Thứ Tư, 31 tháng 12, 2008

Cuối ?

Vốn không để ý thời gian.
Càng không muốn để ý thời gian.
Nhưng thế nào mà những ngày này mình cứ phải nhìn vào lịch. :-(

Sáng nay xé tờ lịch cuối cùng. Chính xác thì nó là tờ kế cuối. Tờ cuối cùng còn lại, 31/12. Trên đó có câu: Phải làm chủ bản thân để có thể làm chủ thế giới. Charles Quint.
Tu Thân - Tề Gia - Trị Quốc - Bình Thiên hạ.

Lỡ nói chuyện thời gian. Nếu bây giờ bỗng nhiên có anh bạn đến kế bên. Áo choàng đen. Lưỡi hái to đùng. Nụ cười toàn răng (không lợi !!). Lấp lánh lân tinh trong hố mắt sâu hoắm. And he says: "Hey, stop here, let's go!". Mình sẽ vui vẻ đi cùng anh ta. Ngay lập tức. Vào cuộc dạo chơi mới bay bổng biết bao (!?).
Như Mr. Ân nói, kiểu đánh cờ lười. Suy nghĩ không quá 2 nước.
Đa số người không vậy. Ví chẳng may gặp phải anh bạn áo đen của mình, họ kịch liệt chống cự.
Nhưng mấy ai trong số họ biết đánh cờ (?!). Và suy nghĩ hơn 1 nước (!?).

Thật thế.
Hãy Sống như ngày mai sẽ Chết.
Thế là trút hết nhiệt huyết hay tặc lưỡi buông xuôi ?
Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu.
If Tomorrow Comes.
Present is a Gift.

Chiều nay đi trực. Ca trực cuối cùng của năm 2008 ! Hay là ca trực đầu tiên của năm 2009 ?
Chẳng phải kết thúc là khởi đầu ?

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2008

Cuối 2008

Năm (gần) hết. Tết (sắp) đến.
Nhập thế cục bất khả vô văn tự ...
Thôi cũng tranh thủ viết vài dòng. Kẻo nay mai ham chơi, ngoảnh mặt lại thì năm mới đã đến.

Giáng sinh qua. Bước sang tháng Chạp. Nhìn lịch cũng chả để ý, nếu không thấy cảnh đông đúc quen thuộc trước quán Thúy. Quán chay nổi tiếng ĐN này khách khó len vào mỗi kỳ đầu cuối tháng hay rằm. Sự khá giả của xã hội này ẩn chứa quá nhiều sám hối ăn năn ?!
Báo chí ngày nào chẳng kín những đâm-chém-bắn-giết-cướp-hiếp, và "cái ấy" cùng "chuyện ấy" (!?).
Bần cùng sinh đạo tặc ...
Những năm trước đã nhiều. Đạo văn, đạo nhạc, đạo công trình tiến sĩ. Lâm tặc, cẩu tặc, đinh tặc, cả ... mông tặc (!?).
Giặc giã đâu ra lắm thế ? Từ phương Bắc đến hay phương Đông lại ? Hay giặc đến tự trong lòng ?
Giặc là dân ? Hay dân bị đem làm giặc ?
Ăn mày là Ai ? Ăn mày là Ta
Đói cơm rách áo hóa ra Ăn mày.
Nhìn ra thế giới, rầu lại thêm rầu. Rầu không buồn nhắc.

Sáng nay vừa đọc vừa nghe nhạc. Thế nào mà đúng lúc đọc đến cuối entry mới của Sầu riêng, đoạn ông già so lại phím cây đờn cũ, dạo bản Dạ Cổ Hoài Lang, thì máy mình cũng vừa hát:
Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phong lên đàng ...
Entry "Giang hồ vặt".
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà.

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2008

Giáng sinh

Nô en mưa, Nô en mưa ...

Nói rằng không khí Nô en. Không khí chẳng mấy.
Chỉ là các cửa hàng mặt phố với đủ chiêu tiếp thị. Những bộ áo quần đỏ viền trắng. Vài cái động giả xam xám nhỏ nhoi. Và khắp nơi Jingle Bells, Jingle Bells.
Được cái lạnh. Mất cái mưa.
Tà tà đạp xe dưới mưa lạnh. Đoạn đường Lê Duẩn đầu cầu Sông Hàn giăng sáng đèn màu. Nhà thờ Con Gà im lìm tối.

Mừng ngày Chúa giáng sinh.

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2008

?

Sáng Chủ Nhật.
Buồn dăm phút.
Thức giấc. Cuộn mình trong chăn với những ý nghĩ thật lười nhác.
Nghe trời chợt đổ mưa to. Lại bắt đầu một ngày u ám?
May sao, một lúc thì tạnh mưa. Và nắng chiếu. Và một lúc nữa thì trời xanh tung tăng mây trắng.

Vừa trở về từ một chuyến đi ngắn. Quá ngắn và đột ngột.
Cũng may vào mùa thưa khách. Chiều thứ Sáu 3h quyết định, 7h10 máy bay cất cánh vào Buôn Mê Thuột. Lần đầu tiên đến đây. Ấn tượng với thành phố sạch sẽ. Nhiều không gian thoáng đãng. Rợp cây xanh. Tiếc là không có thời gian thưởng thức.
Về Krong Ana. Qua Buôn Trấp đến Quảng Điền.
17h50 thứ Bảy bay về.
Chuyến đi đúng giờ. Chuyến về hơi trễ. Ngồi trong máy bay như trong một cái cối xay lúa :-)

Nói nôm na một chuyến đi như "cậu". Ngồi trong xe ô tô thấy người dân ngập dưới bụi đất đỏ đến kinh hoàng. Cao nguyên đang vào mùa khô. Gió hanh. Trưa - nắng. Sáng, tối - lạnh.
Thị xã, thị trấn mang tên còn chút dấu vết buôn làng. Nữa thì toàn những người đi kinh tế mới cuối những năm 70 thế kỷ trước. Vượt qua hơn 10 năm khó khăn, đắng cay vất vả. Phải đến 10 năm cuối thế kỷ 20 mới bất đầu mở mặt. Những gia đình chịu thương chịu khó, rắn rỏi nhất ngày nay bắt đầu nở nụ cười trên quê hương mới. Những người con sinh ra lớn lên trên đất này lại tỏa đi muôn nơi.
Đất cao nguyên thể hiện một bộ mặt hơn hẳn đại đa số các làng quê miền xuôi. Thị trấn, thị tứ đường trải nhựa rộng rãi, nhà cửa khang trang. Làng quê nhà nối nhà. Sân vườn thoáng rộng. Đồng ruộng toàn chạy máy bơm, máy bừa. Đường ngang, ngõ dọc thẳng tắp như phố thị.
Tiếc không có thời gian lên các rẫy cà phê. Cũng chưa thăm thú được hồ, thác. Vùng này người dân cư trú theo thôn xóm chung gốc gác đất Quảng. Nên giọng nói, món ăn, tên gọi cũng quen thuộc: Hòa Khánh, Điện Bàn, ...

Cô con gái 6 tháng tuổi của Hòa và Lên, nhìn vào chỉ thấy cặp má bánh đúc :-) Má phính. Bầu bĩnh trẻ thơ ...

Vẫn mong có dịp dài ngày trở lại miền đất này ...





Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2008

Em ở đâu?

Où es-tu? Marc Levy. 2001.

Mình cho rằng đây chỉ là một cốt chuyện nhẹ nhàng. Có phần cổ điển.
Thử chia thành hai phần tách biệt: Phần đầu kể câu chuyện con người ta có thể xa nhau như thế nào; Và phần sau - người với người lại có thể xích lại gần nhau ra sao.

Susan và Philip sinh ra và lớn lên cạnh nhau. Tình bạn từ thuở ấu thơ trở thành tình yêu sớm như một tất yếu (?). Rồi đường đời rẽ ra. Chàng trai dần thành công trong mỹ thuật; trong khi cô gái lại dấn thân vào nguy hiểm. Công việc khiến cô ngày càng cứng rắn hơn; anh chờ đợi trong đa cảm. Đơn giản là con đường đã rẽ thành hai nhánh, dần xa ... Không phải một bức tường ngăn cách để có thể phá vỡ (?).
Bức tường vô hình ngăn cách giữa cô bé Lisa và gia đình Philip, Mary và Thomas. Đó là bức tường ám ảnh của quá khứ. Bức tường bị phá vỡ. Bằng tình yêu và sự thấu hiểu. Họ thành một gia đình.

Câu chuyện về những người Mỹ ở New York. Được viết bởi ngòi bút của một người Pháp. Có thể vì thế mà câu chuyện khá mềm mại? (!). Nhà văn dù sao cũng có thời gian sống trên đất Mỹ.
Mình đọc câu chuyện chỉ vì cái tên tác giả: Marc Levy. Mình không biết ông là ai cho đến cách đây không lâu. Một nhà văn Pháp được giới trẻ Việt Nam đón tiếp nồng hậu. Không chắc những bạn trẻ đó đều đã đọc và yêu mến văn Marc Levy (?!!). Nhưng thôi, bỏ qua chán nản về một xã hội xuống cấp. Hy vọng ở một điểm sáng trong đêm.
Một điểm sáng dịu dàng. Nếu quả thực lớp trẻ nay học được cái nhìn nhân hậu ấy ...

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2008

Hạt cơ bản

Viết về một truyện không muốn viết lắm.
Đọc một truyện không muốn khuyên người khác đọc.
Hạt cơ bản, (hay Hạt sơ cấp). Les particules élémentaires. Michel Houellebecq. 1998.

Tận dụng 5 ngày nghỉ. Trúc trắc một tý, cũng lướt qua. Như một hội chứng theo định hướng thị trường, quảng cáo (?!).
Cái tên như là một cuốn sách khoa học, hơn là một quyển tiểu thuyết. Và hành văn cũng như về một vấn đề khoa học. Lạnh lùng. Đều đặn. Rối rắm. Triết học. Sinh học. Về những cá thể giống đực và những cá thể giống cái. Trần trụi trong sự lựa chọn nghiệt ngã của tự nhiên. Bên cạnh những dị thể. Thông minh. Nhưng đứng bên lề.
Mà dị thể này với cá thể yếu đuối kia, tưởng chừng không điểm chung, lại có. Điểm chung đáng kể. Chung một bà mẹ. Một bà mẹ không mấy ảnh hưởng tới những đứa con của những ông bố khác nhau.
Các sinh vật này thuộc một loài tự cho mình là thông minh, là hoàn hảo, là thống trị. Homosapien. Con người.
Vì là loài người, vấn đề giữa các cá thể giống đực và các cá thể giống cái trở nên thời thượng. Tình dục.
Hưởng thụ. Không phải vấn đề sinh sản. Không phải vấn đề nòi giống.
Loài người muốn tự quyết định vấn đề sinh ra và cả vấn đề diệt vong. Tự diệt vong.

Không biết mình hiểu có hết không? Và có đúng không? Nhưng thôi.
Nói theo kiểu, dzị đi. Hì.

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2008

Lan man đọc (4)

Đọc sách cũ.
Hán tự hài cú (漢字俳句) của Ngô Văn Tao.
Có lẽ phải gọi chính xác là Bài cú (俳句). Chính là thể loại haiku (はいく - 俳句) nổi tiếng của Nhật Bản.
Haiku vốn chỉ có 3 câu: câu đầu 5 tiếng, câu giữa 7 tiếng và câu cuối 5 tiếng. Nói thế nhưng những cao nhân ít khi câu nệ lệ luật. Tiếng Nhật đa âm, haiku 17 tiếng thường bao gồm khoảng 6, 7 chữ chứ không nhiều. Thành ra mỗi câu chỉ một hai từ. Quá ngắn. Câu chữ như chuyện thiền.
Thấy bài cú Hán tự giữ luật số tiếng trong mỗi câu. Hán tự đơn âm nên lượng chữ, từ cũng phong phú hơn.
Thoạt đầu mình thích bài sau đây vì có lời dịch của Bùi Giáng tiên sinh:

古 庭 古 庭 兮
閑 池 靜 水 雨 蛙 動
晶 空 起 一 音

Cổ đình Cổ đình hề
Nhàn trì tĩnh thủy vũ oa động
Tinh không khởi nhất âm

Đọc như xem bức tranh thủy mặc. Ao nhỏ phẳng lặng, nước yên, trước ngôi đình cổ. Bỗng một con chẫu nhảy xuống. Vang lên một tiếng trong không gian im ắng. (Tõm?!).
Bùi Giáng dịch thơ:

Đường xưa bến cũ ếch kêu
Kiền khôn thành tựu gió vào tinh không

Quả thực xưa nay thường khi đọc Bùi Giáng chẳng mấy dễ hiểu (!).
Thực lòng đọc thơ thấy tranh đẹp. Lại gồm cả thanh âm. Nhưng chưa thật nhập tâm với vần điệu. Mới tò mò đọc bản gốc tiếng Nhật. Hóa ra đây là một trong những bài nổi tiếng, nếu không muốn nói chính là bài nổi tiếng nhất, của nhà thơ được thừa nhận là người khai sinh ra haiku! Matsuo Munefusa, lấy bút danh Matsuo Basho (松尾 笆焦), đọc âm Hán Việt là Tùng Vĩ Ba Tiêu, (1644-1694). Ba tiêu (笆焦) có nghĩa là cây chuối (?!).

古池や
蛙 とびこむ
水の音

ふる いけ や
かわず とびこむ
みず の おと

furu ike ya
kawazu tobikomu
mizu no oto

Thực sự là bối rối với nhạc điệu (!). Bức tranh ở đây còn súc tích hơn:

Ao cũ
Ếch nhảy vào
Tiếng của nước.

Có bản dịch thế này:

Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao.

Vất vả một chút với từ điển. Không tìm thấy từ kawazu (かわず), chỉ thấy con ếch là kaeru (かえる - 蛙). Thành câu giữa là 蛙 飛び込む.
Cuối cùng chỉ thấy sự súc tích.

Ao
Ếch
Tõm.

Hihi.