Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Viết một chút cho ngày hôm nay

Ừ, viết chút gì cho ngày hôm nay chứ nhỉ?

Một ngày bình thường như mọi ngày. Không mưa. Nắng sớm. Hơi nóng. Không có gì lạ, giữa Hạ.

Hắn thức dậy như thường lệ. 5h30. Mặc dù đặt báo thức 6h. Đi trực.

Sau khi nấu nước và ăn sáng xong thì phát hiện ra quên pha trà. Chứng quên, không mới, nhưng dường như mỗi ngày lại đạt đến "một tầm cao mới".


Ngày đầu tuần, cuối tháng. Monday July 31. Oh, 31. Hắn vừa trở về từ cuộc họp lớp. Kỷ niệm 31 năm ngày rời trường phổ thông trung học.

Thực ra họp lớp chính thức là vào năm ngoái. 30 năm. Năm nay, chỉ vài nhóm bạn gặp gỡ. Ở Sài gòn. Ở Huế. Nhân dịp có Q về từ Canada.

Trên "phây" đầy rẫy những cuộc gặp mặt. Cũng vào đúng những ngày này. Đó là còn may mà, (hay không may?), kỷ niệm 40 năm chuyên toán BTT đã không xảy ra như dự kiến. Nhóm bạn học đại học với hắn cũng tưng bừng bên trời tây (và trên Fb hihi). Thầy cô nhiều người cũng bận tham gia với các khoá khác.



Cũng chỉ là gặp gỡ, tếu táo chuyện ngày xưa. Cười vui như con nít. Thầy H thì mới về hưu, và yếu nhiều sau mấy ca phẫu thuật.

Nói chuyện những đứa con sắp vào đại học. Vẫn là học học học (cho thật giỏi) ... không biết để làm gì huhu. Quay sang trêu chọc cô phụ trách nhà hàng thì phát hiện ra nhiều người quen chung. Bảo rằng, ở Huế, 2 người lạ gặp nhau nói chuyện thế nào cũng tìm ra người quen chung nào đó.





Thứ Hai, xem tập mới GOT 703. Nhiều người phán rằng GOT có vẻ đuối sức về cuối. Thực ra, đã đến Season 7, các thế lực đều đã định hình. Nên còn phải vờn nhau.

Chiến lược, và chiến thuật, đang lên ngôi.

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Bảo hiểm

Bảo hiểm còn liên quan đến sức khoẻ nhiều hơn nhiều so với chuyện khám sức khoẻ.

Chuyện là thế này. Hắn, trong những lần ít ỏi đến ngân hàng, luôn được / bị các em gái xinh đẹp giới thiệu /quảng cáo gói tiền gửi bảo hiểm gì gì đó. Vốn đã tự xác định từ lâu, rằng sống ở đất nước này là hên xui. Dù bạn có sống nghiêm túc thì chưa chắc ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra: bệnh tật, tù đày, tai nạn đủ kiểu. Mà dù bạn có sống lầy lội thì ngày mai cũng chưa biết sẽ xảy ra chuyện gì: trúng số, anh hùng, quyền thế các kiểu.

Nên, người ta nói, cứ sống đi, lo lắng hay "bảo hiểm" mà làm gì.

Nhưng, sau nhiều lần từ cười bảo anh không quan tâm đến lảng tránh để anh xem lại, cuối cùng cũng bùi tai mủi lòng trước hai em gái xinh đẹp nhiệt tình mà đành nhắm mắt đưa chân.

Trong bản khai báo dài tự thấy mình không có bệnh gì. Chỉ tự khai (sự thật) là đã từng mổ cắt dạ dày cách nay hơn 20 năm. Các cô bé bảo oh lâu rồi mà (chắc hồi đó các ẻm còn cởi truồng hihi).

Ngay lập tức chuyển khoản khoản nộp cho quý đầu tiên. Sau đó chờ mãi không thấy các em gọi lên nhận hợp đồng. Dù nhận được đủ các kiểu tin nhắn này nọ. (Qua ngân hàng nhưng thực ra là mua bảo hiểm Manulife.).

Gần đây nhận được tin nhắn lên nhận khoản thanh toán gì đó. Mới gọi điện hỏi em gái xinh đẹp, thì, té ra, công ty thẩm định và ... từ chối ký hợp đồng. Lý do chính tại khoản cắt mổ nọ. Bây giờ công ty chuyển trả khoản tiền chuyển hôm trước.

Cười bảo không sao đâu em. Nghĩ bụng, các em cũng ham bán hàng, chứ đúng ra hắn phải quá tuổi?



Anyway, vui một chút vì đời ... không ai dám bảo hiểm. Haha.

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Khám sức khoẻ ký sự

Sáng nay, hắn đem thân làm vườn hoa cho các bác sĩ cưỡi ngựa.

Đúng quy trình.

Nhưng cũng mất kha khá thời gian. Ngồi trên các ghế chờ đợi.

Cũng đúng quy trình.


Nữ đồng nghiệp lớn tuổi ở công ty than phiền với hắn. Nói to. Hiển nhiên để cho các cô bé y tá gần đó nghe. Khám qua loa chờ lâu lắc.

Các cô y tá trẻ im lặng và ... ngó lơ. Có lẽ, đúng quy trình (?!).

Hắn, ... cũng mỉm cười và im lặng. Nhẽ, cũng đúng quy trình (!?).


Nghĩ bụng, mấy cô bé này làm gì được. Mà, biết đâu, các bác sĩ còn bực mình hơn. Ngờ rằng, những hợp đồng kiểu này, chỉ là cái cớ để những khoản % bắn qua bắn lại. Đúng quy trình.


Dù sao, cũng còn hơn các bác sĩ trong ngành.

Mà, nghiệm ra, 80% công việc là việc của các cô y tá. Hướng dẫn và ghi sổ. Để cho các đồng nghiệp lịch sự của hắn ở công ty không tranh giành chen lấn nhau. Đúng quy trình.



Tự nhiên liên hệ vụ gia đình báo tử ở HN. Chỉ một người "thiếu khôn ngoan" làm không đúng quy trình là sinh chuyện ngay. Bộ máy "quy trình" ưu việt thiếu chút bôi trơn (nhãn hiệu "phong bì") là trục trặc.

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Lan man ngày mưa

Mưa. Từ núi trở về nhà. Lành lạnh. Và ảm đạm.

Khám sức khoẻ để mai vậy. Ngồi nhà nghe mưa đã hơn, hehe.


Đã thế, lại thấy thiên hạ nói chuyện che mưa của ông tt. Người chê kẻ bênh. Chỉ là một biểu hiện nữa của sự lem nhem cố hữu. Của cả một dân tộc truyền thống sống nơi nóng ẩm mưa nhiều.

Một buổi lễ trang trọng (thậm chí có mặt tt) mà tổ chức cũng không nên. Nhưng, cũng khó hy vọng gì ở những kẻ nhẫn tâm đem các bà mẹ già ra làm bung xung như vậy.


Các mẹ, lại phải thêm một lần nữa, "về đứng dưới mưa, che đàn con ...". Khác chăng là, không trước súng đạn, mà, trước (còn đáng sợ hơn,) những ống kính xoi mói của lũ (con) kền kền ...

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

Một ca trực

Sáng vào công ty sớm để "nộp" máu làm xét nghiệm. Năm nay được cái mới là khám sức khoẻ định kỳ tại Bệnh viện Bình dân. Chắc đám bác sĩ vô tích sự của ngành đã chán đi chơi ĐN rồi hihi.

Cả trưa hì hục thay phốt dầu trục motor số 1 của radar. Hơn 20 năm hoạt động, gần đây mới rò rỉ chút ít. Cũ.


Chiều tối tranh thủ xem GOT S7 E2, công nhận mạng cập nhật nhanh như điện.

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Dân quyền

Báo chí đang ồn ào, không ngoại trừ là có định hướng, về một đề tài, thực ra là rất quan trọng song không phải ai cũng để ý, mà lẽ ra phải được nói đến lâu rồi. Ấy là chuyện dân ta, cũng có thể chỉ mới quan ta chăng, đầu tư tài sản ra nước ngoài.

Cũng có thể báo chí chỉ mới ăn theo cái tin về lượng tiền người vina bỏ ra mua nhà ở Mỹ, chứ vẫn chưa ý thức được gì.

Ngay gã láng giềng phía Bắc cùng hệ tư tưởng cũng đã nhận ra điều tương tự từ rất lâu rồi và phải sửa đổi một điều cốt yếu: quyền sở hữu tài sản. Chứ núp dưới chiêu bài thứ gì cũng sở hữu toàn dân thì chỉ có người không có gì mới yên tâm mà thôi ...


Hiển nhiên của cải không phải là thứ duy nhất có giá trị đang bị "chảy máu" ra nước ngoài.

Và, cũng không phải đến tận bây giờ mới có người nhận ra ...


Sent from my iPhone

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Out of the box

Out of the box. Hắn tạm gọi đấy là một phương pháp. Phương pháp tư duy.

Có thể, phương pháp này chỉ mới áp dụng cho lao động bậc cao (ít ra là ở xứ lúa nước?). Tiếc là, kể cả "bậc cao" (vẫn xứ lúa nước), cũng chưa mấy ai biết đến (!). Huhu.


Không có phương pháp này, công việc cứ lùi lũi vào lối mòn. Tự mình lạc hậu. Ngày càng tụt hậu.

Không có phương pháp này, người ta dễ tự mãn. Không biết rằng ngoài trời còn có trời.

Không có phương pháp này, loài người lún sâu vào sai lầm tự diệt. Say sưa kiếm sống, để đến ngày nhận ra chính mình đoạn con đường sống của mình, thì, đã muộn.



Lão già lười nơi núi kia bảo: kẻ đang đói chỉ biết nghĩ đến miếng ăn. Cũng đành. Nhưng những ai khá hơn thì sao? Có kẻ nào xứng gọi là "cao"? ...

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

Cuộc đời tuy dài thế ...

Điện lực kéo đường dây mới. Mấy cậu công nhân đào chôn ống ngầm, cũng mặc đồng phục màu cam của điện lực, nhưng hoá ra là nhân lực thuê ngoài.

Cậu sếp chỉ huy, nhân lúc nghỉ uống nước, kể chuyện: Em lúc trước cũng là nhân viên điện lực. Lương thì thấp, năm nào cũng thi mà không đậu. Cuối cùng phát hiện ra mấy đứa vô sau, thi điểm thấp hơn nhưng lại đứng trên, đều là con cháu mấy ổng. Thế là em nghỉ việc, bây giờ có 2 nhóm thợ, chuyên đi làm thuê lại các công trình của điện lực.

Lính của cậu ta, đen thui, làm việc hùng hục. Lệnh gì nghe nấy. Cởi trần làm việc, mà đi qua cổng (không có ai gác), bắt mặc áo là mặc áo cài khuy nghiêm chỉnh. Xe lên đón cũng đi bộ ra khỏi cổng mới leo lên xe. Nghe nói chuyện với nhau thì biết té ra là người dân tộc.



Đất nước tôi, thon thả giọt đàn bầu ...

Bệnh

Nhân chuyện nơi kia làm sao mà để các cháu nhỏ bị nhiễm bệnh sùi mào gà hàng loạt, thấy thật lắm vấn đề:

- Lây nhiễm bệnh xã hội trong khám chữa bệnh.

- Cơ sở y tế chui thu hút nhiều người, tại sao?

- Hắn thắc mắc là ở xứ này đâu có thói quen cắt bao quy đầu đâu, mà sao ở một địa phương lại có nhiều "ca" như vậy?


Phải chăng, đích thị "bệnh (của) xã hội"?

Thử máu

Thông báo: "nhân viên nhịn ăn sáng và uống cà phê để đi thử máu".

Gay thật, hắn, không uống cà phê, thì, biết làm thế nào (?!) ...

Tự hoạ

Tóc bạc, râu bạc, lông mày bạc
Hình dong khí cốt gầy như hạc
Ngũ thập niên rồi chưa thấy phát
Ngẫm nghĩ cuộc đời như con c.

Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

Bất cứ giá nào

Sáng tình cờ thấy trên trang mạng của một tờ báo vn nào đó đưa tin về một phụ nữ Bắc Triều Tiên vốn đã trốn được sang Nam Hàn nay trở về khóc hối hận. Hắn nghĩ ngay cô này bị bắt cóc trở lại Bắc Hàn, hoặc ít ra cũng có người thân bị bắt và đe doạ. Tối thấy BBC cũng có nghi ngờ như vậy.

Nhân tiện nghĩ về những kẻ làm chính trị. Không biết họ tự nghĩ trong lòng như thế nào khi thực hiện những hành động bỉ ổi, hay phát ngôn những câu trơ trẽn?


Nhớ có những kẻ hô hào "chiến thắng bằng bất cứ giá nào". "Chiến thắng" là cái thứ gì mà "vô giá" đến vậy? Nếu mất hết tất cả để "chiến thắng" thì "chiến thắng" để làm gì? Và, sau đó sẽ như thế nào?

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

10 năm tình cũ

Rảnh ngồi xem lại những dòng blog hắn viết cách nay 10 năm. 2007.

Bỗng nhận ra năm đó đầy ắp sự kiện. Chỉ riêng mấy tháng cuối năm đã lắm:


- Nhịp dẫn lên cầu Cần Thơ đang thi công thì bị gãy sập gây nên cái chết cho bao người. Sau này có dịp du lịch Cần Thơ, hắn chọn khách sạn ở bến Ninh Kiều có cửa sổ nhìn lên cầu, và chạy xe máy qua cầu sang Vĩnh Long rồi vòng lại. Thậm chí còn dừng xe ở phía bắc để chụp ảnh cầu, nhưng lòng lúc đó đã không nhớ gì đến sự kiện bi thảm này. Lòng người bạc là vậy.

- Năm đó dân tình được phen xôn xao rửa mắt với Vàng Anh HTL. Nay thì cô ca sĩ ấy khá thành công. Mừng cho cô.

- Cũng năm đó bà Benazir Bhutto bị ám sát chết. Liệu có mấy ai còn nhớ người phụ nữ xinh đẹp tài giỏi này?


- Năm đó Tùng, cháu hắn, lấy vợ, và cũng là năm đám cưới Hoà - Lên. Bây giờ mỗi gia đình đều đã có 2 con gái trước trai sau.


- Năm đó hắn mua laptop mới Toshiba nhờ Hội xách tay từ US về. Khá đắt tiền, với Windows Vista vừa ra lò được quảng cáo rầm rộ, và SideShow (Edge) Display. Lại là loại màn hình cảm ứng có thể xoay ngược dùng bút như tablet. Nay tất cả dường như đều đã lỗi thời, máy tuy vẫn còn dùng được nhưng đầy lỗi và chậm. Sau con này hắn đã dùng đến chiếc MacBook Pro thứ 2.

- Cũng chính năm đó, hắn đã nhổ chiếc răng đầu tiên. R47. Bây giờ đi theo nó đã là cả R17 và R48.


- Năm đó ĐHBK ĐN bắt đầu cho sinh viên đăng ký học tín chỉ qua mạng. Gây nên một cuộc náo loạn vì quá khó truy cập mạng để đăng ký.

- Cuối năm đó Sơn Trà lắp đặt chiếc UPS mới Riello, là chiếc thứ 2 bên cạnh EPS2000 già nua đã chạy liên tục 12 năm. Nay thì cả 2 đã đi về nơi xa lắm, hắn có 2 chiếc mới đồng bộ song song Siel. Và còn có cả một trạm mới ST2 cấu hình tương tự.

- Sơn cho ra diễn đàn Tự động hoá vào năm đó. Hắn cùng hợp tác và thấy hoạt động cũng tạm ổn. Tiếc là diễn đàn đã chết yểu do không có nhân lực, sau khi hắn và Sơn cùng rẽ sang ngã mới.


- Dĩ nhiên, năm đó, hắn vô cùng bận rộn với ECE, và manh nha Unilab. ECE ngày nay đã là thường niên, khá tốt, nhưng không biết còn được bao nhiêu % như ý định ban đầu? Unilab tự giải thể sau một vài thành công và cả thất bại.



Thế là, 10 năm trước, hắn say sưa làm việc. Vui nhiều buồn lắm. Nhìn lại thấy những tồn tại đâu đó vẫn y nguyên. Những lo ngại dự báo bi quan hầu như hoặc đã hoặc đang thành hiện thực ...

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Mưa

Sáng. Thức giấc lúc 5h30. Như mọi ngày. Mặc dù để báo thức 6h00.

Thấy trời tôi tối. Nghe tiếng rỉ rả. Cảm giác lành lạnh. Mưa. 3 giác quan cùng lúc báo: trời đang mưa.

Ý niệm nảy ra: chán. "Rầu muốn chết đi được!". Vì sẽ phải ra ngoài. Đi trực. Không khác được. Đó là lý do đặt báo thức. Dù, thường vẫn thức giấc sớm hơn. Chỉ là, "cẩn tắc bất áy náy".



Vậy thôi. Hôm nay chỉ có vậy thôi. Một chút bữa sáng cho cả ngày.

Mưa. Chán.

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Địa lý

Lại nói chuyện lão già lười nơi núi nọ, gặp buổi thong dong, mới nhớ tới thú vui tao nhã. Đang lúc ngồi đọc sách trên hố xí, bỗng phát hiện ra một chuyện kinh thiên động địa.

Tại sao người Tàu nơi phương bắc, đất vuông hàng triệu dặm mà vẫn đời đời dòm ngó miếng đất hẹp phía nam?

Ấy bởi bao nhiêu huyệt hổ huyệt rồng đều nằm ở phương nam hết cả. Nên lúc mạnh thì hùng hổ tìm cách chiếm lấy để dùng, khi yếu cũng lén lút âm mưu phá đi nhằm yểm.


Phải thế chăng, mà trời nam địa linh nhiều như cát bên sông bao năm kiệt nhân không còn một mống?

Hoặc giả hiếm hoi lắm có người nam học nghệ được phần nào thuật địa lý của người Tàu, thì cũng chỉ đến một đời ôm hận mà thôi. Hoặc học chưa đến nơi đến chốn bị thầy gài bẫy triệt mất. Hoặc tại người thân u mê làm hỏng mất thời. Hoặc nữa tu vội tu vàng đức không kham nổi số. Mới biết gốc không sâu rễ không vững thì chẳng làm gì được.

Rốt cuộc chỉ trộm thiên cơ mà kiếm ăn qua ngày. Ấy nợ càng thêm nợ ...

.

Bất tri thị tri.

Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

I-ốt

Sáng nay tình cờ nghe tv đưa tin, nhiều doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó khi bị bộ y tế quy định phải bổ sung muối i-ốt vào sản phẩm của họ.

Tự nhiên thấy buồn cười. Nhẽ, phải bỏ thêm i-ốt vào bữa ăn cho các quan chức bộ này?

Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Lan man Sinh nhật

Hôm nay là ngày đánh dấu hắn đã vật vã vạ vật ở cõi trần gian ô trọc chán chường này được 7 x 7 = 49 năm (thực ra chính xác còn vài giờ đồng hồ nữa mới đủ). Sẽ bước sang tuổi 50 "ngũ thập tri thiên mệnh" không "tri" nổi "nhân mạng".


Q (w/o A). Nếu không thích thú gì cuộc sống này, bạn nghĩ gì trong ngày Sinh (nhật)?


"Tôi muốn quên đi ..." mà thời nay dễ chi. Đâm ra chịu cảnh "nhất nhật" tựa "thiên thu". Nên người ta nói "triệu người quen có mấy người thân". Thôi cũng đành "không yêu đừng nói lời cay đắng" hihi (quên luôn đi chuyện "dã tật").



Hắn bị cái tật, làm gì cứ muốn làm tốt nhất. Bởi vậy thường chịu không ít bẽ bàng.

Cứ tưởng đem cái sở học (knowledge) của mình ra để góp phần xây dựng công ty này công ty nọ lên tầm thấp tầm cao. Hoá ra họ chỉ cần cái skill, tuy ít ỏi nhưng không đến nỗi quá kém cỏi, của hắn.

Nhớ cô cháu năm ngoái vào đại học tham khảo việc chọn trường. Hắn những tưởng say sưa "con muốn sau này làm gì, hình dung cuộc sống công việc thế nào, ...". Hoá ra bộ dục cho các cháu ít điểm lót tay, bày cho chúng cách lướt sàn chứng khoán tìm trường vừa vốn. Đầu tư chẳng biết chẳng yêu, nửa năm cô cháu bỏ học.

Bẽ bàng thấy mình out-of-date (quá đát). Nói Sinh nhật "buồn" "nại lão hà" đâu phải, bởi chẳng đã lên "lão" từ lâu?




Núi kia có lão già lười
Một hôm buồn chán ngồi cười trước sân

Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Điểm

Không có ý chê bai bộ giáo dục ở đây (nghĩa là rất đáng chê bai nhưng sẽ chê bai ở một chỗ khác vào một lúc khác hehe).

Cũng không có ý chê bai kỳ thi quốc gia do bộ ấy tổ chức (lý do tương tự hihi).


Nhưng mới đọc được bài viết về chuyện điểm học điểm thi một trời một vực. Bỏ qua chuyện mưa điểm 9 điểm 10, tác giả đặt vấn đề có nhiều điểm thi rất thấp (thậm chí điểm liệt) trong khi điểm học của cũng môn đó lại cao (thậm chí ngất ngưỡng). Từ đó "thẳng thắn" vạch ra tiêu cực, bệnh thành tích (biết rồi khổ lắm nói mãi) của việc dạy và học ở xứ này.

Nói không sai. Tuy nhiên, không biết có chút "nguỵ biện" nào không cho một kỳ thi quá hao tài tốn sức của cả xã hội mà kết quả thì có thực sự cần thiết?


Sở dĩ ngờ nguỵ biện là vì:

1. Nhằm chê việc học nên cố khen việc thi. Thi cử kiểu đó (tập trung, dồn dập và thậm chí ... trắc nghiệm) liệu có hay ho gì? (Ông cha chẳng đã bảo "học tài thi phận" đó sao!).

Mưa điểm 9, 10 kia sao không nói luôn (cho "công bằng" khi có ý phán xét)? Có chăng lộ đề, học tủ, ...?

Không tìm hiểu đến nơi đến chốn. Ví dụ như chuyện các đồng nghiệp hắn kể, rằng con họ không thèm làm bài thi, chỉ cần làm sơ sơ, có gì đã có điểm học kéo lại. Điểm tốt nghiệp chẳng có ý nghĩa gì, điểm thi đại học cũng không quá quan trọng (vì có quá nhiều trường đại học), ít ra là những đứa trẻ đã nghĩ thế. Vậy nên điểm thi thấp cũng có năm bảy đường ...


2. Chuyện điểm trong học bạ cao kịch bậc không phải bây giờ mới có, cũng không cần so điểm thi mới thấy. Sớm không nói, muộn không nói, nói giờ là có ý gì hihi? Bảo đa nghi thì cũng đa nghi thật, song lối nguỵ biện này không xa lạ.



Còn lão già lười nơi núi nọ chỉ thủng thẳng: bệnh thành tích không có gì lạ, để thành tích có ý nghĩa thời phải thay đổi cách đánh giá. Trước tiên, cứ bỏ các kỳ thi tập trung đi đã ...

Thứ Hai, 10 tháng 7, 2017

Đám cưới

Đi dự đám cưới ở mấy vùng quê Quảng Nam trong những năm gần đây, hắn nể nhất là ... dàn âm thanh. To, rõ và vang thôi rồi. Nhất là những lúc vô tình ngồi cạnh mấy cái loa to như mấy cái bàn.

Và, dĩ nhiên, hợp rơ với các dàn âm thanh khủng phải có những ca sĩ tuyệt vời (dù chẳng ai chuyên nghiệp). Nhưng việc chọn bài hát thì còn gây nhiều tranh cãi.


Bạn bè của các bậc cha mẹ thì boléro, tiền chiến. Sôi động và duyên dáng. Song mấy đứa trẻ lại ... thở dài.

Bọn trẻ thích chạy theo ... thời thượng (dù thường mấy bài này vòng đời chả được bao lăm). Ví như những ngày này là ... Duyên phận. Không biết các cô dâu nghe liệu có ... khóc thầm?


Mà, đâu phải chỉ thời nay. Nhớ năm xưa lâu lắc (ngày ấy chưa có âm thanh ánh sáng hoành tráng như bây giờ), trong đám cưới anh họ hắn, có người hát bài (tự giới thiệu là) Đời cô (đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn ...) hihi. Còn có chuyện ở đâu đó gần Huế, bạn bè cô dâu đánh lộn cùng ... chú rể ngay giữa đám cưới vì hát bài Lá diêu bông (Sao em nỡ vội lấy chồng? hehe). Lúc đó đang là một bài hit. Và, hiển nhiên, nhạc sĩ Trần Tiến không có lỗi gì ...

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Cơ chế

Q. Có cơ chế nào để giữ chân những người tài?

A. Có. Bỏ hết những cơ chế đi.



Hehe.

Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

Chuyện giàu nghèo

Thầy NTH và hắn là hai trong số những người giàu có, theo định nghĩa của thầy, vì kiếm được nhiều hơn số tiền mình cần chi tiêu. Nói một cách khác, là cần tiêu ít hơn số tiền mình làm ra.

Đại đa số người Việt không được như vậy. Ngoài việc hì hụi kiếm được cho mình (ít ra là) một "miếng đất cắm dùi", aka nhà & (quyền sử dụng) đất (với người này người nọ có thể là biệt thự, dinh thự, ... or whatever hihi) và ca ca củm củm đem về chất vào đó không biết cơ man nào là những  tv, tủ lạnh, ô tô xe máy, điều hoà nhiệt độ, ... vân vân và vân vân ..., thì, còn phải, luôn luôn, sử dụng rất nhiều tài nguyên "không thuộc về ai", aka, công cộng, của xã hội, của "chung tất cả mọi người".

"Cuộc chiến vỉa hè" đã cho thấy không hộ kinh doanh nào tồn tại nổi nếu không chiếm dụng chút ít không gian chung quanh, tối thiểu cũng phải lấy chỗ cho khách hàng để xe máy.

"Cuộc chiến lòng đường", nhẽ còn phức tạp hơn. Chạy, thì xe cá nhân chen cùng xe buýt. Đỗ, thời tranh giành từng tý lối đi.


Mới thấy, người mình nghèo, nghèo lắm. Và, đôi khi, nghèo cả liêm sỉ ...