Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Tối

Tối trên núi ra sân mát rượi.



Phía Bà Nà dường như có mưa giông.


Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

PCCC

Hắn vừa trải qua 2 ngày huấn luyện phòng cháy chữa cháy.

Hôm qua một thượng tá giảng bài. Hôm nay một đại uý. Mới có 2 ông thầy mà số liệu mỗi ông đưa ra đã mỗi khác. Có thể không quá quan trọng, nhưng một lần nữa điều đó chứng minh cho sự nhiễu loạn thông tin ở đất nước này.

Bên cạnh đó là vụ ra mắt Bphone, aka Butterfly phone, Bướm phone, Bom phone, Bùm phone, ... hay là cái gì đi chăng nữa, thì nó cũng thể hiện sự "chín người mười ý" của xứ ta.


Mỗi người mỗi hướng, thông tin với nhau thì nhiễu loạn, giả sử dân tộc muốn kéo con tàu Tổ quốc phát triển không chừng lại xé nó tan ra thành từng mảnh nhỏ mất.

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Mad Max

Vấn đề vẫn là muôn thuở: sự sống còn. Fury road.

Nhưng cách thể hiện có lẽ chạm tới trái tim của nhiều người.

Trần trụi. Và bạo liệt.

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Miền Tây, tập 1, ngày cuối cùng

Nhờ nhân viên khách sạn giới thiệu, quyết định thuê riêng thuyền đi dạo chơi chợ nổi Cái Răng, đón khách ngay bến Ninh Kiều. Thực ra có thể tự đi đến chợ nổi và thuê ghe ở đó rẻ hơn, nhưng đi đường sông từ bến Ninh Kiều cũng có nhiều cái hay của nó. Chị chủ tàu gọi điện đánh thức và lên tận khách sạn đón xuống bến.

Ngày đầu đến Cần Thơ, hắn cứ quen thói nghĩ như ở Đà Nẵng, rằng đường ven bờ sông sẽ lớn và đẹp. Nên cứ theo bản đồ hình dung trong đầu, phóng xe ra đường sát bờ sông, hoá ra đường nhỏ và cũng chẳng thấy được mặt nước. Đi ghe trên sông nhìn ngắm được mặt hậu (hay tiền?) hướng ra bờ sông, mới thấy ngay giữa lòng thành phố (đô thị loại 1) cũng chẳng khác thôn quê. Bên kia sông có con đường sát bờ kè nên trông còn phố thị hơn.

Từ bến Ninh Kiều đi một vòng quanh chợ rồi về hết khoảng tiếng rưỡi. Khi hắn đi lúc 6 giờ sáng đã thấy có đoàn trở về, những đoàn khách du lịch còn bận rộn với nhiều tour khác trong ngày.
















Đoàn của hắn thì thong thả đi rồi về khách sạn ăn sáng. Sau đó chạy xe lên cầu Cần Thơ một vòng cho biết, hihi.




Vượt cầu Cần Thơ sang Vĩnh Long, tìm được chỗ quay đầu đầu tiên là quay lại, hehe.

Công việc cuối cùng ở Tây Đô là ăn trưa trước khi ra sân bay. Địa điểm được chọn là lẩu mắm Dạ Lý.


Trả xe máy tại sân bay. Chuyến bay về cũng trễ chút ít, "chuyện thường ngày ở huyện". Đà Nẵng mát mẻ hơn nhờ cơn mưa trước đó. Nhưng cơn mưa miền Trung cũng khiến tàu bay phải bay qua vùng nhiễu động và nhiều cô cậu bé hành khách nôn tung toé, hihi.

Hẹn những chuyến đi mới.



Miền Tây, tập 1, Đất Mũi

Từ bến tàu - chợ Rạch Tàu, đội ngũ xe ôm sẵn sàng đưa khách tham quan khu du lịch Đất Mũi. Nếu chỉ có mỗi mục đích in dấu chân mình lên mảnh đất cực nam của Tổ quốc thì cũng chẳng tốn bao nhiêu thời gian.








Chạm vào mốc toạ độ GPS thì nóng muốn bỏng tay. Kiểm tra toạ độ bằng iPhone tại "mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau" thì thấy kinh độ khá chính xác, vĩ độ có sai khác nhẹ (khoảng 1 phút). Đứng trên đài quan sát ngắm nhìn ra chung quanh thật tuyệt.


Có thể ăn uống nghỉ ngơi trước khi trở về tại nhà hàng Công đoàn. Nhưng các bác tài xe ôm rủ rê sang Khai Phong với bờ biển tuyệt đẹp. Thực tế biển không được đẹp lắm, cát đen và mỏng trên nền sình. Người ta đang xây dựng ở đó cả một khu du lịch quy mô, có tượng Phật và các máy phát điện chạy bằng sức gió. Hải sản mua tại vựa tươi giãy đành đạch. Tiếc là đường ra đó tuy không quá xa nhưng cũng khá mất thời gian, dù chạy nhanh dưới trời nắng nóng, để còn bắt kịp chuyến tàu về. Cuối cùng phải chọn chuyến sau (khởi hành 12h30) thay vì chuyến trước như dự kiến (11h30). Hắn phát hiện ra một điều là ở đó vĩ độ còn nam hơn điểm đất mũi, và, nhìn ra đúng hướng chính nam là đảo Hòn Khoai, nơi đang hứa hẹn tiềm năng du lịch mới.






Ham chơi vỡ kế hoạch nên gần 4 giờ chiều mới sẵn sàng lên đường rời thành phố Cà Mau được. Dự tính 4 giờ chạy xe máy cho 140km về Cần Thơ theo tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp. Ngắn hơn một chút so với lượt đi (qua Sóc Trăng, Bạc Liêu), nhưng mặt đường xấu hơn, cộng thêm xe máy hơi xộc xệch và đoạn cuối thì trời đã tối. Chưa kể 2 lần phải dừng lại mặc áo mưa, may mà mưa không quá to, đoạn vài chục cây tới Phụng Hiệp đường tối thui mà đèn xe máy không được sáng lắm.

Dù sao, đoàn phượt cũng đến đích Cần Thơ an toàn khoảng 8h30 phút tối. Tắm rửa, ăn tối (hơi khuya) và chuẩn bị cho ngày cuối cùng trên đất Tây Đô, hehe.

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Miền Tây, tập 1, Cà Mau

Từ Bạc Liêu đi Cà Mau, thích một đoạn đường rất thẳng, chạy ven một con kênh cũng rất thẳng. Con kênh không quá rộng, nhưng được nạo vét thường xuyên để tạo lòng sâu cho những con tàu khá lớn. Những con tàu chở lúa/gạo đến/từ các nhà máy/kho nằm bên kia đường. Để thuận tiện cho việc bốc dỡ lên xuống tàu, người ta làm những băng tải vắt ngang đường ở trên cao. Thỉnh thoảng có cây cầu treo vắt ngang kênh, cũng ở trên cao vì tàu chạy phía dưới. Và dù kênh không rộng vẫn phải có những con phà nhỏ lại qua với bờ bên kia.

Đến Cà Mau khi trời vừa tối. Chọn một khách sạn gần cầu Gành Hào. Cũng gần trung tâm, mà còn thuận tiện cho ngày hôm sau đi về Đất Mũi. Ý định ban đầu là chạy xe máy qua cầu Gành Hào về Năm Căn, tiếp đó đón tàu cao tốc ra Rạch Tàu thăm Đất Mũi. Trừ phi thuê riêng tàu đi Rạch Tàu (kiểu như đi taxi vậy), không thì cũng lên tàu cao tốc vốn chạy tuyến Cà Mau - Năm Căn - Rạch Tàu. Vì vậy quyết định lên tàu luôn từ Cà Mau cho khoẻ, thời gian cũng gần tương đương (Cà Mau - Năm Căn khoảng 2 tiếng đồng hồ, Năm Căn - Rạch Tàu chừng 1 giờ nữa).

Việc chọn khách sạn khá sáng suốt, vì có thể đi bộ ra bến tàu. Nói rằng, đến Cà Mau phải ăn hải sản. Chẳng đâu xa, một quán nhỏ ngay chân cầu Gành Hào, gần xịch khách sạn. Quán dễ thương, hải sản ngon, bia Larue (!).




Sáng hôm sau dây sớm đi chuyến tàu đầu tiên ra Rạch Tàu, khởi hành đúng 6 giờ sáng (các chuyến tiếp theo 6h40 và 8h20). Ngoài việc xuất bến cực kỳ đúng giờ, thì tàu cao tốc này có thể ví với xe đò ở miền Trung. Tuy không có chuyện chạy lòng vòng đón khách, nhưng cũng phải ghé đưa rước khách bất cứ điểm nào khách có nhu cầu. Mà phải ghé chính xác cầu tàu của từng nhà chớ không xê dịch được cả đoạn như trên bộ. Có khi ghé chỉ để lấy một lá thư, hay đưa dăm ổ bánh mì. Nhiều người còn ở xa hơn, trong những rạch nhỏ, phải có người đưa đón bằng những chiếc ghe nhỏ. Những chiếc ghe nhỏ này có thể được ví như những chiếc xe máy trên bộ, giá cũng tầm tương đương xe tay ga (cả vỏ lẫn máy chừng 40 - 50 tr).






Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của bạn GPS thì khó có thể hình dung tàu ghe chạy từ Cà Mau về đất mũi theo đường nào. Mặt tiền (hay mặt hậu?!) của những ngôi nhà quay ra sông nước không hoành tráng như mặt tiền xứ miền Trung. Nhưng những ngôi mộ lác đác thì lại được xây kiên cố khá bề thế. Tập quán chôn người chết gần nhà thế này sẽ là khó khăn cho các ngành nuôi trồng trong tương lai không xa.

Phải nói những chiếc xe đò - ghe trên sông nước chạy hiền hoà và lịch sự hơn nhiều so với những chiếc xe khách qua miền Trung. Khi gặp hoặc vượt ghe nhỏ, bao giờ bác tài cũng giảm ga để đỡ sóng chứ không như các hung thần trên bộ bất chấp xe máy xe đạp có nhào xuống ruộng hay không. Và không hiểu việc luồng ghe đi về bên trái là do ngày trước cần lái tàu đánh ngược, hay ảnh hưởng văn hoá Anh quốc, hihi.

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Miền Tây, tập 1, ngày thứ 2

Rời thành phố Cần Thơ, qua cầu Cái Răng đến quận Cái Răng, rồi nhập vào quốc lộ chạy từ cầu Cần Thơ xuống, tiếp tục chuyến hành phương nam.

Đoạn đường này đang được mở rộng, hứa hẹn thênh thang, tiến vào tỉnh Hậu Giang. Vốn tỉnh Hậu Giang (cũ) thành lập năm 1976, sau tách ra 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng, rồi tỉnh Cần Thơ lại tách thành thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang (mới).

Quốc lộ miền cực nam không có nhiều xe lớn chạy như ở miền Trung, chủ yếu ít xe tải với xe container. Hai bên đường có nhiều quán cà phê võng, mà chuyến đi này hắn đành lỗi hẹn.

Từ ngã bảy Phụng Hiệp có con đường Quản Lộ - Phụng Hiệp chạy thẳng xuống Cà Mau. Để dành tuyến đó cho chuyến lên, hắn lướt về hướng Sóc Trăng, không kịp nhìn có ghe chiếu Cà Mau nào đang cắm sào bên dòng sông ngã bảy chăng, hihi.


Tới thành phố Sóc Trăng, hắn đến thẳng chùa Khleang. Đây là ngôi chùa Miên, to, thoáng, sạch, đẹp. Có phần hơi sặc sỡ, mà những chiếc áo vàng cam của các sư cũng rực lên dưới nắng.










Vùng này có giống xoài là lạ, trái tròn hin. Trong chùa có cả trường học. Chúa Nhật vắng, tha hồ tự do đi dạo.

Đi tiếp chưa đến 500m là chùa Đất sét, aka Bửu Sơn tự. Chùa này bé hơn nhiều mà du khách đông nghẹt. Xe con xe ca bên ngoài, hàng quán bên trong. Chả biết linh thiêng ra sao mà nhiều người khấn lạy. Cuối cùng hắn vẫn không biết phần nào của chùa được làm bằng đất sét (?).




Qua sông trong lòng thành phố, đến với chùa Dơi. Hoá ra không chỉ đơn giản là chùa, mà đã thành một khu du lịch với thương hiệu chùa Dơi.

Đúng ngọ, những con dơi treo mình trên cây cao nên cũng khó ngắm nhìn. Sang khu vực dịch vụ, thử ăn hột và uống nước thốt nốt. Nhân tiện ăn trưa, thì gặp đúng lúc cơn giông sầm sập đổ xuống. May mắn là không gặp mưa giữa đường, nhưng mất cả tiếng đồng hồ đợi mưa ngớt.





Sau cơn mưa, lên xe, đổ xăng, nhằm thẳng hướng Bạc Liêu.

Dọc đường thấy rất nhiều chùa Miên, rộng và đẹp. Có lẽ đúng Chúa Nhật, và là ngày tốt nên gặp nhiều đám cưới. Che rạp ra đường dưới trời nắng nóng, vẫn thấy quan khách ngồi say sưa ... ca vọng cổ. Trong khi thỉnh thoảng gặp một vài đám tang thì lại ầm ầm nhạc Tây.


Đến Bạc Liêu là đến thẳng vườn chim. Thực ra không ngắm được gì nhiều lắm.





Quay lại thành phố thăm nhà công tử Bạc Liêu danh tiếng:




Trong ảnh là 2 chiếc giường nổi tiếng của công tử. Phía trên là chiếc giường lạnh, hè nằm lên thì mát, nghe đâu trị giá ngày nay khoảng 7 tỷ. Phía dưới là chiếc giường nóng, đông nằm lên thì ấm, hổng biết trị giá bao nhiêu, hihi.

Người đời đồn công tử Bạc Liêu ăn chơi trác tác, đốt tiền nấu trứng, phần nhiều có tính thêu dệt. Nhưng đúng công tử phong lưu, sang Pháp chỉ học lái ô tô và lái máy bay rồi về. Cả đời tiêu tiền bố mẹ làm ra, hết đâu vài tấn vàng, rất nhân ái với người nghèo, chưa hề phải bán gia sản. Sau những năm 1945, 1954, nông dân không nộp tô nữa nên ít thu nhập hơn, ông phải lên Sài Gòn sinh sống. Sau này chính quyền VNCH đền bù đất đai cho gia đình ông, tương đương 60 ngàn lượng vàng. Anh cả của ông đem gửi ngân hàng và đến 1975 thì mất trắng.


Rời nhà công tử Bạc Liêu, đã gần 5 giờ chiều. Đường về Cà Mau còn xa ngái, xe xấu, không biết có mưa nữa không, nên lỡ hẹn với cụ Cao Văn Lầu.

Trực chỉ Cà Mau.