Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

Trấp tổn

Lão già kia ở núi đã lâu, nay nghe những chuyện thuê đất bán nước thời không hiểu mấy. Thôi thì chỉ nói chuyện thơ văn.

Lại nhân đang đọc sách cũ của cụ Vương (Hồng Sển), bèn học lối tuỳ tiện nhớ đâu viết đó, chẳng tra cứu sắp xếp lớp lang gì ...


***


Bạn, một hôm hỏi: Anh ở xứ Quảng đã lâu, biết "trấp tổn" nghĩa là gì chăng?

Đáp:
Há phải Đường Ngu mà trấp tổn
Nào Thang, nào Võ ở mô na?
phải không?

Bạn vỗ đùi đánh đét: đúng y tổ kiến lửa rồi.

Cười, mình, quê Quảng Trị, học Quảng Đức, nay ngụ Quảng Nam, xem  như Ngũ Quảng cũng gần, phải không? Chắc bạn biết mấy câu thơ trên xuất xứ Quảng Nam nên nghĩ tiếng địa phương mà hỏi? May cho lão, Quảng, chỉ gà què, nhưng biết được 2 chữ trên vốn là ... chữ Hán.

Hai chữ này, vốn chẳng được dùng mấy, bởi, chỉ một khái niệm xa xưa sau này không còn lặp lại. Phiên âm "trấp tổn", cũng có nơi "ấp tốn", lão đọc được ở đâu đó, nôm na là "vái nhau mà nhường thiên hạ". Ấy chỉ việc Nghiêu Thuấn xưa. Nghiêu vái mà nhường thiên hạ cho Thuấn, sau Thuấn lại "trấp tổn", trao thiên hạ cho Vũ.

Sử Trung Hoa, thường bắt đầu từ thời Tam Hoàng, Ngũ Đế. Cũng nặng truyền thuyết, nhiều sử gia cho rằng, thuở ấy chắc chỉ cỡ bộ lạc, tù trưởng chứ chưa đến vua chúa phong kiến. Hai vua cuối cùng trong Ngũ Đế là Nghiêu và Thuấn.

Nghiêu, có 2 con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh, đều gả cho Thuấn. Nên, nhường ngôi cho Thuấn, tưởng cũng không lạ lắm. Thậm chí có sách còn nói Thuấn âm mưu hại con trai Nghiêu, đoạt lấy thiên hạ.

Đến lượt Thuấn, cha ngang ngạnh, em hư hỏng, sau này có thiên hạ đem trao cho người ngoài là Vũ thì cũng thường thôi.

Song, sử Tàu, có cái hay là cứ lấy cái ban sơ làm gương, nên sách sau này đều viết: vua hiền không ai hơn Nghiêu Thuấn. Cũng có cái tốt, là răn hậu sinh bớt kiêu căng.

Nếu giữ được truyền thống thì Vũ đã nhường thiên hạ cho người ngoài là Bá Ích. Nhưng, "các quan không chịu", rốt cuộc thiên hạ về tay con Vũ là Khể, "bắt đầu cho cái lệ, lấy thiên hạ làm của nhà".

Xem như Vũ sáng lập ra nhà Hạ, (nên cũng gọi Hạ Vũ). Cha truyền con nối đến Kiệt thì không ra gì. Tàn bạo, hoang dâm vô độ. Nên, Thang phải nổi lên mà đuổi đi.

Thang lập nhà Thương, cũng gọi là Ân (Thương Thang, Ân Thang). Truyền đến Trụ thì cũng chẳng khác gì Kiệt. Cuối cùng bị giết bởi Võ vương (con của Văn vương), nhường chỗ cho nhà Chu.

Sử Tàu, sau vẫn nói, vua xấu không ai hơn Kiệt Trụ.


Mải học cụ Vương nên đi xa lạc đề, bây giờ quay lại 2 câu thơ đã dẫn.

Nghiêu đặt hiệu nước là Đào Đường. Thuấn gọi tên nước là Đại Ngu. "Há phải Đường Ngu mà trấp tổn" chính là: nào phải Nghiêu Thuấn đâu mà đòi nhường thiên hạ?

"Nào Thang nào Võ ở mô na", hỏi ông Thang, ông Võ (vương) ở đâu tức ý muốn mắng chúng mày chính là lũ Kiệt Trụ.


Bạn, thắc mắc, hoàn cảnh nào, sao tác giả mắng ai mà ghê thế?

Hai câu thơ, vốn là 2 câu kết của một bài thất ngôn bát cú. Tác giả là một bậc nữ lưu, sau này quen gọi là bà Bang Nhãn, do có chồng làm bang tá. Tục danh, hình như, là Nguyễn Thị Liễu, sinh quán Đại Lộc (Quảng Nam).

Bài thơ có tên "Qua cửa Hàn cảm tác" (viết nhân đi thuyền qua cửa Hàn - cửa biển Đà Nẵng ngày nay). Thực ra 2 câu kết này có rất nhiều dị bản (trong khi 6 câu đầu khá thống nhất), trong đó, 2 câu dẫn ở đây dường như ... khó hiểu nhất. Nhưng vì thích nên ... lão chỉ nhớ 2 câu này, theo đúng tinh thần cổ thi điển tích.

Lão đoán, bài thơ được làm vào những năm 1885, 1886. Vì năm 1885 là năm "kinh đô thất thủ", Tôn Thất Thuyết rước vua Hàm Nghi lánh ra Tân Sở. Đồng Khánh lên ngôi. Nhiều sử gia cho rằng Đồng Khánh trả ơn người Pháp ủng hộ nên cắt đất dâng Pháp. Thực ra, có thể thế lúc đó chẳng đặng đừng. Một loạt vùng đất bị cắt giao cho người Pháp, gọi là nhượng địa, trong đó có Đà Nẵng (ngày nay).

Người Pháp gọi bằng tên Tourane. Sĩ phu thời ấy tránh tên gọi này, xem như gợi nỗi nhục mất nước. Không như ngày nay, cháu con vinh dự đặt Tourane này Tourane nọ cho dự án ấy dự án kia.



Nói vậy cũng đã quá dài. Lão chỉ nhớ bài thơ thế này:


Qua cửa Hàn cảm tác
Bà Bang Nhãn

Ầm ầm ngựa lại với xe qua
Nhượng địa là đây có phải a
Liếc mắt nhìn xem phong cảnh lạ
Chạnh lòng nhớ tới nước non ta
Những trang hồ thỉ rày đâu vắng
Nỡ để dân đen tủi lắm mà
Há phải Đường Ngu mà trấp tổn
Nào Thang nào Võ ở mô na?

4 nhận xét:

Lien nói...

Mấy bữa nay em cũng tìm hiểu sử VN coi sao mà chả biết đúng sai thế nào. Chỉ phát hiện hình như mình gốc Tàu mà cũng không biết đúng không. Mà thôi kệ, kiếp sau quyết làm cục đất cục đá nên gốc chi cũng được :D

Thủy Nguyệt lãn ông nói...

Hiển nhiên VN có không ít (không chỉ người) gốc Tàu, nhưng có sao nếu chúng ta chung tay xây dựng một cộng đồng bản sắc. Cha ông chúng ta mất bao nhiêu xương máu để được 2 chữ độc lập (khỏi nước ngoài), trong khi rất rất nhiều những điều khác không hề đạt được. Khi chủ nghĩa dân tộc (khá cực đoan) trỗi dậy là dấu hiệu của quá nhiều bất ổn không được giải quyết. :-)

Btw, sử VN (thật sự) không dễ tìm hiểu, vì sách vở chính thống đa phần là ... láo :-D

Lien nói...

Vụ cha ông thì thật sự em không nắm được 1000 năm Bắc Thuộc, theo như em hiểu thì thời đó vẫn nhập nhằng và chỉ một nhóm dân cư khá ít ỏi. Cũng có thông tin cứ đánh qua đánh về nên thật sự đô hộ mình ít hơn nhiều. Thêm nữa người mình cũng sống rải rác nên dân thực sự bị đô hộ không nhiều. Cái này em cũng không biết đúng không. Riêng Pháp và Mỹ thì em thấy rõ ràng hơn và ba em cùng nhiều bà con tham gia vào cuộc chiến. Vấn đề tại sao giờ người mình lại cuồng Mỹ, Pháp đến như vậy. Nên thật sự bảo em vì dân tộc thì em không và phần nào em tiếc cho ba em & bà con em.

Thủy Nguyệt lãn ông nói...

Muốn biết sử thì phải đọc nhiều. Còn những tình cảm có phần cực đoan (bao gồm cả tinh thần dân tộc hay yêu nước) chỉ là hậu quả của sự phân hoá xã hội, nguyên nhân sâu xa là thiếu tự do. Pháp Mỹ hay Tàu Nga chỉ là chuyện bên ngoài, cái chính là nội bộ chúng ta. :-)