Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2008

?

Cuối ngày.
Cuối tuần.
Cuối tháng.
Mém tý nữa ... cuối năm.

Ngày giờ thì qua chậm mà năm tháng lại trôi mau.

Kết thúc một weekend làm việc.
Kết thúc một project để mở ra con đường mới.

Trưa đi ăn trưa, gặp một lớp sinh viên liên hoan gì đó. Rất đông. Phải đến 40, 50 cô cậu dzô dzô hào hứng.
Chiều muộn ghé quán cơm. Bàn bên có một gia đình, cặp vợ chồng trẻ với cậu con trai chắc học lớp 4, lớp 5. Hai vợ chồng chăm chú nghe con nói chuyện. Hẳn ít ai ngờ được cậu bé nói chuyện gì (!?). Cậu đang say sưa kể về Napoleon.

Ôi thời gian ... thời gian ...

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2008

Sầu Puvan

Chuyến này mình có hai ngày trực thật yên bình. Thứ Bảy, Chủ nhật. Ăng ten tv chắc có vấn đề gì đó với mưa bão nên tv cà rột cà rẹt. Vùi mình trong chăn ấm, mặc kệ gió rít ù ù bên ngoài. Bật laptop nghe nhạc, Richard Clayderman, Paul Mauriat. Và đọc Nguyễn Ngọc Tư. Gió lẻ.
Đọc thật chậm. Cảm giác như chưa bao giờ đọc chậm đến thế. Đến độ thấy như có lỗi chính tả. "buộc miệng chửi thề", hay "buột miệng"? Không biết lỗi của Tư hay nhà in. Một lỗi phổ biến miền Trung.
Đọc chậm và mơ màng. Liên tưởng chàng trai Kinh Bắc lang thang tìm lá diêu bông. Liên tưởng đoàn người lặn lội lên Tây Tạng kiếm xa trục thảo. Và có những người muốn ngắm sầu trên đỉnh Puvan.
Bông nhiên tưởng tượng Puvan như một trò chơi. Có vô vàn những viên bi bóng loáng. Đủ kích cỡ. Đủ màu sắc. Chỉ một cái lắc động nhẹ là chúng thi nhau lăn. Lăn ngược, lăn xuôi. Lăn mải miết trên những rảnh dài vô tận, song song. Mà không, không chính xác song song. Có lúc chúng rời xa, như trên một cái quạt. Lại có lúc khúc khuỷu lại gần. Gần tưởng như húc vào nhau. Nhưng dường như chúng chỉ chạm khẽ vào nhau. Cũng có thể chúng không hề chạm vào nhau. Rồi lại mải miết lăn tiếp. Theo rãnh của mình. Có viên đến đích. Nó rơi tõm vào một cái lỗ. Và biến mất. Như chưa bao giờ tồn tại. Để những viên khác vẫn miệt mài lăn. Lăn lui, lăn tới.
Trong đầu lại bị gieo vào ý nghĩ. Có thể Tư có thay đổi. Ở một vài tình tiết. Ở một vài con chữ. Nhỏ thôi. Không đao to búa lớn. Nhưng sắc. Sắc như dao cau của sĩ phu Bắc.
Phải chăng cũng đúng thôi? Khi cả xã hội đang hồn nhiên lao vun vút về đáy vực thẳm. Sá gì một cây cỏ xanh non mong manh vách đá?

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2008

Lan man xem (1)

Mình nói chuyện với nhiều bạn mê kiếm hiệp. Cũng biết Kim Dung, Cổ Long. Hóa ra chỉ toàn xem phim chứ chưa đọc bao giờ.
Nhà ta xem phim chỉ tò mò cốt chuyện là chính. Thành ra đâm đầu vào ba loại phim truyền hình dài tập. Phim dành cho các bà nội trợ vừa nấu ăn vừa xem. Kiểu "Đơn giản tôi là Maria".
Phim nước nhà đa phần như kịch. Mà kịch dở. Mới nói ba câu đã biết kết thúc. Khỏi xem.
Có lẽ cũng bởi khán giả ấy, nghệ thuật ấy, nên các rạp phim chỉ thoi thóp. Dạo này đỡ hơn nhờ các phim bom tấn của nước ngoài về khá nhanh.
Nhưng từ ngày em đi, mình không đặt chân đến rạp.
Nhớ hồi sinh viên hay đi xem phim một mình. Nay lại ở nhà xem phim "lậu".
Hôm rồi thế nào lại xem một phim Tàu. Nói tiếng Tàu, không phụ đề. Định lướt qua thôi, bỗng dưng thấy quen quen. Quen mà không quen. Cuối cùng lại xem hết cái phim chẳng hiểu nhân vật nói gì ấy mới hay chứ (!!!). Nguyên đó là phim Connected, ra năm 2008, làm lại từ phim Cellular, năm 2004. Chẳng nhớ mình xem Cellular, với Kim Basinger, hồi nào nữa. Lúc xem khúc đầu Connected, đến đoạn nhân vật nữ chính bị bắt cóc và bị nhốt trong nhà kho với cái điện thoại bị đập vỡ thì thấy quen quá (!?). Thế rồi dù không nghe được vẫn bị cuốn hút theo Từ Hy Viên với Cổ Thiên Lạc.
Bữa trước cũng xem một phim dạng châu Á làm lại. Untold scandal được gọi là phiên bản Hàn quốc của Dangerous liaisons. Của đáng tội chuyện này mình chưa đọc mà phim cùng tên cũng chưa xem kỹ. Phim từ năm 1988 có Glenn Close, John Malkovich, Michelle Pfeiffer và hai diễn viên khi đó còn khá trẻ là Keanu Reeves và Uma Thurman. Nhưng mình lại xem một phiên bản của nó hồi học đại học, Valmont, 1989. Cứ nhớ nữ nhân vật chính, khiến một gã như Valmont cũng phải si mê và bỏ mạng, rất đẹp. Đặc biệt nụ cười phải nói là mê hồn. Nhớ nhất trường đoạn lúc Valmont đến đòi phần thưởng thắng cuộc và bị cô ta lật lọng.
Có dạo mình xem phim nhiều đến nhức cả đầu. Xem băng video. Dĩ nhiên đó không phải là một kiểu xem đáng kể.

Tết nhà giáo

Tấp tểnh người đi ... tớ cũng đi ...

Dĩ nhiên không phải là đi thi rồi.
Năm nay mình không tham gia tiếp khách như năm ngoái. Mình đang ở trong môi trường nhận quà hơn là tặng quà. Có cái gì như là hình thức.
Mình cũng không chúc mừng gì bạn bè hay người quen làm nghề giáo. Lại vẫn hình thức.

Mình nhớ về những người đã dạy mình. Đã dạy. Không chỉ đơn giản là đứng trên bục giảng. Dạy lễ. Dạy văn.
Không chắc là sự biết ơn. Không hẳn là sự tri ân. Chỉ đơn giản là nhớ.
Nhớ những cái tên. Hình dung những khuôn mặt. Các thầy giáo. Các cô giáo.
Rồi ngồi với bạn bè, ôn lại vài câu chuyện. Thấy mình may mắn nhiều lắm. Vì mình có quá nhiều kỷ niệm đẹp để nhớ.

Ngày nay nhiều học sinh không muốn đi thăm thầy cô giáo. Dù có điều kiện chứ không phải xa xôi như mình. Hậu quả nhãn tiền của một xã hội.
Và những câu chuyện hàn huyên mang quá nhiều những nỗi đắng cay. Niềm vui qua nhanh như gió thoảng. Nỗi buồn ở lại thăm thẳm như giếng khơi.

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2008

Đọc ... Cũ ... hay Entry cho riêng mình.

Lại đọc.
Lại cũ.
Muốn viết gì đó cho riêng mình. Hay cho riêng ngày hôm nay.
Ngày gì mà ảm đạm. Bão đã tan đâu đó phía nam. Thế mà nơi đây gió bịt bùng, mưa tầm tã.
Chiều đi làm về. Chạy xe đường bờ biển. Trời tối sầm. Đường loáng nước. Tự nhiên nhớ đến đoạn mở đầu tiểu thuyết Mùa xuân trên sông Ô-đe. Truyện Liên xô (!!). Dạng anh hùng ca (cách mạng hay lãng mạn?!). Của một thời đã xưa.
Tình cờ đọc lại Mẫn và tôi. Lại một thời đã xưa nữa. Lãng mạn (cách mạng!?).
Mình không có thống kê. Nhưng có vẻ như rằng ngày nay người đọc không mấy nữa. Nhân loại ngập trong thông tin. Ngốn ngấu. Cần tiêu hóa nhanh. Tây fast food. Ta "ăn liền". Còn đâu "nhai kỹ no lâu". Nghe. Nhìn. Đọc trở thành canh rau muống. Thành cà dầm tương.
Nhớ ngày xưa. Đang bị hút theo số phận Những người khốn khổ thì cụ Hugo lại rẽ ngang kể dài dòng về lịch sử cống ngầm Paris. Hay mê mải đi theo những dòng văn xuôi mọc cánh của Daudet. Chuyện ông thầy tu say rượu, chuyện ông nghị làm thơ, chuyện chàng chăn cừu trên đỉnh núi, ...
Rồi say sưa với Iliad và Odyssey. Bi hùng ca về những con người can trường và cao thượng. Dù ở bên nay hay bên kia, Achilles hay Hector, Menelaus hay Paris, Odyssey hay vua Priam. Dù họ chém giết nhau, và cho rằng nguyên nhân bởi những người đàn bà, Helena xinh đẹp hay nữ thần Thetis bất hạnh. Hay sự can đảm và hào hiệp đã đi theo họ xuống mồ? Hay cái đẹp chỉ có trong thơ ca tiểu thuyết? Để ngày nay dẫu xem phim Troy mấy người sực tỉnh?

Chợt nhớ chuyện bạn Đức không muốn đem stress về nhà sợ ảnh hưởng con trai. Thế thì bạn phải đọc Andersen. Rồi bạn sẽ kể cho con trai nghe về chú lính chì dũng cảm, về cô bé bán diêm, về Lọ lem với ba hạt dẻ, ...
Giấc mơ đẹp cho con trai phải chăng chỉ có trong chuyện cổ tích?
Cổ còn hơn ... Cũ nữa ...

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2008

?

Tối qua đi ăn tối với vợ chồng Mitchel và Jenifer. Không biết cái tên ông này mình gõ có đúng không (?!). Tên bà vợ thì có vẻ quen hơn, nhưng mình cũng không chắc là Jenifer hay Jennifer (??). Không biết tự hồi nào, người Mỹ đến VN đã có thói quen sử dụng first name cứ như người VN vậy?
Cuộc gặp gỡ thật là thú vị. Hai ông bà đã ở ĐN gần 4 năm rưỡi, lại chuyên dạy cho người Việt nên cách nói chuyện thật dễ hiểu. Mặc dù đề tài là những điều rất khó trong quản trị doanh nghiệp. Câu chuyện cuốn hút vì đúng những điều mình đang quan tâm. Và trên hết là sự vui vẻ, cởi mở mà trí tuệ của cả hai ông bà.
Sau bữa ăn tối, mình cứ có cảm giác là lạ. Bình thường mình hay nghĩ về loài người với cảm giác không mấy tốt đẹp. Kẻ sang thì quá tham lam, người hèn thì quá lười nhác. Nhưng tối qua bỗng dưng mình đi ngủ với những ý nghĩ thật nhẹ nhàng. Con người nào không có lỗi lầm? Chẳng nên trách làm gì. Rồi một ngày nào đó họ sẽ nhận ra.
Sáng đọc mấy bài báo là lại dậy lên trong người cái cảm giác bực tức về sự khốn nạn của con người (!?). Huhu.
Nhiều khi cứ muốn thắc mắc, sao mình lại phải sống trong một xã hội khổ đến vậy?

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2008

Hôm nay

Sáng nay xé lịch không để ý. Chiều đi làm về thấy thiên hạ cúng quá trời. Về nhà xem lịch: 14 tháng 10 Mậu Tý. Thế mà ngày hai bữa vẫn cá thịt. Tội lỗi, tội lỗi!
Qua chùa Bát Nhã, người quá trời người. Tiệm điện tử Việt Tuấn cũng sáng choang. Nghe loáng thoáng chi đó Samsung. Chỉ kịp nhìn thấy một em xinh tươi đồng phục, dài miên man, váy ngắn dĩ nhiên.
Trăng tròn. Ở thành phố không được sáng trong mà nhiều phần bàng bạc. Thêm mùa này mây gấu đen lởn vởn chực nuốt. Tội nghiệp trăng rằm.
Về đường bờ biển. Ngẩng đầu thấy trăng tròn. Không nhớ cái gì lại nhớ cái này:
Quan lập đàn cầu mưa
Toàn dân đều sung sướng
Đêm qua ngửa cổ nhìn
Trăng sáng.
Không nhớ chính xác từng chữ. Nhưng là thơ dịch nôm na từ chữ Hán nên không có gì trau chuốt. Chẳng là có câu chuyện về anh chàng giỏi làm thơ 17 chữ. Năm kia hạn hán, quan huyện lập đàn để cầu mưa. Hôm sau nghe bài thơ, quan cho anh chàng này xỏ quan, đòi đến công đường, bảo:
- Nghe nói ngươi giỏi thơ 17 chữ, thực hư thế nào?
- Xin quan ra đề!
- Ta vốn hiệu Tây Pha.
Ý quan ngầm tự kiêu, đời Tống có đại học sĩ Tô Thức, văn hay chữ tốt, hiệu Đông Pha.
Người xưa hiệu Đông Pha
Người nay hiệu Tây Pha
Đem hai người so sánh
Khác xa.
Quan đùng đùng nổi giận, hét lính nọc ra đánh cho 30 roi. Xong hỏi còn làm thơ nữa chăng? Thưa vẫn 17 chữ:
Làm thơ mười bảy chữ
Bị đánh ba mươi roi
Nếu làm thơ nghìn chữ
Chết toi.

Xem gương này tránh dông dài. Viết tý thôi. Đọc đã.

Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2008

Lan man đọc (3)

Trước đây lâu lắc mình đồng ý quan điểm nhiều người. Rằng: người Bắc sâu sắc, người Nam hời hợt.
Đời nay thế nào ai ai chẳng rõ!
Đọc sâu sắc mà làm con tim thắt lại với nộ ố dục thì thôi. Mình tìm đến với những trang văn phương Nam đầy lòng nhân hậu. Sơn Nam, Trang Thế Hy, Võ Đắc Danh, Nguyễn Ngọc Tư, Thu Nguyệt, ...

Mình đọc Thu Nguyệt thật tình cờ. Nhớ là bắt đầu từ ... Phan Huyền Thư:
Biết rằng mình sẽ rụng
Lá úa liều mình
nhắm mắt
chọn điểm rơi.
Nhớ gõ lại thế thôi, không biết có chính xác không. Vì sau đó không đọc PHT nữa. Nhưng thế nào hôm đó lại đọc được "Lá giả":
Sống dai hơn lá ngoài trời
Cả đời làm một cuộc rơi không thành

Gió đùa không biết rung rinh
Nắng mưa không thấm trơ mình mà xanh
Giọt sương cũng giả long lanh
Hình như chỉ bụi đeo quanh thiệt lòng
Nói chuyện đọc thơ mà thêm rầu lòng. Vì mình đọc chẳng mấy. Mà nhớ được lại càng chẳng mấy. Nhưng từ đó đọc cả văn Thu Nguyệt. Thấy thư thái. Bà chị này hơn mình đâu có 5 tuổi, mà bài bả dạy con mình thấy thấm thía như mình đi học (!).
Thú vị làm sao, Blog Nguyễn Ngọc Tư lại có link tới Home page Thu Nguyệt.

Lan man đọc (2)

Ngồi buồn đọc Nguyễn Ngọc Tư.
Lại buồn thêm.
Tại mình. Không phải tại Tư.
Chuyện bà già không quen được nhà con trai ở thành phố. Tội nghiệp đời người chứng kiến quá nhiều đổi thay. Đổi thay nhanh đến không thích nghi kịp.
Chuyện người phụ nữ nghèo mà sống cảnh "tri túc".
Mình thích văn của Tư. Từ hồi tới giờ. Chẳng nhớ chính xác từ hồi nào nữa. Rồi qua cái đận "Cánh đồng bất tận", người ta nói xôn nói xao về đổi thay với lại thay đổi. Mình thấy Tư vẫn thế. Và mình vẫn thích đọc Tư như thế.
Nói vậy chớ mình chẳng mua ủng hộ Tư được cuốn sách nào. Toàn đọc "chùa" trên net. Thích thì nói thích vậy chớ không biết phê bình tại sao. Biết blog Sầu riêng đã lâu mà không hề comment gì hết.
Nhớ có lần đọc linh tinh gì đó Tư viết về chuyện đi đám. Nói không thích đám tang. Vì tính ưa cười thay cho nói. Mà đến đám tang không làm vậy được. Tự nhiên nghĩ chắc mình không thể xin nick chat với Tư được. Vì chat làm sao khi mà người nào cũng cười thay cho nói? ...

?

Trời hôm nay không nắng. Mưa cũng chỉ hơi hơi. Gió vần vũ se lạnh. Cứ như bão vào đến nơi vậy. Mà bão số 9 thì còn luẩn quẩn ngoài khơi xa kia.
Cảm giác thật là khó chịu.
Thực ra mọi việc trong ngày đều êm xuôi cả. Nên giờ này mình đã xong xuôi và có thể ngồi đây ... gõ linh tinh.
Tự nhiên cảm giác khó chịu tràn vào xâm chiếm. Khó tả.
Như buồn. Như chán. Không tả được.

Nhớ lại cách đây đã lâu, suy nghĩ về truyền thống và hiện đại, mình thấy cảm giác như người đi trên dây. Luôn luôn phải giữ thăng bằng. Ngoài cặp phạm trù đó ra thì mình lại là người sống lệch. Cái phía lệch đó phải nặng lắm. Mới kéo nổi. Mà lúc nào cũng rất dễ mất thăng bằng ...
Chắc là như hôm nay ... (?!).

Tuần sau học thầy Hải rồi. Không sao xóa được cảm giác đám người nhảy múa vô ích.
Tự kiêu rằng mình nắm được vấn đề. Nhưng nói cho cùng thì để làm gì?
Chỉ nặng đầu thêm ...

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2008

Cày


Bạn than thở: tao dạo này cày như trâu.

Dĩ nhiên bạn không phải là bác nông dân, một nắng hai sương trên đồng.

Sinh viên mặt trắng lưng dài cũng than: cày như điên.

Rõ rằng "cày" không phải là độc quyền sau lũy tre làng nữa vậy. Không phải là hình ảnh "con trâu đi trước cái cày theo sau". Không phải như nay thường chua chát: cắm mặt vào đít trâu.

Nói rằng dân tộc ta đi lên từ văn minh lúa nước. Mình không phải là nông dân. Chỉ biết rằng có lẽ khâu cày là nặng nhọc nhất. Hình ảnh "chồng cày, vợ cấy": người đàn ông trong gia đình kham việc nặng nhọc, người đàn bà khéo tay và nhẫn nại? Việc cày nặng nhọc cần được giúp sức bởi con trâu:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Hẳn động từ "cày" được xuất khẩu sang bên kia lũy tre làng thành ý nghĩa lao động nặng nhọc vậy?

Mình không có từ điển tiếng Việt ở đây nên không tra được. Đồn rằng: cày nguyên tiếng Hán là canh. Bèn giở Thiều Chửu ra xem:

Bộ: lỗi (耒)
耕 canh
[Pinyin: gēng]
  1. Cầy ruộng. Như canh tác 耕作 cầy cấy, chỉ việc làm ruộng.
  2. Phàm dùng sức làm một việc gì khó nhọc mới được miếng ăn đều gọi là canh. Như thiệt canh 舌耕 cầy bằng lưỡi (tức dạy học), bút canh 筆耕 viết thuê, v.v.
  3. Gắng sức làm không mỏi cũng gọi là canh.
Xem ra chẳng có gì là vô cớ cả!

P/S: Thực ra mấy chuyện này chẳng có gì mới. Ngồi buồn gõ lại cho vui. Chứ ai không biết.
Nhưng nhớ chuyện này hay hay:
Chẳng phải chữ "nam", chỉ đàn ông con trai, Hán tự thuộc bộ điền dưới là chữ lực đó sao? Cái anh đàn ông chính là anh lực điền, anh thợ cày vậy.
Nhưng cày đất nào cũng là chuyện thú vị. Ấy là còn phải cày "đám ruộng rộng bằng bàn tay", chữ là "nhất thốn thổ". Một thốn là một tấc xưa, bằng mười phân. Lại có đám ruộng chỉ rộng có một thốn mà phải cày ư?
Giai thoại kể rằng: trạng Quỳnh tiếp sứ Tàu, tâu vua cho bà Điểm giả làm cô hàng nước. Sứ Tàu đi ngang thấy người lúng liếng, không đừng được mới bỡn:
An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh.
(An Nam có đám ruộng rộng một gang, không biết bao nhiêu người cày.)
Cô hàng nước đốp lại:
Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất.
(Đàn ông phương bắc cũng từ đó mà ra cả.)

Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ!

Tự nhiên nghĩ: có liên quan gì đến "tấc đất cắm dùi" không nhỉ? Hihi.