Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Đoạn đầu tiên

Đợi đến khi những cuộc thi (một nền giáo dục hầu như không quan tâm dạy gì, học gì, mà chỉ quan tâm thi gì ...) cho phép học sinh tự chọn một chút thì người ta mới chịu cay đắng (cũng chỉ mới một chút) nhận ra cái sự thật đã kéo dài hàng mấy thập kỷ, rằng học sinh không thích môn sử. Câu hỏi dành cho (và không chỉ cho) những người thầy đang (ít nhất là tỏ ra) cay đắng kia: cái thứ mà các thầy đang dạy học sinh (và bắt chúng thi) ấy có đáng gọi là sử?

***

Người Trung Hoa nói rằng lịch sử của họ bắt đầu từ Tam Hoàng Ngũ Đế. Theo đó 3 vị đầu mang nhiều tính huyền thoại, 5 vị sau dần dần thực hơn. Nhiều sử gia tin rằng, Nghiêu Thuấn cũng chỉ mới là những vị tù trưởng hơn là những ông vua.

Rồi họ có những triều đại phong kiến đầu tiên: Hạ, Thương (Ân), Chu. Cuối Chu là thời Xuân Thu Chiến Quốc đầy biến động, tranh giành lãnh thổ, quyền lực với một nền lý thuyết quân sự và triết học phát triển. Kịp đến Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Hoa, nhưng sự ổn định kéo dài không lâu đã bước vào cuộc chiến Hán Sở tranh hùng, mà kết thúc bằng sự ra đời của nhà Hán. (Cho đến nay dân tộc chính của Trung Hoa vẫn được gọi là người Hán!).


Có lẽ, song song với thời gian nói trên, cư dân sinh sống ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng là người Lạc. Không có nhiều tư liệu về điều này. Thậm chí tên gọi cũng được cho là đã lưu lạc sang Trung Hoa rồi mới quay về, nghĩa là ta gọi ta theo cách người Trung Hoa gọi ta. Các nhà ngôn ngữ cho rằng chữ Lạc này chính là việc Hán hoá từ gốc của cư dân bản địa, chữ Lúa.

Theo một truyền thuyết mà nhiều người tin rằng xuất hiện không sớm hơn thế kỷ 15, người ta nói về triều đại các vua Hùng. Ngay cả khi các ông vua này là có thật (ở một dạng đơn sơ nào đó người Lạc cũng phải có một tổ chức xã hội nhất định?) thì tên gọi các vua Hùng cũng nhiều phần khiên cưỡng (bên cạnh lạc dân, lạc ấp, lạc tướng, ...). Từng có ý kiến khoa học về sự nhầm lẫn này (Hùng và Lạc) nhưng chưa tiện công bố.

Khiên cưỡng thứ hai là thời gian người ta nói về sự trị vì của 18 đời vua Hùng lên đến hơn 2000 năm, có vẻ như mang tâm lý nhược tiểu, nhằm sánh với dân tộc vừa đáng ghét vừa đáng sợ ở phía bắc?

Dù sao thì tính huyền thoại đem làm sử cũng gây nhiều khó chịu. Chưa kể việc hình thành một ngày giỗ quốc tổ dựa theo đó tạo không ít đàm tiếu. Như việc mới đây nhiều ý kiến cười cợt tuổi thọ các vua Hùng lên đến vài trăm tuổi.


Một điều nữa không thể không nói là lãnh thổ VN ngày nay hợp thành từ nhiều vùng đất có lịch sử nhất định, không chỉ từ một ông tổ loanh quanh vùng ngã ba sông Hồng.

Ngay từ khoảng thời gian Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Hoa, người Lạc đã bị khuất phục bởi người Âu (vùng núi phía bắc VN ngày nay?), lập thành nước Âu Lạc với vua An Dương (vương).

Âu Lạc sau đó lại bị thôn tính bởi Triệu Đà, vua nước Nam Việt (Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay), vốn tự tuyên bố tách ra khỏi Trung Hoa cuối Tần. Tiếp theo phần lớn lãnh thổ Âu Lạc được gọi là Giao Chỉ, bên cạnh vùng đồng bằng sông Mã, sông Cả (Thanh Hoá, Nghệ An ngày nay) được gọi là Cửu Chân.

Khi nhà Hán đánh tan Nam Việt, họ lập các quận Giao Chỉ, Cửu Chân như trên, và thêm quận Nhật Nam ở phía nam Cửu Chân, khoảng từ đèo Ngang kéo đến tận đèo Hải Vân.



Dường như, dưới ách thống trị bắc thuộc, nhiều vùng đất đã bị / được liên kết lại, hẳn với cả những con người sinh sống ở đó ...

4 nhận xét:

tunrua nói...

Hết loạt bài Thần thoại Hy Lạp, bữa nay anh Lãn bắt đầu qua Trung Hoa :)

Thủy Nguyệt lãn ông nói...

Đúng hơn là mảnh đất tội nghiệp phía nam Trung Hoa kìa :)

Cô Nhỏ nói...

Thì ra Lãn ông đang ngâm cứu lại Sử Việt. Ngưỡng mộ Lãn ông quá đi. Cô nhỏ cũng muốn đọc, nhưng mỗi lần đọc là mắt díp lại, xấu thiệt :(

Thủy Nguyệt lãn ông nói...

:)