Thứ Ba, 30 tháng 9, 2008

Intelligent Agents.

An agent perceives its environment through sensors and acts upon that environment through actuators.
Perceive --- receive.
Trí tuệ nhân tạo chẳng là gì so với sự ngốc nghếch tự nhiên. :-)
An agent's choice of action at any instant depends on entire percept sequence observed to date. Agent behavior = agent function, external (infinitely large table) and internal (agent program).

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2008

Rách & Vá

Hôm rồi ghé nhà TKO, gặp được entry hết sức dễ thương về đề tài kim chỉ.
Mình tuy là đàn ông, nhưng xa nhà sống tự lập từ lớp 5, nên tuy không biết nhiều về may, cũng có hiểu qua về vá.
Ngày nay có vẻ như áo quần ít rách (?!). Hay đúng hơn ta đã rủ bỏ chúng khi chúng chưa kịp rách. Mà cái sự rách cũng không mấy hằn lên tâm trí.
Nhớ ngày xưa áo quần vải xấu. Mặc hàng năm trời, thậm chí anh để lại cho em. Cuộc sống thì vất vả vận động. Vác vác mang mang. Sờn vai toạc đũng. Xe cộ chen chúc, xóc đến thủng quần. Nhà cửa tồi tàn, cửa đinh móc áo. Giặt giũ thiếu xà phòng. Chà đến đỏ tay xé vải.
Lớn bé hằn lên nỗi lo đói rách.

Lá lành đùm lá rách.

Áo rách khéo vá hơn lành vụng may.

Động từ "vá" liệu có biến mất trong từ điển tiếng Việt không nhỉ?
Chưa sớm thế đâu!
Giao thông còn mưa nắng vá đường. Tai nạn cướp đi số mạng sống hàng tháng còn hơn người ta cả năm chiến tranh!
Núi rừng còn rách nát. Bão chưa đến nơi, chỉ dăm trận mưa số người chết đã lên tới hàng chục!
Mạng sống dân ta vẫn rẻ rúng quá chăng?

Nay lại rộ lên bài ca ô nhiễm. Sông chết, hồ hấp hối. Tấm áo môi trường chẳng phải đang được may đo quá chật chội đó sao? Các quan quy hoạch nghĩ gì khi lấp hồ chặt cây xanh chia lô bán đất? Thành phố nào, khu công nghiệp nào thực sự có chính sách rác thải đổ đâu nước thải đổ đâu?
Chính sách môi trường vụng may đã rách nát từng mảng hỏi ai người biết vá?
Xưa áo quần vá chằng vá đụp mẹ già chảy nước mắt thương con trẻ.
Nay con cái xênh xang lên xuống xe hơi hạng sang mà Mẹ Đất Nước vẫn chưa lành lặn. Không thể khéo may một chính sách, cứ hoài vá víu mãi sao?

Mình cũng học TKO, như vá víu tâm hồn.

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2008

Košice

Hôm nay khoa ĐT - VT đón sinh viên khóa mới 2008. Cách đây 1 năm mình cũng đã từng tham gia lễ đón sinh viên mới 2007.
Năm nay còn kèm theo hội trại. Ngày mai khoa kỷ niệm 20 năm ngày thành lập. Nếu nói chính xác thì không phải 20 năm có khoa ĐT - VT mà chỉ là 20 năm có đào tạo ngành ĐT. Hồi mình thi đại học, muốn học ĐT phải thi vào BK Sài gòn. Lớp phổ thông của mình đang hô hào họp mặt kỷ niệm 22 năm tốt nghiệp. Nếu Tết này gặp nhau thì cũng gần 23 năm (?!).

Tình cờ làm sao, hôm nay Mr Nhật lại gửi cho một loạt ảnh về thành phố Košice. Mặc dù mình đã nhiều lần dạo chơi trên Google Map, nhưng hôm nay dạo qua những tên phố một thời thân quen, cùng không khỏi bồi hồi. Nhiều đổi mới, nhưng kỷ niệm vẫn còn đó in sâu.
Nhớ những lần thư giãn bên đài phun nước, nghe nhạc cổ điển, thấy thanh thản lạ lùng.
Có một nét đổi khác trên những chiếc tàu điện. Cảnh chụp trước sân ga. Bỗng nhớ, đó chính là nơi lần đầu tiên mình đặt chân đến thành phố. Thật tình cờ hơn nữa, ngày đó gần như cách ngày hôm nay chính xác 21 năm (!).
Năm 1987, lịch rời HN là ngày 19/8 thì mãi đến 18/9 mới lên máy bay. (Những con số tình cờ mà khó quên được !). Đến Praha vào ngày hôm sau, chỉnh đồng hồ chậm lại. Chiều lên tàu về Košice luôn. Như vậy mình đã có mặt ở sân ga này sáng sớm 20/9, vào lúc khoảng 3h sáng.

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2008

Đếk

Hôm nay, nhân lúc rỗi, mới lang thang vào ngôi nhà ấm áp của bạn Ngỗng. Thấy bạn ấy treo cái entry to tổ bố thế này:

DEK

"Dek" hay viết cho đúng chính tả là "đếch". Tra từ điển không thấy nghĩa còn thì tất cả các cái đầu thông minh hay không thông minh đều hiểu nó đơn giản chỉ là một từ mang nghĩa phủ định như "không", “chả", "chẳng", "no", "not"... (Trừ những người quá thông minh hay quá cổ điển mới không thèm hiểu nó mà thôi).

Thấy thú vị nên mình cũng muốn góp vui.

Chả là mình thỉnh thoảng cũng văng cái "dek" này. Nói cho công bằng, mình ít khi sử dụng những từ không có trong từ điển tiếng Việt phổ thông. (Những từ có trong đó xài còn chưa hết! ). Cũng ít khi dùng đến những từ được chú thích trong ngoặc đơn là (t.) (?!), mở đầu từ điển ghi "t. nghĩa là tục" (!?). Nhưng tình hình là thói quen này đang dần bị phá vỡ.

Bác NQL có nói: "Một ngày mà không nói tục thì thấy nhạt miệng".
Mình thì lâu không nói tục cũng thấy đời ... hơi bị ... nhạt (!?).

Nguyên nhân sâu xa là ở chỗ: thấy các vị quan to quan nhỏ, trí thức trí ngủ thi nhau ráo mép dạy đời mà làm thì còn tệ hơn tục. Mình không biết sống có khá hơn được không, nhưng cũng muốn văng vào mặt mấy vị cho hả.

Tuy nhiên vốn từ hạn hẹp, sử dụng cũng còn nhiều ... ngượng ngập. Trong đó có chữ "dek" là dùng tự tin hơn cả (?!). Tại nghĩ: nó là từ ít tục nhất (!?).
Cũng nghĩ như bạn Ngỗng thôi. Bạn N nói hoặc dùng để "mắng", hoặc để "mắng yêu". Chú thích: mắng yêu là yêu nhiều hơn mắng.

Xưa nay phang đại trong ngôn ngữ nói. Bây giờ bờ lốc bờ liếc bỗng nảy ra văn viết (!?). Ngôn ngữ "@" viết "dek", nguyên dạng viết "đếch". Có bạn còm cho bạn N ghi rõ ngoài Bắc nói "đách".

Tự nhiên nổi máu "chuyện Đông chuyện Tây", tò mò xem thử từ nguyên của "dek" là gì. Loay hoay một hồi tìm được cái này của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc. Bài dài, có nhiều điều mình thấy không chính xác. Nhưng hôm nay không tiện bàn rộng ra, e loãng. Nguyên bài viết nói về ngôn ngữ con người ... dính đến loài vật. Chỉ xin trích đoạn liên quan (nhân đang nói đến "con cóc"!):

Chữ ‘cóc” cũng là một từ phủ định, nhưng ý hướng phủ định thì khác hẳn. Ðó là sự phủ định kèm theo hàm ý thách thức. Phủ định và thách thức. “Cóc cần” là không cần, hơn nữa, dù thế nào đi nữa cũng không cần. “Cóc ngán” là không ngán, hơn nữa, dù thế nào đi nữa thì cũng vẫn không ngán. Kết hợp phủ định với chữ “cóc”, do đó, mạnh mẽ và dứt khoát hơn hẳn kết hợp phủ định với từ “không” hay “chẳng” hay “chả” quen thuộc.

Trong hầu hết các trường hợp, những chữ cóc mang ý nghĩa phủ định ấy đều có thể được thay thế bằng một trong ba chữ khác: nõ, đách và đếch:

cóc cần, nõ cần, đách cần, đếch cần;
cóc thèm, nõ thèm, đách thèm, đếch thèm;
cóc sợ, nõ sợ, đách sợ, đếch sợ;
cóc ngán, nõ ngán, đách ngán, đếch ngán, v.v...

Nhưng nõ, đách hay đếch nghĩa là gì?

Theo Từ điển Tiếng Việt của Văn Tân: “Nõ: Bộ phận sinh dục ngoài của đàn ông”; “Ðách: Cơ quan sinh dục của đàn bà”. Trong Việt Nam Tự Ðiển, Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ giải thích chữ “đếch” (“đách”) hơi khác: “Ðếch: Ðách, chất nhờn, dơ trong âm hộ.” Ðịnh nghĩa này có vẻ gần với cách hiểu của Alexandre de Rhodes trong Từ điển Việt Bồ La: “Ðếch: tinh khí con người”. Khác, hơi khác, nhưng dù sao nó cũng liên quan đến bộ phận sinh dục của phụ nữ. Và như vậy, thực chất của những cách nói quen thuộc như “nõ sợ”, “đếch sợ” hay “đách sợ” là gì? Là, xin lỗi, nói một cách nôm na, “Sợ cái con c.” hay “sợ cái l.”

Tục tĩu quá chăng? Trước khi đánh giá, xin lưu ý bạn đọc một điều: Trong tiếng Anh hiện nay, chữ Testament sang trọng biết chừng nào. Nó là tên của thánh kinh đấy: Old Testament = Cựu Ước; New Testament = Tân Ước. Chữ Testament có động từ là testify có nghĩa là khai, tuyên thệ hay làm chứng. Nhưng từ nguyên của testify là gì? Có nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng một trong các giả thuyết ấy là: chữ testify bắt nguồn từ testis nghĩa là... hòn dái. Theo giả thuyết này, ngày xưa, dĩ nhiên là xưa lắm lắm, ở La Mã, mỗi lần ra trước toà án, người ta thường đặt tay lên bộ phận sinh dục của mình mà... thề. Thì, có gì đáng ngạc nhiên đâu? Thời ấy, lâu rồi, với tín ngưỡng phồn thực, người ta từng xem các bộ phận sinh dục là những vật linh thiêng. Người ta phong thần cho chúng. Người ta tạc tượng chúng. Người ta bày chúng ở những nơi trang trọng nhất để thờ. Thờ được thì dùng để thề cũng được, sao lại không?

Theo chỗ tôi biết, trong khi có vô số bằng chứng về sự hiện hữu của tín ngưỡng phồn thực tại Việt Nam, chưa có bất cứ chứng cớ gì, dù xa dù gần, cho thấy người Việt Nam từng đặt tay lên bộ phận sinh dục để thề thốt cả. Thề, chúng ta chỉ tay lên trời hoặc xuống đất mà thề. Bộ phận sinh dục, chúng ta chỉ gọi tên hay vỗ vào đó khi cần chửi nhau mà thôi. Hồi nhỏ, ở Việt Nam, tôi đã từng thấy rất nhiều lần trong làng xóm hoặc những nơi tôi tình cờ đi qua, hình ảnh những phụ nữ đứng dạng chân, trước hằng trăm cặp mắt chăm chú ngó, vỗ tay đồm độp vào giữa háng của mình, đòi đối thủ phải bú, phải liếm hay nhét đầu vào đó. Tôi cứ nghĩ đó là cách hành xử của những người ít học. Mà hình như không hẳn thế.

...

Sống trong một xã hội như xã hội Việt Nam, chỉ có thánh may ra mới không biết chửi tục.

Melbourne 20.11.2003


Thứ Ba, 9 tháng 9, 2008

Chán hơn con gián

Bật laptop lên. Dán vào cái hình "xí được trên net". Gõ tiêu đề.
Rõ ý định viết lung tung.
Sáng qua trên đường lên trường, trời nắng nhưng thấy tay mát rượt, mặc dù không nhìn rõ hạt nước nào. Không biết có phải là hiện tượng thường xuyên ven biển không? Y như rằng chiều về trời mưa. Cũng đủ ướt.
Hôm nay sáng có vẻ nắng hơn, nhưng tiện tay vẫn vắt cái áo mưa lên xe. Quả nhiên chiều về lại có dịp dùng. Nhưng mà "may" chẳng mấy!
Dù các nhà thơ nhà văn có nói gì, viết gì, hát gì thì mình vẫn ghét mưa. Và ghét cay ghét đắng những cơn mưa bất chợt (không biết có giống "cơn mưa em bất chợt"? ). Đột ngột rào xuống, như chó cắn trộm. Dân tình chúi nhụi, cuống quýt áo mưa. Khoác được vào người thì quần áo đã ẩm mốc, hôi xì. Chạy được đến nơi cần đến thì chẳng khô mấy nữa. Cũng chẳng mưa mấy nữa.
Ở cái xứ mưa con đỏng đảnh, mưa mẹ ngập đường, hè chiếm dụng, nhà không hiên, mà đi lại chủ yếu xe máy! Xe con chưa đến. Xe buýt cà lăm. Một xã hội khổ. Sống không ra sống. Không biết sống.
Lạ là hôm nay tâm trạng mình không đến nỗi quá u ám. Mà trưa lại vừa phải chấm dứt một dự án trong thất bại. Phải chăng Tái ông thất mã? Thực là nhè ra được miếng gân gà của Tào công. Một phi vụ phần trăm hài lòng thấp!
Một lần nữa thấy buồn cho đời. Sống kiểu dở ông dở thằng. Cũng muốn làm ông, lại hóa ra thằng. Nói chi cầu toàn, mơ được 80, 90 phần đã khó. Nhưng chẳng lẽ cam chịu số 0? Để đời tích phân lại cũng cứ 0 tròn trĩnh.
Có lẽ tối nay không quá tệ nhờ đọc được hai điều thú vị. NĐM.
Một là: "Nam Cao là nỗi đau đớn trước tình trạng con người không giữ nổi nhân tính, nhân phẩm vì miếng cơm manh áo và cái chất hèn, chất nô lệ đã thấm vào trong máu không biết từ kiếp nào."
Vậy thì Nam Cao là trường tồn. Hay nỗi đau đớn của Ông là vĩnh cửu. Hay xã hội như này là mãi mãi?
Hai là bài viết về Tô Hoài. Có lẽ đối với Ông không có gì là ghê gớm cả. Đời chỉ thường thôi. Người cũng thường thôi. Không có ai là vĩ nhân hết. Tầm thường, trần tục như nhau. Mệnh danh là người giỏi quan sát, hẳn xã hội này là nhạt rồi.
Vậy thì đừng đao to búa lớn nữa. Đừng kỳ vọng nữa. Đừng thất vọng nữa. Đừng rủa xả nữa làm gì!
Đời nhạt của TH, bóng Chí Phèo của NC, chẳng phải thấp thoáng AQ của Lỗ Tấn thiên tài đó sao?
Lần thứ ba trong ngày chiêm nghiệm được độ thấp của vùng trũng nơi ta tồn tại.
Vậy còn vui buồn mưa nắng mà chi?!


Thứ Hai, 8 tháng 9, 2008

The shortest path

The shortest path from the start state to the goal state.

Artificial Intelligence

Artificial Intelligence (AI) in reasoning and behavior:
- systems thinking humanly (cognitive modeling) or rationally ("laws of thought");
- and systems acting humanly (Turing test) or rationally (rational agent).

AI today:
- Autonomous planning and scheduling
- Game playing
- Autonomous control
- Diagnosis
- Logistics planning
- Robotics
- Language understanding and problem solving

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2008

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

Thấy Yahoo! cung cấp dịch vụ chuyển bài từ 360 độ sang plus. Định bỏ 360 độ thật chăng? Mình bấm thử thì thấy tất cả các bài viết được chuyển sang có vẻ ok. Nhưng chỉ chuyển mỗi các bài viết. Hình ảnh không, comments không, friends không. Thực ra mình cũng chẳng có gì cần lưu.
Vẫn giữ nhà bên 360 độ. Thử copy luôn sang bên này. :-)

Nhân ồn ào vụ hoa hậu, thấy có người nhắc lại câu: "Mỹ nhân tự cổ như danh tướng".
Và tán lên rằng: sức mạnh xiêu thành đổ nước!
Thực ra xưa nay không ít người từng tán như vậy.

Nhân lúc rảnh, định lạm bàn rằng: chuyện "Phúc thống phục nhân sâm".

Có anh kia, dốt, nhưng may học được ít chữ. Lại thủ đâu được quyển sách y lý, mới học đòi làm thầy thuốc cứu người. Bốc thuốc theo sách, mấy vụ đầu may mắn êm thấm.
Đêm kia có con bệnh đau bụng. Đang giấc ngủ ngon bị đánh thức, thầy mắt nhắm mắt mở giở sách. Rồi phán bảo người nhà con bệnh cho uống nhân sâm. Sáng ra con bệnh tắt thở.
Người nhà con bệnh kiện lên quan. Thầy cãi: tôi chữa bệnh theo sách. Quan cho đòi đem sách tới. Thầy giở tới trang kia, quả nhiên cuối trang có mấy chữ "phúc thống phục nhân sâm". Nghĩa là: đau bụng (thì) uống nhân sâm.
Quan bèn giở trang tiếp theo, thấy hai chữ "tắc tử". Té ra sách dạy: đau bụng uống nhân sâm thì chết.

Nguyên người xưa có hai câu rằng:

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.

Quả có so mỹ nhân như danh tướng, nhưng là giống ở chỗ không muốn để thiên hạ thấy mình khi đã tóc bạc da mồi.
Bi là vậy mà nay hiểu sang hùng (?!).

Mới biết cái đau không dễ nhiều người hiểu vậy.