Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Hiếu

 Quách Cự người đời nhà Hán bên Tàu. Nhà nghèo, có con nhỏ nên mẹ của họ Quách thường nhịn ăn nhường cháu. Thấy vậy Cự bàn với vợ đem chôn con nhỏ để mẹ có miếng ăn. Khi đào hố chôn con thì bắt được hũ vàng, trời ban cho vì thấy Cự có hiếu với mẹ. Chuyện Quách Cự được chép vào nhị thập tứ hiếu của Tàu (24 tấm gương có hiếu).

(Tự nhiên nhớ chuyện bà mẹ bịt miệng không cho con khóc để bảo vệ cách mạng, đến nỗi đứa trẻ thiệt mạng.).

Xứ ta cũng luôn đề cao chữ hiếu, theo kiểu trung hiếu do lão họ Khổng bên Tàu xướng ra.


Đời nhà Thanh (cũng) bên Tàu, một người cô của Viên Mai có bài thơ bàn chuyện Quách Cự như thế này:

Hiếu tử hư truyền Quách Cự danh

Thừa hoan bất biện trọng hoả khinh

Vô đoan uổng sát kiều nhi mệnh

Hữu thực đồ thương lão mẫu tình

Bá Đạo trầm tông nhân phược thụ

Nhạc Dương bãi tướng vị thường canh

Nhẫn tâm tự cổ tao nghiêm khiển

Thiên tứ hoàng kim sự bất bình

Dịch nghĩa: Tên Quách Cự được truyền lại là người con có hiếu thì thật là sai. Làm vui cho cha mẹ mà không phân biệt được nặng nhẹ. Vô cớ giết oan đứa con nhỏ. Dẫu có miếng ăn thì cũng chỉ làm mẹ già đau buồn. (Chuyện) Đặng Bá Đạo bị tuyệt giống nòi vì buộc con vào cây để cứu cháu. (Lại chuyện) Nhạc Dương mất hết chức tước vì nếm canh nấu bằng thịt con mình. Những kẻ nhẫn tâm từ xưa đến nay đều bị nghiêm trách. Có đâu nói rằng được trời ban hũ vàng thì thật khác thường.


Xem ra, đánh giá việc tuyên truyền, ngày nay không có mấy ai bằng được người phụ nữ Tàu xưa vậy.

Không có nhận xét nào: