Thứ Ba, 31 tháng 3, 2009

Watchmen

Hôm nay lẽ ra mình phải thấy chán. Hoặc chí ít là cảm thấy hơi chan chán. Thế mà không. Trơ rồi chăng?
Hay thực ra vốn dĩ chẳng có chuyện gì?
Chỉ là tại trời mưa. Sáng ra khỏi nhà dưới ánh nắng. Có vài giọt nước nhỏ xuống như vô tình (hình). Rồi trên đường đi ngửi thấy mùi hơi đất. Và những giọt nước nặng thêm chút đỉnh.
Đến trường thì ... cúp điện. Mới thấy thiên hạ thế giới chỉ giỏi hình thức. The Earth hour với chả Giờ trái đất này nọ. Cắp cặp sang VN mà học bác EVN!
Cuối cùng thì mình đến Sen coffee. Mưa chẳng mấy. Ướt cũng chẳng mấy. Chẳng đủ để bực mình. Dù hồi nào tới giờ mình vẫn ghét mưa như vậy. Nhất là mưa mà lại phải ra đường :-(.

Lòng không buồn, không vui. Nghĩ tới bộ phim mới xem: Watchmen.
Đầu tiên là cái tên tiếng Việt khiến mình không nhận ra bộ phim: Anh hùng báo thù. Nghe sặc mùi quen thuộc của cách nói thường xuyên trong ngôn ngữ ngày nay của "dân tộc yêu chuộng hòa bình" này. Đầy rẫy những "ra quân", "phục thù", "rửa hận", ... Nhớ lại bài viết mình mới được đọc về những tên dịch đã đi vào lịch sử, như Cuốn theo chiều gió (Gone with the Wind) hay Bố già (The Godfather).
Mình đọc khá nhiều ý kiến về bộ phim trước khi xem. Trừ chính nội dung. Vì muốn kiểm nghiệm một tý. Tự cho là hiểu. Khi mà khá nhiều người thấy khó hiểu. Vì nó đan xen khá nhiều yếu tố chính trị xã hội. Phim này mà ra ngày trước chắc chắn bị cấm chiếu ở VN :-).
Xem về mình tìm đọc thêm một chút. Hóa ra phim khá trung thành với truyện. Một loại truyện tranh. Làm mình không khỏi liên tưởng những truyện tranh cuốn hút mình thời bé. Những Bóng nhựa cùng Bút thép. Những tên gián điệp Mỹ Cao gầy với Thấp béo. Những truyện tranh đó có liên quan gì đến "giấc mơ Việt"? Mà có có không một Giấc mơ Việt?
Watchmen phần nào là một Giấc mơ Mỹ. Những siêu anh hùng cứu nhân độ thế. Dĩ nhiên thể hiện qua tâm điểm thời đó. Chiến tranh lạnh. Vũ khí hạt nhân. Chiến tranh VN :-). Các siêu anh hùng Mỹ vẫn đủ hỷ nộ ái ố.
Mô típ không mới khiến mình đoán được. Khi sự cố xảy đến cho một nhóm-người-có-quá-khứ thì ắt có sự phản bội. Kẻ thông minh nhất có xu hướng tách bầy đàn. Kẻ quyền năng nhất có xu hướng chán nản. Kẻ hiền lành nhất ngu ngơ. Kẻ không thỏa hiệp lãnh đủ.
Thú vị với nhận xét của bạn Mộng Dép, so sánh Dr Manhattan với Đô-rê-môn :-D. Tiếc là đa số fan của Đô-rê-môn với những Pô-kê-môn không biết gì về Watchmen để bàn luận. Có gì để nói về Giấc mơ Việt ngày nay, hay Giấc mơ Nhật chăng? Hay Hàng VN chất lượng cao made in Japan :-)?
Nên mới có chuyện phim Mỹ loại R ở VN vẫn có những ông bố bà mẹ đưa con nhỏ vào xem. Chưa nói nghe không được, phụ đề đọc không được. Chỉ còn cách chơi đùa với các hàng ghế :-). May mà bố mẹ cũng không khá hơn (trong việc hiểu phim) nên kết cục cả nhà về sớm :-)).
Chắc "bom tấn" của điện ảnh Mỹ ở VN nổ không mấy. Người VN còn không yêu cái kết: "người tốt" phải chết thay cho "kẻ xấu"?!
Linh tinh thế thôi. Buồn cười là cái vật chiếu sáng của ngài Tiến sĩ quyền năng màu xanh trong phim đã bị làm cho blurred mất (only in VN!) :-).

Tại sao trong vi điều khiển có watchdog mà không có watchman (hay watchwoman) nhỉ? :-D

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2009

Thơ Bùi Giáng

Sáng nay tự nhiên dậy sớm. Mới đọc mấy bài thơ của Bùi Giáng. Không hiểu sao có mấy câu cứ ám ảnh suốt dọc đường đi làm. Thử nhớ gì chép nấy vào đây:

thần tiên trên núi
đùa với tuyết, rỡn với vân
một mình nhớ mãi gái trần gian xa
sương buổi sớm, nắng chiều tà
trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu

nhìn em sinh hoạt não nề
cày sâu cuốc bẫm đề huề chồng con
nhìn anh biển cạn sông mòn
kéo dài vô tận vẫn còn cuồng điên
thưa em thôn nữ thuyền quyên
vợ chồng sum họp thần tiên thực là

anh điên mà dzui dzẻ thập thành
chúng tôi tỉnh táo mà đành buồn hiu

Cám ơn bạn N đã tặng sách.

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2009

You give me a reason to live

Hôm nay buồn tình thế nào mình bỗng nhớ đến bài hát You can leave your hat on, do Joe Cocker trình bày trong bộ phim đậm màu tình dục 9½ Weeks với Kim BasingerMickey Rourke. Mới tìm nghe lại và hứng chí post luôn một câu trong bài hát lên status của Yahoo! Messenger:
You give me a reason to live.
Thế là ngay lập tức mình nhận được đến 3 câu chào từ 3 người bạn quen biết, ngụ ý chia sẻ nỗi buồn với một kẻ chán sống :-).

1. Mình là một kẻ chán sống ai cũng biết. Bạn bè ta quả nhiên hiểu ta.
2. Câu tiếng Anh này quá đa nghĩa. Ngẫu nhiên.
3. Sự khác biệt văn hóa Đông Tây. Phương Đông "triết" hơn.

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2009

Khôn, dại

Mình cũng thuộc loại lười. Ít đọc sách mà đọc lại cũng không đến nơi đến chốn :-(.
Có câu này, xưa nay chỉ biết đại khái, cũng cứ phiên đại sao cho dễ lọt tai:

Khôn cho người ta ngại, dại cho người ta thương, dở dở ương ương cho người ta ghét.


Nhân hôm nay rảnh, đọc blog Huy bom thấy bàn mấy chữ Việt cổ hay hay. Mới chợt nhớ lại câu trên rằng:

Khôn cho người ta dái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương cho người ta ghét.

Cái chữ ngày nay có nghĩa khác khiến nhiều người ngượng miệng không dám nhắc đến kia, có nghĩa cổ là kính nể :-).

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2009

Quốc học CT

Tối qua đi coffee với cô Vân Anh và con gái Cô. Vì Cô thích bờ biển nên mình đưa Cô đến Đà nẵng phố. Lâu lắm rồi mình mới lại ghé quán này. Vắng khách nên rất yên tĩnh.
Mình nhớ Cô lập gia đình hồi Cô làm chủ nhiệm lớp mình, lớp 8 và lớp 9. Bây giờ con gái Cô sắp lập gia đình rồi. Cô đưa học sinh vào thi gì đó ở Đà nẵng và gọi cho mình. Từ hồi không còn chạy xe máy về quê, mình ít ghé Huế, thành ra cũng không ghé thăm Cô. Cô có vẻ trách nhiều, nhưng nói với mình thì chỉ trách các bạn khác :-).

Tối qua cũng nhận được email Bá Khôi gửi cho mấy tấm ảnh thú vị. Tấm thứ nhất mình nhớ là chính mình và Khôi đã hì hục dán, từ ảnh tất cả các bạn trong lớp nộp, thành chữ 12CT theo thứ tự tên ABC, rồi đem đi chụp lại. Tấm của mình chẳng biết nay lạc đi đâu, thế mà Khôi còn giữ được.


Tấm thứ hai thì thú thực mình mờ ký ức. Chẳng nhớ ra chụp lúc nào, dịp nào :-(. Chỉ nhận ra cả lớp chụp tại chân cột cờ giữa sân trường Quốc học. Không hiểu sao lại vắng mặt một số bạn.


Ngắm lại tấm này thấy cũng vui. Thời gọi là "mài mòn đũng quần trên ghế nhà trường". Dĩ nhiên không ai chổng bàn tọa lên chụp hình nên không rõ độ "mòn" :-D. Nhưng thời quần áo cũ, giặt là như xa xỉ, thì nhìn nếp gấp trên đùi đủ thấy suốt ngày ngồi :-). Ngơ ngác làm mặt "ngầu". :-)

Bonus cho bạn Liên tấm hình phía dưới. Chuyên toán Quốc học sau 10 năm đây:

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2009

Làm thơ

Tự nhiên đọc mấy câu thơ ... thẩn:
Ngẩng mặt nhìn trời
Hận đời vô đối!
Úp mặt xuống gối
Vô đối thật sao?
Chổng mông lên cao
Vì sao vô đối?
Đi vào bóng tối
Vô đối là TA.
Một bạn (chắc là còn) trẻ đưa ra công thức làm bánh ... à quên, làm thơ như sau (mình thử minh họa luôn (?!)):

1. Chọn nguyên liệu: những từ chủ đề chính và liên quan, chẳng hạn mình nghĩ về tình yêu, hạnh phúc, khổ đau
2. Thêm hương vị: những từ bổ trợ, ví dụ trai, gái
3. Trộn nguyên hương liệu, gia giảm, cắt khúc, như dễ nhất là thơ tự do, thơ năm chữ, tám chữ phải cắt đều, ...

Ra sản phẩm lục bát như vầy:
Tình yêu trai gái trao nhau
U mê, hạnh phúc, khổ đau, rồi tình
Chúc các bạn thưởng thức thơ ... ngon.

(Buồn sau khi đọc Chù Mìn Phủ
Buồn hơn nữa là nó bị cấm)

Xem phim

Xem phim The curious case of Benjamin Button. Tự nhiên lại nhớ Forrest Gump. Nghĩ rằng đời chẳng ai giống ai. Nhưng mấy anh chàng hơi khác người này lại có những số phận quá đỗi bình thường, dường như tất cả chúng ta đều vậy cả?
Cái ngược đời của Benjamin khiến mình liên tưởng chữ X cuộc đời. Thoạt đầu ở xa nhau lắm, rồi dần tiến đến gần nhau. Gặp nhau ở giao thời ngắn ngủi. Rồi lại xa dần ... dần xa ... ngày mỗi xa ... xa mãi ...

Quê ngoại





Cuối Giêng về thăm quê ngoại. Ký ức nhạt nhòa bởi đã 22 năm có lẻ. Chẳng biết có phải cậu bé ngày ấy lớn lên, hay đất trời nhỏ lại? Bãi rộng ngoài đê nay thu hẹp, bờ sông lở đã tiến sát chân đê.
Không chỉ một lần cụng đầu vào bậc cửa mái hiên. Cổ truyền còn đó với nhà gỗ 3 gian (nay đã) mái ngói, nam tả nữ hữu, giữa gian thờ. Không gian sinh hoạt mở rộng bằng những dãy nhà ngang.
Mùa nông nhàn. Nhịp sống thong thả xa xôi với hối hả đô thị. Người già phấn khởi hơn xưa, trung niên không ít thở dài, con nít lớn lên mang những đôi mắt nhiều u uẩn.
Ừ, thôi thì chẳng đua chen. Nhưng người qua mặt có gì là lạ?