…“Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác”…(Rasul Gamzatov, 1923-2003)
Trước hết phải nói rằng kể cả câu trích dẫn trên đây, được cho là của Gamzatov cũng chưa hẳn đã chính xác. Có người còn bàn ra nhiều về cách dịch, mà cũng không rõ nguyên gốc nó từ ngôn ngữ nào ...
Mới thấy, để xác tín được một vấn đề lịch sử là không dễ dàng gì.
Từ nhỏ, đã quen nghe rằng, Hoàng Cao Khải là một viên quan bán nước.
Cho mãi tới mấy năm gần đây, tình cờ đọc đôi nơi có lời giới thiệu Việt sử yếu, mới giật mình.
Một dân tộc tự khoe nhiều ngàn năm lịch sử, mà cứ liệu thì như lá mùa thu. Nay có hẳn một quyển sách thì e nhiều điều khác dễ hoá thị phi?
Bèn cất công tìm kiếm. Tiếc là vẫn chưa có trong tay.
Hôm nay đọc Tân ấp tướng công Hoàng đại nhân các hạ, lại giật mình lần nữa.
Đây là một lá thư của Phan Châu Trinh gửi cho Hoàng Cao Khải, nhân dịp A. Sarraut sang thăm Đông Dương (1920?). Đánh giá ông này là người cấp tiến, cụ Phan mong muốn cụ Hoàng gặp để trình bày những điều có ích cho công cuộc cải cách dân tộc. Mà theo cụ Phan, phải là người có tâm có tầm mới làm được.
Năm 1910, khi Trinh ở Nam Kỳ từng được ngài Tham biện tỉnh Mỹ Tho đem cho xem cuốn Việt sử kính (tức cuốn Gương sử Nam) của ngài soạn. Đọc xong dấy lên nhiều điều cảm xúc. Tuy việc lập ý dùng từ gãy gọn nhẹ nhàng, không thể khiến cho người tuổi trẻ tân tiến hoan nghênh hết được, nhưng trong đó với sự nhìn nay nhớ xưa, xét việc đã qua biết điều sắp tới về tiền đồ thành bại mất còn của Tổ quốc của chúng ta, một lời ca thán ba lần thở dài, trước sự chỉ dẫn ra con đường mê lộ của người nước ta, chưa từng không lưu ý đến nhiều lần vậy. Qua đó, Trinh biết là Tướng công tuy cấp lưu dũng thoái (chảy gấp lui mau), vui thú điền viên, mắt thờ ơ nhưng lòng nóng hổi chưa từng có một ngày quên Tổ quốc.
Thú vị là lòng tương kính nhau cũng đến từ cuốn sách vậy.
Tìm đọc thêm trên mạng cho rộng đường, thấy có bài của một người tên Nguyễn Thị Đông Thái, không biết có phải người Hà Tĩnh, và không biết có là người học / dạy sử trong một trường đại học được mệnh danh khoa học xã hội và nhân văn.
Bài viết phản bác lại một PGS nào đó đang xem xét lại họ Hoàng. Vẫn những kết luận "bán nước" cũ, vẫn những lập luận, chứng cứ cũ, đa phần mang tính võ đoán. Mà dù những điều đó có đúng chăng nữa, thì chẳng lẽ người nghiên cứu sử lại tự cho là đủ không cần đếm xỉa đến nguồn tư liệu ngồn ngộn kia?
Để ý thấy trong đó còn có trích chính lời cụ Phan Tây Hồ lên án họ Hoàng (1913 ?!). Chưa tiện xác minh do lối tầm chương trích cú, không nói ở tác phẩm nào bàn chuyện gì chỉ nêu trang sách trong tuyển tập.
Ngờ rằng ông PGS đang bị người đàn bà kia lên án (mà không chỉ rõ tên) chính là ông Chương Thâu.
Vấn đề chưa biết đến đâu, thấy lối nghiên cứu cùng dạy và học sử của nước nhà mà muốn cùng sầu ...
Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
2 nhận xét:
Có khi nào Lãn ông bực cái mình quá đổi qua chép Sử luôn hông ta? :D
Chỉ sợ không xứng :)
Đăng nhận xét