Ngày hôm nay thì chán thực sự.
Sáng mưa. Chiều mưa. Trưa, lúc mình không phải ra ngoài, thì nắng. Hậu quả mang ủng cả ngày, nóng. Tối lười ghé quán ăn, cởi mặc áo mưa lích kích, thế là về thẳng nhà làm gói mỳ. Ghét mưa.
Không nhớ ai, Miro hay Denisa nhỉ (?), từng nói đùa rằng người sinh tháng Tư tính tình giống thời tiết tháng Tư. Chắc đó là câu nói của người Slovensko, nơi thời tiết tháng Tư khá bất thường, dạng sáng nắng chiều mưa. Mà hôm nay tháng Tư chỉ mới ló vào ngày đầu tiên.
Ngày đầu tiên của tháng Tư. Có vẻ như người VN ai cũng nói về cá tháng Tư. Từ bao giờ ấy nhỉ? Hẳn dân tộc thông minh này dễ hấp thụ mấy thứ ngoại lai, kiểu Valentine hay Halloween? Mà chẳng cần hiểu gì nhiều!
Ám ảnh cảm giác khó chịu sau cuộc tranh luận nhỏ với Tr. Thực ra đây không phải lần đầu. Mà mình luôn thắng thế đấy chứ. Vả lại nhiệm vụ của mình là huấn luyện tụi nó cơ mà? Công bằng mà nói thì phải quý Tr hầu như là người duy nhất thường có ý kiến tranh luận. Điều đáng nói là ở cách suy nghĩ của nó. Buồn.
Tại sao một người có thể bảo vệ ý kiến của mình trong khi chính họ rất mơ hồ? Không bằng chứng. Không phương pháp luận. Cứ như nói về một đức tin (?). Mà không có cơ sở để tin. Hình như chỉ đơn giản là cái đến trước nhất. Không nghi ngờ. Không phản biện. Ngay cả khi thực tế cứ chứng tỏ điều ngược lại (!). Phải chăng là lười suy nghĩ đến độ khó hiểu?
Bỗng nhớ đến nhân viên mới ở trạm ST. Cùng một kiểu lười suy nghĩ và bướng bỉnh. Hậu quả một nền giáo dục chăng? Nhồi nhét. Nói gì nghe nấy.
Thôi quên đi! Như người đời vẫn dễ quên. Ngày cá tháng Tư đưa dần Trịnh nhạc sĩ vào dĩ vãng. Cũng nhanh. Nhớ ngày này năm ngoái đến Hợp Phố nghe nhạc Trịnh. Buồn cười là hôm đó đi với thầy NTH. Người có tới mấy bằng master về âm nhạc chỉ ra cho mình vô khối điểm kém cỏi của dàn nhạc, mà loại tai trâu như mình không để ý. Hay cũng một kiểu lười? Lười quan sát. Lười tư duy.
Năm nay thì thầy lại về, nhưng không dạy mình nữa. Đơn giản chỉ vì không có người học. Người VN mình đã giỏi đến thế chăng? Quả thực học giỏi. Thi giỏi. Chỉ chẳng làm được gì (!).
Mình đọc tác phẩm thứ 3 của Murakami Haruki. Biên niên ký chim vặn dây cót. Sau Rừng Na-uy và Phía nam biên giới phía tây mặt trời. Nhiều người nói ông viết sâu sắc về xã hội Nhật. Mình không biết xã hội Nhật thế nào. Chỉ thấy ông đi vào sâu thẳm mỗi con người. Cả 3 tác phẩm đều có những nhân vật "tôi", với những suy nghĩ nội tâm. Mình thì sao? Mình có tâm sự những lòng mình thế không? Những người khác có ai muốn cởi lòng? Sợ người nghe không nghe chăng? Không hiểu chăng? Hiểu lầm chăng? Đánh giá sai chăng?
Nên mình mới nhớ tới Trịnh nhạc sĩ. Ông này cũng viết về cái tôi. Không đao to búa lớn kiểu VTV, rằng "ai cũng biết rằng", mà mình ngồi nghe lại không biết (?!). Thế mà nhiều người thích nhạc ông. Hẳn cái tôi ấy có trong nhiều người vậy.
Mình tin rằng mỗi người đọc Murakami có thể tìm thấy chính họ trong ấy. Mình bắt đầu đọc Rừng Na-uy cũng chính vì nghĩ, cứ 7 người Nhật có một người đọc, thì phải đại diện được cho một cái gì đó.
Thế đấy. Lười. Có trong laptop rồi mà cứ nhẩn nhơ nhẩn nha. Và đọc cũng nhẩn nha ... nhẩn nha ...
Thứ Tư, 1 tháng 4, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét