Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Điện

Sáng đi trực về thấy đầy đường mấy chú đồng phục màu cam. Lại thấy hàng xóm ra cửa ngồi ... hóng mát. Hiểu. Cúp điện.

Cắm điện thoại vào pin dự phòng. Macbook đầy pin. Quạt và router cắm vào điện mặt trời. Sẵn chai xì dầu và 5k bún mua đầu ngõ. Điện lực không phải ông tướng, nhoé. Hehe.


Mà, tại sao dân ta cứ phải có những vị tướng lãnh đạo nhỉ? Xem ra đất nước có thể độc lập nhưng mỗi người dân chẳng mấy người tự do.

Ngày sinh

Dân ta ăn mừng Sinh nhật (của mình và của nhiều người khác) theo Dương lịch, nhưng ngày đản sinh của đức Phật thì tính theo Âm lịch (năm theo Phật lịch). Vốn xưa dân xứ lúa nước làm gì biết đến sinh nhật, có lẽ "lai tự Tây phương (not Tây trúc)" hihi.

Lại ngày giỗ (kỵ) thì dân ta theo Âm lịch, nhưng nhiều người (nổi tiếng?!) được nhắc "ngày chết" theo ... Dương lịch, (lai tự hà phương?) hehe.

Dễ hiểu, nhưng nhiều kẻ cố tình không hiểu

GIÁ VÀ PHÍ

Bây giờ chuyện giá hay phí không chỉ ở đường xá, mà đã và đang, sẽ là chuyện của trường học và bệnh viện nữa.
Không nói chuyện chữ nghĩa nữa, mà nói thực chất GIÁ hay PHÍ. Quan điểm của tôi là thế này:
1- Thưa anh Thể
Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chẳng hạn. Nó là đường mới. Đường cũ vẫn có. Đi đường cũ không phải mua vé để bù cho đường mới. Đi đường mới phải trả khá tiền. Đắt sẽ ít người đi. Hợp lý sẽ nhiều người đi. Theo tôi nếu làm BOT hay không BOT nhưng thu phí đường theo cách như thế không ai thắc mắc.
Còn quốc lộ 1 BOT như vừa qua là vấn đề. Quốc lộ 1 không thể chỉ là GIÁ được, vì nó bao hàm trong đấy con đường trước khi sửa là của dân của nước. Phần đầu tư BOT chỉ là thêm vào thôi, và chỉ là một hợp đồng có thời hạn. Dân có quyền đòi hỏi thu phí sao cho đúng, cho hợp lý. Thêm nữa, dân đi đường cũ (không chỉ QL1) mà phải góp tiền cho đường mới thì là chuyện quái dị. Phải có sự rõ ràng mạch lạc, công minh. Phải có nhận sai và sửa sai. 
2- Thưa anh Nhạ
Có các trường đại học dân lập, đại học tư hoàn toàn. Học ở đó phải trả nhiều tiền. Dân không kêu ca. Theo cách nói bây giờ là phải trả theo GIÁ bao hàm đầy đủ các chi phí của các trường đó. Bây giờ bất cứ trường đại học nào muốn thu đúng, thu đủ (như ông nói là theo luật Giá), thì hãy như các trường nói trên, tự trả hết tiền đất đai, nhà cửa, tài sản, nhân lực. Khi đó tự định học phí là bao nhiêu mà thu. Đắt thì con em nó ra nước ngoài học hết. Đó là cạnh tranh. Bên Tây họ cũng thế.
Còn nếu trường đại học vốn là do dân do nước chắt chiu mãi mới có, rồi trên cái cơ sở ấy chuyển PHÍ thành GIÁ, đòi thu nhiều, thu đủ....thì nó lại giống như tráng nền mở rộng quốc lộ 1 rồi thu BOT.
3- Thưa chị Tiến
Bệnh viện tự lo từ A đến Z không liên quan nhà nước, giá dịch vụ thế nào không ai phản đối. Mắc quá họ ra nước ngoài hay sang viện khác chữa. Đó là cạnh tranh.
Nhưng cũng không lẫn lộn với chuyện bệnh viện do nhà nước đầu tư xây dựng lâu nay bằng tiền dân đóng góp. Nhà nước chưa thể cho dân chữa bệnh không mất tiền, nên phải thu phí - Đồng ý. Nhưng phí đó thành GIÁ thì không đồng ý. Nếu là GIÁ - hãy tự xây bệnh viện hay trung tâm khác và hạch toán tất tần tật vào kinh doanh chữa bệnh. Chuyển bệnh viện công sang thành bệnh viên tư cũng được. Nhưng phải mua lại, trả tiền cho nhà nước có thể đầu tư cho các bệnh viện công còn lại. 
4- Với cả ba Anh Chị Bộ trưởng:
Tôi đồng ý các anh chị tính hết thành GIÁ.
Nhưng để thu đúng theo GIÁ, ai muốn thu hãy đầu tư cái giá trị mới bằng tiền của mình, không dựa vào cái tài sản chung của dân đã tích luỹ lâu nay làm nền như nền đường quốc lộ 1 thành đường BOT.
Nếu dựa vào nền đường cũ, thì phải là PHÍ. Nếu cơ sở vật chất và dạy và học có trước do công quỹ, thì là PHÍ. Nếu cơ sở vật chất khám chữa bệnh xuất phát là tiền công, thì là PHÍ.
Còn nếu định giá để kinh doanh giao thông, giáo dục, y tế - OK. Nhưng đừng nhập nhằng lẫn vào cái của dân của nước đã làm ra.
Tóm lại, hãy phân minh chỗ nào là PHÍ, chỗ nào là GIÁ. Chỗ nào là phúc lợi. Chỗ nào là kinh doanh. Không nạc mỡ lẫn lộn. Không diễn biến hoà bình từ PHÍ sang GIÁ.


(Theo Fb Trần Đăng Tuấn)

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Án

Mạng người VN vốn rẻ. 9 người đã chết chỉ trong một vụ chạy thận.

Dư luận (vốn bị cấm đoán đủ điều) đang bị lái (một cách cố vô tình) về một vụ xử án (ở xứ công lý chỉ là một anh hề).


Hòng che khuất 1 điều: những kẻ tội phạm chính đang đứng ngoài phiên toà ấy (bởi, ai là người có quyền khởi tố?).

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

Someone else besides you

Đầu óc hắn, dường như ngày một ngắn lại.

Đọc, tiểu thuyết không hấp dẫn bằng truyện ngắn. Và hầu như thích tản văn. Gần đây, trong khi đọc một truyện ngắn, đôi lần, hắn phải lật sách lại để xem tiêu đề câu chuyện đang đọc là gì.

Hôm nay cũng vậy. Sau khi đọc xong câu chuyện, hắn không thể nhớ nổi tiêu đề. "Một ai đó khác ngoài bạn".

Bỗng nổi tò mò, liệu gốc tiếng Anh của nó có phải là, someone else but you? Dĩ nhiên, trình tiếng Anh của hắn, dịch xuôi còn chưa xong ...

Lần này, may mắn, hắn có thể nhờ bạn Gúc tìm ra nguyên bản. Someone else besides you. Một câu chuyện dễ thương tưởng không nhẹ nhàng chút nào.

Gần cuối truyện có câu gần như lặp lại tiêu đề, “Aren’t there times when you’d rather be someone else besides you?”.

"Cậu chưa bao giờ muốn trở thành một người khác sao?".


Thoát khỏi chính mình?!

The center of the universe

Sáng nay, hắn bắt gặp câu này những 2 lần. Lần đầu, bằng tiếng Slovakia, hắn nghĩ đó là một câu mang tính chế giễu, một cách hài hước.

Chưa hẳn đã hoàn toàn tình cờ (biết đâu, việc chúng cùng xuất hiện trong khoảng thời gian gần nhau như thế là bởi cùng một nguồn gốc?!), lần thứ hai hắn nhìn thấy là bằng tiếng Anh.


Some day when scientists discover the center of the universe,





a lot of people are going to be disappointed to find out it isn't them.


Thực lòng, hắn không hiểu lắm, tại sao người ta muốn làm trung tâm của vũ trụ?

"Danh" chăng? ...

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

Giá

Khi những thằng ngu và những thằng khốn giả ngu còn nghênh ngang nghễnh ngãng (không chỉ) ngoài đường thì nhiều việc không thể được đặt đúng vị trí, bảo sao không lạc lối.

Tạp pín lù

Đọc Sài gòn tạp pín lù của VHS, có đoạn tả các món ăn mà hắn thấy rùng mình. Hoàn toàn không phải món kinh món dị gì, chỉ là cách ăn, theo học giả họ Vương, cứ phải nhét, nhai, nhồm nhoàm đầy miệng (đến mức nghẹt thở!?) mới là ... ngon. Và rằng dân ta ăn là phải như thế, phải phát ra tiếng, nhóp nhép, sì soạt, phải vứt thức ăn thừa xuống đất cho mấy chú cẩu dọn dẹp, ...

Dĩ nhiên, chỉ là cảm giác cá nhân, vì, hắn, nếu ăn như thế, có là cao lương mỹ vị gì cũng thành rơm khô hết thảy. Vả, sức ăn của hắn, một bữa chắc chỉ bằng một ... miếng nhai được cụ Vương miêu tả hihi.

Nhưng, cũng phải nói cho rõ rằng, hắn hoàn toàn tôn trọng thú vui ẩm thực của người khác. Nhất là ở những thời đại khác. Chỉ hơi suy nghĩ chút chút, tại sao "hào sảng" đến mức "thô lỗ" (chữ của cụ Vương) như vậy mà lại không dang tay đón tiếp khách phương xa, lại ngăn sông cấm chợ để đến độ chiến tranh liên miên, người với người hằn học?

Thực ra, dân dã thế thôi, chứ triều đình thì đã từ lâu đũa ngà chén ngọc theo Tàu cả rồi. Ta, cái gì cũng "truyền thống lâu đời" mà gì cũng cần "bảo tồn" hết thảy hehe.



Tối qua, nửa đêm dậy đi đái, vừa xả nước thì thấy bơm nước tự động chạy. Rồi sao thấy bơm chạy lâu thế, phải dậy ngắt điện. Sáng leo lên bể xem đường ống van phao có ổn cả chăng. Bỗng nhớ ngày xưa sáng dậy múc nước giếng đổ đầy các thùng xô chậu, vừa tập thể dục vừa có nước dùng.

Lại tí nữa chạy đi kiếm mua cái máy "kinh vĩ". Tên còn không nhớ, nói gì tới biết máy đó làm gì. Đọc PTVA, cũng thấy tiêng tiếc nhớ cái ngày xưa chẳng bao giờ trở lại ...


Đúng là, mất nhiều tiếc lắm vậy.

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa

Nhìn thấy bìa sách, hắn hiểu ngay rằng, người này cưỡi ngựa xem hoa.

70k cho 1 cuốn sách mỏng, hắn mua vì những cái tên Nhà xuất bản Trẻ và tác giả Phan Thị Vàng Anh.

Nhưng, đọc, chỉ thấy một sự nuối tiếc hờ hững cho những cái cũ nhàn nhạt đã qua.


Trong đầu bỗng xuất hiện một ý nghĩ buồn cười: chị Thảo Hảo, nay, đã vào Đảng rồi ...

Khẩu (miệng)

Sáng đọc sách gặp câu "bịnh tùng khẩu nhập, hoạ tùng khẩu xuất".

Hắn dịch: bệnh theo miệng mà vào, hoạ từ miệng mà ra.

Haiz, tội vạ gì cũng từ miệng cả ...

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Công trường

Có lần, hắn bảo, thế hệ mình luôn được sống trong các công trường. Đi ra đường, xin mời đi đường tạm, đường chính đang thi công. Vào sân bay, bít bùng những không gian tạm, nhà ga chính đang thi công.

Đất nước trễ nãi đi lên từ những hoang tàn tự phá. Tiếp nối bằng những sửa đổi nâng cấp liên miên bởi tầm nhìn hạn hẹp. Công trường nối tiếp công trường. Cả cuộc đời không ra ngoài bụi cũ bụi mới.


Viết, nhân dịp trạm hắn lại vào cơn sửa chữa nhà cửa. Lại chắp. Lại vá. ...

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

Văn

Hắn đọc Người tị nạn (The Refugees), phần nhiều vì tò mò. Cũng như trước đây hắn đã quyết định mua bản điện tử The Sympathizer từ trên mạng.

Và đã vô cùng vất vả với các con chữ. Hắn đã cho rằng chỉ tại vì trình Anh ngữ kém cỏi của mình.

Nhưng, lần này, hắn phát hiện ra, một phần, có lẽ, còn tại vì văn của tác giả Viet Thanh Nguyen. Những câu văn luôn thấm đẫm đặc quánh thông tin, kiểu những bổ ngữ tưởng như vô tình lại "vô tình" tiết lộ quá nhiều các thông tin khác. Đến nỗi, cứ sau khi đọc xong một đoạn văn, hắn thường phải dừng lại tự hỏi, đoạn này nói những gì nhỉ. Kẻo, chỉ một lát sau, hắn phải ngớ người, ủa, tác giả nói điều ấy lúc nào ...

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

Lựa chọn

Nhà khoa học PĐD qua đời.

Người ta lại nhắc về một nhà chính trị giả danh nhà khoa học khác, NVH.

Hiển nhiên lịch sử đã rõ ràng, ai là kẻ được lựa chọn. Sự lựa chọn còn để lại di hại đến hôm nay, và không chỉ đến hôm nay.


Nhưng, vòng luẩn quẩn ấy, vẫn đang quay ...

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

Hà Hương phong nguyệt

Tít phụ của sách là: "Tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Nam Bộ và bị chính quyền thuộc địa tịch thu, tiêu huỷ.".

Lời nói đầu có những đoạn: "... Việc chuyển tải một quan niệm không truyền thống về tình yêu, luân lý trong thời điểm nhân dân Nam Bộ cần cổ xuý cho đạo đức truyền thống, cho tình yêu nước để có sức mạnh chiến đấu với giặc ngoại xâm hơn là những tình cảm cá nhân ngang trái, buông thả là không hợp thời. Tiểu thuyết này quá mới mẻ trong thời điểm ảnh hưởng của văn minh phương Tây vẫn chưa thật sự lấn át được những quan điểm khắt khe của Nho giáo về tình yêu nam nữ. ... Trước áp lực của dư luận, cuối cùng Hà Hương phong nguyệt đã bị chính quyền thuộc địa ra lệnh tịch thu và tiêu huỷ."



Lão già nơi núi kia đọc xong những lời này không khỏi phá lên cười. Hay cho cái được gọi là chính quyền thuộc địa.


Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

Vàng, thau

Bà chị họ, là giáo viên giỏi, than thở rằng, chắc không phải là giáo viên, chứ giáo viên đời nào lại thế. Ấy đang nói về cô giáo "mặt người óc lợn", hihi.

Nghĩ bụng, rõ rồi. Làm thầy đâu có dễ.


Chợt nhìn thấy comment rằng, không có chứng chỉ chi chi đó.

Thoạt đầu nghĩ, ăn nhập chi hè? Sau nhớ ra, tiêu chí thời nay là vậy.

Mà, nói vậy, "mặt người óc lợn" lại là giáo viên thật đấy biết đâu. Kiếm một tờ giấy có đóng dấu đỏ phỏng có khó gì?


Trong mớ ba mớ bảy những bằng cấp chứng chỉ đầy mình ngoài kia liệu có được mấy người thầy?

Tư duy nô lệ cho mấy tờ giấy, trách gì vàng thau không lẫn lộn ...

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2018

Giấy

Những vụ, kiểu, "mất" bản đồ quy hoạch, hay, không bổ nhiệm được hiệu trưởng ở ĐH HS, đang chứng tỏ thói hành chính quan liêu bàn giấy lộng hành ở VN.

Ở công ty hắn, người ta không còn quan tâm phải làm cái gì nữa, mà chỉ quan tâm làm đúng "quy trình" là được. Đến lúc có sự cố xảy ra, sẽ không ai có lỗi ...

Hắn từng cười, nên thay tất cả kỹ sư bằng luật sư. Hehe.

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

May ra còn kịp?


Lỡ mẹ nó hơn nửa đời ... ngoan mất rồi. Từ giờ phải cố lên, may ra còn kịp vớt vát hehe ...

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2018

Salon

Điều đầu tiên khiến hắn cảm thấy buồn cười khi nhận được một tin nhắn mời (dạng nhóm) vào ngày hôm qua là, khai trương Salon cafe chiều thứ bảy lại xảy ra vào ngày hôm nay, chiều Chúa nhật hihi.

May mắn, hắn không phải suy nghĩ nhiều vì chắc chắn không tham gia được do phải đi trực.

Hơi lăn tăn tí bởi chủ đề chính, về Phan Chu Trinh, bộ óc Việt được hắn đánh giá cao nhất lịch sử VN cận đại.

Nhưng cũng không mấy tiếc, khi thấy diễn giả là Chu Hảo. Ông này là cựu quan chức chế độ đương thời, nên hẳn nghĩa lý cũng không mấy thông ...


Ấy chỉ tại chút tham lam muốn biết thêm, chứ Phan Tây Hồ hắn đọc cũng nhiều, và tự hiểu chứ cũng không nhất thiết phải nghe người đời nói này nói nọ. Nhất là, khi, những tư tưởng của Ông, ngày nay, từ dân đen đến giới thượng lưu của dân tộc, tuyệt không có ai thực hiện được chút nào ...

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

Nhổ răng


Vậy là mới chia tay thêm đồng chí 38. Đồng chí này cậy "khôn", mọc lệch, lẽ ra phải bị loại từ lâu lắm rồi. Chỉ là, có cuộc chia ly nào mà không đau đớn ...

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

Hợp tác

Hắn học đại học tại Cộng hoà Slovakia. Hiển nhiên ban đầu là theo chương trình hợp tác giữa 2 nước trong khối XHCN.

Học giữa chừng thì Slovakia không còn là XHCN nữa. Hắn kết thúc chương trình học nhờ tinh thần cao thượng giữ cam kết của Slovakia.

25 năm sau ngày tốt nghiệp, hắn mới lại chứng kiến một sự (có thể là) hợp tác giữa 2 nước. Đức, trong quá trình điều tra vụ CA VN bắt cóc TXT từ Berlin về Hà Nội, tìm ra rằng có thể con đường dẫn qua Bratislava. Thông qua một hội nghị hợp tác giữa Slovakia và VN diễn ra tại Bratislava, trong đó chính phủ Slovakia thậm chí còn hào phóng cho đoàn VN mượn máy bay riêng.

Mới nhất, chính phủ Slovakia đã triệu tập đại sứ VN tại Bratislava, yêu cầu giải thích về điều mà họ cho rằng có thể phía VN đã "lợi dụng tín nhiệm".


Thủ tướng Slovakia đương nhiệm vốn mới tại chức khoảng 1 tháng nay, sau khi thủ tướng cũ bị áp lực phải từ chức do vụ một nhà báo trẻ và vợ chưa cưới bị sát hại. Nhà báo này vốn đang tiến hành loạt bài điều tra về sự hợp tác giữa một số nhân vật cộm cán của chính phủ (Slovakia) với ... mafia (Ý).

Thực ra thủ tướng (Slovakia) mới vẫn thuộc đảng (cánh tả) như thủ tướng cũ. Và, hội nghị hợp tác nói trên giữa 2 nước (VN và Slovakia) là hội nghị giữa những người đứng đầu ... ngành công an của 2 nước. Bộ trưởng phía Slovakia lúc đó, là người bị phe đối lập cáo buộc khá nhiều tội, và cũng vừa mất chức theo thủ tướng của mình ...

Nhầm nhọt

Mới đây, có vụ việc một chiếc máy bay (của VNA) đáp xuống ... nhầm đường băng (RWY) ở sân bay Cam ranh. Sơ bộ nói rằng phi công có lỗi.

Thử hình dung ở góc độ tổ lái, cả cơ trưởng và cơ phó đều bay đến sân bay này lần đầu tiên. Được dẫn vào hạ cánh, nhìn thấy đường băng ok, họ hạ cánh và ... nhận ra mình vừa đáp xuống một đường băng đầy bụi, rác và không có lối ra. Cũng may là không có những mảnh rác lớn có thể gây nên tai nạn. Hú cmn vía.

Lạ?! Nếu phi công quan sát kỹ, họ có thể nhận thấy trước mắt họ dường như có ... tới 3 đường băng song song nằm gần nhau. Trong đó có một đường lăn (TWY), và ... 2 đường cất hạ cánh (RWY) thực sự. Trớ trêu là, RWY có vẻ xấu hơn mới là cái đang được sử dụng, còn cái đẹp hơn, sơn phủ báo hiệu đầy đủ khiến cho sự nhầm nhọt xảy ra thì ... mới xây dựng xong chưa được đưa vào khai thác.


Người nghe không khỏi thắc mắc, đến đường bộ người ta còn đánh dấu để khỏi nhầm đường, chẳng nhẽ đường không ... Các cơ quan chức năng cho biết, chủ đầu tư là tỉnh Khánh Hoà (tao có tiền thì tao làm thôi!?). Người đáng lẽ phải quản lý là cục hàng không thì không biết ở đâu. Một thành viên của ngành này, cụm cảng (quản lý các sân bay), bảo, chưa bàn giao cho tôi (để khai thác) nên tôi không biết. Ngành này có quy định: nếu đường băng được đưa vào sửa chữa thì phải đánh dấu X để cảnh báo phi công, nhưng, đường băng này không phải là được sửa chữa mà là mới hoàn toàn (!?!).

Đối với kiểm soát viên không lưu, đường băng mới kia hoàn toàn không tồn tại. Nó chưa được thông báo, chưa có văn bản, blah blah blah. Chỉ là nó đàng hoàng nằm nghễu nghện hoành tráng hơn ... ngay cạnh đường băng đang được khai thác mà thôi.


Lại nói chuyện "giá như". Giá như kiểm soát viên không lưu chỉ cần cảnh báo (tất cả) các tàu bay, rằng, êh tụi mày, ở đó có cái runway mới chưa dùng được, coi chừng nhầm nhọt nha. Hoặc giá như, quản lý sân bay nhìn sang công trình và bảo, êh đường chưa dùng, nếu sơn sửa xong xuôi tụi bây cũng phải che chắn lại kẻo người ta nhầm nha. Hoặc giá như cục nọ cục kia có biện pháp yêu cầu đánh dấu công trình chưa đưa vào sử dụng, gửi thông báo cho các bên liên quan (trong đó có các hãng hàng không có tàu bay bay đến sân bay này). Hoặc giá như chủ đầu tư phải được phê duyệt kế hoạch đầu tư cẩn thận (mà chắc chắn có phê duyệt, chỉ không đủ cẩn thận). Hoặc giá như đơn vị thi công có kiến thức và có trách nhiệm ...

Giá như chỉ là chuyện giá như. Giá như phi công quan sát kỹ (kiểu đi qua ngã tư, đèn xanh nhưng vẫn phải dè chừng) và có thể phải hỏi "ngu": êh, hình như tụi mày có tới 2 đường băng cùng tên cùng số lận hah? (và không hề có trong tài liệu). Và lúc đó có thể mọi chuyện sẽ khác, có thể, thằng dưới mặt đất sẽ trả lời thằng trên trời, rằng, tao biết đ. đâu ...

Mọi việc, vẫn đang rất đúng quy trình.


May mắn, ở VN, những chuyện thế này phải được gọi bằng may mắn, rằng, đã không có thiệt hại xảy ra ...