Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Cuối năm

Hắn không tìm thấy không khí cuối năm.
Dù trời đất đích thị là cuối năm.
Chiều 31/12/2012, hắn cuốc bộ ra phố.
Trước đây, có lần, hắn nghĩ, nỗi buồn muốn sở hữu hắn, độc quyền. Nên hắn có trốn đi đâu, buồn cũng tìm ra mà lôi hắn trở lại.
Hôm nay, hắn lại muốn sở hữu nỗi buồn, cũng độc quyền. Thất bại.
Hắn cố tình tránh mọi cuộc tụ tập. Nhưng đường phố không vắng lặng như Tết ta. Nó là ầm ào của một giao thời theo Tây lịch.
Người ta vẫn phóng xe máy vèo vèo ... trên hè phố. Các tấm biển quán nhậu cố tình trương ra giữa đường để chặn người lại. Người đi bộ không nhẩn nha như hắn mà vội vàng thể dục. Tượng đá không cô đơn dù vẫn phải trân mình trần truồng trong tiết trời se lạnh. Cầu chưa xây xong đã thấp thoáng thử bóng đèn trang trí.
Hắn về nhà sớm. Cũ thì sắp qua, mà mới thì vẫn chưa đến.
Rốt cuộc, đó chẳng phải là cuối năm sao?
Bonus một chuyện vui. Hắn ghé ăn lẩu một người, một mình. Ăn gần (chưa) xong, hắn đứng dậy mua lon bia. Quay lại bàn thì người ta đã dọn sạch tưng. Vui hông vui hông?

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Lan man cuối năm

Cuối năm.

Một cách lười nhác, hắn tận hưởng cảm giác dễ chịu, khi nằm nướng trong chăn, ngủ dậy muộn, trong một buổi sáng lành lạnh mưa mưa.

Thực ra, ngày mai mới là ngày cuối cùng của một năm buồn, để bước vào ngày mốt, bắt đầu một năm mới nhẽ còn buồn hơn. Trái đất đã đánh mất cơ hội tự cứu chính mình bằng một ngày tận thế. Cỗ xe tiếp tục lao dốc, không phanh.

Cho nên, cái cuối của một khoảnh khắc đất trời không làm hắn lưu tâm, bằng cái cuối của quyển sách hắn đang đọc. Hết tập một 1Q84.

Sách có yếu tố bí ẩn, lẫn trinh thám.

Nhưng hắn không nôn nóng, kiểu "đầu đuôi ra sao?", mà thích thú nhẩn nha, kiểu đích đến không quan trọng, mà quan trọng là đường đến đích.

Cách kể chuyện của tác giả, ngay từ đầu, với 2 nhân vật, 2 số phận hoàn toàn tách biệt, đã khiến hắn tin rằng, trai thanh gái tú ắt sẽ gặp nhau một ngày nào đó. Hoá ra, họ đã từng ở bên nhau rồi mới chia xa.

Nếu đời người là một đường thẳng, thì theo hình học Euclid, họ sẽ không gặp nhau nữa. Song cũng có thể họ sẽ còn gặp nhau, theo hình học phi Euclid, như ngài Никола́й Ива́нович Лобаче́вский phán, chẳng hạn. Hoặc, cũng có thể, đơn giản hơn nhiều, đơn giản là cuộc sống không phải những đường thẳng.

Ấy chẳng qua, toán học là một mảng đời của Tengo mà thôi. Nhưng anh chàng lại còn tham lam dan díu với văn học. Và thế là sa vào con đường hút đến mục tiêu đang tìm kiếm của Aomame.

Chuyện của Haruki Murakami thường đi vào sâu thẳm của con người. Dĩ nhiên, miêu tả cho nhiều người hiểu những ngóc ngách xa xăm chỉ ít người nhìn thấy thật không dễ gì. Lời chuyển ý, hình ảnh truyền ý. Nhưng có người nghe lời đã hoảng sợ, thấy hình ảnh đã nhắm mắt thì biết ý làm sao?

Hai thái cực không dễ trộn lẫn vào nhau nhưng cũng không dễ tách rời. Một là dễ dãi, thờ ơ, dễ yêu, dễ đầu hàng. Một là cực đoan, đến mức muốn lấy đi những sinh mạng khác. Chẳng đời sao?

Dù sao, chỉ mới tập Một. Những Người Tí Hon chỉ mới bắt đầu dệt những Nhộng Không Khí ...

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Sách

Chiều nay mình dạo 3 hiệu sách lớn.

Không mua được 1Q84 tập 2.

Toàn nhận được câu trả lời, hết rồi.

Tự nhiên khiến cho việc xem sách của mình cũng không khỏi có phần phân tâm, lơ đãng.


Chả có lẽ nào, nết đọc của người Việt lại trở lại tốt như ngày xửa ngày xưa chăng?

Mà lạ, quyển 1 vẫn lác đác còn. Hay có thông tin tập 1 bán ế nên tập 2 in ít hơn?


Dù sao, mình cũng mua được một quyển sách khác. Để đọc sau.

Tối về, nhảy ngay vào vinabook đặt 1 cuốn. Cho chắc, hehe.

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Ngày này năm xưa

Tình cờ đọc lại những gì mình đã viết cách đây vừa đúng 5 năm:


Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Lý tưởng?

Đọc loạt bài của HHV viết về PNT (nguyên mẫu NTL trong VBLN).

Nghĩ, nhân vật này thật là thú vị. Nhưng hư ảo hãy còn nhiều.


Không biết, liệu có có những kẻ nhận vơ? Hay đánh bóng?

Vì bản lĩnh ấy, nhân cách ấy mà lại là người của ... thì chẳng phải nhầm lẫn lắm sao?

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Đ.M.

Chuyện đau lòng đã xảy ra tại một trường tiểu học ở TP.HCM: cô giáo nghi ngờ một học sinh lớp 2 lấy của mình hơn 1 triệu đồng. Nhà trường đã mời công an xã đến trường hỏi cung và sau đó đưa em học sinh này về trụ sở.
Đến chiều em học sinh này mới được thả sau khi cô giáo phát hiện tiền vẫn còn trong giỏ của mình!



Người ta đã đối xử với một em bé học sinh lớp 2 như một tội phạm, dù chỉ mới nghi (!).

Không biết các giáo viên ở cái trường kia được đào tạo từ lò nào ra? Lớn lên dưới chế độ nào?

Mà nghiệp vụ ở đâu? Lương tâm ở đâu?


Chả biết báo Tuổi trẻ đăng tin có bị việt vị không, mà nhiều bạn phản ảnh: trong khi trên Fb đầy các comments phẫn nộ thì trên báo tịnh không một ý kiến nào. Kiểm duyệt chăng? Thờ ơ chăng?


Nếu một ngày kia, em lớn lên thành một sát thủ lạnh lùng với đồng loại của mình, thì có gì đáng ngạc nhiên?


Ngày tận thế, hay là, đã xảy ra, theo một cách nào đó ...

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Lan man Xmas

Hôm nay cả phòng lại kéo nhau đi uống nước.

Nói chuyện linh tinh, đến nói chuyện Noel, nói qua chuyện Công giáo. Rồi có đứa hỏi, có khi mô xưng tội xong Cha đi báo ca không?

Mình thấy tức cười mới hỏi, mấy đứa không biết trường hợp nổi tiếng về chuyện đó à?

Hỏi xong thì sực nghĩ ra. Lại hỏi, ở đây có đứa mô đọc Ruồi trâu chưa?

Tất nhiên là không một ai. Thế mà thời của mình, nó là sách gối đầu giường cơ đấy.

Haiz, mỗi thời mỗi khác. Mà nào chỉ sách xưa ...



Tình cờ, mình vừa đọc 1Q84 lại vừa đọc Bát tiết canh.

HM đúng là bậc thầy về tâm trạng và số phận con người.

Có lẽ đại đa số loài người là những kẻ thụ động, nhẫn nại, và chịu đựng. Họ tạo nên những người thứ ba.

Những cá thể mạnh mẽ hơn sẽ muốn tự quyết định lấy số phận của mình. Và một thái cực là lợi dụng những người thứ ba để loại trừ những người thứ hai, không đồng chính kiến.

Mình nghĩ, xã hội phương Tây nhân văn là nhờ một phần lớn ở tôn giáo của họ. Chúa đã tạo ra con người và chỉ Chúa mới có quyền tước đi mạng sống của họ.


Không như, có dân tộc kia, nửa này muốn tiêu diệt nửa kia. Chỉ vì những quan điểm đem lại lợi ích cho một số ít, rất ít. Còn đa số bên này bên kia đều là những người thứ ba - bại ...

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

DQ

Thời mà mình nghe những bài hát làm nên tên tuổi Duy Quang thì mình không biết DQ là ai.

Dĩ nhiên, chỉ được nghe thụ động ở các quán xá. Mệnh danh nhạc vàng, bị cấm nhưng vẫn nghe thấy nơi nơi.

Bây giờ, nghe lại, cố tìm cho đúng những bản do DQ trình bày, thì thấy khang khác ngày xưa.

Chả biết, xưa nghe người khác, hay chỉ bởi đời là dòng sông không bao giờ trở lại?


- Posted using BlogPress from Khanh An's iPad

Location:kiệt 338 Hoàng Diệu,,Vietnam

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

:-)

Hôm nay, xong việc, mình đạp xe thẳng về nhà. Tắm rửa, thay quần áo. En 2 trái chúi.

Ra đường. Đi bộ đến Big C.

Mua quà đặt dưới cây Nô-en. Không quên mua giấy gói.

Tự thưởng cho mình suất cơm gà Tôm kỳ.

Về nhà. Lắp pin thử ok. Gói quà.

En típ 2 trái chúi nữa. Ún nước. Chải răng.

Bây giờ là 30 phút đọc trước khi đi ngủ.


Thực ra vụ này hơi đột xuất. Nên lỡ kế hoạch lắp đèn. Nhưng không sao, còn cả ngày mai.

Nếu có gì thì theo lịch của người Maya cũng phải ngày kia. Chưa kể tính theo múi giờ còn thêm nửa ngày nữa. Hehe.


- Posted using BlogPress from Khanh An's iPad

Location:kiệt 338 Hoàng Diệu,,Vietnam

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Q

Đọc sách. Tự nhiên để ý thấy chữ Q viết hoa bay bướm lạ (chỉ chữ Q viết hoa thôi, chữ q viết thường thì không). Chính xác thì là nó có cái đuôi phía dưới khá dài, điệu, và đẹp.

Sách của Nhã Nam. Dịch giả Lục Hương. Nhà xuất bản Hội nhà văn. Không biết sáng kiến của ai. Và font chữ gì, mà chỉ mỗi chữ Q hơi lạc như thế?

Chắc là có chủ đích. Vì chữ đó nằm trong tên sách, 1Q84. Chỉ một chữ cái nằm giữa các con số.

1984 cũng là tên một cuốn sách. Tình cờ làm sao, trong 1Q84 có nhắc đến. Nhưng đó là chuyện khác.

Năm 1984 không có gì đặc biệt đối với mình. Đang học lớp 10, lên lớp 11. Trường Quốc học.

Hoá ra, chữ Q thì lại trùng hợp một chút. Hihi.


- Posted using BlogPress from Khanh An's iPad

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Những con số

Nói chính xác hơn là trò chơi với những con số.

Đời lạ thật, khi nói trò chơi, thì lại có nghĩa là không phải trò chơi.

Ngược ngược, kiểu, khi xem nhau là bạn, người ta gọi nhau bằng đủ kiểu xưng hô, kể cả, thằng kia - bố mày. Còn, khi đã không xem nhau là bạn, người ta lại gọi nhau bằng ... bạn, không có gì, tôi có quyền gì mà cấm bạn.

Thật lan man quá, mình cứ có cái tật sa đà chữ nghĩa. Không định nói về những mẹ chữ, mà là những con số.

Kiểu, biển số xe 174. Số này có vẻ không có gì đặc biệt, phải không? Nhưng người ta vẫn gọi được là "vào sinh ra tử". Nghe có mùi trò chơi.

Kịp đến khi biển số xe có 4 số, thì lại có 6789 là "tiến lên tới đỉnh". Mùi trò chơi đã nhạt bớt. Vì đã có nhiều người bỏ tiền ra mua. Đã mang mùi số phận.

Sở dĩ lan man con số, vì nghe, hôm rồi, ngày 12 tháng 12 năm 2012, 12 - 12 - 12 có vẻ như "dẫm chân tại chỗ".

Nói vậy, tới 21 tháng 12 chẳng phải "đảo ngược thế giới" ư? Ý người Maya chăng?

Đến điệu nhảy "ngựa" Gangnam style cũng nằm trong dự báo cơ mà ...


- Posted using BlogPress from Khanh An's iPad

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Life of Pi

Bạn muốn đi xem Life of Pi hay không thì tuỳ.

Đặc biệt bản 3D, cũng tuỳ bạn thôi.

Còn tôi, tôi đã xem rồi đấy.


P/S: Pi = π = 3.14159265359...

Đạo diễn: Lý An.


- Posted using BlogPress from Khanh An's iPad

Location:kiệt 338 Hoàng Diệu,,Vietnam

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Robocon

Mình nhận được email nội bộ của N, bàn chuyện tài trợ cho robocon.

Không có ý kiến phản hồi. Văn hoá bàn việc của N nói chung, đặc biệt văn hoá email nói riêng, vẫn vậy.

Dạo này mình cũng đành im lặng. Cảm giác như một người đầu bếp nấu lên những món ê hề mà thực khách không ai muốn ăn.

Có lẽ phải chờ một cơn đói?!


Thư kêu gọi tài trợ những bạc, những vàng, những kim cương.

Số tiền không lớn. Nhưng dường như việc này chỉ là dư âm của trà dư tửu hậu hôm 20/11.

Nếu chỉ là tiền, tại sao lại là N?

Mà N, nếu nhân văn, thì việc tài trợ học bổng cho sinh viên nghèo học giỏi đến đâu rồi?

Còn nếu là kiến thức, là công nghệ, thì N phải làm như thế nào? Thực sự người ta cần tài trợ, giúp đỡ, tư vấn những gì? Vai trò của mình ra sao? Có thể (và có nên) chọn đối tượng (đội)? Có cần đặt nặng vấn đề thành công (thành tích)?


Hầu như mọi thứ ở xứ này đều có nét đầu voi đuôi chuột.

Sân chơi lành mạnh của sinh viên ngày nào đã nhanh chóng biến thành lãnh địa của bệnh thành tích, của những kẻ cơ hội.

Kể cả sinh viên cũng có những em chỉ muốn núp bóng hoạt động để hưởng quyền lợi.

Thoáng nghĩ, nếu mình tài trợ, phải xem các em như thế nào.


Email được forwarded không tạo cảm giác tốt.

Đôi khi, chỉ là vấn đề ngôn từ. Nhưng chẳng phải đằng sau nó là phông nền văn hoá?

"Em được biết tụi anh làm về Tự động hóa ..."  

Nhớ chuyện, ngày nhỏ, các chị con bác mình đi học xa. Một lần, một chị thay mặt viết thư về cho hai bác. Thư rằng "tụi con" thế này, thế kia ... Bác mình phê bình, phải viết là chúng con, chưa nói đến chuyện chị viết thư không phải là người lớn nhất, hihi.


Haizz. Tự nhiên nói chuyện buồn bỗng chốc ...

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Thắng thua

Đọc xong.

Sau 3 đêm đóng cửa.

Không quá tò mò như nhiều người. Vì hắn đã có điều kiện biết khá (quá?!) nhiều chuyện.

Đúng như tác giả tự nhận, là chép lại sử của cả một giai đoạn.


Dĩ nhiên, không cần phán xét từng cá nhân tham gia vào lịch sử.

Không bao giờ có thể tô hồng 100%.

Cũng không bao giờ có thể bôi đen 100%.

Chỉ cần nhìn vào thực tại hôm nay, đủ biết, giá như thời nhiều mà may thay thời ít.



Không ít người, nhân dịp, nhắc chuyện nước Đức. Những người lãnh đạo hôm nay xuất thân từ phía Đông, phía yếu hơn trong cuộc thống nhất cách đây 20 năm.

Nói rằng, văn minh là đó. Không có quyền của bên thắng cuộc.

Xa hơn, có thể nhớ cuộc nội chiến của Mỹ. Dẫu phải phân tranh bằng súng đạn thì cũng phải biết hàn gắn một cộng đồng.



Ở nơi hắn làm việc có nuôi chó.

Đầu tiên người ta đem đến một con chó đực, rồi một con chó cái, rồi một con chó đực.

Con chó đực đem đến sau là một kẻ nhút nhát, và to mồm. Luôn trốn chạy mỗi khi có người lạ. Và kêu ăng ẳng nếu không chạy kịp dù chẳng ai đụng đến. Nhiều người ghét. May mà món cờ tây chỉ dừng lại ở nói đùa.

Rồi nó lớn lên, to hơn con đực kia. Một hôm nọ, cuộc chiến đã nổ ra. Máu chảy. Kẻ to khoẻ hơn chiến thắng. Độc quyền con cái.

Nhưng đó là chuyện loài chó ...

Tiền tài & Danh vọng

Viết một vài suy nghĩ, quyết định không khảo cứu lại mà chỉ dựa trên những gì còn nhớ.



Nhớ đầu tiên, là từ hồi còn nhỏ, nghe về giải Nobel.

Rằng ông Nobel giàu có nhờ phát minh ra thuốc nổ. Ân hận vì thấy loài người dùng phát minh của ông để giết nhau, ông để lại toàn bộ tài sản để làm giải thưởng trao cho những ai có nhiều đóng góp cho nhân loại.


Nhớ sau sau một chút, nghĩ, điều gì là quan trọng ở một giải Nobel? Tiền bạc? hay danh vọng?

Nhớ, ở thời đó, hỏi tức là đã trả lời.


Rốt cuộc thời nay, nhân trường hợp Mạc Ngôn, nghĩ, khác rồi chăng?

(Nhân nhớ những chuyện, nhà văn, và nhiều người ở quê hương nhà văn, kiếm được bộn tiền từ thương hiệu nhà-văn-đoạt-giải-Nobel; chuyện, nhà văn định dùng tiền thưởng nhận được để mua một căn hộ ở Bắc kinh; đồng thời, cũng nhớ, những chỉ trích, đặc biệt cho những phát ngôn, kể từ khi nhà văn được loan báo trao giải).



Kẻ này, đã đọc, nhưng sẽ không đọc nữa, kể cả diễn từ nhận giải của ông.

Phạm Thị Hoài, đúng một cách lạnh người (như chị vẫn thường như thế), nhắc về những nhà văn chấm-hết-sau-giải-Nobel.


Than ôi Nobel!

Than ôi Mạc Ngôn, mạc ngôn mà không có gì ngoài kể chuyện.


Có biết, đồng hương của ông có người thuyết vô ngôn chi giáo?

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Không say

Này bạn. Đã bao giờ bạn muốn say chưa?

Say cho quên trời. Say cho quên đất.

Nhưng bạn không say. Nhưng bạn không quên.

Bạn vẫn nhớ đường về nhà.

Bạn vào nhà. Khoá cửa. Bạn chải răng, treo màn.

Phải, bạn vẫn nhớ treo màn.

Dù bạn nốc cạn hàng chén rượu.

Dù bạn uống cạn hàng ly bia.

Và bạn gào hết cỡ karaoke Say tình.

Bạn không say. Bạn không quên.

Thực ra, trời mà chi, đất mà chi?

Bạn muốn say quên đời.

Đời không thể quên.

Nên bạn vẫn nhớ bật router.

Bạn vào blog.

Bạn gõ những dòng này.

Huhu.


- Posted using BlogPress from Khanh An's iPad

Location:Điện Biên Phủ,Da Nang,Vietnam

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Đọc sách

Hôm nay, hết giờ làm việc là hắn đạp xe thẳng về nhà.

Nôn nóng muốn đọc cuốn sách vừa mua được. $11.99, from Amazon.

Đã chờ đợi, và mua ngay khi có thể. Mặc dù đầu giường vẫn còn mấy cuốn dang dở.

Lướt qua chương đầu tiên. Đến phần Tuẫn tiết, tự nhiên hắn ứa nước mắt.

Một nhà văn Quảng nam (mà tình cờ là tác giả có sách đang nằm trong reading list của hắn) có nói, đọc mấy trang đầu mà muốn khóc.

Thốt nhiên hắn hiểu.

Mặc dù cũng có những kẻ ráo hoảnh nghi ngờ.


Nhớ lại hôm rồi ngồi nói chuyện với anh D. Hai anh em cùng thích xem những phim cao bồi và kiếm hiệp. Vì ở đó có cái gì ...

Mặc dù anh D khó diễn tả, hắn vẫn có thể tiếp lời, có cái gì cao thượng ...

Đôi khi, chỉ còn lại trong những ước cùng mơ.


- Posted using BlogPress from Khanh An's iPad

Location:kiệt 338 Hoàng Diệu,,Vietnam

Back

Hậu blog.yahoo :-)


- Posted using BlogPress from Khanh An's iPad

Location:kiệt 338 Hoàng Diệu,,Vietnam

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Waiting for Godot

(Yes, we are, we all are ...)



Chúng ta đang đợi.

Mặc dù, dường như, chẳng liên quan gì đến điều mình định viết. Dường như, chẳng liên quan gì đến ngày hôm nay của mình.

Hoặc có thể, liên quan đến mọi thứ?!

Dù sao, mình cảm thấy được an ủi phần nào, dẹp bớt những khó chịu ám ảnh mình mấy ngày qua.

Thanks, tiến sĩ Alan Phan.


Khi mình vừa viết cái tiêu đề trên lên Fb, gần như ngay lập tức, có "like".

Bạn trẻ đó với mình chỉ mới đôi lần trao đổi dăm câu ngắn trên mạng. Mình cá là cậu ta đã đọc (về điều đó) và đồng cảm với mình.

Thanks, L.


Còn ở (những) nơi mình làm việc thì dường như chỉ tràn ngập chán chường.

Dù cho, hôm qua, và cả hôm nay, trăng ngoài kia rất sáng.

Ngày mai họp tổng kết.

Hầu như ai cũng buồn cười, sao sớm vậy? Nhà nước ấy mà. Làm lấy lệ. Có ai quan tâm vấn đề cần giải quyết đâu.

Ai cũng đợi Godot.


Bất ngờ, trưa, mình được mời đi ăn cơm.

Người mời, muốn thể hiện lòng mến khách, dường như hơi quá đà. Mà quá đà thật, chứ không chỉ hơi. Bằng các món ăn ngập bàn. Mực nướng, xôi chiên phồng, bánh hỏi thịt nướng, tôm hấp nước dừa, ốc hương nướng, gà đồi hấp muối, rồi còn cơm canh nghêu thì là, lòng gà xào giá, mướp. Món nào cũng 2 đĩa lớn trong khi bàn có 7 người.

Không khí thì thật tuyệt. Đông Dương. Lịch sự. Nhạc nhẹ nhàng. Ngắm đồ cổ.

Cô bé người Thái lan trông như một sinh viên mà đã sang vn đại diện cho một cty lớn.

Mình thì chuyện trò rôm rả với một cô mới quen. Theo name card là trợ lý tổng giám đốc của một công ty đối tác. Hoá ra cô này nhiều năm sống ở Praha và chỉ mới về nước.


Chiều về lên Fb thấy buồn cười. Th hôm qua còn vác bụng bầu đi làm mà trưa nay đã post hình con gái lên Fb. 



Trong khi chờ đợi Godot, mình bắt đầu đọc những trang đầu tiên của 1Q84.

Và đầu truyện là một bản nhạc.

Nó làm mình nhớ lại Rừng Nauy. Từng thắc mắc tại sao truyện của Nhật mà lại nói về rừng Nauy. Hoá ra là The Beatles. Mình xưa nay nghe mới chỉ ở mức những Yesterday với Love Me Do, Yellow Submarine, ...

Lần này là cả một bản giao hưởng.

Ấn tượng với mình là tên nhà soạn nhạc người Czech được viết theo đúng tiếng mẹ đẻ của ông, Leoš Janáček. Nghĩ, tiếng Nhật đâu có các ký tự như vậy. Bèn quyết định tìm hiểu người dịch. Hoá ra bút danh nghe có vẻ con gái được cả hai vợ chồng sử dụng chung. 1Q84 do anh chồng dịch từ tiếng Trung. Chắc hẳn anh ta có tìm hiểu vì các tên riêng được phiên âm ra tiếng Trung sẽ khác hẳn (kiểu Hoa Thịnh Đốn, Ba Lê, Nã Phá Luân, ...).

Nhân vật nữ, cái cô "Thanh Đậu" ấy, đọc qua mình liên tưởng tới Midori. Vì cái gì nhỉ? Vì có vẻ cá tính. Và vì váy ngắn chân dài, hihi.


Còn quá sớm để nói một điều gì. Mới chỉ đọc mấy trang đầu của một cuốn sách dày gần 500 trang đặc những chữ. Phía sau còn chờ 2 quyển nữa (2 và 3), nghe nói độ dày cũng tương đương.

Không sao, mình cứ việc thong thả. Godot còn lâu mới tới.



Đã tải được bản nhạc.

Bây giờ, vừa đọc 1Q84, vừa nghe Sinfonietta. Đúng kiểu ...

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Hồ con rùa

Tự nhiên đọc linh tinh về hồ con rùa.

Và nhớ về những tò mò một thời học sinh. Những thông tin mình nghe được ngày ấy, không khác gì trên wiki ngày nay.

Sở dĩ có những tò mò, lúc đó mình chưa hề đặt chân đến Sài gòn, là do bộ phim Vụ án hồ con rùa. Còn nhớ, đó là bộ phim màu đầu tiên của vn mà mình được xem. Vé mua theo tập thể của trường Quốc học. Xem tại nhà hát lớn (thành phố Huế).

Ấn tượng khó phai là màu rất đẹp. Đẹp hơn hẳn các phim màu chiến đấu liên xô, hay tâm lý xã hội (phần lớn cũng của liên xô) độc quyền ngày ấy.

Sau đó hình như mình được xem Xa và gần, rồi dần dần quên những đen trắng cũ ...

Hôm nay đọc thấy hồ con rùa, không kìm được hỏi bạn Gúc về phim cũ. Và tìm thấy link hay hay này, cóp về đây để nhớ ...


TB. Cũng đáng nhớ là phim Pho tượng. Có một cái gì đó khá cảm động. Và bài hát trong phim ...
(Nói chuyện cà kê dê ngỗng, Pho tượng là phim đầu tiên Đơn Dương tham gia. Dĩ nhiên lúc đó mấy ai để ý, thậm chí sau này cũng chả ai biết mà nhớ. Người thì nổi tiếng, rồi gian nan, rồi về cùng cát bụi ...)




Thúy Lan tên thật là Phạm Thúy Lan, sinh năm 1956 tại Hà Nội. Thời thập niên 80, Thúy Lan là giảng viên giảng dạy nhạc cụ Cello (tức Violoncell) của Nhạc viện TP.HCM. Ngoài thời gian giảng dạy âm nhạc, Thúy Lan hằng đêm còn chơi đàn Cello tại nhà hàng Maxim.

Năm 1982, Thúy Lan được đạo diễn điện ảnh Lê Dân mời tham gia đóng phim, với vai nữ chính là bác sĩ Thu Trang, đóng cặp với nam diễn viên điện ảnh Nguyễn Chánh Tín, trong cuốn phim nhựa trắng đenPho Tượng do hãng phim Nguyễn Đình Chiểu sản xuất. Nội dung phim Pho Tượng nói về một nhà điêu khắc trẻ bị bắt đi quân dịch, phải ra trận, bị thương, tưởng phải bị cắt bỏ tay, nhưng được một nữ bác sĩ giải phóng quân cứu chữa, được giác ngộ và đã dùng đôi tay ấy tạo nên những bức tượng về những người đã cứu mình. Bộ phim Pho Tượng đã đoạt giải đặc biệt Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI vào năm 1983.

Với gương mặt ăn ảnh, xinh đẹp cùng với khả năng diễn xuất có sức thuyết phục ngay từ bộ phim đầu tay đến với điện ảnh, Thúy Lan trở thành gương mặt tạo sự chú ý từ các nhà làm phim thời bấy giờ. Trong năm 1982, khi chuẩn bị làm phim màu Xa Và Gần dài 2 tập, đạo diễn Huy Thành đã chọn sẵn Thúy Lan dự tính để vào vai chính Thu Hà - cô con dâu của bà tư sản Thuận Thành. Nếu như diễn viên Hà Xuyên lúc ấy mới bước chân vào lãnh vực điện ảnh trong phim Xa Và Gần không có đủ khả năng đảm đương nỗi vai diễn chính đầu tiên này thì người đóng thay Hà Xuyên trong vai Thu Hà sẽ là Thúy Lan, nhưng rồi Hà Xuyên đã vượt qua được, thế là Thúy Lan lỡ hẹn với phim Xa Và Gần.

Vào năm 1984, lúc chuẩn bị thực hiện tiếp bộ phim Ván Bài Lật Ngửa với tập 4 Cơn Hồng Thủy Và Bản Tango Số 3 thì diễn viên nữ chính Thúy An có bầu con gái đầu lòng Thúy Hồng, do đó không thể nào tiếp tục tham gia vai diễn Thùy Dung với nhiều cảnh hành động trong tập này. Để không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất phim trong năm 1984 của Xí nghiệp phim Tổng hợp TP.HCM đã quy định, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đành tìm chọn diễn viên khác thay thế. Ông đã mời nữ diễn viên Thúy Lan, thế nhưng trong thời điểm đó Thúy Lan lại mắc bận đang đóng phim Vụ Án Hồ Con Rùa của đạo diễn Trần Phương với vai nữ chính Trà My nên không thể tham gia cùng một lúc hai phim, cuối cùng đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã gặp được Thanh Lan và mời Thanh Lan đóng phim trở lại. Để vào vai diễn Trà My này trong phim Vụ Án Hồ Con Rùa, Thúy Lan đã phải trải qua với nhiều cảnh quay phải tự diễn xuất một mình trước ống kính quay phim, đòi hỏi người diễn viên phải có bản lĩnh cao để thể hiện tốt mọi trạng thái tâm lý của nhân vật. Trong phim, còn có cảnh nhân vật Trà My ngồi chơi đàn Cello. Còn phimVán Bài Lật Ngửa, một lần nữa trong cuộc đời làm diễn viên, Thúy Lan lại vuột mất cơ hội để đến với vai Thùy Dung - nữ điệp viên tình báo người Hà Nội bên cạnh Nguyễn Thành Luân; chứ nếu cô tham gia được vào vai Thùy Dung của phim Ván Bài Lật Ngửa thì cô sẽ được nhiều khán giả điện ảnh đương thời biết đến tên tuổi cô nhiều hơn.

Năm 1987, Thúy Lan tham gia diễn xuất vai Hồng trong bộ phim nhựa trắng đen Tiếng Gọi Lúc Mờ Sáng của đạo diễn Lê Mộng Hoàng, do hãng phim Nguyễn Đình Chiểu sản xuất. Trong phim này, Thúy Lan đảm nhận vai chính, đó là một cô gái có tình yêu mù quáng với một tướng cướp (do Thương Tín đóng).

Sau phim này, Thúy Lan từ giã hẳn điện ảnh, cô trở về với công việc chính của mình là giảng dạy đàn Cello ở Nhạc viện TP.HCM & chơi đàn Cello hằng đêm ở nhà hàng Maxim như trước đây, chăm lo cho gia đình của cô.

Qua thập niên 90, Thúy Lan cũng không còn hoạt động bên lãnh vực âm nhạc nữa, cô chuyển sang làm công việc khác, đó là làm kinh tế cho một công ty tư nhân. Năm 2001, sức khỏe Thúy Lan giảm sút do mắc cơn bệnh tai biến. Hiện nay, Thúy Lan đã sang Nga định cư cùng với chồng con.

Chồng của Thúy Lan là Bùi Công Thành, giảng viên giảng dạy đàn Violon của Nhạc viện TP.HCM, đồng thời là nghệ sĩ chơi đàn Violon. Ngoài âm nhạc, Bùi Công Thành còn tham gia bên lãnh vực điện ảnh qua hai bộ phim. Phim đầu tiên là phim Phượng của đạo diễn Lê Văn Duy, do Xí nghiệp phim Tổng hợp TP.HCM sản xuất năm 1981. Trong phim này, Bùi Công Thành đóng vai nam chính Thạch, người yêu của cô sinh viên Phượng tham gia xuống đường biểu tình. Năm 1988, Bùi Công Thành đến với vai nghệ sĩ chơi đàn Violon rồi bị chết trong một tai nạn (cha của nhân vật nữ chính) trong bộ phim màuTình Xa của đạo diễn Trung Hiếu, do Công ty điện ảnh và băng từ TP.HCM hợp tác với điện ảnh Thái Lan. Hiện nay, Bùi Công Thành cũng sinh sống bên Nga cùng với vợ con. Nơi họ sinh sống thuộc miền Nam Ural, cách Matxcơva 1.800 cây số, có khoảng 700-800 người Việt Nam sinh sống, phần lớn thuộc diện hợp tác lao động. Bùi Công Thành là phó giám đốc phụ trách đối ngoại của Nhạc viện Magnitogorskơ, vừa dạy chuyên môn vừa tìm kiếm nguồn ngoại tệ cho trường thông qua việc thu hút các sinh viên nước ngoài. Từ nhiều năm nay, Bùi Công Thành đều được mời tham gia ban giám khảo các cuộc thi quốc tế quan trọng và là thành viên Hiệp hội Giáo sư Âm nhạc châu Âu. Trong cuộc thi âm nhạc quốc tế tại Toliatti (Nga) năm 2002, Bùi Công Thành được trao bằng danh dự Người dạy giỏi nhất cuộc thi vì có học trò (người Nga) đoạt giải nhất.

Vợ chồng Bùi Công Thành - Phạm Thúy Lan có hai người con. Con trai đầu lòng của họ tên là Bùi Công Duy, sinh năm 1981, hiện nay là nghệ sĩ chơi đàn Violon của Nhà hát giao hưởng vũ kịch Việt Nam và là giảng viên dạy Violon ở Nhạc viện Hà Nội. Bùi Công Duy còn là con rể của vợ chồng nhạc sĩ Phú Quang - NSƯT Nguyễn Hồng Nhung (thổi sáo Flute). Bùi Công Duy lập gia đình với Nguyễn Trinh Hương, nghệ sĩ chơi đàn Piano, con gái của nhạc sĩ Phú Quang. Bùi Công Duy là tài năng âm nhạc trẻ đã giành giải nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Tchaikovsky năm 16 tuổi cùng hàng chục giải thưởng âm nhạc uy tín khác.

Cô con gái út của Bùi Công Thành - Thúy Lan có tên là Bùi Công Duy Linh, sinh năm 1988, hiện nay sinh sống cùng với bố mẹ tại nước Nga, biết chơi Piano & thổi Flute.



Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Thiết kế

Mình nhận thấy rằng các kỹ sư của mình không hề biết thiết kế.

Điều này không có gì mới.

Nhưng có lẽ nguyên nhân chủ yếu là ở tính thụ động cao, rất cao.

Điều này, không biết bị ảnh hưởng mấy phần từ tính cách dân tộc, nhưng chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều từ nền (vẫn được gọi là) giáo dục đương đại.


Cụ thể một chút, thì đó là ở chỗ chỉ biết trả lời mà không bao giờ biết nêu câu hỏi.

Thành ra, thay vì phác hoạ cho được yêu cầu thiết kế, chúng mải mốt cắm đầu vào thiết kế cụ thể luôn.

Nghĩa là, những gì không được nghĩ đến sẽ mãi mãi không được nghĩ đến.

Nghĩa là, những gì có thể giải quyết được bằng kiến thức lạc hậu thì mãi mãi chỉ được giải quyết bằng đúng những cách đó.

Nghĩa là, chỉ lựa chọn được phương án sau khi đã mất công thiết kế đến tận chi tiết cuối cùng cho từng phương án.


Nên, mất thật nhiều thời gian mà hiệu quả thật thấp.

Nên, chất lượng và hiệu quả bao giờ cũng thật kém.

Nên, nếu mình đưa cho một ý tưởng là chúng chết chìm luôn với ý tưởng đó. Loay hoay để làm như thực hiện một nhiệm vụ mà không suy nghĩ, cân nhắc. Góp phần giết chết ý tưởng một cách đau đớn.


Tóm lại, chỉ nên đưa mệnh lệnh chứ không nên đưa ý tưởng nữa.

Tóm lại, những kẻ thụ động chỉ có thể thừa hành chứ không thể đóng góp.

Tóm lại, kẻ cô đơn chỉ có thể có lính chứ không thể có bạn đồng hành.

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Đặc sản canh gà

Mấy nay thấy báo chí nhà ta rộn lên với món canh gà Thọ Xương.

Nghe đâu có mấy cháu học sinh trường nọ ngay giữa thủ đô ngàn năm văn vật lỡ dại làm vài thìa canh gà. Khiến phụ huynh bỗng bị hóc xương (không biết có phải) gà. Diễn biến ồn ào tiếp theo khiến một cô giáo kiêm thạc sĩ phải nhập viện.

Mình, tự nhiên rảnh, nên đọc linh tinh, lại bận, nên không viết được dòng nào.

Mà thực ra, có không bận, cũng không biết viết gì. Vì chẳng biết gì về canh.

Ngày còn nhỏ, mình được biết rằng, canh là món ăn lõm bõm nước, hoặc chỉ mỗi nước (huý là canh toàn quốc!). Món canh này thường được chan vào cơm (có độn hoặc không) đặng dễ nuốt trôi cơm, hoặc để húp sì soạt sau mấy chén cơm khô khó nuốt.

Lớn lên chút, mình được biết dân Hàn quốc hay Nhật bản cũng có xơi canh, nhưng không chan vào cơm bèo nhèo như Việt mà húp trong một chén riêng.

Hồi mình sang Âu, người ta có món súp (món này mỗi dân tộc có tên riêng, nhưng đa số đều có âm gọi na ná như vậy). Sở dĩ nhắc đến súp là vì cũng lõm bõm nước, cũng xì xụp húp (bằng thìa hoặc không). Nhưng không chan vào đâu cả. Và thường ăn trước món chính, chứ không húp sau như canh nhà mình.

Nhớ hồi cô vợ Âu của bạn mình sang VN chơi, đi từ Bắc chí Nam, bảo toàn ăn súp. Bắc gọi phở, trung gọi bún, nam gọi hủ tiếu.

Thực ra, dân ta cũng có món súp. Nhưng có lẽ phần nhiều là được dùng trong các bữa tiệc (có tính) sang trọng, như đám cưới chẳng hạn, hay đám giỗ, mừng nhà mới, vân vân.

Còn bình thường trong các bữa cơm ngày nay là canh bầu canh bí canh rau canh chua canh cá canh (cũng) vân vân.

Nếu trí nhớ không phản mình thì mình chưa bao giờ xơi món (được gọi là) canh gà. Mặc dù nhiều món canh hầm có gà bơi ở trỏng. Chưa kể lẩu gà lá giang trứ danh.

Song nghe (gọi canh gà) thì nhiều lắm rồi. Ấy là trong những bộ phim cổ trang của nước bạn chiếu nhan nhản trên ti vi nước mình. Không thấy được hình thù nó ra làm sao, chỉ thấy thìa sứ múc múc húp húp.





Thơ có câu:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương

Hoặc:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương

Giảng cho nhau nghe rằng: canh ở đây là "canh giờ" (kiểu canh một canh hai canh ba hay một canh hai canh ba canh, không biết ngày nay có mấy ai còn biết một canh là kéo dài bao lâu không?!). Canh gà Thọ Xương tức nhiên là gà gáy báo canh (khuyển thủ dạ, kê tư thần) ở Thọ Xương.

Mà chả mấy ai dám chắc cái địa danh Thọ Xương ấy là đâu. Mà lại nghe được tiếng chuông (chùa) Thiên Mụ (ở Huế) hay (cũng chùa) Trấn Vũ (ở Hà nội). Mà (chùa) Thiên Mụ với (chùa) Trấn Vũ sao lại lẫn lộn ở đây?

Ấy mù mù mờ mờ thế. Các bậc có học thảng hoặc đọc sách thì chỉ ra rằng câu này do cụ Dương (Khuê) câu kia chép lại bởi cụ Phạm (Quỳnh).

Hễ dẫn đến sách là lại sinh lắm chuyện. Có kẻ chỉ ra rằng các cụ xưa viết chữ Nôm, thì chữ "canh" kia đích thị là món ăn chứ không phải giờ giấc gì sất.

Nhọc. Dân ta xưa nay chỉ biết nghe đâu biết đó, mấy ai động não làm gì. Nào phải ngẫu nhiên mà có cái (được gọi là) nền giáo dục ấy.

Bây giờ thì hay rồi. Các cụ ơi là các cụ. Viết gì sao không trắng phớ nó ra cho con cháu đỡ mệt?

Đọc thơ chỉ muốn khen hay. Chớ thiệt tình ra, hổng hiểu.


Đã thế, tiện đây, chép lại những lời diễn nôm diễn na diễn cha mách qué cho người đến sau đỡ nhức óc:

La đà, sách chép có con la (giống con ngựa nhưng nhỏ hơn, chuyên thồ hàng) và con lạc đà (cũng thồ hàng, chở người). Cành trúc la đà đích thị là cái roi của người chăn la chăn lạc đà vậy. Thiên nghĩa là trời, thiên mụ là vợ trời chẳng sai. Canh xương gà vốn có bán trong mấy tiệm ăn Tàu. Vậy thơ trên được dịch ra tiếng ta như sau:

Roi tre vun vút vung ra
Lũ lạc đà với lũ la chạy cuồng
Vợ Trời giáng một hồi chuông
Gọi về ăn bát canh xương gà Tàu.

Hoặc:

Mụ Trời đánh một tiếng chuông
Ông Thọ vào bếp hầm xương con gà

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Giỗ đầu

Một năm sau Oct 5. Thế giới buồn. Chờ iP5.

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Uể


Hắn lơ đãng nhìn chữ vừa mới viết ra, chính xác là vừa mới gõ ra, thấy là lạ. Hắn chưa bao giờ nhìn thấy chữ đó đứng một mình. Với bản tính bướng bỉnh cố hữu, hắn tự cho phép mình cái quyền được làm như thế. Cái gì chả có lần đầu tiên. Người tình cờ đọc thấy, chắc sẽ đoán được cái từ lẽ ra  phải đi cùng cặp thôi. Mà nếu không, thì đã sao.

Càng nhìn, hắn càng nghĩ vẩn vơ. Gõ (viết) thế có đúng không nhỉ? Có sai ngữ pháp không? Có lỗi chính tả không?


Sáng nay, hắn mở mắt đúng vào khoảng giờ như thường lệ. Như một cái máy. Có thể, hắn đã trở thành một cái máy. Cái máy đó chỉ trục trặc đôi chút nếu ngày hôm trước có gì đó bất thường.

Ngày hôm qua không có gì bất thường. Một cuộc họp đầy ngán ngẩm. Một cái hẹn cà phê thú vị. Một buổi tối online-on-laptop bình thường. Hình như một cuộc chát có cái gì đó buồn cười. Gì thế nhỉ?

Ý nghĩ phải nhớ lại kéo hắn ngồi dậy khỏi cơn mơ màng buổi sáng. Chui ra khỏi màn. Dạo này hắn nằm màn do trong nhà xuất hiện những con gì đó. Bé li ti. Không phải muỗi. Không vo ve, chỉ bất ngờ thấy nhói một cái. Ngứa. Và một nốt tròn tròn xinh xinh xuất hiện. Thỉnh thoảng, bộp, hắn vo được giữa hai ngón tay một mẩu bé tý, đen đen, không còn rõ hình thù. Không biết, liệu Chúa có cho hắn cái quyền sát sinh ấy hay không nữa.

Hắn lê tấm thân trần truồng về phía chậu rửa mặt. Từ ngày có một phòng ngủ ra chiều kín đáo, hắn thích ngủ không một mảnh vải trên người. Chỉ đôi khi, thoáng nghĩ, nếu mình chết trong khi đang ngủ thì có gây bối rối cho người tìm thấy xác mình đầu tiên không nhỉ. Mà, nhìn trong gương, hắn đang chẳng khác gì một xác chết. Nhúc nhích như một zombie. Phải rồi, zombie, tụi Hô-li-út nghĩ ra hay thiệt. Hắn thậm chí còn chẳng buồn vươn vai lấy một cái gọi là thể dục. Thoáng nhớ lại chuyện lúc ngồi cà phê với bé U hôm qua, sức khoẻ của hắn chắc chẳng đủ cho một buổi làm việc ở xứ người. May thay (hay không may?), hắn đang tồn tại ở xứ lười.

Hắn thích thú với biệt danh lão lười. Một cách lười nhác, hắn súc miệng, lấy kem, chải răng, chế nước sôi lên cục mì gói, tranh thủ giũ mấy mảnh quần áo ngâm từ tối qua. Rồi ngồi nhai mì như nhai rơm.

Trời chưa sáng hẳn, nhưng chẳng cần bật đèn. Tiết kiệm điện cho nhà nước (hay cho nhân dân?). Bỗng nhiên tối sầm một cái. Rồi bộp một cái. Rào một cái. Ông trời hắt nguyên một cục mưa lên mái tôn. Lười đến chậm chạp trong ý nghĩ, hắn dường như chờ cú bộp rào tiếp theo. Nhưng không, rất nhanh, hửng sáng. Nhờ sáng, trên miếng kính cường lực to tướng đậy cái giếng trời, hắn thấy những hạt mưa vẫn còn nhí nhảnh.


Nhìn hạt mưa hơi nặng, hắn quyết định đi ủng, mặc bộ đồ mưa. Hắn ghét mưa. Ghét phải mặc đồ mưa. Dù kín đến đâu, vẫn ướt những chỗ hiểm. Cộng thêm mùa này mồ hôi sẽ ra nồng nặc. Cả ngày sẽ âm ẩm, hôi xì.

Nhìn trời sáng, hắn nghĩ sẽ tạnh mưa trong phút chốc. Thế mà vẫn mặc đồ mưa đi ra một cách ngu ngốc. Khoác cái áo mưa nóng nực vào người rồi mới thấy chưa đeo túi. Lại lười nhác cởi, đeo, mặc. Xuống gác rồi mới nhớ quên xách bao rác ra bỏ trước nhà. Lại đi lên, đi xuống. Nhớ được là may rồi, càng ngày hắn càng hay quên.

Lơ đãng vớ miếng giẻ, hắn phủi qua yên xe và hai chỗ cầm tay trên tay lái. Một lớp bụi không dày không mỏng, dù hắn mới chỉ để xe ở nhà có một ngày hôm qua. Cả nhà chìm trong một màn bụi. Cả đời hắn chìm trong bụi.

Không có gì bắt hắn phải ra đường giữa cơn mưa nặng nề nóng nực như vậy. Hắn có thể chờ mưa tạnh. Hoặc hoàn toàn không thèm đi đâu. Nhưng hắn vẫn đi, như một thây ma quán tính. Đến một nơi chẳng có việc gì đáng làm …

Oải.

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Sông

Lâu lắm rồi, hắn mới lại tìm được cảm giác háo hức muốn đọc một cuốn sách mới.

Dĩ nhiên, so với thời học sinh ngấu nghiến giấu sách dưới gầm bàn trong giờ học thì nay dăm thứ tóc trên đầu cũng có khác.

Vừa muốn vập vào, lại vừa có cảm giác như muốn ăn dè.

Cuối cùng thì, vội vàng một cách chậm rãi, hắn cũng bắt đầu nuốt những trang sách đầu tiên.


Một nhân vật (chắc là chính) chuẩn bị một chuyến đi. Chuyến đi, được một ông già khuyên nên chọn bạn đồng hành, vì, "cũng phải có người quay về để kể lại người kia chết kiểu nào chớ".

Hành lý là tài liệu về con sông Di (Dịch?!). Con sông bắt nguồn từ dãy Thượng Sơn, từ Puvan xuôi về Nam đến cửa Mù Sa. Con sông chạy dọc dải đất hình chữ S. Nơi ngựa của Quang Trung và Nguyễn Ánh, voi của Hai Bà Trưng và Bảo Đại, cả Nguyễn Thị Anh và Huyền Trân công chúa đều từng tắm.

Bỏ lại những lời dặn dò quá đỗi đời của chị kế toán, về những hóa đơn cần cầm về để thanh toán sau chuyến đi. Bỏ lại ước mong của mẹ về nàng dâu và đứa cháu. Bỏ lại cả người tình dường như hờ hững.


Và, hắn tìm thấy chính hắn là kẻ đang ra đi.

Đến khi buông sách ngủ, hắn mới sực tỉnh. Hắn đang đọc Sông ...


***

Một số "nhà phê bình" có "phê bình" rằng, sao Tư không viết vui hơn.

Hỏi rất đời.

Không biết mấy "nhà" đó sống ở đâu? Làm nghề gì kiếm cơm bỏ miệng?

Hắn đồ rằng, không quân vô cảm cũng phường đạo đức giả.

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Hè và mưa


Tối hè đặc quánh.

Chiều qua mình bỏ một cuộc nhậu. Thế mà không hiểu sao, về đến nhà đầu như đeo đá.

Thậm chí không kịp đánh răng, thả người xuống nệm.

Và quên trời.
Và quên đất.



Sáng dậy như bình thường. Khoảng 5h30.

Hè đã rạng.

Nhìn thấy những hạt nước rơi rơi trên tấm kính che giếng trời.

Vẩn vơ nghĩ:

Ah, cơn mưa không đủ lớn để thức mình dậy trong đêm.

Trong nhà vẫn oi nồng khí hạ.

Ra ngoài. Gió trời dường như cũng dịu được một phần.


Đạp xe trên đường buổi sáng.

Rải rác lại những giọt nước, rơi, rơi.

Không biết có từ trời.
Hay từ những tầng lầu, tán lá.
Qua đêm sót lại.


Lại vẩn vơ.

Tại thấy phố bơ phờ.

Chẳng lẽ chút mưa khiến đời vắng hẳn?

Hoá ra chỉ vì cúp điện.

Sáng thứ Bảy mà thôi.


Làm việc xong rồi.

Giờ ngồi nhà thấy bình yên lạ.

Mặc ngoài kia, thực ra trời không tầm tã.

Chỉ cỡ sụt sùi ...

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Tân phong

Thời gian này, dịch tài liệu mờ cả mắt.

Hôm trước, tranh thủ lúc đi xe, nghe đọc Đoạn tuyệt.

Thừa thắng xông lên, nghe tiếp Tân Phong nữ sĩ.


Phải thú nhận rằng, bây giờ mình mới đọc Hồ Biểu Chánh.

Lúc trước mình ít đọc văn của các tác giả trong Nam. Đôi khi cũng cảm tính nghĩ rằng ít sâu sắc.

Bây giờ lại thích cái đơn giản đến chân thật. Phải chăng đang dị ứng với miệng lưỡi xứ láo liên?


Cùng là văn xưa, mình vấn vương với Đoạn tuyệt quá. Đành rằng cái kết không đến nỗi tối tăm. Nhưng những gì nhân vật chính phải trải qua khiến mình đồng cảm. Ở cái xứ này, dễ thường ngày nay còn tệ hơn hàng bao nhiêu năm trước.

Nghe giới thiệu Tân Phong nữ sĩtiểu thuyết thứ 29 của Hồ Biểu Chánh, viết năm 1937. Tinh thần có vẻ na ná Đoạn tuyệt. Lại nói kết cục bi thảm khiến mình xen chút lo âu.
Hoá ra chữ bi thảm này phù hợp xưa hơn nay. Hay tại ngày nay sự bi thảm hơn xưa hàng chục lần?

Đề tài hai truyện trên đều mượn chuyện phụ nữ mà nói chuyện cách tân. Cái sự đổi mới của cô Tân Phong xem ra còn quyết liệt hơn. Mà được kể lại bằng một giọng văn đến là đơn giản. Hình như đó chính là phong cách Hồ Biểu Chánh vậy.

Nghĩ, cuộc sống của tiền nhân cách nay đã non thế kỷ, mà sao đem so thấy ngày nay cháu con hèn nhục thế!

***

Thú vị của mình tập trung ở lối hành văn sao mà hay quá. Cách nói năng của các nhân vật thật là tuyệt, gãy gọn mà thật dễ thương. Sao tiếng ta thuở ban sơ lấp lánh làm vậy, mà lại thành lằng nhằng, rối rắm như ngày nay nhỉ?

Một điều không thể không nói thêm. Ấy là tiếng Nam. Mình thường đọc nhanh, lướt lấy nội dung chứ biết đâu hình thức. Mà dễ có đọc thành tiếng thì mình cũng chẳng khác thằng ngọng. Truyện này mà nghe không đúng giọng đọc chắc mất hay một nửa.

Nay mình được nghe qua giọng đọc của Thanh Vân (mà mình không biết là ai), thấy đáng yêu lạ. Tự nhiên mình thấy giông giống giọng cô Thảo (bạn thầy Hải). Cổ người Cần Thơ, nay sống ở Mỹ. Có vẻ rõ yếu tố giữ giọng ông cha là ở đâu.

Giọng ấy, văn ấy, tiếc.

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Đoạn tuyệt


9/5.

Quảng trị nóng.

Dù cho có chạy bao nhiêu quạt.

Dù cho mình đã bỏ ra 15 phút múc nước giếng tưới khắp sân.

Dù cho trời động mưa. Thoảng chút gió và mây đen kín một khoảng trời. Sấm động ùng oàng.

Trời vẫn nóng. Và người vẫn sống.

Nhưng mọi ý nghĩ như loãng ra. Không biết đã bao giờ có nghiên cứu nào về sự lười nhác và kém văn minh của xứ nóng?


Mất một buổi sáng đi xe từ Đà nẵng ra.

Vẫn lối chạy lòng vòng hơn 1 tiếng đồng hồ trên tuyến đường Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng rồi mới chịu rời thành phố.

Vẫn bác tài hút thuốc phả khói vào hành khách ngồi sau. Vẫn các bà già ăn quà vặt vứt rác xuống đường. Vẫn những cậu trai trẻ ngủ gà ngủ gật thúc mũ lưỡi trai vào đầu mình.

Vẫn tuyến đường tránh Huế lượn lờ hết trái sang phải giữa những cơ man ổ "khủng long".


Hôm nay 9/5 hẳn là ngày tốt. Vì gặp đến mấy đám cưới giữa đường. Cô dâu chú rể quần là áo lượt ngập trong nắng nôi bụi đường. Thậm chí cả một đoàn xe biển số 74 trực chỉ Đà nẵng.

Có kỳ dị không, khi để đỡ nhàm chán lúc ngồi bó gối trên xe, mình nghe audio book truyện này của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam?

***

Cơn mưa nhỏ không đều không biết có phải là nguyên nhân, nhưng buổi tối lại mát lạnh bất ngờ, đến mức phải đắp chăn.

Tuy vậy sáng ra đâu lại hoàn đấy. Và cuộc sống thôn quê dường như tiềm ẩn nỗi nóng khác còn lớn hơn.

***

13/5

Lạ. Thời tiết Quảng trị. Cả mấy ngày. Trưa nắng nóng như đổ lửa. Mà tối mát rười mát rượi.

Quê nhà buồn buồn.

Vẫn những xưa cũ (còn hơn trái đất) sau luỹ tre làng (nay đã hầu như không còn).

Tre thì chặt được. Nhưng những gì ngày nảo ngày nao đã muốn đoạn thì nay vẫn chưa tuyệt.

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Tiểu luận về hạnh phúc

Chúa tạo ra muôn loài.
Các loài khác thì mình không rõ, chứ loài người, mọi cá thể đều chung một mục đích duy nhất: hạnh phúc. Dù hạnh phúc của cá thể này không hẳn (mà thường không) là hạnh phúc của cá thể khác, thậm chí ngược lại.

Nói ra điều này, mình cầm chắc có nhiều bạn phản đối.
Không sao, mình chẳng hề có ý định cãi lại hay thanh minh gì cả. Vì điều đúng bao giờ cũng đúng, không phụ thuộc người ta có biết là đúng hay không.

Nhiều người bảo, điều tôi muốn là X, là Y, là Z, không phải hạnh phúc.
Một số người không biết, X, Y và cả Z nữa, chỉ là những dạng khác của hạnh phúc mà thôi.
Hoặc nhiều khi, X, Y, và cả Z nữa, là cái vỏ, là bức tường, hay may mắn lắm là cái cổng, của (toà nhà) hạnh phúc. Thấy ngoài không thấy trong cũng là thường ở loài người vậy.

Đến đây vẫn có người bướng bảo, tôi không thể nhầm được, tôi không muốn hạnh phúc.
Không sao, người không tự biết mình cũng không ít.

Điều mình muốn nói chỉ là: ai cũng mong muốn hạnh phúc hết.

Bạn bảo: okie, okie, whatever, cứ gọi cái đích của muôn người đó là hạnh phúc đi.

Thì, người ta không biết cũng bình thường. Vì dù ý thức mục đích đó hay không, đã mấy người đạt đến hạnh phúc?
Còn, trong vô cùng những hiếm hoi người đạt đến hạnh phúc, liệu có 1 hay 2 người biết rằng mình hạnh phúc?
Nữa, cái hạnh phúc đó thường chỉ tồn tại trong một sát-na, thoáng qua như một tia chớp.

Chả trách.
Muốn không biết.
Biết không đạt.
Đạt không biết.


Riêng mình, mình biết chắc một điều: mình sẽ hạnh phúc.
Dù mình muốn hay không muốn.
Dù không quan tâm nhanh hay chậm, lâu hay mau.

Dĩ nhiên chưa phải bây giờ.
Dĩ nhiên càng không phải trong quá khứ.
Lúc nào? Sẽ là một bí mật nho nhỏ.

Sở dĩ mình chắc chắn như vậy vì mình biết nơi mình sẽ đến. Chỉ có một cánh cửa. Vậy phải qua đó.
Cánh cửa đó là hạnh phúc.


Chỉ, chưa biết lúc nào, không biết dừng chân bao lâu ...
... trước khi, đầu không hề ngoảnh lại.

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Ảo

Còn nhớ, lúc bắt đầu viết blog, mình xem như bắt đầu viết nhật ký.

Tuy nhiên có sự khác biệt, là blog mình để public, sẽ không giấu kín như một nhật ký thực thụ.

Điều này khiến blog không có những gì quá riêng tư. Với mình, sẽ là đủ. Đủ, như một người bạn có thể tâm sự hầu hết mọi điều. Còn điều không, có lẽ đáng để không. (Bỗng nhớ Bridget Jones Diary, hihi).

Từ rất lâu trước đó, mình đọc thấy rằng, nên viết nhật ký như một phương pháp tu thân. Nhưng mãi mình không bắt đầu (có lẽ chẳng muốn tu thân, hehe, nói gì tới tề gia, trị quốc, bình thiên hạ).

Cho đến khi gặp Yahoo! 360° (phải chăng tại mình lười bút, giấy mà siêng keyboard?!). Ngày ấy, ở đó thật là tấp nập. Thực ra thì mình vẫn chỉ viết nhật ký, như một nơi để trút những vui buồn. Mà mình lại thường buồn nhiều hơn vui, nên hẳn "ngôi nhà" của mình buồn thảm lắm.

Rỗi rãi, mình lang thang thăm nhà "các bạn" không quen. Lai vô ảnh khứ vô hình, bởi mình nghĩ nếu các bạn ấy theo dấu đến thăm nhà mình chỉ tổ buồn lây, hihi.

Kịp đến Yahoo 360 tan rã, người người tứ tán. Multiply, wordpress, Yahoo! 360plus, blogspot, etc. Mình cũng bon chen tậu nhà khắp nơi, cả những nơi hẻo lánh như Friendster. Những người mình quen biết (biết nhiều hơn quen) hầu như sang Mul nhiều nhất. Bên đó có dáng dấp mạng xã hội, giao lưu nhiều hơn. Mình cũng tạo một nick Mul, rồi ... để đó.

Một phần, dạo đầu vào Mul phải leo tường vất vả, mà mình quen đường hoàng, hehe. Thêm nữa, mình tự kỷ, vào đó không hợp. Mình thiền trong blogspot.

Bác mình có lần nói, mình thuộc dạng "tâm giao", không "quảng giao". Ngẫm bạn bè xưa nay, không học cùng phổ thông thì cũng quen ở đại học, ra đi làm thêm đồng nghiệp. Không nhiều, không ít, nhưng thực sự mấy tri âm?!

Nhiều người lạm dụng từ "bạn". Ngồi nhậu mình bảo, em ở nhà đọc entries còn vui hơn. Những người "bạn" trên mạng thông minh hơn, vui tính hơn, hiểu biết hơn nhiều. Dĩ nhiên, nói thế, cũng phải cân bằng.

Mình chọn Yahoo Plus làm nơi tiếp bạn bè. Chuyển được nhiều thứ từ 360 sang đây. Của nả không quan trọng, những gì mình viết ra bất quá cái hố của ông thợ cạo "vua có tai lừa". Yahoo thì ngày càng chuối ơi là chuối, nhưng cũng vượt qua được. Sắp tới lại còn chuyển sang đây.


Lan man thế.

Tự kỷ nhưng mình cũng quen (một ít) và biết (nhiều) người thú vị trên thế giới ảo.

Tiếc là đang vào giai đoạn thoái trào. Nhiều người thích qua lại ngắn gọn trên FB. Nhiều người đóng cửa chỉ chơi với bạn bè trong friend list. Nhiều người thì không viết nữa.

Mình vẫn cứ rảnh là lại lang thang. Có khi quen lối thấy cửa đóng then cài. Có khi chỉ thấy hoa đào cười với gió đông.

Có nhà, hễ cứ vào được là mình lại xông vào. Hàng ngày. Bookmarked.



Một nhà như vậy là nhà Lão Thầy Bói Già. Mình cười với Hội sản xuất bàn là, rưng rưng nước mắt với thơ Đinh Vũ Hoàng Nguyên.
Lâu nay, mình đọc thấy Lão Bói ốm nặng. Mình biết về Lão nhiều hơn qua comments của bạn bè Lão. Mình ngóng tin trên FB. Mình không rõ Lão bệnh gì. Mình lạc quan thấy bạn bè Lão hy vọng.
Thế rồi, sáng nay, mình thấy những comments thật buồn.

Bây giờ, mình được biết, thế giới ảo cũng có chia ly.
Sinh thời Lão bảo: ở đời sợ nhất là nhạt.
Vắng Lão đời nhạt đi nhiều.

Chắc Lão cũng không biết rằng, có người âm thầm hâm mộ Lão. Mong rằng điều đó giúp cho Lão nhanh siêu thoát. Vì đơn giản có thêm một người yêu mến. Và vì đó là điều mình cầu chúc cho Lão.

(Không đâu bỗng dưng mình nhớ tứ thơ Tú Mỡ khóc vợ ...)

Anh đi trước còn tôi ở lại
Công việc đời còn dở chút thôi
Bao giờ công việc xong xuôi
...

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Cơ tâm

Mấy ngày nay, báo chí xứ nọ rộn lên với "máy phát điện chạy bằng nước".

Vẫn thói hám danh hơn thực. Người ta mơ về giải Nobel hơn là mong muốn một cái máy có ích cho loài người.

Nếu có thực chất, có thể nghĩ về một nguồn năng lượng sạch, có thể nghĩ về một nguồn năng lượng thay thế.

Bản chất nó là một cái máy chạy bằng nhiên liệu hydro. Hydro được tạo ra từ nước.

Đến đây, mình chỉ nghĩ về định luật bảo toàn năng lượng. Nôm na như dân ta vẫn nói, "... không tự sinh ra không tự mất đi, chỉ chuyển từ túi người này sang túi người khác ...", hihi.


Liệu công năng do máy đem lại có hơn năng lượng bỏ ra để tạo hydro cho nó chạy hay không?


Ông tiến sĩ xứ nọ giữ bản quyền về một loại chất "ma thuật" (hoá chất, xúc tác, chất khử, ... gì gì đó). Chất này giúp cho tiến trình tách hydro từ nước.

Mình lại nghĩ (thuật toán bắc cầu, hehe), sản xuất ra chất đó cần bao nhiêu năng lượng?

Trong trường hợp tất cả dẫn dắt trên đây là sự thực (thời buổi "lá cải" nhiều như sâu, huhu).



Khi đốt củi nấu cơm, hẳn không ai nghĩ những cái cây đã tích luỹ năng lượng cho mình!? Dùng than, rồi dầu rồi xăng, mấy ai ý thức nguồn năng lượng hoá thạch được hình thành qua bao nhiêu năm?!

Chúng ta đang ngày ngày ăn cắp của để dành của đất mẹ.

***

Mình nhớ lại, trước đây hàng bao thế kỷ, con người đã mơ ước về "động cơ vĩnh cửu".


Thơ ngây, mà trong sáng!

Ngày nay, than ôi ...




Bonus: (Chép lại từ Cổ học tinh hoa)

166. Cơ tâm.

Thầy Tử Cống đi qua đất Hán Âm, thấy một ông lão làm vườn đang xuống giếng gánh từng thùng nước đem lên tưới rau.
Thầy Tử Cống nói:
Kia có cái máy, mỗi ngày tưới được hàng trăm khu đất, sức dùng ít mà công hiệu nhiều. Cái máy ấy đằng sau nặng, đằng trước nhẹ, đem nước lên rất dễ và tên gọi là "máy lấy nước".
Ông lão làm vườn nói:
Máy tức là cơ giới, kẻ có cơ giới tất có cơ sự, kẻ có cơ sự tất có cơ tâm. Ta đây có phải không biết cái máy ấy đâu, chỉ nghĩ xấu hổ mà không muốn dùng vậy.

Trang Tử.