chỉ những người kiêu ngạo, không xem ai ra gì.

(Nôm na hay nói: nhìn bằng nửa con mắt. Ấy là lối nói đã giảm bớt rồi. Dân ta vẫn thế, việc gì cũng làm mềm đi. Bớt cá tính, bớt góc cạnh.)


Lại còn có bài thế này:

Mục hạ vô nhân, chúng anh đây mục hạ vô nhân
Nghe em nhan sắc lòng xuân anh mới não nùng
Dù em, dù em má phấn chỉ hồng
Dửng dừng dưng anh cũng chẳng thèm trông mà làm gì
...

Kiêu không kiêu không?

Nói kiểu teen là: không kiêu. Vì quá kiêu, hehe.


Bài này, nhiều nguồn dẫn lời là của cụ Tam nguyên Yên đổ. Nhưng nó đã thành một bài xẩm chợ phổ biến.

Xẩm chợ, nghĩa là hát xẩm ở ngoài chợ. Nói trắng ra là đi ăn xin.

Tất nhiên kẻ khoẻ mạnh lành lặn mà ra chợ hát xẩm mua vui kiếm ăn không chừng còn bị người ta đánh cho là đằng khác. Nghề này là nghề của những người có thiệt thòi, lúc trước hầu hết là người mù.

Mà đã mù thì còn thấy ai đâu, bảo không mục hạ vô nhân?


Cho nên nói cái cười ở đấy, mà cái khóc cũng ở đấy. Đời nay mấy ai hiểu. Càng thấy buồn cho bốn chữ mục hạ vô nhân.

Càng tin đúng là lời cụ Nguyễn Yên đổ. Đồn rằng cuối đời cụ cũng bị loà, hay giả loà, để khinh đời chơi. Các nhà nho lúc trước thường chế lời cho dân gian hát. Cũng là cách cười khóc với đời.



Còn những kẻ mù thật, lo mưu sinh đã nhọc nhằn, mà vẫn có cơ sự để đánh nhau như bức vẽ trên, chẳng đáng buồn sao? ...

2 nhận xét:

tunrua nói...

Chắc đời buồn, nên họ đánh nhau! Chứ thấy cái anh kia miệng cười toe toét! Hi hi

Thủy Nguyệt lãn ông nói...

Đánh nhau cho vui hì :)