Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

Tản mạn Quế Sơn

Hôm nay đi Quế Sơn. Lần đầu tiên lên đây.
Lần đầu tiên rẽ vào con đường từ Hương An. Đường xấu tệ. Xóc đến ê người. Mình hơi thắc mắc sao đường bên Thăng Bình, từ Hà Lam lên tốt hơn nhiều. Câu trả lời là, đường này từng là con đường tốt nhất Quảng Nam.
Mới biết tuổi thọ các công trình ở VN chẳng bao nhiêu. Sống gấp chăng? Hay bao biện "cái khó bó cái khôn"? Có câu "chẳng đủ giàu để xài đồ rẻ". Quả nhiên VN giàu và (không chắc có) đẹp. Hệ quả nhãn tiền người dân lúc nào cũng như sống trong đại công trường. Hẳn mất nửa đời người dùng các công trình tạm, đi đường tránh? Công trình chính thức dùng được chẳng bao lâu.
Đích đến của chuyến đi là thủy điện Khe Diên. Qua cầu Nông Sơn nhắc đến cái chết tang thương của các em học sinh năm nào.
Thủy điện Khe Diên công suất 9MW. Sự trúng thầu của nhà thầu TQ được xem như sự tất nhiên (!). Vì quá giàu để xài đồ rẻ? Hay hệ lụy tất yếu của bộ máy giấy tờ? Sự chi phối có (hay không có) định hướng của nhà nước áp lên những kẻ sử dụng vốn nhà nước?
Vốn đầu tư khá cao vào phần hạ tầng, ống dẫn nước. Không biết sự khảo sát địa hình có chuyên nghiệp hay cảm tính (như thường vẫn thế ở xứ ta!).
Mình có cảm giác không yên tâm về chất lượng xây dựng. Không lâu nữa, thảm họa môi trường sẽ đến từ những công trình ăn xổi hôm nay.
Còn máy móc thiết bị thì khỏi nói luôn. Với tất cả sự tôn trọng nước bạn và không có ý định kích động hằn thù. :-) Thật sự không muốn giây vào sự xập xệ đang đến gần dù chỉ mới sắp hết thời hạn bảo hành 2 năm.
Các nhà toàn trị vẫn không thèm để ý số ý kiến phản biện ít ỏi của tầng lớp trí thức èo uột sau bao năm sống trong sợ hãi và đớn hèn.
Điều đáng nói lại đến từ người phiên dịch. Một người đọc sách (nho). Có câu chuyện tưởng vu vơ mà được đúc kết thú vị:
Mưu bất khả chúng. Lợi bất khả độc.
Mới thấy sự học của nước nhà không bằng người vậy. Kết cục bị chi phối hôm nay tưởng có thể đoán định được.
Đường về dừng lại trên Đèo Le nổi tiếng với món gà tre. Thất vọng vì danh bất "như" truyền. Nghe nói những quán bên đường truyền thống đã bị dẹp. Thay vào đó là khu du lịch sinh thái đầy bê tông sang trọng. Xuống hết đèo lại thấy quán "gà đèo Le chính hiệu". :-)

Tản mạn một ngày đường trong cái hôm nay của đất nước ...

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

?

Kết thúc một tuần chán hơn con cá rán.
Đọc đủ thứ. Đỏ cả mắt. Nóng nực buồn ngủ. Máy lạnh bí cũng buồn ngủ.
Mà chẳng đọc được cái gì nên hồn.

Chiều nay ra về thấy thầy cô rộn ràng. Cũng mắt xanh mỏ đỏ. Cũng váy áo phấp phới. Hội thi thời trang công sở. :-)
Các khoa tập luyện cả tuần. Nhạc xập xình. Đi tới đi lui.
Trưa nghe nói, có hơn 50 tiết mục :-). Hạn chế không quá 5 phút. Vị chi hơn 4 tiếng. 7h tối bắt đầu. Trao thưởng có phải quá nửa đêm?
Máy ảnh mình hư rồi. Không thì cũng ham vui. Chắc có nhiều cảnh đẹp (!?).
Cuối cùng về nhà ngồi đọc cho nó lành. :-)

Trưa ăn cơm cùng giáo sư người Pháp. Sang dạy CSE cho ECE. Bằng tuổi mình. Mấy đứa cười, nói cả hai đều trông trẻ hơn tuổi. Và (hay vì) đều single. Nhưng khác là ổng có con. :-)
Đúng là nói về đề tài xã hội thì người Pháp hay hơn người Mỹ (!?). Ổng bảo bên đó sống với nhau tự do. Thích thì kết hôn, không thì thôi. Vì có khác gì. Mình hiểu là trách nhiệm mỗi con người không phụ thuộc vào một vài tờ giấy. Điều này ở VN chắc chỉ là giấc mơ.

Đọc Osin. Về vụ chị Hai nào đó của thủ tướng đương nhiệm. Tất nhiên mình chẳng tin gì cả thủ tướng lẫn đám quan chức địa phương. Mặc cho thiên hạ bàn tán, hy vọng. Lại kịch thôi.

Ah, tuần rồi đọc linh tinh về quan quân nhà Nguyễn. Bắt đầu từ vụ báo chí nhà mình đòi ca ngợi Hoàng Kế Viêm. Hóa ra cái thời miền Nam thuộc địa, miền Trung bảo hộ, miền Bắc đánh nhau loạn xạ. Mà toàn Tây với Tàu đánh nhau không. Chứ quan quân nhà ta èo uột. Hai lần Pháp tấn công Hà nội, hai lần thành Hà nội thất thủ chỉ sau vài giờ. Kéo theo hai vị Tổng đốc tiết nghĩa đi cùng: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu. Mà Pháp chỉ khoảng 200 quân thôi. Có vụ 1700 lính nhà Nguyễn đầu hàng 7 chú lính Pháp (?!). Cả hai lần hai chú chỉ huy Pháp sau đó đều tử trận tại Cầu Giấy dưới tay quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc. Cuối cùng Pháp chiếm Bắc kỳ bằng hòa ước với ... nhà Thanh (!?).
Tất nhiên nhiều chi tiết nhiều bạn học sử cũng biết rồi. Nhưng mới thấy nhà mình viết sử học sử linh tinh cả (cái này cũng không có gì mới !!). Yêu thì tán lên tận mây xanh. Mà ghét thì ném xuống bùn đen còn lấy chân đạp đạp thêm nữa. Tốt tý thì khoe ầm ĩ. Xấu thì giấu biệt.
Thấy bình sử mà công tâm may có cụ Phan Khôi. Thôi thì chép lại hai câu phong dao có phần thú vị ra đây. Bạn nào quan tâm dựa vào đó mà google. Ra nhiều thứ hay phết. Khen, chê, bênh, phê loạn lên cả.

An Nam có bốn anh hùng
Tường gian, Viêm láo, Khiêm khùng, Thuyết ngu.

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2009

Murakami Haruki và Trịnh Công Sơn

Ngày hôm nay thì chán thực sự.
Sáng mưa. Chiều mưa. Trưa, lúc mình không phải ra ngoài, thì nắng. Hậu quả mang ủng cả ngày, nóng. Tối lười ghé quán ăn, cởi mặc áo mưa lích kích, thế là về thẳng nhà làm gói mỳ. Ghét mưa.
Không nhớ ai, Miro hay Denisa nhỉ (?), từng nói đùa rằng người sinh tháng Tư tính tình giống thời tiết tháng Tư. Chắc đó là câu nói của người Slovensko, nơi thời tiết tháng Tư khá bất thường, dạng sáng nắng chiều mưa. Mà hôm nay tháng Tư chỉ mới ló vào ngày đầu tiên.
Ngày đầu tiên của tháng Tư. Có vẻ như người VN ai cũng nói về cá tháng Tư. Từ bao giờ ấy nhỉ? Hẳn dân tộc thông minh này dễ hấp thụ mấy thứ ngoại lai, kiểu Valentine hay Halloween? Mà chẳng cần hiểu gì nhiều!
Ám ảnh cảm giác khó chịu sau cuộc tranh luận nhỏ với Tr. Thực ra đây không phải lần đầu. Mà mình luôn thắng thế đấy chứ. Vả lại nhiệm vụ của mình là huấn luyện tụi nó cơ mà? Công bằng mà nói thì phải quý Tr hầu như là người duy nhất thường có ý kiến tranh luận. Điều đáng nói là ở cách suy nghĩ của nó. Buồn.
Tại sao một người có thể bảo vệ ý kiến của mình trong khi chính họ rất mơ hồ? Không bằng chứng. Không phương pháp luận. Cứ như nói về một đức tin (?). Mà không có cơ sở để tin. Hình như chỉ đơn giản là cái đến trước nhất. Không nghi ngờ. Không phản biện. Ngay cả khi thực tế cứ chứng tỏ điều ngược lại (!). Phải chăng là lười suy nghĩ đến độ khó hiểu?
Bỗng nhớ đến nhân viên mới ở trạm ST. Cùng một kiểu lười suy nghĩ và bướng bỉnh. Hậu quả một nền giáo dục chăng? Nhồi nhét. Nói gì nghe nấy.

Thôi quên đi! Như người đời vẫn dễ quên. Ngày cá tháng Tư đưa dần Trịnh nhạc sĩ vào dĩ vãng. Cũng nhanh. Nhớ ngày này năm ngoái đến Hợp Phố nghe nhạc Trịnh. Buồn cười là hôm đó đi với thầy NTH. Người có tới mấy bằng master về âm nhạc chỉ ra cho mình vô khối điểm kém cỏi của dàn nhạc, mà loại tai trâu như mình không để ý. Hay cũng một kiểu lười? Lười quan sát. Lười tư duy.
Năm nay thì thầy lại về, nhưng không dạy mình nữa. Đơn giản chỉ vì không có người học. Người VN mình đã giỏi đến thế chăng? Quả thực học giỏi. Thi giỏi. Chỉ chẳng làm được gì (!).

Mình đọc tác phẩm thứ 3 của Murakami Haruki. Biên niên ký chim vặn dây cót. Sau Rừng Na-uyPhía nam biên giới phía tây mặt trời. Nhiều người nói ông viết sâu sắc về xã hội Nhật. Mình không biết xã hội Nhật thế nào. Chỉ thấy ông đi vào sâu thẳm mỗi con người. Cả 3 tác phẩm đều có những nhân vật "tôi", với những suy nghĩ nội tâm. Mình thì sao? Mình có tâm sự những lòng mình thế không? Những người khác có ai muốn cởi lòng? Sợ người nghe không nghe chăng? Không hiểu chăng? Hiểu lầm chăng? Đánh giá sai chăng?
Nên mình mới nhớ tới Trịnh nhạc sĩ. Ông này cũng viết về cái tôi. Không đao to búa lớn kiểu VTV, rằng "ai cũng biết rằng", mà mình ngồi nghe lại không biết (?!). Thế mà nhiều người thích nhạc ông. Hẳn cái tôi ấy có trong nhiều người vậy.
Mình tin rằng mỗi người đọc Murakami có thể tìm thấy chính họ trong ấy. Mình bắt đầu đọc Rừng Na-uy cũng chính vì nghĩ, cứ 7 người Nhật có một người đọc, thì phải đại diện được cho một cái gì đó.
Thế đấy. Lười. Có trong laptop rồi mà cứ nhẩn nhơ nhẩn nha. Và đọc cũng nhẩn nha ... nhẩn nha ...