Thứ Năm, 30 tháng 10, 2008

Lan man đọc (1)

Mình thuộc loại lười đọc.
Nhớ ngày còn nhỏ mình đọc như điên. Mà toàn đại tác phẩm: Những người khốn khổ, Chiến tranh và hòa bình (nay có người nói phải dịch đúng là Chiến tranh và thế giới (!), nguyên bản tiếng Nga Война и мир, mà мир vừa có nghĩa hòa bình, vừa có nghĩa thế giới. Nhưng thấy tiếng Anh vẫn là War and peace). Bây giờ không đủ hứng thú để nghiền ngẫm, để luận bàn sâu xa nữa. Ấy là lười.
Lúc nhỏ đọc ngấu nghiến lắm. Đọc lén cả trong giờ học. Đọc gì cũng phải kỳ hết mới thôi. May mà không phải làm việc nhà nhiều nên chưa gây hậu quả gì. Chỉ bị người lớn mắng rằng: đọc thế thì chẳng hiểu gì cả đâu. Bây giờ không còn say sưa nữa. Trừ lúc quá rảnh rỗi, còn thì lớt phớt lắm. Đọc lướt thôi. Ấy là lười.
Ngày xưa ấy đâu có nhiều thứ để đọc đâu. Luôn phải tìm, luôn ngóng đợi. Bây giờ sách (được giới thiệu là) hay đến tay còn hờ hững. Ấy là lười.

Thực ra mình đọc không ít. Nhưng toàn sách kỹ thuật. Đọc sách kỹ thuật là để kiếm sống. Ấy không gọi là đọc.
Sách kỹ thuật không mấy khi đọc bằng tiếng Việt. Vì đợi có người dịch thì công nghệ e cũ quá rồi. Thêm nữa dịch thuật kém quá. Cũng phải thôi, hiểu kỹ thuật mới không dễ dàng gì, mà không hiểu làm sao dịch tốt được? Thôi thì bằng tiếng nước ngoài vậy. Ấy không gọi là đọc.

Cũng còn may, nhiều sách kỹ thuật nhưng viết rất hay. Có nhiều tư duy đáng cho chúng ta phải đọc. Và học.

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2008

Oct 28, 2008

Mưa chán quá.
Đi đâu cũng áo áo quần quần. Người ngợm lúc nào cũng ẩm xịt.
Thế mà hai tuần rồi, mình ăn chơi cũng kha khá. Tiệc lớn tiệc nhỏ (!).
Chiều nay David Craggs đã ghé xem LHD Sim.
Công việc đã khá hơn, khi đi vào cụ thể. Nhưng vẫn còn chậm quá.
Còn nhiều điều phải suy nghĩ. Mình tiếp tục đọc sách về những cách làm bài bản. Rất hay, song áp dụng chẳng bao nhiêu. Lối làm việc của nhà mình, dù muốn dù không, cũng phải thiên về tồn tại. Chất lượng và bền vững còn xa xỉ lắm. Phương pháp quanh quẩn ở thử và sửa. Cứ phải sờ, thấy thì mới tư duy được (!).
Khoảng không khí cho suy nghĩ xã hội thì ngày càng ngột ngạt!
Kiwi nói những vụ kiểu cháy sân bay TSN là những cái chết đã được báo trước. Mình cũng nghĩ vậy, như trước đây sập cầu Cần Thơ. Nhưng kẻ báo trước có ai nghe.
Chuyện Điền Phong - Viên Thiệu.
Trung ngôn nghịch nhĩ.

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2008

The art of designing embedded systems

In ancient China there was a family of healers, one of whom was known throughout the land and employed as a physician to a great lord. The physician was asked which of his family was the most skillful healer. He replied, “I tend to the sick and dying with drastic and dramatic treatments, and on occasion someone is cured and my name gets out among the lords.”
“My elder brother cures sickness when it just begins to take root, and his skills are known among the local peasants and neighbors.”
“My eldest brother is able to sense the spirit of sickness and eradicate it before it takes form. His name is unknown outside our home.”

Câu chuyện này mình đọc được trong sách The art of designing embedded systems.
Chả là đợt này thầy Hải sang sẽ dạy về đề tài Embedded system. Mình mới kiếm sách đọc trước. Tình cờ vớ được cuốn này.
Năm nay chương trình tiên tiến thứ hai cũng đã được triển khai tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Giao cho khoa điện. Chuyên ngành đào tạo là Hệ thống nhúng.
Cũng có nhiều người tranh luận rằng dịch Embedded system là Hệ thống nhúng thì chưa chính xác (?!). Mình nghĩ nói thế chẳng khác gì quốc hội nhà ta họp (!).
Vốn dĩ nhiều môn học chỉ được mỗi cái tên. Cũng như nhiều giảng viên chỉ được cái danh hiệu. Còn ruột thì không có gì chung mấy với những khái niệm tương đương xứ người.
Thôi, đọc cái đã. Thích cuốn sách từ câu đầu tiên:
Any idiot can write code.

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2008

Lan man (1)


Không biết có thể gọi là mùa mưa không, mà những ngày này tháng này năm nay Đà thành chìm trong tầm tã. Nước như xối quất tơi tả, nước như xả cuốn bềnh bồng.
Chiều nay rảnh rỗi, lại thong thả đạp xe dưới mưa. Đường đường lênh láng, người người vội vã.
Về nhà gõ hai chữ lan man. Chợt nghĩ lan man thì loằng nhoằng lắm, mới thêm số 1 bỏ vào trong ngoặc. Đặng ưa dừng đâu thì dừng, dù 1 chẳng biết bao giờ mới 2 (!).
Nguyên vì đêm hôm trước nằm nghĩ lan man. Giữa ngoài kia ầm ào mưa gió sấm chớp.
Thực ra đã lâu chuyện trời đất trăng sao không còn nhảy vào giấc mơ của mình. Chỉ tại đêm ấy trong ca trực. Lọ mọ vùng dậy đêm khuya, cắt điện đề phòng sét lan truyền. Rồi thì cơn ngủ cứ thế chập chờn trong ánh chớp, trong tiếng sấm lẫn tiếng báo động của thiết bị.
Bèn nghĩ về chuyện đọc. Mình thích đọc.
Duy hữu độc thư cao!
Văn hóa đọc ngày nay trong so sánh với văn hóa nghe nhìn.
Chợt nhớ lại những cuộc tranh luận với chú N. Chú giải thích về ý niệm. Chú quả quyết về những từ ghép hai chữ (có vẻ) đồng nghĩa. Hai chữ mang sứ mạng âm dương. Như ý trong lòng ra thì niệm từ ngoài vào. Lúc đó mình nhớ đến cây dương liễu, lá dương vươn lên, lá liễu rủ xuống, mà người ta lại quen gọi chung là dương liễu. Mình không nói ra, nghĩ: vạn vật chẳng phải xoay vần trong ngoài âm dương nhị nguyên?
Đọc có đối với viết?
Ngày còn học phổ thông, cứ nghĩ viết là một cái gì lãng mạn lắm. Từ viết văn tới viết nhật ký. Rồi mình có đọc được đâu đó lời khuyên nên viết nhật ký. Hàm ý đại loại như một cách tự tu thân vậy. Thầm thừa nhận có lý, nhưng rốt cuộc lại không làm.
Nghĩ tới những nhân vật của nhà văn Vàng Anh. Lại mới vừa đọc truyện ngắn nhẹ nhàng Chuồn chuồn đạp nước của Ngọc Tư. Trăn trở phải chăng là xa xỉ giữa thời buổi dân gian quan tham này? Vô tư vô tâm vô tình vô tính (?).
Pháp thiền Tại và Hiện dạy phải biết quên. Nhớ sang hai chuyện hai nhà sư gặp một thiếu nữ bên vũng lội. Một người cho rằng tu hành không tiếp xúc nữ nhân. Người kia cõng cô gái qua vũng lội. Nhà sư thứ nhất không hài lòng, về đến cổng chùa vẫn còn bực bội. Nhà sư thứ hai bảo: ta đã bỏ lại cô gái bên vũng lội rồi, sao ông còn mãi mang cô ta về tận đây?
Nhưng giữa vô tâm và giác ngộ của Phật chẳng phải là cõi nhân gian dằng dặc?
Mỗi khi định viết cái gì thì lại thấy lòng mình chưa tĩnh. Nên con chữ cứ rối vào nhau, thành tổ trú ngụ cho những ý ác tâm tà.
Nay tập tành blog như đào cái hố để hét vào đó những uất ức trong lòng, như treo cái bao để đấm vào đó những đè nén của đời.

Ý định ban đầu là viết về đọc, cuối cùng lại hóa ra gõ về viết. Đành lỗi hẹn với chuyện đọc đến hôm sau vậy ...

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2008

Tượng máng

Đọc lại Phan Khôi. Những con chữ được viết ra từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước.

NHỮNG TIẾNG XƯA DÙNG
MÀ NAY KHÔNG DÙNG NỮA

...

Ngang hồi Nguyễn Trịnh và Tây Sơn, (*) một trăm rưỡi năm nay, bấy giờ những công văn qua lại, Bắc gởi vào Nam, hay Nam gởi ra Bắc, hay dùng chữ Nôm mà đặt bằng thể tứ lục. Trong những bài tứ lục ấy, tác giả hay theo lối chữ Nho mà mở đầu dùng hai chữ “tượng máng”. Nói như vậy, nghĩa là trong những bài chiếu chữ nho hay mở đầu bằng chữ “Cái văn”, mà “tượng máng” tức là “cái văn”.

Chữ “cái” có nghĩa hồ nghi là hình như chớ không chắc; chữ “văn” là nghe. Vậy hai chữ “cái văn” có ý như vầy: “Hình như có nghe”. Nói thế là tỏ ý tự khiêm cho sự nghe của mình là không được đích xác lắm, không dám tự cho là phải.

Trong tiếng ta thật chẳng có tiếng gì để dịch chữ “cái” ấy cho thật đúng, nếu theo tiếng nói của chúng ta ngày nay. Tuy vậy, đời xưa thì lại có, tức là tiếng “tượng” ấy hoặc tiếng “dáng”.

Có một điều rất lạ là có nhiều tiếng ngày xưa, lúc ta giảng sách chữ Nho thì dùng nó mà cắt nghĩa, nhưng đến khi nói chuyện thường hoặc làm văn nôm lại không đem mà dùng. Như tiếng “tượng” và “dáng” nói đây là một vậy.

Trước kia, khi ta cắt nghĩa sách Tàu, gặp chữ “cái” ấy thì cắt nghĩa là “tượng” hay là “dáng”. “Tượng” đây có ý là “mường tượng như”, còn “dáng” có ý là “dáng như” tức là “hình như”, đều là ý không chắc hết, cho nên mới dùng mà dịch chữ “Cái” của Hán văn. Thế mà sao khi nói chuyện thường, chẳng ai hề dùng chữ “tượng” chữ “dáng” ấy mà nói bao giờ. Điều ấy có hơi khó hiểu.

“Máng” là nghe. Sao không nói nghe mà lại nói “máng”? Bởi vì “nghe” thì chắc quá, mà “máng” thì là nghe mang máng, không được chắc, nó hiệp với chữ “cái” mà nó đi theo, cho nên người đời xưa mới dùng chữ “máng” thay vì chữ “nghe”.

Như vậy có phải chữ “tượng máng” là một chữ có ý nghĩa hay không? Song trong văn Quốc ngữ ta bây giờ lại không dùng nó? Vậy bây giờ ta có nên dựng hai chữ “tượng máng” cho nó sống dậy mà dùng nó không? Ấy là điều muốn hỏi nhà làm văn.

...

Bởi vậy, chữ nào đã chết lâu nay mà nay ta cần dùng nó thì tôi muốn dựng ngược nó dậy mà dùng.


Mới đây người ta tổ chức cả một cuộc hội thảo hoành tráng quy mô quốc gia về các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn. Thật nực cười khi có kẻ nghĩ rằng một hội nghị, một giáo sư đầu ngành là có thể lật lại cả một trang sử của dân tộc. Người ta đua nhau kể tội về sự biến mất của những tên đường mang dấu ấn thời đại ấy (!?!).
Có ghi nhận chăng là sự sám hối của một thời lịch sử bị bóp méo. Lịch sử đâu cần ban ơn. Lịch sử đâu có thể viết lại.
Nếu không có tư duy ấy thì chỉ gây rắc rối thêm cho con cháu. Nếu có tư duy ấy thì đâu chỉ nhà Nguyễn.
"Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác."
Và bây giờ chúng ta đã bị buộc lên nòng súng đại bác rồi đây.
Sao cứ trách học sinh dốt sử mà không hỏi liệu thầy cô đã biết nguồn gốc tổ tiên?

Đến đây mình mạnh dạn trả lời cụ Phan. Rằng những chữ ấy không đem ra dùng vì người ta có cần dùng đâu. Sự nghiêm túc thời các Cụ nay đã được thay thế bởi sự hời hợt của trí và sự đồi bại của tâm.
Nhân đọc thấy hai chữ mà nói vậy kể cũng đã dài (!).

Mạnh tử viết: Tận tín thư bất như vô thư.

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2008

Lan man ... cũ

Cuối tuần mưa, lan man nghĩ về những chuyện xưa cũ.
Chả là hôm trước đọc NQL thấy entry Nhà quê. Bên nhà Bulukhin giải thích từ Hương nguyện.
Nghĩ: hai cái này xem chừng khá giống nhau. Nghĩa gốc từ nguyên chẳng có gì xấu cả. Nhưng đều được dùng đa phần kiểu không phải để khen nhau. Nhà quê mang tính chê bai, mai mỉa. Hương nguyện có vẻ mức độ nặng hơn (?), mắng cố chấp thủ cựu. Ở đời cái gì đã lỗi thời mà cố giữ thường không giữ được, nên dễ nhận thêm tội đạo đức giả.
Mâu thuẫn thế hệ, người già dưới con mắt người trẻ đều bị quy về đấy cả. Hỏi một câu: truyền thống là gì? Văn hóa, lịch sử ta quá nhiều miễn cưỡng, áp đặt nặng nề đâu phải dễ nghe. Ngày nay thời thượng lăng xê hai chữ "phản biện", phản biện xã hội ta vẫn còn xa xỉ lắm. Lúng túng không biết dạy con cháu thế nào, sao dám nói câu giữ đạo?
Bạn có người yêu văn hóa Huế, lại chê người Huế bảo thủ (?!). Nếu không bảo thủ ai giữ nét xưa kia?
Ngẫm chỉ thấy di sản chắc chắn nhất là tiếng Việt. Dù âm cũ mới còn nhiều vấn đề. Dù chữ viết còn thăng trầm hơn nữa. Nhưng có thể nói riêng một trời một giọng.
Đến đây quay lại nửa đầu thế kỷ trước. Dính dáng ít nhiều chữ hương nguyện ở trên.
Bắt đầu từ chỗ cụ Phạm Quỳnh nhân khi phấn khích "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn". Cụ Ngô Đức Kế phản bác gay gắt "tà thuyết hại nhân tâm thế đạo" mà mắng vào mặt cô Kiều. Sau khi cụ Ngô qua đời, cụ Phan Khôi có nhắc lại lời cụ Ngô mà chê cụ Phạm là "học phiệt". Cụ Phạm mới phản ứng rằng đây nói chuyện văn chương chứ không bàn "đạo đức phái hương nguyện". Nghe vậy cụ Huỳnh Thúc Kháng mới nổi giận, mắng thẳng "con đĩ Kiều" và chê Truyện Kiều chỉ là loại dâm thư mua vui.
Chuyện các cụ xưa, chép lại ra đây không biết được mấy phần chính xác. Để người đi học ngày nay biết không chỉ có một chiều. Mặc dù cái chết của cụ Phạm có nhiều tức tưởi thì câu của cụ vẫn được trích lục thường xuyên. Còn lời các tiền bối cách mạng Ngô, Huỳnh nay nhiều phần sao nhãng.

Đàn ông chớ đọc Phan Trần
Đàn bà chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều

Mình văn dốt võ dát, không dám nói chuyện văn chương, càng không dám bàn chuyện đạo đức. Nhưng nghe chuyện cũng ngứa ngáy phang ngang mấy ý kiến.
Cụ Tố Như viết cuối tác phẩm của mình:
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Âu cụ cũng tự nhận mua vui vậy. Nhưng mua vui mà giữ gìn hồn vía tiếng Nôm nhiều lắm.
Thứ nữa cảm nhận cụ đau đời. Cụ thương người nên cũng có phần nói quá chăng?
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai
vậy mà nửa đời lưu lạc cô Kiều chẳng làm nghiêng đổ được cái thành nào. Ví thử tài sắc nhường ấy, Mã Giám Sinh sao còn đưa về nộp Tú Bà mà không ẵm cao chạy xa bay? Sở Khanh há chịu
Ba mươi đồng bạc thời Gia Tĩnh
Mua lấy ngàn thu tiếng Sở Khanh
(Tản Đà)
Tài sắc ấy hẳn Thúc Kỳ Tâm phải đầu độc chết Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến phải phản lại triều đình ấy chứ.
Vậy hẳn Kiều cũng chỉ là cô gái tầm thường. Chưa biết cái khổ ở đời nên có phần phá cách "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình". Đáng thương phải bán mình chuộc cha.
Không dám ba hoa nhiều, các cụ lại mắng cho (?). Chỉ dám viết ở đây mấy chữ. Biện hộ bằng lời cụ Nguyễn Công Trứ.

Vẫn biết má hồng thời phận bạc
Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng
Chiếc quạt, thoa đành phụ nghĩa Kim lang
Nặng vì hiếu, nhẹ vì tình thì cũng phải.

Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải
Cánh hoa tàn bán lại chốn thanh lâu
Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu
Mà bướm chán ong chường cho đến thế?

Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm
Bán mình trong bấy nhiêu năm
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai!

Nghĩ đời mà ngán cho đời.

Đến bao giờ lớp trẻ mới được học truyền thống thực sự của ông cha? Và có quyền phản biện để chọn cho mình một cái nhìn hợp thời đại? Nghĩ đời mà chán cho đời!
Gọi là ôn cố tri tân.

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

Một cuộc nhậu

Mưa.
Sáng sớm đã mưa.
Nhưng không tầm tã. Nên thấy nắng lên tranh thủ đi làm. Nào ngờ mới mấy trăm mét đã mưa rơi xuyên nắng. Lúc đầu nghĩ nhỏ. Sau phải mặc áo mưa. Mà mặc rồi vẫn ướt. Tìm được chỗ trú thì ngớt. Cũng còn may không có thói quen văng tục (!).
Rồi thì băng qua mưa lốm đốm nắng cũng đến trường.

Chiều cuối tuần. Thứ Sáu. Hứng chí rủ nhau đi nhậu. Khôi đề xuất quán ở Xuân Thiều, rộng đến mức bưng bê phải chạy xe máy (!). Hấp dẫn nha, nhưng liệu có mưa không? Nghĩ: tìm cảm giác mới mẻ thì ra quán đó, còn cảm giác an toàn thì phải tìm chỗ nào chắc chắn chắn che. Khôi đùa quán nào có "mái". Rõ, không "mái" chẳng hóa ra "trống" (?).
Đi về phía biển. Thoạt đầu định ghé quán Sài Gòn. Nhưng trời trong xanh có vầng trăng 12 quyến rũ. "Chắc chẳng mưa đâu". Cả lũ kéo nhau đi.
Quả nhiên bãi rộng. Chỉ bàn và ghế nhựa. Món ăn ngon. Đùa nhau ăn nhanh kẻo tối. Không khéo phải soi đèn pin mới thấy đường mà gắp (!?).
May ngồi gần đường nên đèn đường lên khiến quên cả con trăng. Sự quên tai hại. Khi cảm thấy những giọt mưa đầu tiên rơi lên tóc, ngẩng đầu lên thì gấu đã nuốt chửng thỏ ngọc. Một con gấu to, đen thui che kín bầu trời.
Và, rào. Chạy không kịp. Việc đầu tiên phải khoác laptop lên người rồi trùm áo mưa. Bãi rộng không một chỗ trú. Đành đứng chịu trận.
Ngớt một chút. Quay lại uống nốt số chai đã mở. Vừa chẵn một thùng. Vừa chẵn chục người. Tính tiền, 397 ngàn. Đưa 2 tờ 200, bảo được rồi nhưng chủ quán cương quyết thối lại. Nói mưa thế này, khách còn chịu được thì quán cớ gì không chịu được. Hehe. Ổng thậm chí không chịu khoác áo mưa.
Những cơn mưa lúc khoan lúc nhặt. Cũng đủ để mình về đến nhà ướt mèm. Song vẫn còn sớm, nên bật laptop lên ...

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2008

Well defined Problems

1. States, initial state
2. Actions, successor function (state) -> action and next state
State space, path
3. Goal test
4. Path cost, step cost

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2008

Solving problems by Searching

A goal-based Agent, the Problem-solving Agent.
Search algorithms: uninformed and informed.

Asymptotic complexity (theta() notation) and NP completeness. Classes P, NP, co-NP and #P.

A problem-solving agent:
1. Formulate: problem formulation
2. Search: input = problem, returns solution = actions sequence
3. Execute: actions carry out

Structure of Agents

1. Simple reflex
2. Model-based reflex
3. Goal-based
4. Utility-based

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2008

Cảm tính

Có thể nói (một cách cảm tính) rằng dân ta rất cảm tính (!?).
Cơ quan mình có cậu H., thuộc loại "gì cũng biết", mà lại biết rất chắc chắn (!). Nhưng những người đối thoại thường lại không tin. Mà cậu ta hầu như chỉ có cách chứng minh duy nhất: cá độ (!!).
Nói gì đâu xa, tv nước nhà vẫn thường ra rả: ai cũng biết rằng ..., chắc chắn rằng ... May mà không có thằng dân đen nào có thể cãi (!).

Hòn đất mà biết nói năng
Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn.

Mới đây ngài cục phó cục đường bộ (bộ gtvt) đáng kính của chúng ta tái khẳng định một cách cương quyết "dù bị phản đối vẫn phải thu phí lưu hành xe".
Không thấy ai hỏi: thế nếu thu phí mà vẫn kẹt xe thì thế lào? Người xưa hẳn hỏi ông quan của chúng ta có mấy cái đầu trên cổ? Dù chưa ai đụng đến cũng chẳng có cái nào (!).
Không biết ông ta có tính được cần giảm bao nhiêu % xe cộ, để tính đường "trảm" mấy thằng dân?
Mức phí đưa ra được tính như thế nào để "giết" được số % dân đen đó?
Người cần đi liệu có thể không đi? Loại được mấy công tử quý tộc đời mới thì e thằng dân đã chết mất ngáp.
Mà quan thông minh quá. Thà thu phí trên xăng dầu. Thu phí trên xe, nhà có xe chẳng lẽ không mua phí? Mua rồi ngu chi không chạy? Giảm được kẹt xe chăng?
Dân mà không mua xe nữa, để xem quan có sống được với "tôi yêu Việt Nam" (?!?).

Mới thấy nhà mình cần gì căn cứ với chả con số. Cứ "tiếng hét át tiếng bom" là xong tuốt.

Đến dân kỹ thuật, cần bao nhiêu mét dây cũng không thèm tính, nói đại (ví dụ) 100m đi. (???)

Trước đây mình cãi cũng hăng lắm. Cứ phải giành được tiếng nói cuối cùng mới hả. (!)
Nay tự thấy vô căn cứ. Em xin theo nhà Tùy.

Entry này cũng viết cảm tính nha. Không biết dân ta là dân như thế nào nữa. (??)

Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2008

Choi Jin Sil


Mình có một trí nhớ khá tồi. Mình không nhớ nổi tên một diễn viên Hàn quốc nào. Khi nói chuyện với bạn bè, thảng hoặc có phải nhắc đến thì bảo: thằng Kim gì đó, thằng Jang gì gì đó ...
Đi trực thường xem DTH với VTC, tổng cộng khoảng 40 kênh. Nhiều khi cầm remote duyệt một vòng mà chán nản: chẳng có gì xem cả. Gặp phim Hàn quốc thường bấm qua ngay (!?).
Của đáng tội, cách đây hơn chục năm mình cũng có xem dăm phim. Nhân những lúc "nhàn cư" nằm dài trước tv. Không say mê, thần tượng gì, song cũng có yêu mến một gương mặt diễn viên xứ Hàn. Một nữ diễn viên có vẻ nhỏ bé bên cạnh các đồng nghiệp của cô. Không đài các, không ngổ ngáo, cũng không còn trẻ lắm. Thấy cô xuất hiện trong vài phim, chỉ nhớ hình như Ước mơ vươn tới ngôi sao, và Anh và em. Trong Anh và em, cô đóng vai người chị dâu, vợ ông anh cả thì phải (?). Lúc đó mình để ý tên cô. Rồi quên.

Hôm nay liếc qua các báo, thấy có tin về một diễn viên Hàn nào đó tự tử. Cũng không để ý lắm, báo chí VN thời buổi này (!). Nhưng mấy cái tít cứ lặp đi lặp lại. Không đọc tin, không xem hình, tự nhiên cái tên như gợi lại.
Kiểm tra lại một chút. Nhiều người đau xót. Mà bây giờ thì cô đã có thể mỉm cười với miệng lưỡi thế gian.
Nếu có người hỏi mình yêu mến nữ diễn viên ấy vì điều gì, có thể mình trả lời, vì nụ cười. Nhưng với kết cục này, mình như cảm nhận một nỗi u uẩn.
Khi mệt mỏi trên đường đời, sao không thể nghỉ?
Cô cùng tuổi với mình. Làm việc cật lực hơn. Và đến đích sớm hơn.
Chữ rằng: sinh ký tử quy.

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2008

Nước

Nước.
Quá trời nước luôn.
Hôm trước là ảnh hưởng của cơn bão số 7.
Tối qua ngồi lai rai quán Sài Gòn, lại gặp mưa như gào như thét. Cứ như cơn bão số 8 đã vào đến nơi (?). Mà nó chỉ mới mấp mé biển Đông. Bão số 7 thì đã tan trên đất Quảng Bình. Sáng ra trời xanh ngắt. Ngỡ "khổ tận" đã đến "cam lai" (!).
Cũng may đến gần 10h thì tạnh. Tranh thủ chạy về nhà. Của đáng tội dọc đường lâu lâu lại lộp bộp. Nhưng kệ, đằng nào cũng giặt đồ. Đường NVL ngập lai láng. Nước quá trời.

Thế mà mấy ngày vừa rồi mình lại lâm cảnh "nước mất (may) nhà (chưa) tan". Thấm thía "nỗi nhục mất nước", phải loay hoay tìm đường "mở nước" dù thuở này chẳng "mang gươm".
Tiền trả đủ, hóa ra tội là "nhà vô chủ" (?). Học được mánh của nhân viên công ty "bán nước", cắt nước bằng cách mở khóa nước nhét nilon vào (!?!). Không một chữ thông báo, chẳng biết các nhân viên mẫn cán nọ muốn gì nữa (?).
May mà đến hỏi thì gặp toàn những nhân viên "dễ thương" (!). Đối xử nhũn nhặn, nói năng phải lời. Bỗng khiến tâm trạng vui vui. Mới biết dòng máu Việt trong mình hơi bị đặc (??). Duy tình hơn duy lý. Kiến nghị giải tán nhà nước, đốt hết luật lệ cho xong (!?).
Nhẹ nhàng vậy nhưng cũng mất tiêu hai ngày rưỡi vừa chờ vừa đợi. Không ngạc nhiên khi nước nhà cứ lẽo đẽo theo sau thiên hạ hoài hoài.