Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

The silk village

Bài học đầu tiên của hắn về nghề tơ tằm, hoá ra từ một truyện cười nổi tiếng:

Lão nhà giàu nọ có anh đầy tớ tính rất bộp chộp, thấy gì nói ấy, gặp đâu nói đó, chẳng có đầu có đuôi gì cả. Lão mới gọi anh ta bảo:
- Mày ăn nói chẳng có đầu có đuôi gì cả, người ta cười cả tao lẫn mày. Từ rày nói cái gì thì phải nói cho có đầu có đuôi nghe không?
Anh đầy tớ vâng vâng dạ dạ.
Một hôm lão mặc quần áo sắp sửa đi chơi, đang ngồi hút thuốc thì thấy anh đầy tớ đứng chắp tay trịnh trọng nói:
- Thưa ông, con tằm nó nhả tơ, người ta đem tơ đi bán cho người Tầu, người Tầu đem dệt thành the rồi bán sang ta. Ông đi mua the về may thành áo. Hôm nay ông mặc áo, ông hút thuốc. Tàn thuốc nó rơi vào áo ông, và áo ông đang cháy…
Lão giật mình nhìn xuống thì áo đã cháy to bằng bàn tay rồi.



Sách chép rằng nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa bắt nguồn từ Trung Hoa. Người Trung Hoa giữ kín bí mật của mình nên mãi sau này mới truyền đến các nước khác. Theo truyện cười trên thì rõ ràng dân ta lúc ấy đã biết trồng dâu nuôi tằm nhưng vẫn chưa biết dệt lụa.

Theo một truyền thuyết khác thì người dạy cho dân ta nghề nuôi tằm dệt lụa là Mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của người Việt. Bà Chúa này, cũng theo truyền thuyết, sống và hiển thánh vào thời Hồng Đức, Hậu Lê.

Cuộc xâm lăng sâu rộng nhất của người Việt vào lãnh thổ của người Chăm cũng dưới thời vua Lê Thánh Tôn trị vì này.

Vùng đất Quảng Nam, thánh địa một thời của người Chăm, cũng có phát triển nghề nuôi tằm dệt lụa. Không biết do người Việt đem vào theo hay do người Chăm truyền lại?

Người Việt trồng dâu thành vườn, cây cao tầm ngang ngực người. Lá dâu không quá khô không quá ướt được hái vào, xắt nhỏ, rải lên nong cho tằm ăn.



Cây dâu Chăm cao quá mái nhà. Người Chăm không hái lá mà thả tằm lên cây cho chúng ăn và kéo kén trên đó.



Những con tằm lớn lên, sau kỳ ăn rỗi sung sức bắt đầu nhả tơ dệt thành một cái kén chắc chắn bọc quanh mình. Chúng biến thành nhộng trong kén đó và một ngày kia nở thành con ngài. Những con ngài tiết ra một chất đặc biệt để có thể đục kén chui ra.

Người ta hay nói về những con ngài như những con bướm, thực ra trông chúng chẳng giống bướm chút nào. Thân to, cánh nhỏ, chúng không thể bay mà chỉ tìm cặp để giao phối. Thời gian giao phối kéo dài cả tuần khiến con người tin rằng đem chúng ngâm rượu uống thì vô cùng bổ cho chuyện ấy, hihi.

Sau giao phối, con đực chết và con cái cũng chết sau khi đẻ trứng. Những quả trứng bé li ti sẵn sàng cho một chu kỳ sự sống mới.



Những cái kén khô để lại sau khi ngài chui ra tiếc là không dùng được cho việc gì. Để lấy tơ, người ta đem luộc trong nước nóng những chiếc kén còn nguyên con nhộng trong đó. Gặp nước nóng, tơ mềm ra và có thể đem cuộn lại cho việc dệt lụa sau này. Thực ra ban đầu sợi tơ tằm to và cứng như sợi cước, càng xử lý trong nước nóng chúng càng mềm.




Việc khôi phục khung cửi dệt lụa tơ tằm của người Chăm vẫn chưa xong. Người Chăm còn lại ít ỏi bị dồn vào vùng đất Ninh Thuận nắng cháy không thể tiếp tục duy trì nghề nuôi tằm dệt lụa truyền thống. Họ phát triển nghề dệt vải rất độc đáo và đẹp mắt.




2 nhận xét:

Cô Nhỏ nói...

Lãn ông nay tìm hiểu tới việc dệt lụa và cả việc ngâm rượu ngài nữa hen ;))
Mặc lụa tơ tằm thì thật thích mà nghĩ lại thấy ác ác sao á :(
Cô nhỏ cũng được biết Nhộng là một trong hai món ăn Việt Nam được liệt kê vào top những món ăn kinh dị nhất thế giới nữa nè. (Món còn lại là trứng vịt lộn)

Thủy Nguyệt lãn ông nói...

Xem ra VN cũng kinh dị hen Cô nhỏ? :D