Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

Xuôi - Ngược

Ấy là bỗng dưng thế.

Nói chuyện một người ra đi. Ra đi hàm ý ly biệt.
Ra đi mãi mãi thì biệt ly này có xót xa?
Nói ra đi có hỏi trở về?
Từ cát bụi trở về cát bụi.
Ra đi mãi mãi nghĩa là không bao giờ trở về. Hay vốn đã trở về rồi, ngay từ lúc ra đi.

Sinh ký tử quy. Sống gửi thác về.
Ừ, về, sao mãi gọi ra đi?

Mới biết đi về chẳng qua là một vậy. Thế mà lịch sử nhân loại chỉ mãi cãi nhau. Đến cả đánh nhau to. Bởi đúng - sai, tốt - xấu.
Sao không sớm hiểu? Họ Khổng kia chẳng nhầm lắm ru?
Nhưng nói vậy chẳng hóa bảo không có mâu thuẫn mà lại khơi mào mâu thuẫn?

Đành mượn một chữ của Phật vậy: NGỘ.
Nói chỉ là Thanh, đọc nhìn thấy Sắc, thậm chí nghĩ ra trong đầu chưa qua khỏi Pháp. Nên diễn đạt là bất khả. Thuyết vô ngôn.

***

Vốn không định bàn lẽ đời. Chỉ muốn tán xuôi ngược cho vui. Nhưng nhập đề đi - về, sống - chết nên hơi nặng ký.

Nay nói chuyện thường.
Xem bóng đá, khi cầu thủ tham gia trận đấu thì không rõ anh ta ra sân hay vào sân? Lại nói ra sân thì không biết bắt đầu hay kết thúc thi đấu?
Cứ tưởng ra - vào thì như trắng với đen, vậy mà vẫn mờ mờ không rõ.

Sách giáo khoa nước kia đố học sinh tiểu học rằng: ngược nghĩa với từ "bà ngoại" là gì. Rồi bộ học nước ấy giải rằng thì là "ông nội".

Thôi thì tạm chấp nhận ngược nghĩa như mua với bán (ngược dòng lưu chuyển tiền và hàng). Bổ trợ cho cặp động từ (tạm gọi) ngược nhau này là cặp trạng từ (tạm gọi) ngược nhau đắt - rẻ.
Theo bộ học nọ không khéo mua đắt - bán rẻ lại thành một cặp? Mấy anh học toán nghĩ, ngược dấu thời cộng lại bằng 0. Bán rẻ mà mua đắt e có thất thoát đâu đây chăng? Cũng tại thời đại tham nhũng hơn cơm bữa!
Còn nếu bán đắtmua rẻ thì e có chuyện với giá trị gia tăng? Thật mình kém chuyện chợ búa quá.

Mua danh ba vạn bán danh ba đồng.

Mình hiểu vậy là mua đắt bán rẻ rồi. Không rõ cái danh kia là gì, nhưng e người ấy cũng kém chợ búa y như mình?

Cụ Tản Đà vịnh Sở Khanh có kết như vầy:

Ba mươi đồng bạc thời Gia Tĩnh
Mua lấy nghìn năm tiếng Sở Khanh.

Mình thấy hay quá là hay.
Chỉ hơi lăn tăn tý. Câu trước rõ là ít tiền, tức nhiên rẻ. Câu sau bảo mua được tiếng ngàn năm. Chẳng hóa mua rẻ được món hời?
Nhà thơ khen hay chê đây?

Mà danh tiếng Sở Khanh ở mãi với đời. Phải chăng gã kia bán ra chứ đâu phải mua vào? Bán danh nghìn năm có ba mươi đồng chắc hớ vậy?

Bán mua, đắt rẻ, chê khen lẫn lộn hết cả. Danh kia là cái chi chi? Hèn gì người xưa bảo nên tiếc danh chứ không nên mua bán vậy.

***

Mua bán vốn không rành nên thôi không nói nữa. Nói chuyện này.
Hôm bữa vào nhà bác Bu, thấy bác bàn chuyện giác ngộ. Hai chữ giácngộ có nghĩa gần giống nhau.
Bỗng nhớ đến lần hầu chuyện bậc cao niên. Nói hai chữ gần giống nhau mà đi với nhau không phải vô duyên vô tình vô ý. Đi cặp ắt có âmdương.
Như chữ ý niệm. Tác động ngoài vào sinh ra ý. Tiềm thức nảy ra gọi là niệm. Ý niệm mà ý nhiều niệm ít thời kém sáng tạo mà thực tiễn hơn. Ý niệm mà ý ít niệm nhiều dễ bay bổng mà cũng dễ ảo tưởng.
Sách tôn giáo có câu chuyện minh họa ý niệm: Anh kia ôm chầm anh bạn lâu năm không gặp và tẽn tò vì nhiệt thành đụng phải thờ ơ. Bởi ý anh là ôm hôn con người trước mặt nhưng thực ra nhầm tưởng về người bạn trong hoài niệm của những ngày xưa.

***

Hôm nay mình 2 lần nhắc chữ ngộ. Viết ra thì thấy, đọc lên thì nghe nhưng nó nằm ngoài lục giác quan của con người (ta thường nói có ngũ giác quan thôi), nên cả trong ý, hiểu về nó cũng không bao giờ đúng.
Chỉ mượn mặt chữ thôi.

Không có nhận xét nào: