Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Một ngày bận rộn những hữu ích. Nhưng không nhiều hy vọng, bởi vẫn lối "nói xong để đó". Hẳn rằng sông tiếp tục trôi.


- Posted using BlogPress from my iPad

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Công việc vẫn thật tệ. Dù bên ngoài trông không có vẻ như thế. Thiếu ít ra là hai yếu tố quá cơ bản: plan và report!


- Posted using BlogPress from my iPad

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Hôm qua viết mấy chữ rồi post mãi không được. Giờ lại thử mấy chữ xem sao, trong khi nghe audio Tiếu ngạo giang hồ. Trước lúc đi trực, chỉ lướt qua được một chút hệ thống camera giám sát với access control và chấm công, nói chuyện một chút với Hội mới về. Hôm nay cả ngày chẳng tích sự gì, cài Pdf Cube mấy lần không xong đành dọn dẹp laptop. Email cho thầy Hải. Hết ngày, ngủ thôi.


- Posted using BlogPress from my iPad

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Hôm nay lại đọc chương trình PLC của nhóm Sơn, phiên bản đầu tiên. Dự án Phước Sơn, Rockwell CompactLogix, RSLogix5000. Bàn về chuẩn bản vẽ thiết kế và lắp ráp tủ điện.


- Posted using BlogPress from my iPad

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

Nhật ký

Ở đây, ngày này tháng này năm nay

Cả ngày nay uể oải toàn thân. Tại trận nhậu tối qua. Mà đó là mình còn hầu như không uống.
Đi với đại diện Rockwell VN. Tăng một 4U, tăng hai 17.
For You thì mình đến đã nhiều lần. Hội kia uống rượu, một chai John vàng. Mình uống bia. Lâu nay mình không uống được rượu nữa. Chút xíu là đã muốn ốm.
Roland hỏi có thấy khác biệt giữa John vàng với xanh hay đen, đỏ không? Câu trả lời là thấy như nhau. Roland cười, nói khác ở mặt người uống, cứ vênh lên trời. Hihi.
Seventeen thì mình mới ghé lần thứ hai. Thực ra lần trước vào rồi ra ngay tại đến quá sớm. Hôm qua đã 9h nhưng vẫn sớm. Tiếp tục John với soda. Mình miễn cưỡng cầm một ly. Các em phục vụ mặt rất teen, sơ mi ca rô với short jean và giày cao cổ, đoán là phong cách cao bồi.
Đến sớm, về sớm. H đã chết như một con mực.
Một lần nữa gặp câu "oan gia đụng nhau ngõ hẹp".
Tất niên năm ngoái, Vietech và Novas đã thuê chung nhà hàng cùng ngày cùng giờ (khác tầng).
Năm nay, sau bao nhiêu năm làm với Siemens, do nhiều thái độ không tốt, mình quyết định quay sang R. Lúc nhậu mình có nghe đúng ngày S tổ chức hội nghị gì đó ngay tại ĐN. Vừa ra khỏi cửa 17 thì đụng nguyên băng S đi vào. Mà toàn người quen, Phương, Hiếu, Cường, ... Vui thôi. Không khỏi nhớ đến những tháng ngày cùng vui vẻ.

Sáng nay cưỡi taxi đi làm vì hôm qua để xe lại cty. Việc hàng đống mà người thì nhừ tử.
Chiều chả buồn ăn. Về nhà mì gói vậy. Gặp chị bán chuối đầu kiệt, chọn mua một nải những quả nhỏ. 5 000. Hôm nay gặp tại hiếm khi mình về sớm như vậy, chỉ mới nhọ mặt người.
Không hiểu thế nào mà bỗng dưng lại được nghe tâm sự. Con đi học về à? Ráng học nghe con. Để có nghề có nghiệp sau này đỡ khổ. Dì ngày xưa bỏ học sớm, rồi lấy chồng, có con. Nay buôn bán kiếm sống khổ lắm. Bán ế phải đem về. Mưa gió không bán được. Chớ có nghề thì ngày mô cũng làm được. Hai đứa con dì học giỏi lắm. Một đứa năm thứ 3 đại học, một đứa lớp 8. ...
Mình đứng nghe cho đến khi, thôi con về đi kẻo trễ.
Về phải lấy cái gương soi thử. Chị kia trông lam lũ chứ không quá già. Mà mình thì râu ria mấy ngày chưa cạo. Cả râu lẫn tóc đã muối tiêu, ngày càng bớt tiêu thêm muối.
Hôm qua, Roland cũng ngạc nhiên khi nghe mình nói mình làm cho V 10 năm, hỏi mình bao nhiêu tuổi. Bảo đoán hắn nói chắc 30, 31. Mình cười, nhiều hơn thế 10 năm.

Tối đọc chút ít. Thấy nhiều ý buồn cười quanh cái gọi là hoa hậu VN. Cuối tuần vừa rồi mình trực. Úp mặt xuống gối ngủ từ 8h tối. Ca trực 5 người thì 3 chú trẻ kia cũng lên giường. Mỗi sư huynh xem tv. Mình nghe gọi dậy xem hoa hậu kìa nhưng chẳng buồn nhúc nhích.
Tối nay đọc thấy nhiều người bức xúc với hoa hậu "1000 năm". Đúng như mình đã nghe đoán từ trước, sẽ có hoa hậu cùng vô địch cái gọi là bóng đá nhãn hiệu 1000 năm.
Rằng hoa hậu híp, sún, dài chứ không cao, óc bã đậu (giáo dục giáo điều, ...), ti nhỏ, khoác bao tải (trang phục dạ hội), mũi nhòm mồm, lỗ mũi nhét vừa củ hành tây, ... Rồi còn có quen biết với trưởng ban bánh khảo, ...
Hihihuhu.

Cũng chẳng buồn lục báo xem ảnh tân hậu.

Đi ngủ.

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2010

Vẹt đỏ

紅鸚鵡

安南遠進紅鸚鵡
色似桃花語似人
文章辯慧皆如此
籠檻何年出得身

Phiên âm: HỒNG ANH VŨ

An Nam viễn tiến hồng anh vũ

Sắc tự đào hoa, ngữ tự nhân.
Văn chương biện tuệ giai như thử,
Lung giám hà niên xuất đắc thân!

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2010

Inception

*

Ai đời, lại đi buồn khi thấy bạn mình vui!

Chính xác ra là, cũng đã lâu rồi, từng thoáng không vui khi thấy vẻ thỏa mãn của bạn. Đời như thế, chẳng tự hỏi ư?
Rồi bạn gặp khó khăn, sớm than câu bất mãn.
Giờ đã qua. Thấy bạn còn duyên dáng hơn xưa.
Nhân nói chuyện du lịch, bạn kể những vụ bị lừa đảo đến đắng người. Mình tán đồng, nói ra nhiều người tự ái chứ du lịch trên dải chữ S này ngại lắm lắm.
Suýt nữa thì buột miệng hỏi: Chứ trên bục giảng bạn có lừa học sinh của mình không?

Than ôi, nào mình có hơn gì. Kẻ nhớn tại tham vọng, người bé bảo mưu sinh, bần cùng kêu sống chết. Ta gian dối vì gì?
Nghĩ, đời nay thế là xong, chẳng vướng bận. Thực do hèn quá. Nên không dám chết sớm một tý. Để chút tốt đẹp nào đó được lâu hơn.


**

Mới xem Inception.

Đồn rằng phim được nhất trong năm. Có lẽ nhất là ý tưởng. Những người sống bằng cách len lỏi trong các giấc mơ. Đến độ không phân nổi đâu mơ đâu thực.
Thực ra không mấy mới. Nhiều ngàn năm trước, Trang tử mơ hóa bướm bay lượn. Tỉnh giấc băn khoăn mình là Chu vừa mơ hóa bướm hay mình là bướm đang mơ hóa ra Chu?
Người người xem phim xong tranh cãi đâu thực đâu mơ. Nói rằng chết trong mơ là tỉnh dậy thực. Vậy nàng Mal chết thực hay chỉ tỉnh giấc mơ dài?

Hay chúng ta cũng chỉ đang trong giấc mơ cuộc đời biết khi nào mới tỉnh?
Phải chăng những người giã biệt chúng ta là những người sớm tỉnh giấc để bước vào đời thực?

Quyến luyến sao những giấc mơ.
Khác chăng cách tỉnh giấc, để không tiếp tục ám ảnh ngoài kia đời thực với giấc mơ qua.

Đến đây chợt ta dễ theo các giáo phái nọ kia quá?
Mà những Bin Laden, Hitler cùng Stalin cũng chỉ thường thôi.


***

Chiều đạp xe ngang Thúy, nhớ ra đã đến mùa Vu lan ...

Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2010

Nói không

Bắt đầu từ chỗ đọc một bài viết dễ thương trong trang của nhà thơ TN.

Nhà thơ kể chuyện đọc thơ cho đồng hội phật tử nghe. Rằng vốn rất ngại vì tự nhận "yếu không dám ra gió". Nhưng lỡ không chối từ được thỉnh cầu của thầy.

Rằng "nói không với cái xấu còn khó trần ai nữa là cái tốt".

Nghĩ bụng, nói không với cái xấu e khó hơn từ chối cái tốt chơ.

Nghiệm ra rằng, nói không ở đời là khó lắm, khó lắm.

Chứ cứ như kẻ cơ hội kia gì cũng lẻo mép đòi nói không ...

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2010

Chép Sử

Lúc bấy giờ nhà Tống nghe tin Tiên-hoàng đã mất, tự-quân còn dại, muốn thừa thế sang lấy nước ta, mới hội đại binh ở gần biên-giới.
Bên ta được tin quân Tàu sắp sang, Lê Hoàn sai Phạm cự Lượng làm đại-tướng đem binh đi chống giữ. Trước khi khởi hành, Phạm cự Lượng họp cả quân-sĩ lại ở trong điện, rồi nói rằng: "Bây giờ quân nghịch sắp vào cõi, mà vua thì còn bé, lấy ai mà thưởng phạt cho chúng mình. Dẫu chúng mình có hết sức lập được chút công nào, thì rồi ai biết cho? Chi bằng nay ta tôn Thập-đạo tướng-quân lên làm vua rồi ra đánh thì hơn"26.
Quân-sĩ nghe nói đều hô vạn-tuế. Thái-hậu thấy quân-sĩ thuận cả, mới sai lấy áo long-cổn mặc vào cho Lê Hoàn.
Lê Hoàn lên làm vua, giáng Đinh Tuệ xuống làm Vệ-vương, sử gọi là Phế-đế.

(Chép lại từ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim)

Ở chú thích số 26, cụ Lệ Thần bàn: Xem sử Tàu, nhà Tống lấy ngôi nhà Hậu-Chu cũng giống như bên ta nhà Tiền-Lê lấy ngôi nhà Đinh. Nhà làm sử có chép lẫn nhau không?


Mình ăn theo nói leo, cũng nuận: Muốn giấu gì đây nên copy đâu đó về paste đè lên sử đấy thôi.


Bonus chuyện chép sử xứ người:

Bấy giờ vua nước Cử là Lê Tị hãy còn ở nước Tề. Thôi Trữ và Khánh Phong phụng Tề Cảnh công hội thề với Lê Tị công. Lê Tị công trở về nước Cử. Thôi Trữ sai Đường Vô Cữu đem thi thể bọn Châu Xước và Tề Trang công cùng chôn ở Bắc Quách, giảm bớt nghi lễ, không cho giáp binh đi hộ tang, nói rằng sợ lại loạn ở dưới âm phủ!

Thôi Trữ truyền cho quan thái sử Bá vào chép sử là Tề Trang công bị bệnh sốt rét mà chết. Quan thái sử Bá không nghe, chép vào thẻ rằng:


- "Ngày Ất Hợi, tháng Năm, mùa Hạ, Thôi Trữ giết vua là Quang".


Thôi Trữ nổi giận, giết thái sử Bá. Thái sử Bá có ba người em là Trọng, Thúc, Quí . Trọng lại chép như trước. Thôi Trữ lại giết đi. Thúc cũng chép thế. Thôi Trữ lại giết. Quí lại chép như vậy. Thôi Trữ cầm lấy cái thẻ mà bảo Quí rằng:


- Ba anh mày đều chết cả, còn mày không sợ chết à? Nếu mày chịu chép khác đi thì ta tha chết cho.


Quí nói:


- Chép đúng sự thực là chức phận của người làm sử, nếu trái chức phận mà sống thì chẳng thà chết còn hơn! Ngày xưa Triệu Xuyên giết Tấn Linh công, quan thái sử là Đổng Hổ cho rằng Triệu Thuẫn là chính khanh mà không biết trị tội qân giặc, bèn chép rằng: "Triệu Thuẫn giết vua là Di Cao" thế mà Triệu Thuẫn không lấy làm quái. Thế thì biết chức phận của người làm sử không thể bỏ được! Nếu tôi không chép, trong thiên hạ tất cũng có người khác chép! Tôi không chép cũng không có thể che được sự xấu của quan tướng quốc, mà lại để cho thức giả chê cười, nên tôi liều chết mà chép, xin tướng quốc cứ tuỳ ý định đoạt!


Thôi Trữ thở dài mà nói rằng:


- Ta sợ nước nhà nghiêng đổ, bất đắc dĩ mà phải làm việc này! Nhà ngươi dẫu chép thẳng, thiên hạ cũng xét tấm lòng cho ta!


Nói xong, liền ném cái thẻ đưa trả Quí . Quí cầm cái thẻ đi ra, sắp đến cửa sử quán, lại gặp Nam Sử Thị, Quí hỏi đi đâu, Nam Sử Thị nói:


- Ta nghe nói anh em nhà ngươi đều chết cả, sợ bỏ mất cái việc ngày Ất Hợi, tháng Năm, mùa Hạ mới rồi, vậy nên ta cầm thẻ đến để chép.


Quí đưa cái thẻ của mình chép cho Nam Sử Thị xem. Nam Sử Thị mới cáo từ mà về.


Thôi Trữ lấy việc thái sử Quí chép thẻ làm xấy hổ, mới đổ tội cho Giả Thụ mà giết đi.

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010

Nhìn ra cửa sổ

Một ô cửa sổ bé tí. Bịt kính kín mít.
Ngoài kia mênh mang những mây. Lồng lộng những gió.
Cửa sổ một chiếc ATR72.
Trong chuyến đi đến một vùng đất nam nhất mà mình từng đi.
Cho đến lúc ấy, mình chưa từng đến một nơi nào nam hơn Sài Gòn.

Nói như nhiều người VN đương đại hay nói: tranh thủ ngắm hoang sơ trước khi nó bị thương mại hóa. Thời buổi. Gì cũng phải đua.
Có vẻ mình không kịp. Bụi xây dựng cùng xe cơ giới đã chiếm lĩnh không gian.
Chỉ còn tiếc nuối dán mắt qua cửa sổ máy bay. Một vùng biển trời mênh mang hào sảng.

Có lẽ miền Tây mới thật sự có những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Và kênh rạch thẳng tít tắp.
Khác với miền Trung thân thuộc của mình. Những đồng ruộng nhăm nhỏ bởi những sông cùng núi vươn ra biển.

Bỗng nghi ngờ cả câu thơ "Từ thuở mang gươm đi mở cõi ...".
Có thật "ngàn năm thương nhớ ..."? Nơi ngàn năm tụ những "bó thân về với triều đình".

Cái hào sảng, cái rộng rãi kia phải góp về cho xứ ấy loay hoay kỷ niệm ngàn năm ...

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

Lòng vòng

Đầu tiên là chính mình.
Lòng vòng đạp xe trên phố.

Thấy một vật chạy lòng vòng trên hè phố. Đúng hơn là trên một miếng các tông không lớn lắm. Quanh một cái chai nhựa. Cũng là một chiếc xe đạp.
Đã lâu, hình ảnh những người bán hàng rong trên phố không còn lạ lẫm. Có những người bán đồ chơi. Không xem, không mua cũng biết hàng lạ.
Chiếc xe đạp nhựa khá đẹp. Chắc chạy bằng pin. Bị buộc một vòng dây lên cổ chai nên cứ thế lòng vòng, lòng vòng.

Bên cạnh còn có một đồng chí xe tăng. Chắc cũng chạy bằng pin. Rất hăng hái hùng hổ lăn lộn trong một cái nắp hộp cũng bằng các tông, đặt ngửa.
Cứ lao lên mép nắp, lật ngửa rồi lại tự lật sấp, tiếp tục xung phong về hướng khác. Vẫn không quá nắp hộp. Như một con cua trong nồi.

Hồi mình còn ở độ tuổi chưa đi học, được đi xem xiếc trung ương (ở Hà Nội). Thích nhất mấy tiết mục xiếc thú. Nhớ mãi mấy con khỉ nhanh nhẹn đạp xe lòng vòng. Cổ khỉ, dĩ nhiên, buộc một sợi xích.
Em xe đạp đồ chơi mảnh mai hơn gã xe tăng, cổ cũng bị buộc một sợi dây lên cổ chiếc chai. Chỉ còn cách lòng vòng quanh chờ ai.

Khác xưa. Trên xe đạp không phải là một chú khỉ mà là một bác hậu-duệ của khỉ (Đác Uyn bảo thế và nhiều nền giáo dục ra rả dạy thế, chẳng bao giờ thèm hỏi "đúng chăng?").

Dẫu ít lông, không đuôi thời vẫn lòng vòng.

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010

Hôm qua, hôm kia, và hôm nay

Vốn định viết về những trải nghiệm qua một chuyến đi.
Nhưng cứ thư thư hẵng.

Hôm qua không phải là một ngày quá tệ, để mình mong muốn quên đi.
Nhưng cũng không phải là một ngày, để mình mong muốn được nhắc đến.
Song, mình được nhắc.
Từ các bạn ...
Qua SMS.
Qua email.
Bằng blog.
Bằng ...
Cả từ nhà mạng, từ các admins, ...
Cảm ơn các bạn vì những lời chúc mừng.
Cảm ơn em vì tất cả những gì, còn nhiều hơn thế.
Đến chiều tối thì mình tìm cớ thoái thác một cuộc vui.
Mình đi uống dăm chai bia "xếch" với hai gã vong niên. Không biết, để chẳng nhắc gì mình về ngày ấy. Những gã trải đời. Trên nếu chưa thông thiên văn thì dưới cũng khá tường địa lý.
Nhưng hôm qua mình bắt gặp góc yếu đuối của những gã trung niên sành sỏi. Khi do dự đưa con đi tỵ nạn giáo dục.
Hôm qua mình cũng nhìn thấy nước mắt trong đáy mắt ráo hoảnh của những gã đàn ông rắn rỏi. Những giọt nước mắt không lăn trên má, không nhỏ lên bàn, chảy lặn ngược vào trong, đắng cay, mặn chát. Về những đứa con không chịu về thăm quê, miền quê giàu truyền thống, miền quê đất học.
Hôm qua, bỗng mình nghĩ ra một điều trớ trêu rằng: để đưa những đứa con đó về quê, phải đi vòng qua một nước khác, qua một nền giáo dục của một dân tộc khác.

Hôm kia, chẳng biết có trớ trêu gì không, là ngày "dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt". Cổ nhân dạy câu "biết đủ", nào có đếm 1, 2, 3, 4? Phải chăng để nuôi dạy tốt thì phải có một đại tá công an về làm thanh tra ở bộ học?

Hôm nay, dân "đất nghìn năm" lại tung tăng bơi xuồng trên phố. Chỉ sau ít phút mưa. Chỉ sau một tuần còn bị cúp điện bởi thiếu nước.
Hay tại tiền cần để xây cống đem đi xây cổng hết rồi? Hay không phân biệt được thứ đi qua cổng và thứ đi qua cống?

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2010

Đầu tháng Bảy

Hôm nay là ngày đầu tiên của tháng Bảy.
Đột xuất, mình đi Phước Sơn.
Trên đường đi, gần Thạnh Mỹ, đột ngột tắc đường. Một bạn xe đầu kéo, chở những cây gỗ lớn, có lẽ trọng tải hơi ham, và có lẽ, tốc độ hơi nhanh khi qua cua xuống dốc, tối hôm trước, đã mệt mỏi tựa lưng vào vách đá, ngửa bụng ra đường. Thế là mình phải đứng đường, hơn một tiếng đồng hồ, chờ người ta giúp bạn ấy đứng dậy. Vì mình đến nơi đúng lúc hai bạn xe cẩu vừa dàn quân ra chắn ngang con đường độc đạo. Cũng may người ta cho thông đường khi dựng được đầu xe sang một bên, phần sau và các đồng chí gỗ vẫn ôm chặt lấy nhau bên rãnh đường.
Cuối cùng thì trưa mới đến Khâm Đức. Bù cho mình là một bữa cơm khá ngon miệng.
Đường vào khu mỏ lại chầm chậm ... theo đuôi một bạn xe đầu kéo khác, nặng nề cõng thiết bị lớn trên lưng. Vừa vào đến nơi thì mây đen vần vũ. Nghĩ bụng trên này chắc mưa thật chứ không lắc rắc như dưới phố đâu nhỉ. Câu trả lời đến ngay, thật nhanh mà cũng thật chậm.
Một cơn mưa rừng thật sự. Sầm sập. Trắng xóa cả rừng. Mình thấy cơn mưa tung tóe trên các mái tôn, gõ đinh tai nhức óc ngay trước mặt, cách chỉ chừng dăm thước. Thế mà chỗ mình đứng vẫn khô nguyên (?!), cho đến khi mình nhận ra tình thế, không quá vội vã lùi vào dưới mái che.
Không khí nhanh chóng trở nên lành lạnh. Mưa hối hả. Công trường là khoảnh đất không quá rộng đột nhiên biến thành đại công trường. Hai chiếc xe đầu kéo cùng một xe cẩu lúng túng xoay xở trên mặt đất nhanh chóng trở nên trơn lầy như bôi mỡ. Kết cục các bạn ấy đều chịu đứng yên, vì có cố gắng cũng chỉ quay tít bánh xe chứ thân hình không nhúc nhích.
Hai bạn xe đầu kéo tiếp theo cũng đành thúc thủ ngoài cổng vì tiến thoái lưỡng nan. Xa hơn một chút, bạn xe đi sau cùng cũng chết dí ở chân dốc. May mắn là tý nữa thì bít mất đường. Không thì tối nay mình phải ngủ lại trên ấy rồi.
Chưa kể hàng loạt xe đầu kéo khác đành cõng hàng trên lưng mà qua đêm dọc đường lớn. Cơn mưa đầu mùa như chỉ mới báo hiệu gian truân sắp tới.

Chiều tối về đến ĐN thì dường như những cơn mưa chưa kịp tới đây. Thế mà chốc sau đã nặng hạt. Thấy không thấm vào đâu so với cơn mưa rừng vừa trải qua, vả lại nghĩ đằng nào về cũng phải giặt giũ sau một ngày bụi bặm, nên chỉ cần khoác áo mưa tiện lợi che túi laptop, đạp xe về nhà giữa lúc mưa to nhất.
Đã lâu mới lại đạp xe dưới mưa và nếm lại cảm giác ướt sũng.

Kết thúc một ngày đầy những xe đầu kéo, xe cẩu và ... mưa.
Chuẩn bị cho những bận rộn bên bàn thiết kế chuyển dần ra nặng nhọc công trường.

Không biết những cơn mưa này có làm dịu bớt đồng chí điện lực, cho dân đỡ khổ không nhỉ?
Nghe cứ như Tái ông thất mã!

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2010

Hôm nay ...

Lâu nay mình lười viết quá.
Thực ra thì không phải bởi quá bận. Mặc dù đúng là mình bận thật. Hầu như ngày nào cũng hùng hục từ 7h sáng đến 7h tối. Tối chả buồn ăn. Về nhà chỉ muốn tắm và ngủ.
Nhưng đôi khi vẫn ráng đọc tý.

Hôm trước tình cờ đọc qua giới thiệu về Việt sử yếu của Thái Hà Diên Mậu (Thái Xuyên).
Tác giả này xưa nay vẫn bị xem là kẻ bán nước đại gian đại ác. Nhiều người muốn xét lại. Mình nghĩ, sách còn đó sao không đọc.
Thời buổi nhiễu nhương. Ca ngợi hết lời nào phải thánh. Đạp xuống bùn đen cứ là người.
Tự đọc tự suy chẳng tốt hơn ru? Mới cất công tìm sách.
Chưa đọc đã thoảng cảo thơm. Nghĩ, lưu danh trăm năm trăm ngàn người đã được một? Lưu tiếng ngàn năm ngàn vạn người liệu có hai?

Nhân tiện, nói chuyện có bài thơ, tương truyền xỏ xiên họ Hoàng nói trên. Ai làm cũng lắm khảo dị, nhiều nguồn dẫn là Tản Đà, theo ý một bài thơ xưa của Bạch Cư Dị.
Mình không định nói chuyện thơ ở đây. Thơ vịnh chim họa mi, mở đầu bằng cách chơi chữ "họa" là "vẽ":

Họa mi, ai vẽ nên mi?
Trông thì mi đẹp, hót thì mi hay!
Ai đưa mi đến chốn này?
Nước trong, gạo trắng mi ngày ăn chơi
Lồng son, cửa đỏ thảnh thơi
Mi bay, mi nhảy, sướng đời nhà mi
Nghĩ cho mi cũng gặp thì
Rừng xanh mi có nhớ gì nữa không?


Chả là, đọc xong câu cuối bỗng thấy buồn ơi là buồn.
Ngửa cổ nhìn trời ngỡ lồng son. Cúi mặt tưởng đường là cửa đỏ. ...

Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2010

Nóng

Nóng có hai loại.
Nóng ngoài trời và Nóng trong người.

Nóng trong người lại có hai loại.
Loại có thể uống trà Dr Thanh và loại trà ấy chẳng ích gì.

***

Năm nay trời nóng.

Mới Tết ra đã nóng. Rồi lại xen lạnh. Cứ như trên sa mạc. Gọi là khí hậu bị sa mạc hóa.
Sa mạc không cây không cối mới vậy.

Nóng lại cộng hưởng cùng cúp điện.
Chặt không biết bao nhiêu rừng làm thủy điện. Nay thủy điện cầu "lạy trời mưa xuống ...".
Không điện bởi không nước.
Hỏi nước ấy đâu? Rằng năm ngoái tràn xuống cuốn trôi nhà trôi người chứ đâu?

Bởi không gì giữ Nước.

Thứ Hai, 7 tháng 6, 2010

Dọc đường

Chả là tuần trước về quê.
Đường ra loang loáng chảo rang. Đường vào sụt sùi tầm tã.
Hay nỗi niềm Huế festival?

***

Từ ngày khánh thành hầm đường bộ Hải Vân, mình thôi không cưỡi ngựa sắt rong ruổi đường này nữa, cũng đã nhiều nhiều năm. Chuyến rồi nhận nhiệm vụ transporter, tải ra một con dream cũ, nên mới lại làm rider. Nhưng không leo đèo như trước, mà thẳng tới bến, sang ngang bờ Bắc bằng đò "Hà Mã Đẻ Con" (HAMADECO). Vẫn còn nhôm nhoam, song cũng được. Nhanh, gọn, khỏe. Dăm phút đợi chờ ngắm non, ngắm nước, biết có hữu tình?



***

Ít phút nghỉ đỡ mỏi, ngồi uống nước mía ở Huế. Có ông kia tiến đến hỏi: "Anh là thầy hả?". Mất một lúc định thần mới hiểu. :-D Nguyên nhân là đây:



Nhân tiện dán vào đây bức hình dễ thương này:

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Đường Kách Mệnh

Khi mình gõ cái tiêu đề trên đây, bạn UniKey không cho mình bỏ dấu sắc ở chữ "kách". Hẳn bạn ấy nghĩ rằng mình viết sai chính tả tiếng Vịt. Thế mà trong trí nhớ mình vẫn nhớ rằng đã từng nhìn thấy 03 chữ này ở đâu đó rồi. Mà còn do một người nổi tiếng viết hẳn hoi.

Nhưng thôi. Hôm nay mình không định bàn chuyện ngôn ngữ. Cũng chẳng định lên đường đi đâu hay làm cái gì đó.
Chẳng qua là vì mình mới xem phim Revolutionary Road.
Thoạt đầu cứ tưởng các nhân vật trong phim định làm đại sự. Sau hóa ra chỉ là gia đình ấy sống ở con đường mang tên đó.

Nói chuyện phim. Mình vỡ ra một điều.
Xưa nay cứ nghĩ con người hơn loài vật ở chỗ có ngôn ngữ để biểu đạt ý nghĩ.
Lại thường hành động để chứng minh ý nghĩ nữa.
Hóa ra không hẳn vậy.
Thường khi con người sử dụng ngôn ngữ và hành động chỉ để che dấu ý nghĩ thật của mình.

Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2010

Chuyện vĩ nhân ... à quên, "vĩ cẩu"

Nơi mình làm việc toàn công nghệ cao.

Máy móc thì hiện đại. Con người thì giỏi giang. Quy trình thì chặt chẽ.

Chỉ ngán mỗi mấy cụ Tý.
Các cụ mà buồn răng thì máy móc hiện đại chẳng ăn thua.
Các cụ mà chui được vào trong nhà thì con người giỏi giang cũng ngại.
Các cụ mà chạy thì quy trình chặt chẽ đuổi chẳng kịp.

Ấy thế mà các cụ phải thúc thủ trước anh chàng này:



Cứ mỗi đêm chàng ta lại tóm được dăm cụ xếp hàng để chơi đấy.

Bình loạn: Thế mà anh ta chẳng hề được phong tặng danh hiệu gì sất. Dù là ất ơ chiến sĩ thi đua hay vinh dự được kết nạp vào đâu đó ...

Không biết có phải vì thế mà mình chộp được bức hình này. Lần trước đã cho lên blog với lời chú "ngáp". Như người ta thường nói, sái cả quai hàm. Giống mình tệ.

P/S: Chuyện ngoài chính sử. Trong bức ảnh này nhân vật chính vẫn còn lành lặn. Sau này chú ta bị đánh, cắn gì đó đến nỗi toạc da rách thịt. Thời gian dài là thương binh, cà nhắc ... ba chân.

Hay vì thế mà ... sát Tý?

Bonus: Chuyện chép lại từ Cổ học tinh hoa.

DÙNG CHÓ BẮT CHUỘT

Nước Tề có người xem tướng chó giỏi. Nhà láng giềng nhờ mua một con chó hay bắt chuột. Một năm trời anh ta mới mua được, bảo nhà láng giếng: “Con chó này tốt đấy” . Nhà láng giềng nuôi chó mấy năm mà không thấy nó bắt chuột, mới nói chuyện với anh ta. Anh ta bảo: “Con chó tốt lắm đấy. Nhưng cái chí nó chăm bắt hươu nai, cầy, cáo chớ không muốn bắt chuột. Bây giờ muốn nó bắt chuột thì phải cùm chân nó lại.” . Nhà láng giềng làm theo như thế, quả sau con chó hay bắt chuột.
(theo Lã Thị Xuân Thu)

LỜI BÀN (của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân): Con chó trước không bắt chuột, là vì nó có tài bắt những hươu nai, không thèm bắt chuột. Sau nó bắt chuột, là vì người ta đã cùm chân, hãm cái tài nó lại, không cho chạy nhanh quá. – Cốt ý bài ngụ ngôn này nói kẻ có đại tài mà đem dùng vào việc nhỏ thì không được việc. Muốn cho được việc, thì người dùng tất phải biết chế hạn cái tài ấy lại. Nên người có tài mà làm được việc hay không làm được việc là cốt ở người biết dùng hay không biết dùng mà thôi. Nhưng muốn cho người có cái tài to làm việc nhỏ thì phải làm cho mất cái tài to đi đã, thì chẳng đáng tiếc cho người có tài mà chẳng gặp được tri kỷ lắm ru !

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

Giỗ Tổ

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba

Không nhớ cũng không được. Băng rôn căng đầy đường ra kia. Đập phèn phẹt vào mắt.

Thì nhớ.

Tuần trước mới theo mẹ Tiên (của Tổ) đi ngược lên rừng (Bà Nà). Cùng 03 nàng tiên (hiện đại) và một thiên thần nhỏ.

Ngày mai sẽ theo bố Rồng (cũng của Tổ luôn) về xuôi xuống biển (Cù Lao Chàm). Cùng hơn 30 con cháu Tiên Rồng.

Trọn vẹn. Nhỉ?

Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2010

Cổ hoài

Sáng nay trời trở lạnh.

Ấy là nói theo lối cũ, chính xác hơn là trở "mát".
Tình cờ hôm qua có thấy tv báo tin gió mùa đông bắc.
Lần này chỉ đem đến ĐN được dăm hạt nước rơi rơi.

Quen với thói mưa nắng bất thình lình nên chẳng mấy quan tâm.
May chị Chuồn nhắc nhở: nàng Bân.
Ừ. Mới chớm tháng Ba. Hình như những chuyện cổ tích đã trở thành ... cổ tích.

Hôm rồi có bạn đón Hạ về cùng những sen những phượng.
Ừ. Hạ về khi cái nóng đã thiêu đốt từ Giêng, Hai.
Sách giáo khoa vẫn dạy. Rằng thì là năm có bốn mùa ...

Xưa:
Viết xuân hạ
Viết thu đông
Thử tứ thì
Vận bất cùng

Viết nam bắc
Viết tây đông
Thử tứ phương
Ứng hồ trung

Ừ. Nay không biết bốn mùa có còn xoay vần? Bốn phương có còn quy tụ?
Và tam cương không còn một.
Và, ngũ thường có còn hai? ...

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

Gượng

Mấy ca trực vừa rồi, không hiểu sao, hết HBO tới Star Movie, thi nhau chiếu đi chiếu lại Bốn đám cưới một đám ma.
Phim này mình thích. Xem tới xem lui cả chục lần vẫn say sưa với từng tình huống thú vị, từng câu thoại thật đắt.

Thường dân ta khi xem phim gì chỉ cốt biết "đầu đuôi câu chuyện". Biết rồi là chán không xem nữa. Nên ít phân biệt phim nhựa ở rạp với những cuộn băng video nhòe nhoẹt.
Mình xem phim này nhiều lần mà cứ cảm cái thật. Khác với đa phần đám ma đám cưới xứ ta chỉ toàn hình thức, khổ sở với mỹ tục hủ tục, chẳng còn tự nhiên vui sướng.

Và lời thoại đặc biệt hấp dẫn. Khác hẳn lối đao to búa lớn mà trống rỗng vô hồn, ví dụ như lễ hội thi bắn pháo hoa những ngày này ở ĐN. Tội nghiệp các ca sĩ, từ nổi tiếng đến tầm tầm, thi nhau gào lên ĐN, ĐN. Chưa nói tới phần mở đầu với việc đọc một danh sách dài các vị tai to mặt lớn.
Thậm chí có bài hát hay, mình từng rất thích, như Người Hà Nội, được ca sĩ đẳng cấp Trọng Tấn trình bày, nay thấy phản cảm với nhân danh nghìn năm Thăng Long gì gì đó. Nhân danh gì để tiêu tiền dân cả nước đóng thuế? Văn minh thanh lịch gì với bẻ hoa xả rác?
Không Chân chẳng Thiện thì Mỹ làm sao?

Công bằng mà nói thì phần biểu diễn của hai đội Bồ Đào Nha và Nhật Bản khá đẹp trong tiếng nhạc ăn khớp nhịp nhàng. Nhưng mất hoàn toàn lòng tin vào thể chế này nên mình chẳng mấy nhiệt tình. Hôm nay là đêm thứ hai, đêm cuối với hai đội Pháp và Mỹ, hứa hẹn nhiều cảm xúc. Vậy mà mình thờ ơ, không biết trong cái lạnh, mưa khá nặng hạt có mấy ai thưởng thức?

Tản mạn hôm nay

Hôm nay đột nhiên trời trở hơi lạnh (mát?). Mình vẫn áo cộc tay.
Và hơi mưa. Mình chưa cần đến áo mưa.
Hơi rảnh. Trong một thời gian rất bận rộn bỗng nhiên có một ngày khá thư thái. Mới lang thang chút trên mạng.

Thấy cái tin thế này: Cô gái trẻ (15 tuổi) chết thảm dưới bánh xe container. Gã tài xế máu lạnh, bất chấp ngăn cản của mọi người (dựng cả xe máy để cản), bất chấp lời kêu xin của nạn nhân, cố tình cán qua người nạn nhân thêm hai lần nữa cho chết hẳn . Tòa xử tội giết người, 8 năm tù.
Không biết nhà báo có hơi nặng lời? Hay quan tòa hơi nhẹ tay?

Chuyện khác: Chẳng biết thực hư thế nào, rằng có đoàn nghệ thuật nước Vệ tham dự Miếu hội Phục Ba tướng quân (dịch từ quép xai nước lạ). Có màn hai bà Trưng và cả Thi Sách múa hát ngợi ca công đức Phục Ba tướng quân .
Mới cách đây chưa lâu, nước Vệ tưng bừng kỷ niệm ngày Khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Theo truyền thuyết là chính, chứ chẳng rõ hai Bà có phải họ Trưng. Tên càng không rõ, bà chị gọi là Trắc (nghĩa là chị cả), em gọi Nhị (chị hai). Ông chồng cũng sách chép họ Thi, chứ tên chưa hẳn đã là Sách. Thế mà ngày nay được đặt tên đường, tên trường hết (!). Truyền thuyết rằng chiếm được 65 thành trì. Sau này nhiều sử gia bàn, khắp cả hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân thời đó, đến một thành còn chưa chắc có. Lại nữa, hai Bà lãnh đạo vì chế độ mẫu hệ, nhưng nhiều nhà chép sử chính thống hậu sinh xấu hổ, nên bịa chuyện ông Thi bị giết, đặng hai Bà trả thù nhà. Rốt cuộc hai Bà thua dưới tay Mã Viện, phải tự tận (có sách nói bị giết). Mà Mã Viện thì là tên húy của Phục Ba tướng quân, có miếu thờ bên đất "bạn", dăm năm nay bỗng nhiên tổ chức miếu hội cũng tưng bừng vậy.
Nghe nói chẳng đâu xa, dân nước Vệ cũng có nhiều miếu thờ ông tướng Phục Ba này, như là thần phù hộ. Ông tướng này, sách còn chép, từng cho dựng cột đồng với lời nguyền, cột đồng gãy thì Giao Chỉ diệt (!?). Nay còn không ta?
Ôn tý "sử" thế. Chuyện vái lạy múa hát ở miếu hội nêu trên, dù thực hay hư, hẳn chẳng vô tình vô duyên vô cớ.

Năm nay ĐN thi bắn pháo hoa, thấy không có đội "lọa" nào. Có kẻ bảo, thì đội nhà khác gì, vì pháo hoa còn biết mua đâu nữa?

Thôi, đi ngủ. Mai đi trực.
Hết rảnh.

Xuôi - Ngược

Ấy là bỗng dưng thế.

Nói chuyện một người ra đi. Ra đi hàm ý ly biệt.
Ra đi mãi mãi thì biệt ly này có xót xa?
Nói ra đi có hỏi trở về?
Từ cát bụi trở về cát bụi.
Ra đi mãi mãi nghĩa là không bao giờ trở về. Hay vốn đã trở về rồi, ngay từ lúc ra đi.

Sinh ký tử quy. Sống gửi thác về.
Ừ, về, sao mãi gọi ra đi?

Mới biết đi về chẳng qua là một vậy. Thế mà lịch sử nhân loại chỉ mãi cãi nhau. Đến cả đánh nhau to. Bởi đúng - sai, tốt - xấu.
Sao không sớm hiểu? Họ Khổng kia chẳng nhầm lắm ru?
Nhưng nói vậy chẳng hóa bảo không có mâu thuẫn mà lại khơi mào mâu thuẫn?

Đành mượn một chữ của Phật vậy: NGỘ.
Nói chỉ là Thanh, đọc nhìn thấy Sắc, thậm chí nghĩ ra trong đầu chưa qua khỏi Pháp. Nên diễn đạt là bất khả. Thuyết vô ngôn.

***

Vốn không định bàn lẽ đời. Chỉ muốn tán xuôi ngược cho vui. Nhưng nhập đề đi - về, sống - chết nên hơi nặng ký.

Nay nói chuyện thường.
Xem bóng đá, khi cầu thủ tham gia trận đấu thì không rõ anh ta ra sân hay vào sân? Lại nói ra sân thì không biết bắt đầu hay kết thúc thi đấu?
Cứ tưởng ra - vào thì như trắng với đen, vậy mà vẫn mờ mờ không rõ.

Sách giáo khoa nước kia đố học sinh tiểu học rằng: ngược nghĩa với từ "bà ngoại" là gì. Rồi bộ học nước ấy giải rằng thì là "ông nội".

Thôi thì tạm chấp nhận ngược nghĩa như mua với bán (ngược dòng lưu chuyển tiền và hàng). Bổ trợ cho cặp động từ (tạm gọi) ngược nhau này là cặp trạng từ (tạm gọi) ngược nhau đắt - rẻ.
Theo bộ học nọ không khéo mua đắt - bán rẻ lại thành một cặp? Mấy anh học toán nghĩ, ngược dấu thời cộng lại bằng 0. Bán rẻ mà mua đắt e có thất thoát đâu đây chăng? Cũng tại thời đại tham nhũng hơn cơm bữa!
Còn nếu bán đắtmua rẻ thì e có chuyện với giá trị gia tăng? Thật mình kém chuyện chợ búa quá.

Mua danh ba vạn bán danh ba đồng.

Mình hiểu vậy là mua đắt bán rẻ rồi. Không rõ cái danh kia là gì, nhưng e người ấy cũng kém chợ búa y như mình?

Cụ Tản Đà vịnh Sở Khanh có kết như vầy:

Ba mươi đồng bạc thời Gia Tĩnh
Mua lấy nghìn năm tiếng Sở Khanh.

Mình thấy hay quá là hay.
Chỉ hơi lăn tăn tý. Câu trước rõ là ít tiền, tức nhiên rẻ. Câu sau bảo mua được tiếng ngàn năm. Chẳng hóa mua rẻ được món hời?
Nhà thơ khen hay chê đây?

Mà danh tiếng Sở Khanh ở mãi với đời. Phải chăng gã kia bán ra chứ đâu phải mua vào? Bán danh nghìn năm có ba mươi đồng chắc hớ vậy?

Bán mua, đắt rẻ, chê khen lẫn lộn hết cả. Danh kia là cái chi chi? Hèn gì người xưa bảo nên tiếc danh chứ không nên mua bán vậy.

***

Mua bán vốn không rành nên thôi không nói nữa. Nói chuyện này.
Hôm bữa vào nhà bác Bu, thấy bác bàn chuyện giác ngộ. Hai chữ giácngộ có nghĩa gần giống nhau.
Bỗng nhớ đến lần hầu chuyện bậc cao niên. Nói hai chữ gần giống nhau mà đi với nhau không phải vô duyên vô tình vô ý. Đi cặp ắt có âmdương.
Như chữ ý niệm. Tác động ngoài vào sinh ra ý. Tiềm thức nảy ra gọi là niệm. Ý niệm mà ý nhiều niệm ít thời kém sáng tạo mà thực tiễn hơn. Ý niệm mà ý ít niệm nhiều dễ bay bổng mà cũng dễ ảo tưởng.
Sách tôn giáo có câu chuyện minh họa ý niệm: Anh kia ôm chầm anh bạn lâu năm không gặp và tẽn tò vì nhiệt thành đụng phải thờ ơ. Bởi ý anh là ôm hôn con người trước mặt nhưng thực ra nhầm tưởng về người bạn trong hoài niệm của những ngày xưa.

***

Hôm nay mình 2 lần nhắc chữ ngộ. Viết ra thì thấy, đọc lên thì nghe nhưng nó nằm ngoài lục giác quan của con người (ta thường nói có ngũ giác quan thôi), nên cả trong ý, hiểu về nó cũng không bao giờ đúng.
Chỉ mượn mặt chữ thôi.

Hữu Loan

Nhà thơ Hữu Loan đã ra đi tối qua.
Ra đi hay đã trở về.
Sinh ký tử quy.

Mình biết về nhà thơ không nhiều hơn bài Màu tím hoa sim.
Những khi chạy xe đường xa, mình hay lẩm nhẩm các bài thơ mình thuộc. Thuộc chỉ vì tự nhiên thuộc. Trong đó có Màu tím hoa sim. Mỗi lần vậy lại thấy cay cay nơi sống mũi.

Vì những câu thơ.
Vì cuộc đời nhà thơ. Nhà thơ thà không làm thơ để được làm Người.

Và nay thì con Người đó đã trở về nguồn cội.

Dân tộc có lớn nổi không? Khi đối xử với nhà thơ của mình như thế.

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

Mới và cũ

Cứ bảo nhau rằng mới với me
Bảo ai rằng cũ chẳng ai nghe
Khăn đầu bác nọ to tày rế
Váy lĩnh cô kia quét sạch hè

Nói vậy chẳng phải bảo không có gì mới dưới ánh mặt trời. Chỉ là cái ánh mặt trời ấy như đang mải chiếu xứ nào xa xăm lắm. Đợi đến khi chuyện với người đã cũ mèm thời ta chưa chịu ... mới.
Ấy là mấy anh tư bản đế quốc suốt ngày lo giữ rừng, giữ khí hậu, hiệp định thư này nọ. Ta thì bơ tất.
Rừng hả? Chặt vô tư đi. Đất hả? Đào vô tư đi. Còn chuyện năm ngoái lụt to ấy à? Chuyện năm nay chưa hết tháng Giêng đã nắng như đổ lửa à? Mới nắng đấy đã rét căm ngay được à? Hạn hán sông hồ đang cạn khô à?
Ôi giời, chuyện ... ông Giời!

Mà tại ta đang lo nhiều chuyện (tưởng) mới. Con cháu chúng nó đang đánh nhau đầy đường đầy chợ ra kia.
Thưa rằng, chuyện "mới" như trái đất!
Chẳng phải truyền thống đó sao? Người lớn đánh người lớn. Trẻ con bắt nạt trẻ con. Còn chuyện người lớn đánh trẻ con thì ... xứ này xưa nay chả thế là gì?
Ông thương thư bộ học ở đâu mà im như thóc? Đưa công an đi điều tra con nít làm gì? Định bỏ tù trẻ em chắc?

Dạo này mình đi làm, trưa lại lên siêu thị ăn cơm. Được cái mát mẻ và sạch sẽ.
Nhưng trong khi mát đang còn (chắc máy lạnh chưa hết bảo hành) thì sạch đã phần nào có giảm.
Quầy cơm tự chọn. Chỉ món, tự bê ra tìm bàn ăn. Như Tây.
Chính xác là chỉ như Tây cái khoản bê ra. Còn bê vào? Quên đi.
Văn hóa rất Việt. Rác đầy nền nhà, giỏ rác sạch sẽ.
Xưa các cụ nhà ta ăn xong súc miệng òng ọc, xong toẹt xuống nền nhà. Tối hai xoa ba đập lên giường khỏe re.
Nay tăm xỉa xong vứt xuống nền lát gạch men cứ nảy lên kêu leng keng, khổ thế.

Dân chân đất nền đất lên vũ trụ làm gì?
Nhọc.

Thứ Ba, 9 tháng 3, 2010

Thơ và Chợ

Chả là dạo mạng thấy cái này: chợ thơ.
Cách nay mấy năm, nghe rằng ông "phu chữ" Lê Đạt có buông lời nhận xét ngày thơ Nguyên tiêu ở Văn miếu, "... như hội chợ".
Nguyên do từ đó chăng?

Trong thơ xưa có trăng, có hoa, có gió mà chê bai chợ:
Thị tại môn tiền: náo
Nguyệt lai môn hạ: nhàn
Nhưng đó là thời cụ thượng Nguyễn Uy Viễn.

Sau một chút nghe thêm rằng, trong thơ còn có thép?

Nay thì trong thơ có chợ, hay trong chợ có thơ? Chợ có mua, có bán, có buôn. Thơ bán buôn ở chợ hẳn là thơ chợ?

Nghe như bí vần, quẩn quanh ơ ơ ... ợ ợ?

Hình như Tố Hồng vương gia có viết:
Làm bí thơ hoài có bí thơ
Rằng thơ với chợ nặng duyên tơ ...
Chẳng biết nhớ có chính xác (?), chỉ vì lại vần ơ ợ ngơ ngơ.

Thôi thì họa theo ơ ơ thờ, hờ hờ.

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

Lan man ... vơ vẩn

Sáng nay mình ghé chuyển tiền qua ATM. Bất tiện là phải chuyển mỗi ngày một ít. Tiện là trên đường đi làm, khỏi phải chạy ra ngoài đến ngân hàng trong giờ làm việc.
Khi mình bước vào thì có một chị đứng tần ngần rồi tiến đến sát mình. Nói "Anh cho em xem anh bấm để biết cách sử dụng". Mình bực mình "Làm sao cho xem được". Rồi cố ý đứng chắn mặt chị ta để nhanh tay bấm mật khẩu. Xong xuôi quay ra thì thấy chị ta thật tội nghiệp. Thậm chí còn không biết cách đưa thẻ vào máy. Mà xung quanh chẳng còn ai. Chị ta lại cầu cứu mình "Em không biết dùng". Mình hướng dẫn chị ta đưa thẻ vào, chọn "tiếng Việt" (chị này thấy biết phải chọn tiếng Việt nhưng không biết bấm vào đâu để chọn). Rồi mình bảo chị ta tự bấm số PIN "Chị phải giấu kín số đó không thì mất tiền đó". Và quay mặt đi trước sự lóng ngóng vụng về của chị ta. Sau đó chị ta lại loay hoay nói muốn rút 400 ngàn. Mình bảo không có mức 400, rút 500 nhé. Chị ta đồng ý, nhưng máy báo quá số tiền. Nghe mình giải thích, chị ta thắc mắc vì mới nhận lương. Mình phải kiểm tra hộ, trong tài khoản còn hơn 490 ngàn. Mình đề nghị rút 2 lần 200 ngàn vậy. Kết cục phải bấm hộ tất cả.
Chuyện chỉ vậy. Mà mình nghĩ mãi.
Nhớ thời sinh viên túng thiếu. Từng trêu bạn, có 51 đồng mua cái ví 50 đồng để đựng 1 đồng còn lại. Cái ví ATM cũng tức cười như vậy. Với còn rất nhiều người.
Rồi nghĩ cảnh mấy người ăn xin. Bước qua không cho thì áy náy mãi. Mà nhiều khi cho rồi mới biết đó là quân lừa đảo.
Phương pháp thiền "Tại và Hiện" dạy rằng: dù mình làm bất cứ điều gì, bố thí hay thờ ơ bước qua, thì sau đó phải quên ngay. Vì sau một khoảnh khắc đã là quá khứ. Không vướng bận.
Mới thấy "thiền" là không dễ vậy. Âu vơ vẩn cũng tại nợ đời. Cho đến ngày trở về cội nguồn cát bụi.

Rũ sạch được chăng?

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010

Hổ


Nếu kể từ thời khắc Đất Trời vào Xuân đến nay mình mới gõ những chữ đầu tiên cho một năm mới thì quả là khí muộn. Đã đến hội Tịch Điền, lòng không khỏi bùi ngùi cho thân phận con trâu năm cũ.
Giữa thời bằng cấp lá đa thì âu mình cũng chả dám sánh cụ Tú, nên không đến phải "bất khả vô văn tự". Nhưng thấy người người nhắc mãi con hổ năm nay, sinh cảm khái mà nghĩ thế này:

Nhẫn nhục cày như Trâu, bị chửi đồ trâu
Huênh hoang mạnh tựa Hổ, thấy mình thật hổ.

Chẳng dám đối điếc gì, chỉ là nói mãi năm hổ nên mình mới bị ám ảnh bởi một Cụ đã "muôn năm cũ". Xin chép lại ra đây:

Thế Lữ

Nhớ Rừng

Tặng Nguyễn Tường Tam
(Lời con Hổ ở vườn Bách thú)

Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thủa tung hoành, hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm-thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể muôn của loài
Giữa chốn thảo hoa, không tên không tuổi.

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu?

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.

Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị,
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán
Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi
Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

1936
THẾ LỮ

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2010

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2010

Chuyện cuối năm

Trưa nay NV tổ chức tất niên.
Trớ trêu không, khi cùng một nhà hàng, cùng một thời điểm, NV ở tầng trên thì VT tổ chức ở tầng dưới.
Cty non trẻ, tuy còn nhiều khó khăn phía trước nhưng đang ăn nên làm ra, quy tụ nhiều thành viên chủ chốt vốn là nhân viên cty kia. Trong khi cty kia, dù không chính thức nói ra, khó khăn có phần chồng chất.
Hoạt động cùng lĩnh vực, khéo thì có thể cộng tác tốt, mà dở thì nói trắng ra là đối thủ.
Mình biết trước tình huống một chút, nên không đến nỗi bất ngờ. Gặp và thấy anh A. già đi nhiều, nhưng không nói chuyện được lâu.
Quý là anh Đ. có lên chung vui. Nói chuyện không nhiều, mình cứ nghĩ mãi về sự thích nghi với hoàn cảnh.
Thế hệ đương đại dường như bị thử thách quá nhiều khi thời cuộc biến chuyển nhanh hơn con người có thể thay đổi.

Đọc báo thấy khoe nhóm nọ nhóm kia được giải thưởng danh giá về nghiên cứu khoa học. Chẳng biết giải thưởng có danh giá thật không, không thấy nói nghiên cứu cái gì.
Bao giờ mới có tin kiểu nghiên cứu gì đó. Tình cờ ai kia đánh giá bằng một giải thưởng ...
Rồi thì chuyện người bắt được cá mập chỉ mong kiếm tiền mà nản.
Thấy hình ảnh quen thuộc của người Nhật, cúi gập người xin lỗi, khi Toyota nhận khủng hoảng. Buồn cho dân ta.

Trên đường về nhà, một ông trung niên vô cớ gây sự khi ô tô lách qua đám đông. Trên xe toàn anh em trẻ mà bình tĩnh. Thấy thương hại cho gã kia.
Than ôi dân ta là vậy. Không biết gã có say, chứ mình thì mệt. Biết rượu bia vào là khổ sao vẫn không chừa. Vì mình cũng là dân xứ này vậy. Đau đầu quá, ngủ thôi.

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2010

?

"Một câu hỏi lớn không lời đáp ..."

Đọc câu chuyện về cái Tết buồn nhất trong cuộc đời nhà văn Lê Lựu. Tết năm 2010. Tất niên Kỷ Sửu, tân niên Canh Dần.
Có lẽ đây cũng (sẽ) là cái Tết buồn nhất trong cuộc đời mình (cầu mong cho chỉ là) đến giờ phút này.

Không phải "Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn ..."
Không phải do mất mát. Chẳng phải tại đau thương.

Hội nghị công nhân viên chức. Thấy nhiều điều nhưng chẳng buồn phát biểu.
Việc ngập đầu, nào phải nhàn cư?

Lờ mờ thấy nhiều người nhìn mình thiện cảm. Loáng thoáng nghe đôi lời ngợi khen.
Dự án gấp rút, ý nghĩ trong đầu mình tuôn ra ào ạt thành hùng biện.
Mà sao vẫn thấy như mộng du giữa đời?

Ghi chép đã lắm. Tìm kiếm ra cũng nhiều điều.
Cứ thấy trống rỗng.

Trước mặt nhiều thách thức. Lại thờ ơ.

Bạn trong Nam bảo vào chơi. Trả lời mình bận.
Bạn ngoài Bắc rủ ra chơi. Thác rằng mình bận.
Bận thật chăng?

Trước nhiều khi trốn chạy cô đơn trốn vào công việc.
Nay công việc bao quanh thấy mình như kẻ trần truồng phơi mình giữa phố.

Cuộc chơi ngắn ngủi có giúp mặc lại áo quần?
Quan hệ lâu dài liệu thay mái nhà trú ẩn?

Đi đường nghe cơ quan người người hát ca tất niên chúc tụng.
Qua phố thấy nhà nhà cúng quảy đầu heo vàng mã.
Lại người ghét Tết, xưa mình đắc ý tán đồng nay thờ ơ chẳng biết.

Tìm chút đẹp, mong chút cao thượng sao mà vô vọng.
Thế giới ảo nhiều người chẳng biết tốt thật chăng thông minh thật chăng. Chỉ chắc rằng chống lại họ thật là xấu xa đen tối. Tất cả nhưng chẳng là ai, chửi thì mình không hơn cụ Chí.

Chiều nay ra về lốp xe xẹp lép. Chỗ sửa xe ngay cổng lại nghỉ sớm. Đẩy xe đoạn dài bụng nghĩ chắc tiêu cái ruột. Hóa mở ra không thấy thủng chỗ nào (??).

Cảm mình giống cái lốp xe. Không thủng nhưng lòng không giữ.

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

Lan man nhạt

Nhạt nhẽo.

Mình thì đã rõ. Bế tắc. Chẳng biết sống để làm gì.
Còn những người khác thì sao nhỉ? Lờ đờ bận rộn. Những cái bóng.

H. vẫn muốn làm theo cách riêng. Dễ hiểu thôi. Mình thấy mờ mịt.
Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.

Hôm qua mình nói chuyện chút chút với Keith. Cùng đi ăn trưa. Cảm giác đầu tiên là không hợp.
Mình hỏi why just Vn? Hắn hình dung về một xứ nghèo cần giúp đỡ. Mình lại hỏi how about Africa? The same.

Keith nói muốn sống ở Vn lâu dài. Uhm. Để xem.
Hắn khoái các món ăn Vn (?!). Bún bò Huế và ... thịt chó (!!).

Trưa qua Keith khen thời tiết dễ chịu. Uh, không lạnh không nóng không nắng không mưa.
Nhưng chiều mình về thì mưa như mưa xuân. Bay bay lành lạnh. Vừa đủ ướt áo quần. Thấy ai cũng dừng xe khoác áo mưa. Mình mặc kệ. Những giọt mưa đọng lại trên mũ bảo hiểm bắt đầu nhỏ xuống thì đến phố. Ngớt.

Nghĩ, anh chàng Keith enjoys cuộc sống này thế nào?

Thế giới ảo cũng nhàn nhạt.

Báo chí lề phải vẫn là bát xáo voi.
Nhân chuyện chó cắn chết người, mình tìm đọc lại Nhà mẹ Lê của Thạch Lam. E rằng xưa so với nay chỉ là muỗi.

Dạo này multi vào ro ro. Bù lại face tắc tị. Blogspot lúc được lúc không.
Plus cứ dăm phút lại thông báo về những messages và comments mà mình đọc đã lâu. Thậm chí đã xóa. Vì trong plus, spams nhiều hơn friends vậy. Giao diện cứ chập chờn qua lại cũ mới. Với giao diện mới list gì cũng chỉ xem được phần đầu, vì nút next không sử dụng được.
Nhìn công việc thấy team develops cái này không ra gì. Yahoo đi xuống tưởng không lạ. Thế mà một thời độc tôn khi mình mới biết đến thế giới net.


Chiều nay đi trực ca anh Thuận.

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

Chán nản

Những ngày này mình chán nản quá!

Thường những khi nào thì con người ta cảm thấy chản nản nhỉ?
Khi làm một công việc gì đã lâu mà chưa có kết quả?
Khi trông đợi một điều gì đã lâu mà không thấy đến?
Hoặc khi chẳng biết làm gì?

Mình đang có tới 3 công việc mới để bắt đầu. 3 công việc độc lập. 3 công việc nhiều hứa hẹn.
Mình bận. Tràn ngập ý tưởng.

Thế mà sao vẫn chán nản?
Vì cách các công việc bắt đầu. Vì mình không tin kết quả sẽ tốt đẹp.

Trong khi các cộng sự đầy phấn khích. Đầy hy vọng.

Tại sao mình lại khác mọi người làm vậy?
Từ bao giờ?
Từ bao giờ mình đã tự biến mình thành một dị nhân?

Mình phải làm gì?
Thôi suy nghĩ? Chấp nhận sự bầy hầy?

Tự đánh mất chính mình?

***

Sau 3 ngày nằm. Giờ mỗi lần tắm da lưng lại tróc từng mảng.
Rõ rằng, con người ta không được phép nằm quá lâu.
Phải đứng. Trên đôi chân.
Phải đi.

***

LÚC NÀO ĐƯỢC NGHỈ?
Thầy Tử Cống hỏi Đức Khổng Tử:
- Tử này mệt về học, khốn về đạo, bây giờ muốn nghỉ để thờ vua có nên không?
Đức Khổng Tử nói:
- Phàm làm tôi thờ vua, sớm tối kính cẩn, mà cho trọn được chức trách cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!
- Vậy xin nghỉ để thờ song thân?
- Lòng con hiếu thờ cha mẹ thật vô cùng, lại có thể lấy sự hiếu thảo của mình cảm hóa được lòng người, cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!
- Vậy xin nghỉ để vui chơi với vợ con?
- Đạo làm chồng phải làm gương cho vợ, lại để cho anh em và thiên hạ trông vào mà bắt chước cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!
- Vậy xin nghỉ để chơi với bầu bạn?
- Nghĩa bầu bạn phải giúp đỡ nhau, hết lòng hết sức với nhau, cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!
- Vậy xin nghỉ để làm ruộng?
- Công việc nhà nông phải cấy cày gặt hái hai sương một nắng, chân lấm tay bùn, cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!
- Như thế thì Tử này không lúc nào được nghỉ ư?
- Có chứ. Lúc nào ngắm thấy cái huyệt đào nhẵn nhụi, trông thấy cái mồ đắp chắc chắn, ngó thấy người đi đưa cách biệt hẳn mình, ấy lúc bấy giờ mới là lúc nghỉ được đó.
Thầy Tử Cống nói:
- Như thế cái chết chẳng là cái hay à! Người quân tử đến bấy giờ được nghỉ, kẻ tiểu nhân đến bấy giờ mới chịu thôi, cái chết thật là hay vậy!
Gia ngữ

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

Sửa ... một chữ

Động bút (keyboard) sau mấy ngày nằm ngồi trong bệnh viện.
Biết trước sẽ nhiều chờ đợi với những-không-làm-gì-cả, nên cẩn thận giắt theo mình cuốn Thơ Đường. Dăm ngày "nhàn cư" chốn đông người, mắt thấy tai nghe không ít chuyện. Trước tiên nói chuyện "ngắm thấy" đã vậy.
Chả là đọc (chưa) nhiều (đã) mỏi mắt, mới nhìn vẩn vơ. Thấy khẩu hiệu "Thực hiện bệnh viện văn hóa". Chẳng hiểu sao lúc đầu cứ nghĩ, là thực hiện văn hóa đây. Mà cụ thể ở đây là văn hóabệnh viện. Nghĩa là văn hóa là danh từ, là đối tượng. Bệnh viện là bổ ngữ cho văn hóa. Hình như thời mình đi học được gọi là định ngữ.
Có lẽ chỉ tại mình đang đọc thơ tiếng Hán. Vì hiểu vậy thì phải viết ngược lại, là "văn hóa bệnh viện".
Như thế ở đây người ta thực hiện cái bệnh viện. Bệnh việnvăn hóa. Bệnh viện là đối tượng. Văn hóa là tính từ.
Đến đây mình hơi bí với động từ "thực hiện". Có thực hiện được bệnh viện (?!) ...
Tiếp tục nghĩ lung tung. Hay phải viết "hãy thực hiện"? Hay "Toàn thể ... quyết tâm ..."?

Thôi chấm dứt "vi bất thiện" ở đây. Tại lúc đó rảnh quá ...

Nhìn lại trang sách thấy mình vừa đọc đến "Tĩnh dạ tư" của Thi tiên Lý Bạch.

床 前 明 月 光
疑 是 地 上 霜
舉 頭 望 明 月
低 頭 思 故 鄉

Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

Bài này hẳn quen thuộc với quá nhiều người. Ít ra không ít người nhớ hai câu sau.
Chẳng mấy khi đọc sách in, bèn tỉ mẩn đọc bản dịch thơ kèm theo, của Tương Như:

Đầu giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.

Biết những bài thế này thường số bản dịch không ít. Nhưng đọc bản này cứ muốn liều sửa một chữ: chữ cuối câu đầu thành "vương".
Nghĩ: cũng đạt ý, lại hiệp vần, mà thanh bình hạ nhẹ hơn chữ "rọi" thanh trắc.

Văn dốt võ dát, không dám nói nhiều ...

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2010

Làm đẹp

Nói rằng: cấm hút thuốc lá nơi công cộng.
Có vẻ như là một nét son.
Nhưng e không giúp gì được bộ mặt nhàu nhò. Không che đậy được những lỗ thủng lộ ra cả bộ xương mục nát. Của một xã hội.

Chiều nay mình ngồi Coffee Book Phương Nam. Đang chăm chú đọc thì nghe lao xao tiếng nước ngoài. Ngẩng đầu lên thấy phía xa một anh "Tây". Không già, không trẻ. Đang nói gì đó với một anh chàng trông rất trí thức, rất lịch sự. Nghe loáng thoáng "... no cigarette ...".
Trên tay anh kia là một điếu thuốc lá đang nhả khói.
Điếu thuốc duy nhất trong quán.
Mấy cô cậu ngồi gần đó (mình đoán là học sinh, rất trẻ) nhắc giùm: ổng nói anh không được hút thuốc đó.
Anh chàng xử sự rất "ta": miệng cười gượng gạo. Nhưng điếu thuốc không được dụi đi, vẫn tỏa khói.
Anh "Tây" thất vọng quay sang cô gái trẻ ngồi bàn bên cạnh (mình đoán là sinh viên). Và hỏi: cô có thích khói thuốc không?
Cô gái này hẳn là một người yêu nước ta. Cô trả lời gì đó rất nhỏ mình không nghe được. Hình như thanh minh (?!).

Mình cũng "ta". Ngồi im như thường khi.
Dù mình ghét cay ghét đắng khói thuốc.

Quả là "nét đẹp" rất ta.
Tiếc là chúng ta lại thường không biết "thưởng thức".
Chỉ những người phương xa lại ...