Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Vietnam war

Tuy mới xem đến tập 7 nhưng hắn có thể thấy rằng, cuộc chiến được nói đến trong phim là cuộc chiến của người Mỹ.

Chúng ta cứ hay chạnh lòng khi có chút gì liên quan. Và bắt đầu phán xét.


Im lặng hiểu về người khác một chút cũng tốt mà ...

Nghệ thuật của tự nhiên

Giáo dục chửi tục, chửi tục giáo dục

Có ông bố khoe với bạn cũ tới thăm nhà rằng đứa con nhỏ của mình học giỏi lắm. Vừa lúc đứa con đi học về nên thể hiện ngay:


- Hôm nay ở trường học môn gì?
- Dạ toán ạ.

- Được mấy điểm?
- Dạ 2.

- (Hơi quê độ) Sao lại 2?
- Cô giáo hỏi 2+2= bao nhiêu.

- !!?
- Con trả lời =4.

- Thì đúng rồi còn gì?
- Cô lại hỏi 2x2= bao nhiêu.

- Khác đéo gì!
- Vâng, con cũng trả lời thế, cô cho 2 điểm.


- (Gỡ gạc) Hôm nay học môn gì nữa?
- Dạ thể dục.

- Được mấy điểm?
- Dạ 2.

- (!!!) Sao lại 2?
- Thầy giáo bảo, đầu tiên các em nhấc chân trái lên, rồi nhấc chân phải ...

- Thế thì đứng bằng con củ c@.c à?
- Vâng, con cũng nói thế, bị thầy cho 2 điểm.


- Còn môn gì nữa không?
- Dạ văn, cũng được 2 điểm.

- !!?
- Cô giáo bảo đặt câu có từ "cô giáo", con đặt "Cô giáo là con đĩ" ...



Chả là, sáng liếc báo, thấy giật tít, "Giới trẻ nói tục chửi thề đã đến mức báo động".

Có bạn đọc bình luận, "Tất cả tại nền giáo dục!". Ba, bốn ý kiến khác phản đối, rằng chẳng có thầy cô nào dạy học sinh nói tục cả.

Nói đúng nói đúng. Không ai dạy không ai dạy.

Hà tất còn phải dạy.


Mà, báo động, thời đã sao? Báo cháy, còn chưa sợ, nữa là.



Cũng lại báo, bảo, quan nọ quan kia bị kỷ luật. Hình thức cảnh cáo.

Cảnh cáo sao nhỉ? "Đ.m. coi chừng nghen mầy, lần nữa là tao xin tí huyết" chăng?



Tự dưng, cũng thấy nhạt miệng ...

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Anh V.

Sáng nay hắn dậy sớm đi đưa tiễn anh V. Nhưng không đưa được tới hết con đường. Vì còn phải về đi trực.

Con đường từ nhà anh tới nghĩa trang gia tộc anh, hoá ra, lại khá quen thuộc với hắn. Bởi trên con đường đó hắn đã từng đưa tiễn ba anh, rồi mẹ anh, và nay đến lượt chính anh.


Không ngờ, người đầu tiên rời trạm (nay gọi là đội) ST lại là anh!

Quy mô ST vốn ngày càng phát triển nên đội ngũ cũng được bổ sung khá nhiều. Cũng có những người rời trạm chuyển sang công tác khác, song chẳng mấy xa xôi (vẫn cùng công ty). Tính ra, kể từ những người đầu tiên lên làm việc tại trạm vào năm 1989, cho đến hết tháng 10 năm 2017 này mới có người đầu tiên của trạm về hưu. Những tưởng, đó sẽ là trường hợp đầu tiên rời trạm đi xa hơn một chút.

Vậy mà anh đã ra đi đầu tiên. Đi thật xa.

Hắn là người biết rõ về bệnh tình của anh. Nhưng vẫn bất ngờ. Đúng ca trực trước, sáng thức giấc bấm điện thoại để xem giờ thì thấy tin nhắn (đêm để chế độ không quấy rầy). Tin buồn.

Mới tuần trước còn làm việc với anh qua điện thoại.


Anh về trạm sau hắn. Ngày đó, đã có những mâu thuẫn không nhỏ.

Anh rất tốt tính. Song đuểnh đoảng. Thường hỏng việc.

Hắn cầu toàn trong công việc. Và bốp chát. Nhất là khi còn trẻ.

Thế là va chạm, nhưng rốt cuộc lại vui vẻ nhậu nhẹt cùng nhau.

Có lẽ, bởi về bản chất, hắn chỉ quan tâm công việc, còn anh vẫn là "sếp" của hắn (dù sếp nhỏ thôi). Trong các cuộc nhậu, hắn và anh thuộc loại "nói chuyện riêng" hơi bị nhiều. Chuyện thời sự chính trị trong ngoài nước. Hợp.

Hắn và anh còn nhậu với nhau nhiều hơn thế. Do một số mối quan hệ lằng nhằng ...


Hắn không nhớ chính xác anh bao nhiêu tuổi. Cứ nghĩ mang máng anh sinh năm 1964. Hoá ra 1961. Anh L. nói, tui biết không phải 1964 mà, nhìn dáng người là biết, tuổi Sửu ...

Rốt cuộc, gặp nhau cứ nói chuyện công việc. Từ ngày biết bệnh, anh buồn hẳn. Hắn có hỏi giúp anh việc chữa bệnh. Nhưng ít khi tâm sự xa hơn. Rồi, đột ngột, chẳng còn nói gì được nữa ...

Vĩnh biệt anh, rest in peace!

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

Công dân điện tử

Hắn đã là một công dân điện tử.

Nhận được một tờ rơi hướng dẫn đăng ký công dân điện tử. Nhưng không cần đăng ký nữa. Vì phường đã làm hộ rồi.

Nghĩ, thế cũng tốt. Nếu tự đăng ký thì tránh sao khỏi phải xác nhận lôi thôi (kiểu mày có đúng là cái thằng mà mày tự nhận hay không? hihi).

Buồn cười, nhận được 1 băng giấy (kiểu được dùng kéo cắt ra, 1 dòng từ 1 danh sách in chung). Trên đó là họ tên (hắn), 1 địa chỉ email (lạ hoắc, nhưng dễ đoán ra là người ta tạo ra cho hắn) và 2 chuỗi ký tự (cũng dễ đoán, là 2 mật khẩu - passwords). Nghĩ, người khác có dễ nắm bắt vấn đề như hắn không? Tất nhiên, cũng tại, hắn không đi họp tổ dân phố. Song, chắc cũng chẳng mấy ai thông thạo?

Chả gì thì đó cũng là hắn rồi. Thời phải take control thôi. Đầu tiên, dùng 1 mật khẩu để kiểm tra email đã. Đăng nhập thành công. Đổi mật khẩu, đổi số điện thoại (số cũ chắc của người đăng ký hộ?), bật bảo mật 2 lớp. Vậy là có thêm một email nữa. Tiếp theo, dùng địa chỉ email đó đăng nhập chính quyền điện tử (với mật khẩu kèm theo, dĩ nhiên). Lại thành công. Lại đổi mật khẩu. Xong.

Xem hồ sơ cá nhân. Chẳng có gì nhiều. Thậm chí chưa có ảnh và hình chụp CMND. Hiển nhiên, không có quyền chỉnh sửa. Đáng nói chăng, là một con số. Định danh. Hiện tại chưa thể hiện quyền lực gì. Không biết sau này có thay thế được số CMND và MST hay không? Chưa kể bằng lái xe và các loại bằng khác, thẻ bảo hiểm và các loại thẻ khác, tài khoản ngân hàng và các loại tài khoản khác, ... Đường về nhà hẳn vẫn còn xa lắm!?


Nhớ hôm rồi, nhân dịp Apple ra mắt iPhoneX, có bạn trẻ tỏ ra thông minh (và nguy hiểm hehe), rằng, Nga hay Trung quốc nên cấm iPhone. Chẳng qua vì vụ nhận dạng khuôn mặt. Còn bao nhiêu thứ khác, nào phải đợi đến bây giờ. Mà, đối với thằng dân đen, bị trị bởi thím Cook, gã đầu gấu Putin hay mợ Tập thời có khác gì?

Còn, với dân xứ lúa nước, chưa biết, liệu, một vài thủ tục hành chính, qua đường công dân điện tử, sẽ suôn sẻ hơn chăng?

Chính phủ điện tử, trước mắt vẫn nhờ lê dương gác cổng. Google với lại Yahoo!. Vì, một trong những thành tựu đầu tiên của Internet, bây giờ đang được dùng làm cơ sở cho nhiều thành tựu tiếp theo, là email, thì, xứ vịt, chẳng có dịch vụ nào nên hồn. Mà, đất nước này, có thứ gì nên hồn ...

Chia rẽ

Vietnam war đã chia rẽ nước Mỹ. Đây là lời những người Mỹ trong phim "Vietnam war".

Cuộc chiến đó xảy ra cách xa nước Mỹ gần nửa vòng trái đất.

Nơi đó, con người có bị chia rẽ chăng?

Thu dạ

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nữa rồi


Tự dưng nhớ đến 2 câu của cụ Tản Đà. Có thể hơi sớm. Tiếng trống múa lân đã thì thùng.


Đã sang đầu tháng Tám. Đêm khẽ oi nồng. Bỗng rào lên mưa thật lớn.

Nghe mưa lớn lắm. Lơ mơ nghĩ, máng xối chảy không kịp, nước có thấm vào tường? Rồi cống chảy không kịp, nước có dềnh lên?

Không nhớ, cửa sổ để mở có quá rộng, mưa tạt vào? Nhưng không dậy. Hình như cơn mưa ngắn lắm. Mà hắn chìm vào giấc ngủ còn nhanh hơn.

Hình như, lại hình như, có đến 2 cơn mưa. Đều rất lớn. Đều rất ngắn? Đều khiến hắn lơ mơ thức giấc.


Rồi nhanh chóng chìm lại. Vào giấc ngủ. Nhất dạ thu.

Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

Sinh nhật sếp



Sinh nhật không bánh không nến. Sinh nhật có rượu có bia. Hihi.

Sếp chỉ mời 4 anh em trong công ty, và 4 ông bạn đồng niên.

Và có thể tính thêm một khách không mời mà đến nữa, ấy là đồng chí Fb. Buồn cười, trong khi mấy thằng trẻ (gọi là trẻ vì so với sếp) bia rượu đấu láo, thì mấy ông bạn già đồng niên với sếp (có ông đã hưu, còn lại sang năm hưu) lại loay hoay ... cúng Fb hehe.

Mà phải nói, may nhờ có bác Fb, nên hắn mới không ngạc nhiên khi sếp gọi điện trịnh trọng "anh mời em đi ... nhậu". Làm việc với sếp gần một phần tư thế kỷ, cùng nhậu không biết bao nhiêu lần, hình như cũng nhiều lần nhậu (tình cờ) đúng sinh nhật ai đó. Nhớ mang máng cách đây 10 năm có lần nhậu còn trêu sếp, anh đã đến lúc "tri thiên mệnh".

Nhưng lần này là lần đầu tiên nhậu ... (chủ động) sinh nhật. Mừng sếp bước sang tuổi 60. Tầm này sang năm sếp sẽ hưu.

Hắn và sếp (cố tình) không phải là friends trên Fb. Tình cờ chỉ có đúng 03 mutual friends, chính là 3 ông được sếp mời dự "sinh nhật". Những người trong bức ảnh mới toanh này đều giỏi chuyên môn nhưng lận đận đường ... công danh sự nghiệp (trừ sếp kém chuyên môn nhất và có công danh nhất, song cũng lận đận).

Nói chuyện với một ông bạn của sếp, biệt danh "đại tướng", bạn học với sếp ở học viện kỹ thuật quân sự, từng làm sếp lớn của Viettel, đã về hưu. Ông anh khuyên, vẫn cần phản biện chứ, nhưng phải biết rõ 3 điều: nói cái gì, nói với ai, và quan trọng nữa là nói vào thời điểm nào. Hắn cười lớn, anh khuyên khó quá, những 3 điều sao em nhớ nổi. Thôi thì, em cứ nhớ mỗi một điều, cho dễ, là ... đừng phản biện nữa ... haha ...

Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

Thời sự nghệ sĩ

Cơm áo không đùa với khách thơ.
(XD)


Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao

Sáng trên đường giao ca về, anh lái xe già (còn hai tháng nữa hưu) đọc thơ rồi hỏi hắn: chốn lao xao là chốn nào? như chợ có gọi là chốn lao xao không?

Hắn cười trả lời, chợ có thể ồn ào và bẩn thỉu, nhưng quyết không phải chốn lao xao. Chốn lao xao, ví dụ, như văn phòng công ty mà anh thường đến chẳng hạn ... hihi. Lao xao là chốn triều đình ...


Rồi nghĩ tới chuyện đang lao xao trên mạng. Đã có người bênh kẻ này, chê bai kẻ khác. Lão già nơi núi nọ cười bảo, chuyện bình thường thôi. Hoặc giả không quá bình thường, thì cũng đã quá quen nơi xứ này. Chuyện vợ anh này lên án anh kia, trong khi hình như là anh đó đang cạnh tranh một chức giám đốc nào đó với chồng mình. Chuyện ở xứ mà làm quan là một "nghề" vinh thân phì gia. Chuyện ở xứ quyền lực mù mờ ban phát.

Có tiếc là tiếc ở chỗ, nghệ sĩ cũng không ra ngoài vòng lợi danh này. Biết bao áng thơ văn hay (bây giờ cũng vẫn còn hay), mà nhân cách tác giả thì đã mất từ tám hoánh. Nào phải đợi đến ngày nay mới có chuyện.

Nghĩ, đòi công lao động sáng tạo của mình là đúng. Nhưng có nhất thiết phải ngu ngốc đến mức đòi thu tiền trên đầu tv trong các khách sạn không?


Và chuyện cái đường lưỡi bò mờ mờ trên màn hình báo bão của vtv chắc chắn không phải vô tình. Nói đến vtv thì chẳng mấy nghệ sĩ, nhưng chỉ cần một chuyện họ không bao giờ dám nhắc đến Hồng Kông hay Đài Loan mà không có chữ Trung Quốc kèm theo (sai lầm ở nơi đáng sai lầm hehe) thì, đủ hiểu họ đang diễn trò gì ...

Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Bão

Cơn bão số 10.

Lên ca trực đón bão. Chằng néo cửa ngõ.

Bão chưa thấy đâu mà đỉnh núi đã gió rít ù ù mưa quất ràn rạt.

Nhìn qua camera.0511 thì thành phố vẫn còn bình yên lắm.

Thế mà trưa bác điện lực đã cúp điện 2 giờ đồng hồ, không biết do sự cố mưa bão hay chỉ là biện pháp chuẩn bị phòng chống.


Kế hoạch thay gần 100 con ốc vít bắt ắc quy đã được chuẩn bị sẵn sàng. Mưa gió thế này có nên tiến hành không đây?

Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

Báo cáo

Kết thúc một ca trực. Một ca trực đau đầu như búa bổ. Đã thế còn phải hoàn thành một loạt báo cáo, mà, ví thử đầu không đau, ắt cũng ... đau đầu.

Báo cáo, theo mẫu có sẵn hàng nghìn chữ, viết thêm vài trăm chữ, quá lắm có chừng chục chữ hữu ích.


Ấy mệnh danh thời đại thông tin, ra rả những cách mạng 4.0. Ấy nền hành chính thần thánh vẫn đang trên đường phát triển rực rỡ ...

Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Hoa quỳ quỳ hoa

Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì



Mùa Hạ ngắm ao sen.

Thời tư tưởng lưu manh chưa quá lên ngôi, một vài nhỏ nhoi quý tộc còn sót lại vẫn giữ thói quen cắm một bình hoa sen vào mùa Hạ.

Nhưng rồi dần dần mua sen cũng không đơn giản. Người mua quý tộc nhạt dần, người bán lưu manh đến độ. Những gánh sen vốn đã thưa thớt nay thường thay bởi những quỳ.

Hoa quỳ đâu có xấu (trong phim kia còn có 4 cô gái tên là Xuân Liễu, Hạ Quỳ, Thu Cúc, Đông Mai). Phải chi đừng bị người đem làm giả tá hoa sen.



Sở dĩ tự nhiên nhớ chuyện hoa sen hoa quỳ là vì hôm rồi đọc Tạ Chí Đại Trường. Liên quan tới các nhà nho lại cái, tác giả có nhắc đến cuốn Quỳ hoa bảo điển.

Sách này, nhiều người biết tên (thực ra cũng chỉ biết tên) là nhờ ... nhà văn Kim Dung. Rằng đó là bí kíp võ công thượng thừa. Có điều muốn luyện thì phải dẫn đao tự cung. Luyện càng thâm hậu càng giống đàn bà.

Nhà sử học cho rằng, sự thật có lẽ đó là sách dành cho đàn bà nơi cung cấm. Lấy biểu tượng hoa quỳ, là loại hoa hướng theo mặt trời. Như đàn bà trong cung hướng về vua vậy.



Hoá ra, hoa quỳ chính là hoa hướng dương. Cái tên vẫn còn sót lại nơi hoang dã, có loại hoa dã quỳ.

Bông hoa giống sen nói trên được gọi chính xác là sen quỳ.



Ngày Chúa nhật, học về hoa. (Một thanh niên không biết gì về hoa cho biết).

Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2017

Thưởng(?)

Thiết tưởng, huân huy chương danh hiệu này nọ là những phần thưởng cho các công việc đạt hiệu quả cao. Nghĩa là kết quả tốt, hoặc chí ít, cũng là chi phí thấp.

Cái chết của một con người là chi phí quá cao cho bất cứ công việc gì, dù cho công việc ấy có đạt đến kết quả thành tích cỡ nào đi nữa.


Bởi vậy, thay vì trịch thượng ban thưởng, truy tặng gì đó cho người đã khuất, lẽ ra mỗi một chúng ta phải quỳ xuống, tri ân, và tự phạt mình vì đã ngu dốt và vô tâm góp phần gây nên thảm hoạ.

Những kẻ tư duy ngược (ngạo) kia, làm người còn không xong, bảo sao xã hội không thối nát ...

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

Mệt và mỏi

Hai ngày đầy mệt mỏi.


Sáng qua dậy sớm đi bảo dưỡng. Chuẩn bị ăn sáng mới nhớ ra là đã hết sạch mì gói. Không sao, chuyển sang món khoái khẩu là mì Ý xí dầu. Có điều, lớ ngớ thế nào cầm ngược gói mì, đổ tung toé ra nền nhà. Còn may, mì Ý dễ nhặt.

Cả ngày chạy tới chạy lui hùng hục. Mấy cái máy lạnh bẩn quá, lau thế nào vỡ cả cánh quạt. Bây giờ mà chạy chế độ Fan tốc độ High thì rung lên bần bật.

Chiều cúng rằm tháng Bảy. Tối về nhà cởi hết quần áo ngâm giặt rồi lên giường.


Sáng nay tiếp tục mì Ý xì dầu. Giặt quần áo và đi trực.

Lên ca, đo ắc quy. Mới đo được một nửa thì cây que đo chẳng hiểu chập ở đâu cháy thành lửa ngọn khét lẹt. May mà giật ra kịp nhưng cũng phải kiếm ốc vít vặn lại dây đấu nối ắc quy. Hú hồn.

Lại mất nguyên buổi chế độ lại que đo. Chế xong mới đo tiếp được mấy bình thì lại không đo được nữa. Chưa hiểu tại sao. Tạm thời sạc lại pin đã.

Chờ bớt nắng để ra đo điện trở đất.


Hôm qua cúng thắp hương nghiêm chỉnh mà nhỉ?





Cuối cùng, có vẻ như cũng hoàn thành được nhiệm vụ. Mặc dù, vẫn có vẻ như, chưa hết "vận đen".

Đo điện trở đất thì cọc đã mất hết. Cây cọc thay thế, đóng 2 búa là gãy. Hoá ra bên ngoài chỉ được mạ một lớp đồng mỏng, bên trong hình như là gang, nhìn cứ như độn đất cát.

Chưa hết, dây thì chẳng còn đầu cắm nào. Và máy bật không lên. Hoá ra, đầu nối pin bị lỏng. Pin cũng yếu, bấm đo vài cái là tụt lút.

Ăn tối xong tiếp tục đo ắc quy. Đúng là pin đã gần hỏng, sạc đầy chỉ đo được vài chục bình. Phát hiện ra thêm một lỗi: một dây đo đã từng bị nối, nay lúc tiếp lúc không. Lại phải nối dây.



Xem ra, lần bảo dưỡng này, có quá nhiều điều cần kiến nghị ...

Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

Vội

Báo chí giật tít, dự án sản xuất ô tô này nọ gây chấn động thế giới (?!?).

Không biết cái thế giới bị "chấn động" ấy là thế giới nào, nhưng cứ từ từ hẵng, sao không đợi đến lúc ô tô ra đời rồi hãy chấn động cũng đâu có muộn? Mới chỉ là dự án thôi mà, bình tĩnh chớ manh động.

Ấy chưa kể hai chữ "dự án" bản thân cũng đã bị mang tiếng xấu (ví dụ anh chàng H. nọ hay ba hoa khoác lác ở công ty hắn được gọi là H. "dự án").

Hoặc báo chí tự nhủ, thôi thì cứ thấy "đầu voi" là tranh thủ nổ một phát cho thật kêu, nữa mai mốt "đuôi chuột" thời khó khăn cơ hội.

Hay "đểu"? Bảo xứ này chỉ có tuyên bố là "chấn động" thôi, còn thực làm chưa hề có gì kiến cắn muỗi đốt hết ...

Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

J'avais dessiné sur le sable

Nhớ, có câu chuyện cũ, về một anh chàng, viết, rằng bạn xúc phạm mình, lên cát. Và khắc, rằng bạn đã giúp mình, lên đá.


Chả là, đang nghe các bản nhạc không lời. Đến một bản, nhớ là nhạc Pháp, và trong đầu cứ văng vẳng lời Việt. Ngồi hoạ hình người tình, lên bãi cát vàng.

Thế, chẳng phải số phận ư?!



Sẵn thời đại Google, kiểm tra luôn. Người đặt lời Việt là nhạc sĩ Phạm Duy. Mà ông này, vốn nổi tiếng đặt lời vừa hay vừa sát.

Nhân tiện, tìm nghe bản gốc luôn. Các nghệ sĩ, hữu ý chứ chẳng vô tình ...








Còn blog này, mi là cát, hay là đá?

Cũ mới

Vừa xong mấy ngày làm việc cật lực. Lại những ngày làm việc bận rộn khác đang đến gần. Mới tranh thủ lục lọi chút những phủ bụi nơi ngôi nhà cũ.

Nghiệm ra tại sao hắn dạo này không còn lan man. Vì có lang thang cũng vẫn những ao tù nước đọng muôn đời như cũ. Có chăng chút "tầm cao mới".

Quay về cuối 2009, thấy bóng đá làng Seagames nay thực vẫn chẳng khác gì.

Phì cười gặp lại bộ dục năm ấy với quy định váy nữ sinh ngắn dài. Nay có trường kia cấm nữ giáo viên mặc váy trước mặt học sinh.

Trước thầy nhìn đùi nữ sinh. Nay học sinh nhìn đùi cô giáo. Ha ha đúng là bộ ... dục.


Hôm nay đi trực. Ai cũng bảo lễ. Tết độc lập. Thật ư?

Người và Cá heo

Hay nhỉ? Cái câu chuyện (tưởng tượng) về người và cá heo.

Loài người, làm ra đủ thứ, nào máy bay tàu hoả xe hơi. Trong khi cá heo, suốt đời chỉ biết bơi lội nhởn nhơ nơi biển cả.


Loài người, vì thế, cho rằng mình thông minh hơn cá heo.

Cá heo, cũng chỉ vì thế, cho rằng mình thông minh hơn con người vậy.

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Tranh cãi

Nhân vụ thuốc ung thư giả, hoặc chỉ lậu chứ không giả, hoặc không giả chỉ kém chất lượng, hoặc vân vân và vân vân ...

Chuyện tranh cãi (and / or) chém gió ở xứ này đã chẳng còn là lạ. Đám đông bao giờ chả là đám đông, dân trí bao giờ chả là dân trí. Quan trí thì vừa ngu (chức vụ đâu được chọn theo tài năng) vừa tham (gì cũng đòi quản). Lòng tin đã trở thành thứ xa xỉ.

Giới "elite" thì tỏ ra cao ngạo, chửi mắng đám đông ("Quần chúng nông nổi ơi!"), chê bai người khác. Quanh đi quẩn lại không ra ngoài hai chữ nguỵ biện.

Hoặc cố tỏ ra chuyên môn trung lập, thì lại trung lập chẳng mấy. Kiểu chê bai các gánh hàng rong, nhưng quanh năm không chê, lại đi chê đúng lúc có nhóm lợi ích giành giật vỉa hè. Người xưa dạy qua giàn nho chớ sửa mũ qua ruộng dưa đừng sửa giày là vậy.

Hoặc gay gắt phản bác một ý kiến khác, thì chẳng phải đã tự mình xác định cho mình một phe phái ư?


Haizz, thật giả khó phân, là vậy. Cũng chỉ quậy thêm cho đục mà thôi ...