Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Tân phong

Thời gian này, dịch tài liệu mờ cả mắt.

Hôm trước, tranh thủ lúc đi xe, nghe đọc Đoạn tuyệt.

Thừa thắng xông lên, nghe tiếp Tân Phong nữ sĩ.


Phải thú nhận rằng, bây giờ mình mới đọc Hồ Biểu Chánh.

Lúc trước mình ít đọc văn của các tác giả trong Nam. Đôi khi cũng cảm tính nghĩ rằng ít sâu sắc.

Bây giờ lại thích cái đơn giản đến chân thật. Phải chăng đang dị ứng với miệng lưỡi xứ láo liên?


Cùng là văn xưa, mình vấn vương với Đoạn tuyệt quá. Đành rằng cái kết không đến nỗi tối tăm. Nhưng những gì nhân vật chính phải trải qua khiến mình đồng cảm. Ở cái xứ này, dễ thường ngày nay còn tệ hơn hàng bao nhiêu năm trước.

Nghe giới thiệu Tân Phong nữ sĩtiểu thuyết thứ 29 của Hồ Biểu Chánh, viết năm 1937. Tinh thần có vẻ na ná Đoạn tuyệt. Lại nói kết cục bi thảm khiến mình xen chút lo âu.
Hoá ra chữ bi thảm này phù hợp xưa hơn nay. Hay tại ngày nay sự bi thảm hơn xưa hàng chục lần?

Đề tài hai truyện trên đều mượn chuyện phụ nữ mà nói chuyện cách tân. Cái sự đổi mới của cô Tân Phong xem ra còn quyết liệt hơn. Mà được kể lại bằng một giọng văn đến là đơn giản. Hình như đó chính là phong cách Hồ Biểu Chánh vậy.

Nghĩ, cuộc sống của tiền nhân cách nay đã non thế kỷ, mà sao đem so thấy ngày nay cháu con hèn nhục thế!

***

Thú vị của mình tập trung ở lối hành văn sao mà hay quá. Cách nói năng của các nhân vật thật là tuyệt, gãy gọn mà thật dễ thương. Sao tiếng ta thuở ban sơ lấp lánh làm vậy, mà lại thành lằng nhằng, rối rắm như ngày nay nhỉ?

Một điều không thể không nói thêm. Ấy là tiếng Nam. Mình thường đọc nhanh, lướt lấy nội dung chứ biết đâu hình thức. Mà dễ có đọc thành tiếng thì mình cũng chẳng khác thằng ngọng. Truyện này mà nghe không đúng giọng đọc chắc mất hay một nửa.

Nay mình được nghe qua giọng đọc của Thanh Vân (mà mình không biết là ai), thấy đáng yêu lạ. Tự nhiên mình thấy giông giống giọng cô Thảo (bạn thầy Hải). Cổ người Cần Thơ, nay sống ở Mỹ. Có vẻ rõ yếu tố giữ giọng ông cha là ở đâu.

Giọng ấy, văn ấy, tiếc.

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Đoạn tuyệt


9/5.

Quảng trị nóng.

Dù cho có chạy bao nhiêu quạt.

Dù cho mình đã bỏ ra 15 phút múc nước giếng tưới khắp sân.

Dù cho trời động mưa. Thoảng chút gió và mây đen kín một khoảng trời. Sấm động ùng oàng.

Trời vẫn nóng. Và người vẫn sống.

Nhưng mọi ý nghĩ như loãng ra. Không biết đã bao giờ có nghiên cứu nào về sự lười nhác và kém văn minh của xứ nóng?


Mất một buổi sáng đi xe từ Đà nẵng ra.

Vẫn lối chạy lòng vòng hơn 1 tiếng đồng hồ trên tuyến đường Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng rồi mới chịu rời thành phố.

Vẫn bác tài hút thuốc phả khói vào hành khách ngồi sau. Vẫn các bà già ăn quà vặt vứt rác xuống đường. Vẫn những cậu trai trẻ ngủ gà ngủ gật thúc mũ lưỡi trai vào đầu mình.

Vẫn tuyến đường tránh Huế lượn lờ hết trái sang phải giữa những cơ man ổ "khủng long".


Hôm nay 9/5 hẳn là ngày tốt. Vì gặp đến mấy đám cưới giữa đường. Cô dâu chú rể quần là áo lượt ngập trong nắng nôi bụi đường. Thậm chí cả một đoàn xe biển số 74 trực chỉ Đà nẵng.

Có kỳ dị không, khi để đỡ nhàm chán lúc ngồi bó gối trên xe, mình nghe audio book truyện này của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam?

***

Cơn mưa nhỏ không đều không biết có phải là nguyên nhân, nhưng buổi tối lại mát lạnh bất ngờ, đến mức phải đắp chăn.

Tuy vậy sáng ra đâu lại hoàn đấy. Và cuộc sống thôn quê dường như tiềm ẩn nỗi nóng khác còn lớn hơn.

***

13/5

Lạ. Thời tiết Quảng trị. Cả mấy ngày. Trưa nắng nóng như đổ lửa. Mà tối mát rười mát rượi.

Quê nhà buồn buồn.

Vẫn những xưa cũ (còn hơn trái đất) sau luỹ tre làng (nay đã hầu như không còn).

Tre thì chặt được. Nhưng những gì ngày nảo ngày nao đã muốn đoạn thì nay vẫn chưa tuyệt.