Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

Tượng

Có câu: cái đẹp nằm trong mắt người ngắm nhìn.

Hiển nhiên, cái sự dung tục cũng không ngoài con mắt người xem vậy.


Không biết, những bức tượng ở khu du lịch nọ được đánh giá đẹp xấu thế nào. Chỉ thấy, người ta cuống cuồng tìm cách che đi những "cái ấy".

Nếu nhìn vào không có gì đáng xem ngoài những thứ cần được che đi thì còn để đấy làm gì? Nhược bằng có chỗ đáng xem, sao cứ mãi nhìn vào "cái ấy"?



Đáng nói hơn, trong khi người người tập trung vào "cái ấy" của mấy bức tượng đá thì ngoài khơi xa kia, tàu chiến nước lạ đang diễu võ dương oai, và dự án khai thác dầu khí của nước nhà đành rút lại. Gọi là báo chí định hướng tốt sao ...

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Haiku

Rảnh xem lại bài thơ cũ.

Bùi Giáng tiên sinh dịch:

Đường xưa bến cũ ếch kêu
Kiền khôn thành tựu gió vào tinh không

Bản tiếng Hán:

古 庭 古 庭 兮
閑 池 靜 水 雨 蛙 動
晶 空 起 一 音


Cổ đình Cổ đình hề
Nhàn trì tĩnh thủy vũ oa động
Tinh không khởi nhất âm

Và bản gốc, tiếng Nhật:

古池や
蛙 とびこむ
水の音


furu ike ya 
kawazu tobikomu
mizu no oto



Bỗng để ý (chỉ) những chữ Kanji (Hán tự) trong bản gốc tiếng Nhật:

古池
とびこむ



Đọc theo âm Hán-Việt:

Cổ trì
Oa
Thuỷ âm

(Ao cũ
Ếch
Tiếng nước)


Hắn từng tự dịch:

Ao
Ếch
Tõm



Hehehe.

Fb

Tạm thời quyết định chưa tham gia #deleteFacebook.

Nhưng cũng thử tham gia #downloadDataFacebook xem sao. Chẳng có gì nhiều.

Cũng thấy lại được vài tương tác thú vị. Vốn vẫn xem Fb là cái chợ. Chốn thị phi nên kiệm lời hihi.

Thành tích

Công ty hắn đang vào mùa thể thao và văn nghệ.

Sân chơi này, vốn xưa kia được gọi là phong trào quần chúng. Nay trở thành việc của chỉ một số ít "quần chúng". Hoạt động nghiệp dư nay thuê chuyên gia bên ngoài về huấn luyện rất "chuyên nghiệp". Và, hiển nhiên, tiêu tốn một chi phí đáng kể của doanh nghiệp vốn có chức năng hoàn toàn khác.

Thực ra mô hình này không mới. Từ ngày có đất nước công nông, nhiều ngành nghề không hề có chuyên nghiệp. Chỉ có công nông đá bóng, công nông múa hát. Nhưng dần đến độ chuyên nghiệp. Chỉ ... không còn là "công" là "nông" nữa. Nay kinh tế thị trường. Chuyên nghiệp đã hình thành. Nhưng sân chơi nghiệp dư thì vẫn càng ngày càng xa rời ... quần chúng.

Quy mô khu vực, Seagames tổ chức ở nước nào là nước đó đem rổ hốt huy chương ...


Trong trường học có môn giáo dục thể chất (aka thể dục). Ví dụ môn bóng rổ, học sinh được cho điểm theo kỹ năng ném rổ. Trong khi các đội bóng rổ chuyên nghiệp thì tìm mỏi mắt mới thấy được một cầu thủ bản địa.


Những chuyện kiểu như vậy, kể cả ngày không hết. Rút cục mục đích có phải là để tìm tòi phát hiện đào tạo bồi dưỡng tài năng hay không? Hay chỉ chuyện quần chúng luyện rèn ... bị biến tướng?



Câu trả lời đã sẵn ở tiêu đề. Giá bỏ đi 2 chữ đó mà thay bằng cao thượng, nhân văn thì thế giới này đã khác ...

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Teh dar

Teh dar có nghĩa là "đi vòng tròn", theo tiếng K'Ho. Và có lẽ nghĩa này khá phù hợp với một sân khấu tròn nhỏ pha nhiều yếu tố xiếc.

Và câu chuyện của người K'Ho, có lẽ cũng khá phù hợp để kể lại bằng hình thức tạo hình. Vũ đạo bốc lửa trong tiếng sáo khèn chiêng trống.


Hiển nhiên cuộc săn voi hoang dã hay buổi hẹn hò lãng mạn trên những tảng đá lớn dưới ánh trăng thì dễ hiểu hơn nhiều so với những quan niệm tâm linh về vòng đời sống chết.


Khán giả xem chủ yếu là người nước ngoài. Yếu tố ngôn ngữ được giảm thiểu. Một vài đoạn có lời hát thì người Việt hẳn cũng không hiểu như "Tây". Tiếng K'Ho. Hihi.

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

Ấn tượng Hội An

Thực sự khá ấn tượng. Mặc dù công viên chủ đề vẫn chưa xây dựng xong. Và nếu không có vé mời mà mua vé thì hẳn giá vé cũng khá ấn tượng hihi.

Nội dung chỉ mới là khoảng 1 tiếng rưỡi biểu diễn, gọi là biểu diễn thực cảnh. Sân khấu ngoài trời rộng như một quảng trường. Và hàng trăm diễn viên (nghe nói 500). Ánh sáng đạo cụ hoành tráng.

Có thể rồi sẽ có người bàn về tính xác thực của các chi tiết thuộc văn hoá, lịch sử. Nhưng hắn thích cách nhìn ấy, về lịch sử một vùng đất.


Bắt đầu từ những con người mở đất. Người Chăm. Rồi người Việt đến. Bằng hôn nhân. Rồi những chuyến đi biển vượt sóng gió. Rồi người nước ngoài đến. Những thương nhân. Âu, Á. Đầy màu sắc. Xuyên suốt là hình tượng dệt vải. Kết thúc với áo dài.

Thành phần văn hoá Việt vốn đậm đặc ngôn từ. Nhưng hầu như không có nghệ thuật tạo hình. Hơn 1 giờ biểu diễn thực cảnh đầy hoạt động ước lệ, tuy nhiên, lại khá đi vào lòng người. Một phần, có lẽ bắt đầu từ (cũng một phần) tiên tổ của vùng đất, mà xưa nay dường như (cố tình) bị quên lãng. Dân tộc Chăm. Dân tộc sở hữu những điệu múa, những đền đài điêu khắc vĩ đại. Và, tiếp nối của vùng đất là sự giao lưu văn hoá xa gần (khác hẳn những luỹ tre làng khép kín ở bắc bộ).



Hắn sẽ không nói nhiều. Khi bản thân cũng không có nghiên cứu tìm hiểu được gì nhiều. Nhưng có lẽ đó là một cảm nhận đầy cảm xúc. Về một lát cắt lịch sử. Tạo hình mà không giả tạo vay mượn như những chỉ tay quay quay thường thấy. Và, đặc biệt nhất, lịch sử, mà không có bóng dáng các cuộc chiến, hehe.

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Một ngày như mọi ngày

Hôm nay tại trạm người ta chỉnh lại vệ tinh. Vốn các đường truyền vệ tinh đều được dự phòng (hoặc chỉ là dự phòng) bởi các đường truyền cáp quang. Vì vậy, việc tắt máy một thời gian để chỉnh không phải là vấn đề.

Vấn đề là (và buồn cười là), từ mấy ngày trước người ta đã đem một cái chảo to đùng lên lắp đặt giữa sân. Cùng những cột trụ và dây cáp lỉnh kỉnh. Giải thích rằng để sử dụng tạm. Việc chỉnh phức tạp đến thế ư?

Hiển nhiên hôm nay không cần sử dụng đến mấy thứ đó. Hẳn là trí tuệ lãnh đạo quá sáng suốt? Hoặc giả vờ sáng suốt, chẳng gì cũng chi một mớ tiền chứ có ít đâu? Ở một công ty nhà nước còn được giữ lại trong cơ chế xin-cho như công ty hắn, thì, chẳng lạ.


Vì việc này mà hắn phải giao ca sớm. Điện thoại báo thức lúc 5h. Ngoài trời còn tối. Trong nhà cũng tối. Điện đã bị cắt từ hồi nào. Chắc có lịch cắt điện. Chuyện bình thường ở xứ thiên đường. Cũng may, tối qua hắn không dùng hết điện mặt trời.

Nhưng không đủ sáng để đọc sách buổi sáng. Dùng đỡ điện thoại với 3G. Thấy hàng đầu là vụ cháy trong đêm ở SG.

Chung cư cao cấp. Không hiểu hệ thống thoát hiểm thế nào? Và báo chí còn làm như tính mạng bà bí thư kiêm chủ tịch phường thì cao hơn tính mạng dân đen vậy.

Chẳng rõ người dân có biết kỹ năng thoát nạn hay không nữa? Lại cũng chuyện thường ở xứ thiên đường. Nơi người ta hồn nhiên vô tình lẫn cố tình hại chết đồng bào đồng loại.

Một bài báo đưa tin một công ty taxi bị phá sản vì Uber và Grab. Thông tin thì ít ỏi. Lời buộc tội thì chụp mũ. Cũng vẫn chuyện thường ngày ở xứ thiên đường.


Hiển nhiên, cuộc chiến giữa nền kinh tế chia sẻ và nhà nước (không chỉ một nhà nước) là một cuộc chiến có thực, dù không hề được công bố.

Quy gia

Trĩ tử khiên y vấn
Quy gia hà thái trì?
Cộng thuỳ tranh tuế nguyệt
Doanh đắc mấn biên ti.


Sent from my iPhone

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

BFF

Hiển nhiên, hắn chẳng gõ mấy chữ cái ngu ngốc này (hoặc có lẽ không nên nói ngu ngốc, mà chỉ là đùa cợt) vào đâu cả, dù thấy cả mớ lời mời. Xanh hay đen cũng mặc. Hihi.

Nhưng Fb thì hiển nhiên đang có vấn đề. Và Mark đã xin lỗi. Đã có sai lầm.

Dường như người dân xứ lúa nước vẫn còn quá xa lạ với những thông tin cá nhân của chính bản thân mỗi người. Có lẽ, hắn, cũng chỉ là một gã "lúa", không quan tâm mấy đến những gì kẻ khác có thể lợi dụng từ hắn. Nhẽ, cũng không có mấy giá trị để bị lợi dụng. Chưa kể, càng tốt, nếu có thống kê nào đó có tính đến quan điểm sống của chính hắn, hehe.


Song, cũng có thể, các dữ liệu bị lộ của người dùng còn chút gì nhiều hơn thế chăng?

Gần đây, cũng đôi lần, hắn nhận được tin nhắn, thông báo code đăng nhập Fb. Theo lý lẽ thông thường, điều đó có nghĩa là có ai đó đang cố đăng nhập vào account của hắn. Thậm chí, đã vượt qua được bước bảo mật đầu tiên, mật khẩu. May mắn là, người ta đã nghĩ ra bảo mật hai lớp. Nhờ đó, hắn không bị mạo danh.

Suy nghĩ một chút. Mật khẩu của hắn thuộc loại không dễ gì bị đoán (loại strong). Xác suất rất cao, là bị lộ qua một đường nào đó. Hoặc như ngày nay, rất dễ bị đi qua từ một app của bên thứ ba.


Trưa nay thì, ngoài tin nhắn, còn có một cú điện thoại từ Palo Alto, CA, US (+1 (650) 285-1001), với một giọng máy nhắc đi nhắc lại code đăng nhập trong 18 giây. Cẩn thận, hắn kiểm tra số điện thoại này trên mạng. Hoá ra những năm gần đây (2015, 16, 17), nhiều người Mỹ đã nhận được những cú điện thoại được mô tả lại y chang, từ đúng số này. Điều họ thắc mắc là cú gọi nói một thứ tiếng nước ngoài nào đó. Giống thắc mắc của hắn, cú gọi cho hắn từ US nhưng nói tiếng Việt.

Dù sao, có vẻ như đó đúng là Fb. Và, không loại trừ, kẻ xâm nhập ở đâu đó trong đất nước của bạn.


Hắn đổi mật khẩu Fb, logout ra khỏi mọi app và mọi devices. Có một vài thiết bị có tên là lạ trong danh sách đăng nhập, ở những địa điểm xa xôi (trong nước). Có điều cũng vẫn là iPhone và Mac (Safari) như của hắn? Không sao, nếu cần sẽ cẩn thận login lại. Xứ thiên đường quản lý IP vẫn xảy ra những chuyện như vậy ...


Phức tạp, nhưng không rút ra được gì nhiều. Mong sao, Fb vẫn là Best Friend Forever hihi.

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Bi kịch

Có nhiều người tin một vài điều là đúng đắn. Và họ thực hiện cho được, bằng bất cứ giá nào. Vấn đề chính là cái giá phải trả, khiến cho những điều đó, giả sử có là đúng đắn đi chăng nữa, cũng trở thành không còn đúng đắn nữa.

Lại có những người, luôn giữ những điều đúng đắn, rốt cuộc không thực hiện được việc gì, bao gồm cả những việc đúng đắn.


Tóm lại chỉ có những kẻ xấu là luôn thành công. Hoặc chúng thực hiện các việc xấu mà không cần bất cứ mục đích nào. Hoặc chúng đạt các mục đích xấu mà không cần băn khoăn cách làm, xấu càng tốt, mà tốt càng dễ lừa.

Chẳng có con đường nhung lụa để đạt các mục đích tốt bằng những việc làm đúng đắn. Cái xấu luôn thắng. Hihi.

Hoàng đế và nô lệ

Nước Tàu có Hoàng đế (mới). Nước Nga có Sa hoàng (cũng mới).

Đó là những đất nước rộng lớn, những dân tộc vĩ đại. Chỉ tiếc đất rộng người đông mà sao nhân tài ... cũng chỉ như lá mùa thu. Nhưng cũng có thể người ta cần có những bạo chúa để thực hiện giấc mơ bá chủ Đại Hán Đại Nga.

Lạ là có những nước nhỏ, những con mồi tiềm năng cho giấc mơ đại bá kia, lại vui mừng như thể mình đã là ... nô lệ của những ông chủ Hán Nga kia rồi ... Hay cao nhân kiến viễn biết rằng độc tài sẽ là bước đường cùng của các đế chế?

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2018

Hương

Xuân của hắn dường năm nay đến muộn.

Khi bông ly cuối cùng sắp sửa tàn hết thì tối về thiết mộc lan mới nồng nàn ...

Đã đầu tháng Hai.



Bonus thêm hoa xoài đang đậu trái:



Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018

Chết

Người VN có truyền thống (mà có vẻ chính xác là truyền thống thật?!) thường nói tốt về người ... đã chết.

Có điều, đôi khi cứ nói tốt quá, hoá ... mặc cảm tự ti.


Vả, toàn tốt thế, thì, lũ dòi bọ ở đâu mà ra? Nay đang nhung nhúc trong di sản của người chết?

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2018

Tiễn bạn


Đọc một bài của Vi Ứng Vật, không thấy hay lắm, nhưng chẳng hiểu sao cứ vơ vơ vẩn vẩn trong đầu:

Viễn thính giang thượng địch
Lâm trường nhất tống quân
Hoàn sầu độc túc dạ
Cánh hướng quận trai văn.



Hay tại ông này nổi tiếng thanh cao (thường đốt hương ngồi một mình)?

Thôi thì, cứ viết lại vào đây:

Xa nghe tiếng sáo trên sông
Chén này kính bác một lần nữa thôi
Mai ngày bóng chiếc đơn côi
Sáo kia có vọng cũng nơi trai phòng ...

Stephen Hawking

Mới cách đây mấy ngày, đọc câu: Có những người chỉ sống thôi đã là một sự can đảm, hắn nghĩ đến một số người, nhưng đã không nhớ tới ông.

Thực sự thì hắn đã không nghĩ về ông như một người can đảm. Có lẽ hắn từng nghĩ về ông như một người bất hạnh. Ít ra, đó là một sự bất hạnh cho thế giới này.


Điều hắn nhớ về ông là một thiên tài.

Hắn nhớ những lần tranh luận bổ ích với chú về Lược sử thời gian. Hắn nhớ tới sự giãn nở của vũ trụ. Hắn nhớ tới những lực hút khủng khiếp thu nhỏ các hành tinh không đủ khối lượng. Những lực hút hút cả ánh sáng, khiến ánh sáng ở xa thì bị bẻ cong, gần thì bị hút vào khiến chúng ta chỉ nhìn thấy lỗ đen hun hút. Dường như ông còn mạnh hơn những kẻ khổng lồ dám giam giữ vị thần ánh sáng ...


R.I.P.

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

Vài chuyện linh tinh

Bạn vào lớp hắn, lớp chuyên toán của tỉnh BTT, năm lớp 10.

Lớp sĩ số ít, chia làm 2 dãy bàn, mỗi dãy 1 tổ. Nữ trong lớp càng ít, được bố trí ngồi ở các bàn đầu. Bạn vào tổ hắn, các cậu trai ngồi các bàn sau tinh nghịch bầu bạn làm tổ trưởng. Không ngờ bạn tỏ ra là một tổ trưởng khá rắn, khiến vài cậu hơi hối hận.

Nhưng không lâu. Hôm đó hắn, lớp phó phụ trách học tập, đi mượn sách giáo khoa cho cả lớp. Thấy số lượng các cô thủ thư phát cho lớp hắn thiếu 2 bộ. May là từ lớp 9, lớp hắn vốn đi lao động trong thư viện nên thân với các cô thủ thư. Cộng thêm hắn là con mọt sách nên thường xuyên đến giúp các cô sắp xếp sách, lại càng thân thiết hơn. Vì vậy được các cô nói nhỏ, rằng trong lớp hắn có 2 bạn sẽ bị chuyển ra khỏi lớp chuyên toán. Lý do bởi lý lịch. Trong đó có bạn.


Sau này, bạn cũng học đại học kinh tế, rồi thành giảng viên, hình như cũng phó giáo sư tiến sĩ gì đó. Trong khi nhiều bạn khác vốn con nhà cán bộ nòi thì nay lại sinh sống định cư ở nước ngoài. Hiển nhiên hắn không có ý phân biệt, nhưng đó thực sự là điều trái khoáy với những tư tưởng giáo dục mà hắn từng thụ hưởng.

Cũng hiển nhiên, hắn mừng thấy bạn không hề có tư tưởng oán trách những gì người ta làm với bạn trong quá khứ.

Song hôm nay hắn cứ thấy gờn gợn. Khi thấy tranh luận của bạn về việc làm con đường gỗ lim ở Huế.

Bạn bảo: mọi việc đã có chính quyền lo.


Haiz.

Can đảm

Tình cờ đọc thấy một câu đã cũ: Có những người chỉ sống thôi đã là một sự can đảm.

Hắn, nghĩ rằng, quả là có những người như vậy. Và, hắn thán phục những người như vậy.


Còn hắn, chỉ sống thôi đã là một sự kiên nhẫn hehe ...

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

Giáo quỳ

Thời các anh chị họ của hắn thi đại học, cuối những năm 60 của thế kỷ trước ở miền bắc VN, những người đạt điểm kém nhất được đẩy vào ngành ... sư phạm. Chuyện này hắn kể đã nhiều lần.

Thành danh: "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm".

Trong khi đó ở miền nam, thi đỗ vào sư phạm được ưu tiên không phải đi lính, và được hưởng học bổng còn cao hơn viên chức đi làm (đủ nuôi sống cả gia đình).


Tới thời của hắn, không còn hai miền nam bắc, ví dụ thi khối A vào bách khoa là đề A1 thì vào sư phạm chỉ là đề A2, dễ hơm một bậc. Chính các thầy cô giáo cũng phải khuyên: em nào học lực yếu nên thi ... sư phạm, cho dễ đỗ ...

Ấy là thời sư phạm "ăn như sư, ở như phạm".



Nay, người người tức giận với một gã "phụ huynh" bắt cô giáo quỳ, chẳng phải muộn màng lắm sao?

Một cô giáo quỳ có là gì, trong một ngành liệu đã bao giờ đứng thẳng?

Nghề "thanh cao" có "tư lệnh" ngành nói ngọng đạo văn hám danh đang trốn dư luận.


Ngày ấy, thầy cô giáo của hắn đã rất mừng khi nghe hắn định thi vào sư phạm. Hoá ra chỉ là trò đùa tai quái của lũ bạn.

Coi thường giáo dục, trong đó có hắn.

Và còn bao kẻ người đời chưa dám chỉ tên ...

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

Không tình cảm

Báo chí, viết (chắc nhân dịp 8/3): "Lần cuối bạn ôm mẹ bạn là khi nào?".

Hắn, nhớ, dễ dàng: chưa bao giờ. Mà, theo những gì hắn nhớ được, mẹ hắn cũng chưa bao giờ ôm hắn.

Không biết, có ai nói mẹ hắn là người không tình cảm hay chưa. Còn, nói hắn như vậy thì đã nhiều người. Và, cũng đã nhiều lần đến tai hắn. Nhưng, thì sao?


Ba hắn cũng từng nói hắn như vậy.

Ba hắn là người tình cảm. Hắn nhớ lúc còn bé sống xa ba mẹ, năm nào ba hắn cũng ra thăm. Ông thường nắm tay hắn dắt đi khắp nơi. Nhiều khi hắn phải chạy gằn cho kịp sải chân dài của ba. Ông cao gần 1m80 và giỏi đi bộ. Hắn thừa hưởng được điều này. Đi bộ giỏi và thích đi bộ.

Nhưng hắn không ôm ai. Và cũng không bao giờ nói những lời dễ nghe ...

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Phụ huynh

Không nói chuyện Sư.

Chẳng bàn chuyện Đạo.

Chỉ thắc mắc: sau khi bắt Sư quỳ gối xin lỗi vì lỗi Đạo, các bậc Phụ huynh ấy có tiếp tục cho Con em mình theo học trường ấy nữa không?

Văn

Bạn, sau bao nhiêu năm dạy văn (đã gần tuổi về hưu), mà là dạy chuyên văn, ở trường chuyên của một tỉnh, share một bài báo, nội dung thực ra cũng nhàn nhạt, bởi vì toàn bộ ý định nói đã nằm hết trong tiêu đề: "Sự khốn cùng của một ngành học".

Hắn, cảm giác đầu tiên, nghĩ trong đầu, giờ mới nhận ra ư?

Tác giả bài báo, một nhà văn, một nhà giáo, có lẽ còn lớn tuổi hơn. Và có lẽ không phải bây giờ mới nhận ra, mà là bây giờ mới viết ra.


Bắt đầu từ lời nói thẳng của bậc học trò - con cháu: học văn chỉ để viết đơn cho đúng.


Bởi vì, người ta cũng chỉ cho phép làm mỗi một việc là viết đơn xin. Có Văn không, khi mà đến cảm nhận một tác phẩm văn học cũng đã có mẫu?




Xưa nói: văn là người ...

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

Việc

Xã hội Việt dường như luôn trăn trở. Học gì để có thể tìm được việc làm?


Lão già lười nơi núi kia thốt nhiên thủng thẳng mà rằng: việc ấy, vốn tự đâu ra, để mà tìm?


Ôi, giấc mơ Việt ...

Xấu

Tự thấy mình buồn cười, khi xem The Shape of Water mà cứ nghĩ về Chí Phèo và Thị Nở.

Nam Cao hoàn toàn có thể xây dựng các nhân vật của mình thật đẹp đẽ. Nhưng có phải chủ ý của ông không, như người ta thường nói, cái xấu sống lâu ...?!

Và, các nhà làm phim Mỹ có định nói những điều như nhà văn VN không? Cũng Bá Kiến, trong đè nén Chí Phèo, ngoài đối đầu Đội Tảo?


Cái kết của Mỹ cổ tích hơn. Ít bi thảm hơn. Hay, bi thảm, người ta không đo mức độ?

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

Gáy



Có câu: sờ gáy mình.

Gáy, không phải là quá khó sờ.


Chỉ là, người ta không sờ mà thôi ...

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

An

Sáng đọc báo thấy nói phía Bắc có hàng chục ngàn người chen chúc trong một đại lễ cầu an. Lại có người nói phải đi lễ vì ở nhà thì không an (tâm).

An, tự nó vốn ở trong tâm, nào phải vật ngoại thân, "cầu" mà được ư? Cầu nhiều, hay tại lòng người đầy những bất an?



Phương Nam, có người nhạc sĩ tài hoa ra đi sau một cuộc đời trầm lặng.

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi ...