Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

Gượng

Mấy ca trực vừa rồi, không hiểu sao, hết HBO tới Star Movie, thi nhau chiếu đi chiếu lại Bốn đám cưới một đám ma.
Phim này mình thích. Xem tới xem lui cả chục lần vẫn say sưa với từng tình huống thú vị, từng câu thoại thật đắt.

Thường dân ta khi xem phim gì chỉ cốt biết "đầu đuôi câu chuyện". Biết rồi là chán không xem nữa. Nên ít phân biệt phim nhựa ở rạp với những cuộn băng video nhòe nhoẹt.
Mình xem phim này nhiều lần mà cứ cảm cái thật. Khác với đa phần đám ma đám cưới xứ ta chỉ toàn hình thức, khổ sở với mỹ tục hủ tục, chẳng còn tự nhiên vui sướng.

Và lời thoại đặc biệt hấp dẫn. Khác hẳn lối đao to búa lớn mà trống rỗng vô hồn, ví dụ như lễ hội thi bắn pháo hoa những ngày này ở ĐN. Tội nghiệp các ca sĩ, từ nổi tiếng đến tầm tầm, thi nhau gào lên ĐN, ĐN. Chưa nói tới phần mở đầu với việc đọc một danh sách dài các vị tai to mặt lớn.
Thậm chí có bài hát hay, mình từng rất thích, như Người Hà Nội, được ca sĩ đẳng cấp Trọng Tấn trình bày, nay thấy phản cảm với nhân danh nghìn năm Thăng Long gì gì đó. Nhân danh gì để tiêu tiền dân cả nước đóng thuế? Văn minh thanh lịch gì với bẻ hoa xả rác?
Không Chân chẳng Thiện thì Mỹ làm sao?

Công bằng mà nói thì phần biểu diễn của hai đội Bồ Đào Nha và Nhật Bản khá đẹp trong tiếng nhạc ăn khớp nhịp nhàng. Nhưng mất hoàn toàn lòng tin vào thể chế này nên mình chẳng mấy nhiệt tình. Hôm nay là đêm thứ hai, đêm cuối với hai đội Pháp và Mỹ, hứa hẹn nhiều cảm xúc. Vậy mà mình thờ ơ, không biết trong cái lạnh, mưa khá nặng hạt có mấy ai thưởng thức?

Tản mạn hôm nay

Hôm nay đột nhiên trời trở hơi lạnh (mát?). Mình vẫn áo cộc tay.
Và hơi mưa. Mình chưa cần đến áo mưa.
Hơi rảnh. Trong một thời gian rất bận rộn bỗng nhiên có một ngày khá thư thái. Mới lang thang chút trên mạng.

Thấy cái tin thế này: Cô gái trẻ (15 tuổi) chết thảm dưới bánh xe container. Gã tài xế máu lạnh, bất chấp ngăn cản của mọi người (dựng cả xe máy để cản), bất chấp lời kêu xin của nạn nhân, cố tình cán qua người nạn nhân thêm hai lần nữa cho chết hẳn . Tòa xử tội giết người, 8 năm tù.
Không biết nhà báo có hơi nặng lời? Hay quan tòa hơi nhẹ tay?

Chuyện khác: Chẳng biết thực hư thế nào, rằng có đoàn nghệ thuật nước Vệ tham dự Miếu hội Phục Ba tướng quân (dịch từ quép xai nước lạ). Có màn hai bà Trưng và cả Thi Sách múa hát ngợi ca công đức Phục Ba tướng quân .
Mới cách đây chưa lâu, nước Vệ tưng bừng kỷ niệm ngày Khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Theo truyền thuyết là chính, chứ chẳng rõ hai Bà có phải họ Trưng. Tên càng không rõ, bà chị gọi là Trắc (nghĩa là chị cả), em gọi Nhị (chị hai). Ông chồng cũng sách chép họ Thi, chứ tên chưa hẳn đã là Sách. Thế mà ngày nay được đặt tên đường, tên trường hết (!). Truyền thuyết rằng chiếm được 65 thành trì. Sau này nhiều sử gia bàn, khắp cả hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân thời đó, đến một thành còn chưa chắc có. Lại nữa, hai Bà lãnh đạo vì chế độ mẫu hệ, nhưng nhiều nhà chép sử chính thống hậu sinh xấu hổ, nên bịa chuyện ông Thi bị giết, đặng hai Bà trả thù nhà. Rốt cuộc hai Bà thua dưới tay Mã Viện, phải tự tận (có sách nói bị giết). Mà Mã Viện thì là tên húy của Phục Ba tướng quân, có miếu thờ bên đất "bạn", dăm năm nay bỗng nhiên tổ chức miếu hội cũng tưng bừng vậy.
Nghe nói chẳng đâu xa, dân nước Vệ cũng có nhiều miếu thờ ông tướng Phục Ba này, như là thần phù hộ. Ông tướng này, sách còn chép, từng cho dựng cột đồng với lời nguyền, cột đồng gãy thì Giao Chỉ diệt (!?). Nay còn không ta?
Ôn tý "sử" thế. Chuyện vái lạy múa hát ở miếu hội nêu trên, dù thực hay hư, hẳn chẳng vô tình vô duyên vô cớ.

Năm nay ĐN thi bắn pháo hoa, thấy không có đội "lọa" nào. Có kẻ bảo, thì đội nhà khác gì, vì pháo hoa còn biết mua đâu nữa?

Thôi, đi ngủ. Mai đi trực.
Hết rảnh.

Xuôi - Ngược

Ấy là bỗng dưng thế.

Nói chuyện một người ra đi. Ra đi hàm ý ly biệt.
Ra đi mãi mãi thì biệt ly này có xót xa?
Nói ra đi có hỏi trở về?
Từ cát bụi trở về cát bụi.
Ra đi mãi mãi nghĩa là không bao giờ trở về. Hay vốn đã trở về rồi, ngay từ lúc ra đi.

Sinh ký tử quy. Sống gửi thác về.
Ừ, về, sao mãi gọi ra đi?

Mới biết đi về chẳng qua là một vậy. Thế mà lịch sử nhân loại chỉ mãi cãi nhau. Đến cả đánh nhau to. Bởi đúng - sai, tốt - xấu.
Sao không sớm hiểu? Họ Khổng kia chẳng nhầm lắm ru?
Nhưng nói vậy chẳng hóa bảo không có mâu thuẫn mà lại khơi mào mâu thuẫn?

Đành mượn một chữ của Phật vậy: NGỘ.
Nói chỉ là Thanh, đọc nhìn thấy Sắc, thậm chí nghĩ ra trong đầu chưa qua khỏi Pháp. Nên diễn đạt là bất khả. Thuyết vô ngôn.

***

Vốn không định bàn lẽ đời. Chỉ muốn tán xuôi ngược cho vui. Nhưng nhập đề đi - về, sống - chết nên hơi nặng ký.

Nay nói chuyện thường.
Xem bóng đá, khi cầu thủ tham gia trận đấu thì không rõ anh ta ra sân hay vào sân? Lại nói ra sân thì không biết bắt đầu hay kết thúc thi đấu?
Cứ tưởng ra - vào thì như trắng với đen, vậy mà vẫn mờ mờ không rõ.

Sách giáo khoa nước kia đố học sinh tiểu học rằng: ngược nghĩa với từ "bà ngoại" là gì. Rồi bộ học nước ấy giải rằng thì là "ông nội".

Thôi thì tạm chấp nhận ngược nghĩa như mua với bán (ngược dòng lưu chuyển tiền và hàng). Bổ trợ cho cặp động từ (tạm gọi) ngược nhau này là cặp trạng từ (tạm gọi) ngược nhau đắt - rẻ.
Theo bộ học nọ không khéo mua đắt - bán rẻ lại thành một cặp? Mấy anh học toán nghĩ, ngược dấu thời cộng lại bằng 0. Bán rẻ mà mua đắt e có thất thoát đâu đây chăng? Cũng tại thời đại tham nhũng hơn cơm bữa!
Còn nếu bán đắtmua rẻ thì e có chuyện với giá trị gia tăng? Thật mình kém chuyện chợ búa quá.

Mua danh ba vạn bán danh ba đồng.

Mình hiểu vậy là mua đắt bán rẻ rồi. Không rõ cái danh kia là gì, nhưng e người ấy cũng kém chợ búa y như mình?

Cụ Tản Đà vịnh Sở Khanh có kết như vầy:

Ba mươi đồng bạc thời Gia Tĩnh
Mua lấy nghìn năm tiếng Sở Khanh.

Mình thấy hay quá là hay.
Chỉ hơi lăn tăn tý. Câu trước rõ là ít tiền, tức nhiên rẻ. Câu sau bảo mua được tiếng ngàn năm. Chẳng hóa mua rẻ được món hời?
Nhà thơ khen hay chê đây?

Mà danh tiếng Sở Khanh ở mãi với đời. Phải chăng gã kia bán ra chứ đâu phải mua vào? Bán danh nghìn năm có ba mươi đồng chắc hớ vậy?

Bán mua, đắt rẻ, chê khen lẫn lộn hết cả. Danh kia là cái chi chi? Hèn gì người xưa bảo nên tiếc danh chứ không nên mua bán vậy.

***

Mua bán vốn không rành nên thôi không nói nữa. Nói chuyện này.
Hôm bữa vào nhà bác Bu, thấy bác bàn chuyện giác ngộ. Hai chữ giácngộ có nghĩa gần giống nhau.
Bỗng nhớ đến lần hầu chuyện bậc cao niên. Nói hai chữ gần giống nhau mà đi với nhau không phải vô duyên vô tình vô ý. Đi cặp ắt có âmdương.
Như chữ ý niệm. Tác động ngoài vào sinh ra ý. Tiềm thức nảy ra gọi là niệm. Ý niệm mà ý nhiều niệm ít thời kém sáng tạo mà thực tiễn hơn. Ý niệm mà ý ít niệm nhiều dễ bay bổng mà cũng dễ ảo tưởng.
Sách tôn giáo có câu chuyện minh họa ý niệm: Anh kia ôm chầm anh bạn lâu năm không gặp và tẽn tò vì nhiệt thành đụng phải thờ ơ. Bởi ý anh là ôm hôn con người trước mặt nhưng thực ra nhầm tưởng về người bạn trong hoài niệm của những ngày xưa.

***

Hôm nay mình 2 lần nhắc chữ ngộ. Viết ra thì thấy, đọc lên thì nghe nhưng nó nằm ngoài lục giác quan của con người (ta thường nói có ngũ giác quan thôi), nên cả trong ý, hiểu về nó cũng không bao giờ đúng.
Chỉ mượn mặt chữ thôi.

Hữu Loan

Nhà thơ Hữu Loan đã ra đi tối qua.
Ra đi hay đã trở về.
Sinh ký tử quy.

Mình biết về nhà thơ không nhiều hơn bài Màu tím hoa sim.
Những khi chạy xe đường xa, mình hay lẩm nhẩm các bài thơ mình thuộc. Thuộc chỉ vì tự nhiên thuộc. Trong đó có Màu tím hoa sim. Mỗi lần vậy lại thấy cay cay nơi sống mũi.

Vì những câu thơ.
Vì cuộc đời nhà thơ. Nhà thơ thà không làm thơ để được làm Người.

Và nay thì con Người đó đã trở về nguồn cội.

Dân tộc có lớn nổi không? Khi đối xử với nhà thơ của mình như thế.

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

Mới và cũ

Cứ bảo nhau rằng mới với me
Bảo ai rằng cũ chẳng ai nghe
Khăn đầu bác nọ to tày rế
Váy lĩnh cô kia quét sạch hè

Nói vậy chẳng phải bảo không có gì mới dưới ánh mặt trời. Chỉ là cái ánh mặt trời ấy như đang mải chiếu xứ nào xa xăm lắm. Đợi đến khi chuyện với người đã cũ mèm thời ta chưa chịu ... mới.
Ấy là mấy anh tư bản đế quốc suốt ngày lo giữ rừng, giữ khí hậu, hiệp định thư này nọ. Ta thì bơ tất.
Rừng hả? Chặt vô tư đi. Đất hả? Đào vô tư đi. Còn chuyện năm ngoái lụt to ấy à? Chuyện năm nay chưa hết tháng Giêng đã nắng như đổ lửa à? Mới nắng đấy đã rét căm ngay được à? Hạn hán sông hồ đang cạn khô à?
Ôi giời, chuyện ... ông Giời!

Mà tại ta đang lo nhiều chuyện (tưởng) mới. Con cháu chúng nó đang đánh nhau đầy đường đầy chợ ra kia.
Thưa rằng, chuyện "mới" như trái đất!
Chẳng phải truyền thống đó sao? Người lớn đánh người lớn. Trẻ con bắt nạt trẻ con. Còn chuyện người lớn đánh trẻ con thì ... xứ này xưa nay chả thế là gì?
Ông thương thư bộ học ở đâu mà im như thóc? Đưa công an đi điều tra con nít làm gì? Định bỏ tù trẻ em chắc?

Dạo này mình đi làm, trưa lại lên siêu thị ăn cơm. Được cái mát mẻ và sạch sẽ.
Nhưng trong khi mát đang còn (chắc máy lạnh chưa hết bảo hành) thì sạch đã phần nào có giảm.
Quầy cơm tự chọn. Chỉ món, tự bê ra tìm bàn ăn. Như Tây.
Chính xác là chỉ như Tây cái khoản bê ra. Còn bê vào? Quên đi.
Văn hóa rất Việt. Rác đầy nền nhà, giỏ rác sạch sẽ.
Xưa các cụ nhà ta ăn xong súc miệng òng ọc, xong toẹt xuống nền nhà. Tối hai xoa ba đập lên giường khỏe re.
Nay tăm xỉa xong vứt xuống nền lát gạch men cứ nảy lên kêu leng keng, khổ thế.

Dân chân đất nền đất lên vũ trụ làm gì?
Nhọc.

Thứ Ba, 9 tháng 3, 2010

Thơ và Chợ

Chả là dạo mạng thấy cái này: chợ thơ.
Cách nay mấy năm, nghe rằng ông "phu chữ" Lê Đạt có buông lời nhận xét ngày thơ Nguyên tiêu ở Văn miếu, "... như hội chợ".
Nguyên do từ đó chăng?

Trong thơ xưa có trăng, có hoa, có gió mà chê bai chợ:
Thị tại môn tiền: náo
Nguyệt lai môn hạ: nhàn
Nhưng đó là thời cụ thượng Nguyễn Uy Viễn.

Sau một chút nghe thêm rằng, trong thơ còn có thép?

Nay thì trong thơ có chợ, hay trong chợ có thơ? Chợ có mua, có bán, có buôn. Thơ bán buôn ở chợ hẳn là thơ chợ?

Nghe như bí vần, quẩn quanh ơ ơ ... ợ ợ?

Hình như Tố Hồng vương gia có viết:
Làm bí thơ hoài có bí thơ
Rằng thơ với chợ nặng duyên tơ ...
Chẳng biết nhớ có chính xác (?), chỉ vì lại vần ơ ợ ngơ ngơ.

Thôi thì họa theo ơ ơ thờ, hờ hờ.

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

Lan man ... vơ vẩn

Sáng nay mình ghé chuyển tiền qua ATM. Bất tiện là phải chuyển mỗi ngày một ít. Tiện là trên đường đi làm, khỏi phải chạy ra ngoài đến ngân hàng trong giờ làm việc.
Khi mình bước vào thì có một chị đứng tần ngần rồi tiến đến sát mình. Nói "Anh cho em xem anh bấm để biết cách sử dụng". Mình bực mình "Làm sao cho xem được". Rồi cố ý đứng chắn mặt chị ta để nhanh tay bấm mật khẩu. Xong xuôi quay ra thì thấy chị ta thật tội nghiệp. Thậm chí còn không biết cách đưa thẻ vào máy. Mà xung quanh chẳng còn ai. Chị ta lại cầu cứu mình "Em không biết dùng". Mình hướng dẫn chị ta đưa thẻ vào, chọn "tiếng Việt" (chị này thấy biết phải chọn tiếng Việt nhưng không biết bấm vào đâu để chọn). Rồi mình bảo chị ta tự bấm số PIN "Chị phải giấu kín số đó không thì mất tiền đó". Và quay mặt đi trước sự lóng ngóng vụng về của chị ta. Sau đó chị ta lại loay hoay nói muốn rút 400 ngàn. Mình bảo không có mức 400, rút 500 nhé. Chị ta đồng ý, nhưng máy báo quá số tiền. Nghe mình giải thích, chị ta thắc mắc vì mới nhận lương. Mình phải kiểm tra hộ, trong tài khoản còn hơn 490 ngàn. Mình đề nghị rút 2 lần 200 ngàn vậy. Kết cục phải bấm hộ tất cả.
Chuyện chỉ vậy. Mà mình nghĩ mãi.
Nhớ thời sinh viên túng thiếu. Từng trêu bạn, có 51 đồng mua cái ví 50 đồng để đựng 1 đồng còn lại. Cái ví ATM cũng tức cười như vậy. Với còn rất nhiều người.
Rồi nghĩ cảnh mấy người ăn xin. Bước qua không cho thì áy náy mãi. Mà nhiều khi cho rồi mới biết đó là quân lừa đảo.
Phương pháp thiền "Tại và Hiện" dạy rằng: dù mình làm bất cứ điều gì, bố thí hay thờ ơ bước qua, thì sau đó phải quên ngay. Vì sau một khoảnh khắc đã là quá khứ. Không vướng bận.
Mới thấy "thiền" là không dễ vậy. Âu vơ vẩn cũng tại nợ đời. Cho đến ngày trở về cội nguồn cát bụi.

Rũ sạch được chăng?