Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Mạng

Hôm qua bạn mình buzz mình  trên Yahoo! Messenger.

Mình chào.

Bạn hỏi: đang làm gì vậy?

Đang đọc linh tinh thôi.

Bạn mời: mới chụp mấy cái ảnh vào xem có được không?

Rồi đưa link.


Mình vào link, thấy yêu cầu đăng nhập Yahoo! Mình nhập xong thấy là lạ, chỉ được báo là đã nhập thông tin.

Nhìn lại 2 câu ngắn ngủi của bạn, gõ theo lối teen thì sinh nghi (dang lam j zay).

Ngay lập tức mình login và đổi mật khẩu.


Hôm nay thì cháu bạn mình nhắn tin trên Fb rằng nick bạn mình đã bị hack. Và trong gia đình đã có người bị lừa 8tr đồng.

Theo người cháu, thủ đoạn là nói đang buôn thẻ cào điện thoại và sẽ nhờ nạp giùm.


Hôm qua đến giờ, có vẻ như có kẻ đang tìm cách login vào nick của mình (!?).


Những trường hợp gặp cảnh mượn tiền như vậy, nếu chịu khó nói chuyện dài thì có thể phát hiện ra.

Trường hợp của mình hắn nói ngắn, lại nói tiếng Việt nên suýt nữa mình mắc lỡm. Tất nhiên, nói ngắn thì chỉ lừa đưa link để lấy trộm mật khẩu thôi. Nếu mình sơ ý, sẽ tiếp tay cho hắn đi lừa bạn bè mình.


Giá như nước mình có bộ máy trong sạch để truy bắt tội phạm nhỉ?!

Và bạn bè ơi, nếu "tôi" có chút bất thường thì đừng tin "tôi" nhé ...

Funny, right? But why?


Vì:

chúng ta là

nô lệ của đám đông

tù nhân của thói quen

xác chết của tư duy.

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Sử

…“Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác”…(Rasul Gamzatov, 1923-2003)


Trước hết phải nói rằng kể cả câu trích dẫn trên đây, được cho là của Gamzatov cũng chưa hẳn đã chính xác. Có người còn bàn ra nhiều về cách dịch, mà cũng không rõ nguyên gốc nó từ ngôn ngữ nào ...


Mới thấy, để xác tín được một vấn đề lịch sử là không dễ dàng gì.




Từ nhỏ, đã quen nghe rằng, Hoàng Cao Khải là một viên quan bán nước.

Cho mãi tới mấy năm gần đây, tình cờ đọc đôi nơi có lời giới thiệu Việt sử yếu, mới giật mình.

Một dân tộc tự khoe nhiều ngàn năm lịch sử, mà cứ liệu thì như lá mùa thu. Nay có hẳn một quyển sách thì e nhiều điều khác dễ hoá thị phi?

Bèn cất công tìm kiếm. Tiếc là vẫn chưa có trong tay.




Hôm nay đọc Tân ấp tướng công Hoàng đại nhân các hạ, lại giật mình lần nữa.

Đây là một lá thư của Phan Châu Trinh gửi cho Hoàng Cao Khải, nhân dịp A. Sarraut sang thăm Đông Dương (1920?). Đánh giá ông này là người cấp tiến, cụ Phan mong muốn cụ Hoàng gặp để trình bày những điều có ích cho công cuộc cải cách dân tộc. Mà theo cụ Phan, phải là người có tâm có tầm mới làm được.

Năm 1910, khi Trinh ở Nam Kỳ từng được ngài Tham biện tỉnh Mỹ Tho đem cho xem cuốn Việt sử kính (tức cuốn Gương sử Nam) của ngài soạn. Đọc xong dấy lên nhiều điều cảm xúc. Tuy việc lập ý dùng từ gãy gọn nhẹ nhàng, không thể khiến cho người tuổi trẻ tân tiến hoan nghênh hết được, nhưng trong đó với sự nhìn nay nhớ xưa, xét việc đã qua biết điều sắp tới về tiền đồ thành bại mất còn của Tổ quốc của chúng ta, một lời ca thán ba lần thở dài, trước sự chỉ dẫn ra con đường mê lộ của người nước ta, chưa từng không lưu ý đến nhiều lần vậy. Qua đó, Trinh biết là Tướng công tuy cấp lưu dũng thoái (chảy gấp lui mau), vui thú điền viên, mắt thờ ơ nhưng lòng nóng hổi chưa từng có một ngày quên Tổ quốc.

Thú vị là lòng tương kính nhau cũng đến từ cuốn sách vậy.




Tìm đọc thêm trên mạng cho rộng đường, thấy có bài của một người tên Nguyễn Thị Đông Thái, không biết có phải người Hà Tĩnh, và không biết có là người học / dạy sử trong một trường đại học được mệnh danh khoa học xã hội và nhân văn.

Bài viết phản bác lại một PGS nào đó đang xem xét lại họ Hoàng. Vẫn những kết luận "bán nước" cũ, vẫn những lập luận, chứng cứ cũ, đa phần mang tính võ đoán. Mà dù những điều đó có đúng chăng nữa, thì chẳng lẽ người nghiên cứu sử lại tự cho là đủ không cần đếm xỉa đến nguồn tư liệu ngồn ngộn kia?

Để ý thấy trong đó còn có trích chính lời cụ Phan Tây Hồ lên án họ Hoàng (1913 ?!). Chưa tiện xác minh do lối tầm chương trích cú, không nói ở tác phẩm nào bàn chuyện gì chỉ nêu trang sách trong tuyển tập.

Ngờ rằng ông PGS đang bị người đàn bà kia lên án (mà không chỉ rõ tên) chính là ông Chương Thâu.


Vấn đề chưa biết đến đâu, thấy lối nghiên cứu cùng dạy và học sử của nước nhà mà muốn cùng sầu ...

Thầy giáo, dâm, phụ nữ, và luật

1. Đất nước đã tiến một bước rất dài, từ tư tưởng quân-sư-phụ, qua những tự hào truyền thống hiếu học tôn sư trọng đạo, chưa ai dám buông lời mạt sát cái nghề vẫn được thượng tôn là cao quý, cho đến hôm nay có thầy giáo phải đi bán dâm kiếm sống.


2. Phong trào vì nữ quyền cũng tiến một bước không ngắn khi nhiều ý kiến tỏ ý thông cảm và hăng hái bênh vực cho nhu cầu của những người phụ nữ. Ngọn gió bình đẳng giới liệu có đổi chiều?


3. Tinh thần thượng tôn pháp luật cũng không kém cạnh trong tiến triển khi nhiều người, bao gồm cả luật sư (?!), cho rằng tuy đã có luật rõ ràng nhưng phải thế này phải thế nọ. Tóm lại chuyện quân pháp bất vị thân là đã xưa rồi?


* Trong khi xứ ta tiến những bước dài về mọi mặt thì xứ tư bản giãy chết cờ hoa lại lùi nghiêm trọng khi một nhà báo cười vào mũi nghị viện trong vụ điều trần Quả táo trốn thuế, rằng các ngài phải lo sửa chính những điều luật do các ngài dựng lên ...

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Mưa & điện


Cơn mưa lớn hiếm hoi sau nhiều ngày dài nắng nóng tối hôm qua khiến mấy em cây tội nghiệp của mình bị xô rạp xuống đất trong khi những cái tay mỏng manh yếu ớt chưa kịp bám vào giàn.


Dù sao cơn dông làm quà của Phật nhân dịp Phật Đản cũng đem lại khí trời đôi phần mát mẻ tuy trong nhà oi nồng chẳng giảm được bao nhiêu mà còn cộng thêm ông lớn điện lực cúp điện từ 4h30 sáng.


Chờ mãi chẳng thấy công bố cái cây gây chập điện 500 kV cao bao nhiêu mét (nghe đồn cao 10m), vườn cây cách đường điện bao xa (hình như 14m) và đường điện chỗ thấp nhất là bao nhiêu (18m?!)?

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Nick và Luận

Nick là một người có nghị lực?

Có thể.

Anh có truyền được (dù chỉ một phần) nghị lực ấy đến cho (dù chỉ một phần) công chúng vn?

Khó.


Nick viết sách Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng.

Đừng từ bỏ, điều kiện cần là gì?

Thiển nghĩ, là phải có khát vọng đã.


Nghe nói giá của 3 ngày Nick đến vn là 30 tỉ vn đồng.

Tò mò, Nick có nhận được (sở hữu) toàn bộ 30 tỉ đó?

Và Nick có cho rằng như thế là ít, hay nhiều?

Và Nick định dùng số tiền ấy để làm gì?

Quyền của anh, đương nhiên.

Nhưng tò mò nữa, ai là người trả số tiền đó nhỉ?

Và vì mục đích gì?


***

Mấy ngày trước, có chuyện công văn số 2998 của bộ học.

Ông thượng thư bộ học yêu cầu các địa phương chỉ đạo báo chí không đăng những tin tiêu cực của ngành ông.


Chính quyền địa phương nào có thể chỉ đạo báo chí?

Vậy mà ông mang hàm bộ trưởng của một bộ chuyên lo dạy dỗ người khác cơ đấy!

Hình như ông quản cả mấy trường khoa dạy luật nữa?


Và những gì ông muốn cấm nói đến đều là khuyết điểm của bộ ông cả!

Như thế đáng gọi là khôn hết phần người khác.


Đến một tờ lá cải như Phụ nữ Today mà còn phải mắng ông là ưa nịnh và tiêu cực, gian dối.


Ngờ rằng, đất bộ ấy có thế biến bộ trưởng (ông không phải là người thứ nhất) thành ...

(dấu ... là để thể hiện lòng tôn trọng tới tất cả các loài vật mà người ta hay mượn tên những khi bức xúc).

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

So sánh

Mình không hình dung được chính xác, lúc mình còn nhỏ, trời nóng như thế nào.

Chỉ nhớ là cũng thấy nóng lắm. Nhiều đêm khó ngủ vì cái cảm giác mồ hôi chảy như có con gì đó bò quanh mình.

Bữa nay cảm thấy ổn hơn. Tệ thì cũng có quạt máy, khá hơn thì có máy lạnh. Nước mát để uống không phải là thứ quá xa xỉ, chưa kể các loại nước ngọt.

Dĩ nhiên, đó dường như không phải là một phép so sánh. Chỉ là mình cảm thấy xa xôi với những đứa trẻ nghèo nơi miền quê gió Lào cát trắng.


***

Tổng công ty mình, cứ mỗi lần mua sắm thiết bị gì đó, hơi lớn một chút (gọi là theo dự án) thì thường có chuyện cho cán bộ đi học cách sử dụng. Ở nơi người ta sản xuất ra thiết bị đó, tất nhiên là một nước tư bản phát triển.

Cũng tất nhiên, người ta chêm dăm "cán bộ" gọi là đi học, nhưng về không bao giờ phải tiếp xúc thiết bị đó.

Lại có những đoàn đi học về quản lý, thì dành cho những người sắp về hưu mà chưa bao giờ có cơ hội đi nước ngoài.


Được biết, những đoàn nhà nước cử đi thi đấu thể thao, cũng chỉ thường đặt mục tiêu học hỏi, cọ xát. Nhưng cọ mãi, xát mãi chẳng đến đâu. Vận động viên, huấn luyện viên được đi thì ít mà cán bộ thì nhiều.

Không biết nói so sánh liệu có khập khiễng, nhưng mấy nay cứ thấy nhiều người hỏi đoàn điện ảnh vn đến liên hoan phim Cannes để làm gì.


***

Thôi thì cũng chẳng có ý định so sánh gì. Hôm nay đọc thấy tin Cambodia cho ra đời xe chạy điện hiệu Angkor. Trong khi toàn miền nam vn mất điện do một chiếc xe cẩu cây gạt phải đường dây 500 kV.

Uh, cũng thấy hơi nóng ...

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Mục hạ vô nhân

Xem Kỹ thuật của người An nam, thấy có bức vẽ:


Trên có 4 chữ đề: phường xẩm đánh nhau.


Bỗng nhớ 4 chữ: mục hạ vô nhân (目下無人). Nghĩa là: dưới mắt không có người. Xưa dùng để chỉ những người kiêu ngạo, không xem ai ra gì.

(Nôm na hay nói: nhìn bằng nửa con mắt. Ấy là lối nói đã giảm bớt rồi. Dân ta vẫn thế, việc gì cũng làm mềm đi. Bớt cá tính, bớt góc cạnh.)


Lại còn có bài thế này:

Mục hạ vô nhân, chúng anh đây mục hạ vô nhân
Nghe em nhan sắc lòng xuân anh mới não nùng
Dù em, dù em má phấn chỉ hồng
Dửng dừng dưng anh cũng chẳng thèm trông mà làm gì
...

Kiêu không kiêu không?

Nói kiểu teen là: không kiêu. Vì quá kiêu, hehe.


Bài này, nhiều nguồn dẫn lời là của cụ Tam nguyên Yên đổ. Nhưng nó đã thành một bài xẩm chợ phổ biến.

Xẩm chợ, nghĩa là hát xẩm ở ngoài chợ. Nói trắng ra là đi ăn xin.

Tất nhiên kẻ khoẻ mạnh lành lặn mà ra chợ hát xẩm mua vui kiếm ăn không chừng còn bị người ta đánh cho là đằng khác. Nghề này là nghề của những người có thiệt thòi, lúc trước hầu hết là người mù.

Mà đã mù thì còn thấy ai đâu, bảo không mục hạ vô nhân?


Cho nên nói cái cười ở đấy, mà cái khóc cũng ở đấy. Đời nay mấy ai hiểu. Càng thấy buồn cho bốn chữ mục hạ vô nhân.

Càng tin đúng là lời cụ Nguyễn Yên đổ. Đồn rằng cuối đời cụ cũng bị loà, hay giả loà, để khinh đời chơi. Các nhà nho lúc trước thường chế lời cho dân gian hát. Cũng là cách cười khóc với đời.



Còn những kẻ mù thật, lo mưu sinh đã nhọc nhằn, mà vẫn có cơ sự để đánh nhau như bức vẽ trên, chẳng đáng buồn sao? ...

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Fimfárum

Fimfárum vốn không phải là một từ có trong từ điển.

Nó được nghĩ ra bởi nhà văn Jan Werich người Czech. Dân tộc này cũng từng có một nhà văn (Karel Čapek) nghĩ ra từ robot mà ngày nay hầu như người dân tộc nào cũng hiểu nghĩa là gì. (Nói cho tận tín thì có nguồn cho rằng người dùng từ ấy đầu tiên không phải là Karel mà là người anh của ông tên Josef, nhưng điều đó sẽ không được tranh luận ở đây).

Câu chuyện cổ tích cùng tên nói rằng fimfárum từng là một chiếc đũa thần. Nếu vẫy nó vào ai đó, người đó sẽ bị đông cứng không cử động được, và trả về bình thường bằng cách vẫy một cái nữa. Chiếc đũa kiểu này duy nhất trên đời được một gã quỷ bán cho một bác thợ rèn với giá đổi bằng 3 linh hồn tội lỗi. Nhưng bác thợ rèn cho rằng linh hồn không phải để đổi chác nên đã vứt chiếc đũa duy nhất vào lò lửa, khiến cho tất cả những người (và cả một số con vật) trước đó bị vẫy đũa biến thành tượng vĩnh viễn. Những bức tượng này cho đến bây giờ vẫn còn ở đó, cuối con đường đến xứ Fimfárum.


Câu chuyện này hắn mới được biết tối hôm qua, khi đi xem bộ phim Fimfárum. Phim chiếu miễn phí, tối thứ 7 rảnh rỗi và muốn nghe lại chút tiếng Tiệp là ba lý do kéo hắn đến rạp Lê Độ cũ kỹ. Bây giờ, hắn mới tải được tập truyện cổ tích của Jan Werich và sẽ bổ sung kiến thức chút.


Phim chiếu trong khuôn khổ những ngày văn hoá châu Âu tại VN. Song không gian thì đặc văn hoá ... VN (!!): chủ yếu là trẻ em, lớn nhỏ gì cũng cười đùa, nói chuyện ầm ĩ, đi đi lại lại trong khi phim đang chiếu, đến trễ về sớm ...

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Bỏ phiếu

Công nghệ bỏ phiếu có vẻ đang ngày càng phát triển trên đất nước này. Nhất là trong bối cảnh sẽ có nhiều các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm này nọ.

Thực sự chỉ cần phát triển nhân (the core) kiểm phiếu là xong.

Công trình nghiên cứu mới nhất đã được thử nghiệm tại một trung tâm, nơi luôn thể hiện là mô hình thu nhỏ điển hình của cả xã hội, có tên VFF.

Chỉ có 19 phiếu bầu mà người được 11 phiếu bị thống kê thành rớt, nhầm 19 thành 18 tuy hơi khó giải thích nhưng cũng chưa bằng thắc mắc của nhiều người tham gia bỏ phiếu: sao nhiều người không bỏ mà ứng viên vẫn đạt 18/19 phiếu (?!).

Thực ra công nghệ lõi này không phải được phát hiện ra lần đầu tiên. Trước đây đã từng có nhiều cuộc thi mà ban giám khảo không quá 6, 7 thành viên nghi ngờ lẫn nhau khi thấy kết quả bỏ phiếu do ban tổ chức đưa ra. Hay kết quả bỏ phiếu tại bộ học đạt quá bán trong khi hầu hết thành viên tham gia bỏ phiếu đều khẳng định mình bỏ phiếu chống ...


Nhớ chuyện cũ làng nọ yêu cầu dân mỗi người góp một vò rượu cuối cùng thu được một thùng toàn nước lã. Hahahuhu.

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Thủy lợi

Ngồi buồn gõ lại đoạn này chơi:

Toàn hạt Trung Kỳ gần núi gần biển, toàn cả đất dốc, nước sông chảy gấp ra biển, bờ thẳng nước sâu, không lợi cho ruộng nhà nông. Chỉ nhờ thời xưa, số người còn ít, cây rừng quá nhiều, các mẫu ruộng gần núi, nước chảy được thông, nông dân nhờ đó mà cày cấy. Lại thêm núi cao cây rậm, khí lạnh quá nhiều, dồn thêm khí ở biển, hay gây thành mưa, thuận lợi cho ruộng nhà nông là nhờ ở đó. Về sau, hộ khẩu thêm nhiều, người đốn củi đốt than càng đông, ở nước Nam không có chính sách cấm đốn cây rừng, để cho người tùy ý đốn lấy, đến nay các núi cao ở gần chỗ dân ở, cây rừng thưa thớt, trèo núi mà nhìn chỉ thấy đất đá mà thôi, các đồi núi nhỏ bị phá hết sạch. Núi nhỏ nước khô, khí đất thay đổi, xưa là ruộng màu mỡ, nay thành đất chai gầy. Cái khổ về thủy lợi, ở Trung Kỳ bi thiết hơn cả.

(Trích Trung Kỳ điền thổ thuế ngạch hà trọng thủy mạt chi tình hình)



Những dòng được viết cách đây cả trăm năm, nay đọc lại thấy chỉ tại mọi người u mê chứ không phải không có thầy vậy.

Mới biết câu "thuốc đắng dã tật" là không sai. Bởi lời phỉnh nịnh dễ nghe mà rốt cuộc chỉ "dịch chủ tái nô".

Ngày nay vẫn ngồi chờ kẻ nọ kẻ kia, thật là chưa tỉnh ...

Dân gian

Nhân xem Kỹ thuật của người An nam, thấy mấy bức tranh với chú thích: tranh dân gian

Bức bên trái có 4 chữ đề: Chu lang phóng hoả, bức bên phải cũng có 4 chữ: Giang tả cầu hôn. Đều là tích thời Tam quốc.



Dân gian xưa như thế. Nay nhà nhà xem phim Tàu, có gì là lạ đâu?

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Bi ai

Gần đây rộ lên đăng lại "10 điều bi ai của dân tộc", được cho là của cụ Phan Châu Trinh.


1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.
 2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.
 3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.
 4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.
5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.
6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.
7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.
9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.
10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v...


Thực ra thì đây là một dạng tóm tắt ý, khá giống với trong lời giới thiệu của Nguyễn Văn Dương cho Tỉnh quốc hồn ca I của cụ Phan Tây Hồ.

Nếu nói cho chính xác thì phải còn hai mục nữa:

11. Người ta thi đua sản xuất các mặt hàng mới và tốt.

12. Người ta chú trọng tổ chức y tế một cách chu đáo tinh tường.

Chính là tóm tắt Tỉnh quốc hồn ca, bao gồm 13 chương, 468 câu theo thể loại văn vần song thất lục bát. 12 điều trên là nội dung 12 chương, trừ ra chương đầu gọi là Mở đầu.

Mỗi chương đều được mở đầu bằng nêu gương "người ta" và sau đó là nghiêm khắc phê "mình".

Ví dụ, chương năm có tiêu đề Đoàn kết, thương yêu nhau! (điều 4 ở trên), mở đầu như sau:

Người ta nghĩ sâu dài cặn kẽ,
Đũa bó to ai bẻ cho xuôi?
Chia ra từng chiếc từng đôi,
Phải ai tai nấy thương ôi còn gì.
Vậy nên từ đồng nhi, phụ nữ,
Chẳng ai không phải giữ lấy nòi.
Khôn ngoan đối đáp người ngoài,
Người trong một nước thì coi như nhà.



Hay như chương mười một Làm việc vì nước vì dân! (điều 10 ở trên), có đoạn:

Người mình không đức, không tài,
Ham quan, ham tước, chen vai cúi đầu
Cửa quyền môn mai chầu tối chực,
Đua chen nhau rạo rực như sôi.
Cửa tiền cửa hậu lăn vùi,
Cùng ra đến lỗ giậu chui cũng lòn.
Mình được rồi lo con lo cháu,
Lạ lùng thay cái máu tham quan.


Nói chung những giáo huấn kiểu này, may là của bậc đức cao vọng trọng nên mọi người dè dặt (cũng là một đặc tính rất Việt nam), chứ bình thường thì các phản ứng thông dụng sẽ là:

- Sai bét

- Không đúng hoàn toàn, có người thế này có người thế nọ (loại ý kiến này có thể nhiều nhất)

- Mày làm được gì mà dám nói thế? (may quá, cụ Phan nói, hehe)

- Thế mày là ai, ở đâu?

Tóm lại thái độ tiếp thu chê bai điển hình, hihi. Còn đồng ý may ra chỉ một vài.


Dù cho chỉ là số ít như vậy đi chăng nữa, nhưng cách đây hơn thế kỷ như thế, bây giờ vẫn còn như thế thì câu hỏi không phải là nhỏ. Chưa kể "số ít" này còn đóng vai trò thế nào trong lịch sử dân tộc, mới là "bi ai".





Nhân đọc lại PCT toàn tập, thấy lời kết tội cương quyết của ông dành cho Phạm Ngọc Quát về cái chết của Trần Quý Cáp.

Lịch sử, đặc biệt đang lờ mờ trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều nghi vấn. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu, có nghiên cứu hẳn hoi, chỉ đặt nghi vấn cho sự liên quan của Nguyễn (Văn) Mại, còn Phạm Ngọc Quát dường như không còn nghi ngờ gì nữa.

Sách vở ngày nay có lối nói cứ đổ cho tội ác phong kiến thực dân. Thực ra một vụ án đã mang danh "mạc tu hữu" tất phải có Tần Cối.


Btw, Phạm Ngọc Quát có người cháu nội về sau cũng khá thành công trong một chính phủ khác, là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.

Hiện thực

Nghe vài đoạn trong Mõ làng 1.

Dĩ nhiên có ý kiến nhưng không bình luận. Tránh thói quen của nhiều người, thích hóng bình luận và cũng bình luận nhưng không hề nghe.

Trích một bình luận mà mình thấy thích thú:

"Đây là thứ âm nhạc đến từ địa ngục, nhưng, nó lại ăn khớp một cách kỳ lạ với những hiện hữu trong xã hội này."

Bị cấm.


***

Bỗng nhớ trường hợp Bụi đời Chợ Lớn.

Cũng bị cấm.

Vì phi hiện thực.

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Big spam

Chương trình mail client của mình như bị treo.

Force quit 1, 2 rồi 3 lần vẫn thế.

Thấy mặt spam nhưng chưa hiểu nguyên do. Bèn login vào webmail page.

Thì ra một đồng chí spam có attachment file quá lớn.

Thật không hiểu nổi hạng người gửi những spam kiểu như vậy nữa.


***

Nhớ lại chuyện um xùm với Bkav hôm rồi.

Chuyện tần suất truy cập cao vào server của họ có thể là láo, nhưng cũng có thể là đúng.

Vấn đề là có đúng thì cũng chẳng có gì đáng tự hào.

Một chương trình như vậy truy cập server nhiều chỉ thể hiện công nghệ tồi, ảnh hưởng quyền lợi khách hàng (tốn dung lượng, thiệt hại tài chính và mất thời gian, gây nghẽn mạng chung).

So sánh với Google và Facebook là trò láu cá cố tình đánh lận con đen.

Nhìn mặt mấy kẻ đó mình cứ thắc mắc: chả lẽ chúng nó dốt đến thế? Hay chỉ là vô liêm sỉ lừa dân đen.


Nhiều người mắc lỡm lắm, than ôi ...

The thirteenth floor (1999)

Gã làm việc cho một công ty tin học, nơi sở hữu một cỗ máy mô phỏng, dựng lên cả một xã hội với những con người có những số phận riêng. Lâu lâu, gã login vào hệ thống, nghĩa là nhập vào một nhân vật trong xã hội mô phỏng, tương tác với các nhân vật khác trong xã hội ấy.

Trong thời gian đăng nhập, nhân vật bị đăng nhập đánh mất cuộc sống riêng. Sau khi người đăng nhập logout, nhân vật kia "tỉnh lại" và không thể nhớ mình đã làm gì trong khoảng thời gian đó.

Nhưng, đời bao giờ cũng đầy rẫy những chữ nhưng, thỉnh thoảng có những sự cố nho nhỏ xảy ra.

1. Nhân vật bị đăng nhập khi tỉnh lại có những "cảm giác ngờ ngợ" về những ký ức mờ ảo xảy ra trong những khoảng thời gian "bị đăng nhập".

2. Những nhân vật này trở nên "đa nhân cách", bị nghi ngờ, bị ghét bỏ cũng như được yêu thương theo những cách khác nhau.

3. Họ lờ mờ nhận ra thế giới của họ là hữu hạn, là không có thực ("ảo") và dễ bị chi phối bởi những kẻ đăng nhập "không mời mà tới kia".


Thế giới ảo dường như "chỉ là những mạch điện tử" kia lại chứa đựng những số phận hết sức nhân tính. Không còn đơn giản chỉ là những phiên log-in & out hay đơn giản power off.


Cao trào xảy ra khi gã ("người đăng nhập" thế giới ảo) nhận thấy trong thế giới thật của mình cũng có những khoảng thời gian không thể nào nhớ nổi ... Rồi những cảm giác ngờ ngợ xuất hiện khi gã thấy ai đó "dường như đã gặp ở đâu đó" ...

Một bật mí nho nhỏ, nếu nhân vật bị chết trong khi đang "bị đăng nhập", họ sẽ "thức dậy" trong thân xác "kẻ đăng nhập", dĩ nhiên, ở "thế giới phía trên" ...


Hồn vía những Throne, Inception đã xuất hiện trong kịch bản năm 1999.


Liệu có một ngày, nick của hắn sẽ bảo hắn: ông hãy để cho tôi yên? Và hắn sẽ bắt đầu tìm kẻ tạo ra profile của hắn ...

Có kịp trước khi màn hình báo     ...  S h u t   D o w n  ...

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Mới

Sáng đầu tuần.

Đạp xe qua đường Nguyễn Tri Phương, thấy một cái cột (như cột đèn đường) mới. Bèn ngước nhìn lên thì thấy trên đỉnh gắn một cái hộp vuông vắn với mấy cái râu thòi ra ngoài.

Thành phố đã triển khai mạng public wifi chăng?


Đến trước cửa công ty thì thấy 04 bé gái nhỏ nhắn xinh xắn áo xanh tình nguyện đang đứng giăng 02 tấm băng rôn ngay ngã tư: "Đề nghị tắt máy xe khi dừng trên 20s".

Cười nói với mọi người: lẽ ra các em nên bảo thành phố gắn thêm tấm biển báo thời gian đèn đỏ là bao nhiêu giây nữa, hihi.

Người xung quanh bảo: không bao giờ có chuyện thực hiện được.

Btw, mình thường đi xe không gắn máy (xe đạp), và có một chiếc khác máy không có đề (foot kick starter only) huhu.


Nghĩ bụng, e phải gắn bảng điện tử chứ mấy cô bé này thì chỉ phong trào thôi.


Nếu có đạt được thành phố wireless, chắc vẫn phải phấn đấu tiếp thành phố column-less ...

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Trance

Hôm nay xem phim Trance.

Phim này mà mang quốc tịch vịt thì bị cấm chắc. Lý do phi hiện thực (!?). Một nhóm tội phạm ăn cắp tranh, để lạc rồi tìm cách lấy lại. Không bóng dáng công an nhân dân, không tổ dân phố.

Hôm kia mình tìm được một phần mềm, iSimulate, giúp Xcode mô phỏng được những chương trình sử dụng phần cứng trên iPhone, như GPS hay accelerometer. Thử thành công.

Thấy báo chí đưa tin loại bút viết giống thật nhưng chữ biến mất sau một thời gian ngắn, được sử dụng để viết và ký các loại giấy tờ vay nợ, ...

Hôm trước còn có tin hỉ hả với cái máy bay không người lái made in vn nữa.


Haiz, chẳng phải ngoài đời còn u mê gấp mấy trong phim ru? ...



- Posted using BlogPress from Khanh An's iPad

Location:kiệt 338 Hoàng Diệu,,Vietnam

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Trò chơi

Đọc Kỹ thuật của người An nam, thỉnh thoảng gặp lại những trò chơi hồi nhỏ:


Dòng chữ nôm phía trên: trẻ con đánh pháo bằng đất.

Nhớ trò này là vắt đất sét thành dạng như cái bát (chén) rồi ném úp xuống đất, áp lực không khí bị nén lại trong lòng bát khi ép xuống mặt đất phá vỡ thành bát (đất sét đang ướt) tạo thành tiếng nổ khá vui tai. Rồi lại vắt lại ném, chơi hoài không hết cục đất, thậm chí để đó vài hôm sau ra đổ nước cho đất mềm chơi tiếp, chán thì thôi.






Trò này chỉ cần ít viên sỏi, ném lên đỡ xuống bằng bàn tay, lúc ngửa lúc sấp, sao cho đừng rơi viên nào. Cái chính là sự khéo léo của người chơi, càng chơi giỏi càng chế ra lắm trò, nhiều sỏi hơn, tung cao hơn, nhiều động tác phức tạp hơn, ... Đủ bài thì "ăn" sỏi đó về mình, như hết level, sang level khác vậy. :-) Chơi nhiều người, thi thố xem ai được nhiều sỏi hơn.

Hai chữ nôm ghi: đánh chắt.  Từ điển nôm ngày nay thường viết chữ chắt không bao gồm chữ tài.


Hôm nay gặp lại hai trò chơi với đất và đá. :-D