Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Việc làng

Nhà văn Ngô Tất Tố từng viết tập phóng sự đặt tên là "Việc làng". Được cho là phê phán những hủ tục ở làng quê xưa.

Thuở đi học hắn được dạy rằng ấy "dòng văn học hiện thực phê phán". Hiện thực, và phê phán, xã hội trước 1945. Sau này, không còn hiện thực nữa, hoặc giả còn, nhưng không được phê phán?!?


Hắn đọc đã lâu, không còn nhớ nhiều. Có những vụ việc như mua danh, hơi khác mua quan bán tước. Chẳng hạn, bỏ tiền ra mua chức "lý cựu". Lý cựu, tức nhiên là "cựu"lý trưởng. Lý trưởng, hết nhiệm kỳ thành lý cựu. Người mua chức lý cựu, dĩ nhiên chưa từng làm lý trưởng. Nhưng nhờ có tiền, nghiễm nhiên được tôn làm lý cựu. Một thứ hư danh. Song cũng có chút "thực". Ấy là những lúc có "việc làng" thì được ngồi chiếu trên. Mâm "các cụ". Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp.

Ngô tiên sinh không viết, chức lý cựu (mua) này liệu có bị "cách" được chăng? Còn lý cựu "thật", nghĩa là lý trưởng hết chức, liệu có thể "cách"? Chức lý trưởng đã làm rồi, cũng đã làm xong rồi, thì, phải là lý cựu. Giờ muốn "cách" cái chức lý cựu, thì, biết cách làm sao?!


Đám nhà văn nhà báo hậu sinh ngày nay xem ra không có ai đáng so với một nửa cái móng chân của cụ Tố. Nhưng có những kẻ không viết văn làm báo lại đang nhăm nhe nhằm nhè lưu danh với lối kế tục kể chuyện "việc làng". Họ hằm hè nói chuyện cách chức lý cựu lý nguyên nguyên lý (trưởng).

Lão già lười nơi núi kia cười hỏi, cái "cựu" cái "nguyên" ngày nay không phải là mua rồi, vì đúng đã từng là "lý", nhưng cái ấy có được mua chăng? Lại hỏi, việc ở cái "làng" to to nay, có là "hiện thực" có là "phê phán"?

Không có nhận xét nào: