Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2008

Lan man ... cũ

Cuối tuần mưa, lan man nghĩ về những chuyện xưa cũ.
Chả là hôm trước đọc NQL thấy entry Nhà quê. Bên nhà Bulukhin giải thích từ Hương nguyện.
Nghĩ: hai cái này xem chừng khá giống nhau. Nghĩa gốc từ nguyên chẳng có gì xấu cả. Nhưng đều được dùng đa phần kiểu không phải để khen nhau. Nhà quê mang tính chê bai, mai mỉa. Hương nguyện có vẻ mức độ nặng hơn (?), mắng cố chấp thủ cựu. Ở đời cái gì đã lỗi thời mà cố giữ thường không giữ được, nên dễ nhận thêm tội đạo đức giả.
Mâu thuẫn thế hệ, người già dưới con mắt người trẻ đều bị quy về đấy cả. Hỏi một câu: truyền thống là gì? Văn hóa, lịch sử ta quá nhiều miễn cưỡng, áp đặt nặng nề đâu phải dễ nghe. Ngày nay thời thượng lăng xê hai chữ "phản biện", phản biện xã hội ta vẫn còn xa xỉ lắm. Lúng túng không biết dạy con cháu thế nào, sao dám nói câu giữ đạo?
Bạn có người yêu văn hóa Huế, lại chê người Huế bảo thủ (?!). Nếu không bảo thủ ai giữ nét xưa kia?
Ngẫm chỉ thấy di sản chắc chắn nhất là tiếng Việt. Dù âm cũ mới còn nhiều vấn đề. Dù chữ viết còn thăng trầm hơn nữa. Nhưng có thể nói riêng một trời một giọng.
Đến đây quay lại nửa đầu thế kỷ trước. Dính dáng ít nhiều chữ hương nguyện ở trên.
Bắt đầu từ chỗ cụ Phạm Quỳnh nhân khi phấn khích "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn". Cụ Ngô Đức Kế phản bác gay gắt "tà thuyết hại nhân tâm thế đạo" mà mắng vào mặt cô Kiều. Sau khi cụ Ngô qua đời, cụ Phan Khôi có nhắc lại lời cụ Ngô mà chê cụ Phạm là "học phiệt". Cụ Phạm mới phản ứng rằng đây nói chuyện văn chương chứ không bàn "đạo đức phái hương nguyện". Nghe vậy cụ Huỳnh Thúc Kháng mới nổi giận, mắng thẳng "con đĩ Kiều" và chê Truyện Kiều chỉ là loại dâm thư mua vui.
Chuyện các cụ xưa, chép lại ra đây không biết được mấy phần chính xác. Để người đi học ngày nay biết không chỉ có một chiều. Mặc dù cái chết của cụ Phạm có nhiều tức tưởi thì câu của cụ vẫn được trích lục thường xuyên. Còn lời các tiền bối cách mạng Ngô, Huỳnh nay nhiều phần sao nhãng.

Đàn ông chớ đọc Phan Trần
Đàn bà chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều

Mình văn dốt võ dát, không dám nói chuyện văn chương, càng không dám bàn chuyện đạo đức. Nhưng nghe chuyện cũng ngứa ngáy phang ngang mấy ý kiến.
Cụ Tố Như viết cuối tác phẩm của mình:
Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Âu cụ cũng tự nhận mua vui vậy. Nhưng mua vui mà giữ gìn hồn vía tiếng Nôm nhiều lắm.
Thứ nữa cảm nhận cụ đau đời. Cụ thương người nên cũng có phần nói quá chăng?
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai
vậy mà nửa đời lưu lạc cô Kiều chẳng làm nghiêng đổ được cái thành nào. Ví thử tài sắc nhường ấy, Mã Giám Sinh sao còn đưa về nộp Tú Bà mà không ẵm cao chạy xa bay? Sở Khanh há chịu
Ba mươi đồng bạc thời Gia Tĩnh
Mua lấy ngàn thu tiếng Sở Khanh
(Tản Đà)
Tài sắc ấy hẳn Thúc Kỳ Tâm phải đầu độc chết Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến phải phản lại triều đình ấy chứ.
Vậy hẳn Kiều cũng chỉ là cô gái tầm thường. Chưa biết cái khổ ở đời nên có phần phá cách "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình". Đáng thương phải bán mình chuộc cha.
Không dám ba hoa nhiều, các cụ lại mắng cho (?). Chỉ dám viết ở đây mấy chữ. Biện hộ bằng lời cụ Nguyễn Công Trứ.

Vẫn biết má hồng thời phận bạc
Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng
Chiếc quạt, thoa đành phụ nghĩa Kim lang
Nặng vì hiếu, nhẹ vì tình thì cũng phải.

Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải
Cánh hoa tàn bán lại chốn thanh lâu
Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu
Mà bướm chán ong chường cho đến thế?

Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm
Bán mình trong bấy nhiêu năm
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai!

Nghĩ đời mà ngán cho đời.

Đến bao giờ lớp trẻ mới được học truyền thống thực sự của ông cha? Và có quyền phản biện để chọn cho mình một cái nhìn hợp thời đại? Nghĩ đời mà chán cho đời!
Gọi là ôn cố tri tân.

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Không có nhận xét nào: