Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

Heo và ... lợn

Có câu hỏi: heo và lợn khác nhau chỗ nào?

Trả lời: heo ăn bắp còn lợn ăn ngô.

Dọc đường quốc lộ qua Nghệ - Tĩnh, bên những ruộng "ngô" có những tấm biển "tắm heo" (mà không phải là "tắm lợn").

Hắn đoán, một phần thịt lợn ngoài bắc đến từ những con "heo", và chúng được vận chuyển trên tuyến đường này ...

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

Fair play

Không thể không phì cười khi nhìn cách đội tuyển bóng đá Nhật bản, đội bóng châu Á duy nhất sẽ đi tiếp sau vòng bảng WC 2018, thi đấu trong những phút cuối trận của lượt trận cuối vòng bảng.

Họ được quyền đi tiếp nhờ hơn hệ số phụ, được gọi là chỉ số "Fairplay" bằng một cách không được fairplay cho lắm hahaha.

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Thợ

Chiều ni đem xe Win ra ... đạp cho nổ chơi. Rồi lấy đồ nghề ra độ chế lại dây côn.

Xe mãi mới nổ. Cộng thêm thấy đồ nghề mốc meo.

Tự nhiên thấy buồn ...

Lẫn

Nhân chuyện một thầy giáo bị lạc ở PQ. Nói rằng do thầy già và trí nhớ không tốt. Trong đầu hắn xuất hiện 2 câu hỏi. Thế thì thầy dạy học sinh làm sao? Và, câu hỏi thứ 2, thầy mới 54 tuổi.

Vậy mà, người ta đang tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Gắng nêu cho được thật nhiều lý do, cố tình lơ đi 2 điều cơ bản: ngân sách thâm hụt (lý do chính) và môi trường sống bị huỷ hoại (phản biện chính).


Có lẽ, bởi có những kẻ lú lẫn đang đi lạc trong rừng phòng họp ...

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

Sai

Nếu một bài toán chỉ có thể giải được bằng một lời giải sai thì hẳn đó là một đề bài sai?

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

Xưa & nay

Tình cờ xem lại entry hắn viết vừa đúng 4 năm trước. Chính xác là 4 năm + 2 ngày, cũng vào thứ Sáu. WC chán.

Sau 4 năm, vẫn wc chán. Vẫn vtv chán. Vẫn dục thượng thư chán (dù đã là một gã khác).


Có khác chăng, biển đảo, dường như đã được an bài ...

Cười

"Hạnh phúc sẽ đi về phía những ai biết cười".


Hiển nhiên, với những người "cười không nổi" thì còn "hạnh phúc" làm sao? Hehe.

Bảo hiểm

Chị đại diện Bảo Việt (dân bán bảo hiểm, mồm mép chẳng vừa) tả xung hữu đột trả lời nhiều câu hỏi hóc búa, nhưng riêng câu mà hắn chờ đợi nhất thì chị ta lúng búng viện dẫn các quy định của bộ này bộ nọ.

Ấy là vấn đề bảo hiểm trùng. Hiện nay, những người có thu nhập khá, có thể mua nhiều khoản bảo hiểm (ví dụ sức khỏe) khác nhau. Hiển nhiên họ chờ đợi những khoản bù đắp đáng kể trong trường hợp không may, bệnh tật hay tai nạn. Trớ trêu là, công ty bảo hiểm nào cũng đòi hỏi chứng từ gốc mà mỗi bệnh nhân chỉ nhận được từ mỗi bệnh viện ... mỗi 1 bản.

Hắn, tình cờ đã biết điều này (thực ra, cá biệt cũng có công ty chấp nhận bản sao). Cách giải quyết tạm thời tốt nhất là nếu mua, chỉ mua đúng 1 gói. Ấy còn chưa kể đến các khoản bảo hiểm bắt buộc, ví dụ liên quan như bảo hiểm y tế, bảo hiểm người ngồi trên ô tô, xe gắn máy, bảo hiểm du lịch, ... vốn ... đã bị bắt buộc phải mua rồi.

Vấn đề là, "lãnh đạo" công ty hắn đã tự tiện ký hợp đồng mua cho toàn thể cán bộ công nhân viên. Dự buổi truyền thông xong, nhiều đồng nghiệp trẻ còn ngơ ngác, vậy có ký mua nữa không? Thưa bố trẻ, ký thì người ta đã ký rồi, và đã phát "thẻ xanh" (để bảo lãnh khi nhập viện) in chính xác tên từng người một.

Với một doanh nghiệp nhà nước như công ty hắn, nhẽ còn cần giải trình: nguồn kinh phí mua bảo hiểm ấy trích từ đâu ra? ảnh hưởng thế nào đến thu nhập của người lao động? À, mà đó là cả một câu hỏi khác, và dĩ nhiên, không dành cho chị đại diện xinh đẹp của Bảo Việt.

Họp

Báo chí (vẫn còn âm hưởng ngày báo chí hihi) nhắc đi nhắc lại câu chuyện (có vẻ) buồn cười: các cán bộ huyện bỏ về sạch trơn trong khi chủ tịch tỉnh đang kết luận cuộc họp.

Hiện tượng rõ ràng có vẻ buồn cười, nhưng bản chất thì xưa như ... những chuyện thường ngày ở huyện. Những cuộc họp vô bổ, những phát biểu sáo rỗng và ... người (phải) nghe coi người nói (thường là cán bộ cấp trên) chả ra ... cái chó gì.


Anyway, lão già, sáng nay đi họp đây hahaha.

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Bản quyền và độc quyền

VTV, vụ WC, chẳng khác con gà mái mắc đẻ. Trước thì sục sạo tìm ổ, sau thì cục tác cục ta khoe công ầm ĩ. WC mới được mấy ngày thì lại hết rên đến rỉ chuyện vi phạm bản quyền. Hoá ra do kẻ khác cũng truyền hình, sợ mất độc quyền quảng cáo. Thời đại kim tiền, cũng chẳng biết FIFA làm ăn như thế nào nữa.

Nhân lúc rảnh rỗi, thử vào trang của VTV xem thế nào thì thấy "vì lượng truy cập quá đông nên ...". Thế này chả phải đã kém lại tham hay sao?


Nhân tiện nhớ đến "phong trào" hô hào "lấy dây thừng kéo mây về xứ sở". Có những bạn trẻ hô hào chớp lấy cơ hội. Cơ hội, nào phải bây giờ mới có?

Nhớ N xưa, chọn thuê máy chủ của đơn vị trong nước. Trước là yêu nước, sau cho tiện liên lạc. Kịp một ngày đẹp trời tá hoả thấy email mất sạch. Gọi điện hỏi thì được biết "bọn em bảo dưỡng máy", mà "quên" backup nên khách hàng chỉ còn cách ngậm ngùi.

Khá khen bạn trẻ nào nhìn ra cơ hội, cũng gọi là "có não". Nhưng, lợi dụng ngăn sông cấm chợ để kiếm tiền thì chỉ là đắp đổi qua ngày, nào đâu "rễ sâu gốc vững" ...

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

Hot

Báo chí (lại báo chí, chắc vì sắp đến ngày gì đó hehe) hỏi (không biết có hỏi thật chăng?): bình luận (loạn) wc, tại sao phải bắt hot girl rành bóng đá?

Lão già kia, cắc cớ, cũng ... hỏi: tại sao phải bắt hot girl bình loạn bóng đá?


Nhẽ, bóng đá, tự thân nó, đáng chán đến vậy sao?

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

Trẻ

Báo chí viết: Trào lưu thích trai trẻ của các cô gái TQ.

Rằng: gọi là "cún cưng", yêu cầu: giống "pet".


Trai trẻ, sẽ đến lúc thành "trai già", thì sẽ ra sao nhỉ? Một lão già chưa từng là "pet trẻ" hỏi.

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2018

Cao thượng và xảo ngôn

Tinh thần cao thượng, ngày nay, chỉ còn sót lại trong các truyền thuyết. Đến thể thao cũng đầy rẫy tiểu xảo, dân xứ kia còn ngụy biện rằng đó là chiến thuật thông minh.

Nên, không lạ, dân xứ ấy, tranh cãi, ở bất cứ đâu, đều gán nhiều "mỹ từ" cho phe đối lập, dù trong lòng biết rõ thế nào. Tệ hơn, họ vui mừng khi thấy ý kiến khác mình bị vùi dập bởi cường quyền.

Những kẻ nắm quyền lực xứ đó là những người ít tin tưởng nhất về uy tín của ... chính họ. Bằng chứng rõ ràng là họ không bao giờ dám chấp nhận bầu cử thực sự, như một trận đấu sạch, dù ngôn từ luôn có vẻ mạnh mẽ.

Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi cái gọi là quốc hội đã đồng tình không công khai ...


Có câu, cây ngay không sợ chết đứng.

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

Luận Hàn Tín

Sáng nay, ngồi trên cầu tiêu đọc sách, thấy cụ Vương (HS) nói, nhân rảnh rỗi không biết làm gì luận Hàn Tín chơi cho đỡ buồn. Cũng đang trong cơn buồn, bèn cũng ... luận Hàn Tín chơi hehe.


So tam kiệt ai bằng Hàn Tín
Một tay thu muôn dặm nước non.
Những ngỡ rằng khoán thiết thư son
Thái Sơn như lệ Hoàng Hà như đái.
Hạp tảo ngũ hồ song Phạm Lãi
Khước lưu tam kiệt độc Trương Lương.

Đau đớn thay, điểu tận cung tàng
Đầm Vân Mộng mắc phải mưu con trẻ
Ví biết chữ khả hành khả chỉ
Thời ngũ hồ một lá cho xong
Làm chi lúng túng trong vòng.


Người đời sau thường chê họ Hàn rằng, thân làm tướng tài, liệu việc như thần, mà không lường được mưu hèn kế bẩn của vua hèn Lưu Bang và mụ đàn bà Lữ Trĩ. Hay như cụ Nguyễn ở trên cũng chê Tín biết khả hành không biết khả chỉ.

Nghĩ, biết đâu, Tín hiểu việc từ thuở ban sơ, mượn mệnh đế vương của Lưu Bang để đặt chân vào "hãn thanh". Chê Lưu Bang tài chỉ quản "vài muôn", so với mình "càng nhiều càng tốt", để mượn lưỡi gươm của Lưu Bang mà có cái kết oai hùng, tránh khỏi chết già trên giường bệnh, cảnh "mỹ nhân tự cổ như danh tướng".

Lão già nơi núi kia bỗng cười lớn, nói vậy, phải chăng quá đề cao họ Hàn, hay chê Tín thậm tệ? Bởi, cả một đời anh hùng, vẫy vùng bốn biển, nhẽ không ra ngoài được một chữ danh?



Hôm kia, ngồi nhậu, cao hứng, bèn kể chuyện Lưu Linh (đến tận ngày nay vẫn có vô vàn đệ tử), đi đâu cũng vác theo một cái cuốc, trên cán có dán chữ "chết đâu chôn đó". Có người chê rằng, biết đến vậy mà vẫn còn câu nệ chôn với không chôn ư?

Bạn, hỏi cắc cớ, chớ cái ông chê đó là ông nào? Nghĩ bụng, thoát như thế, mà để danh vương lại với đời, thì, chẳng hoá quá tầm thường hay sao ...

Bạo lực, quá khích và kích động

Hắn không thích bạo lực. Không bao giờ ủng hộ bạo lực. Vì thế chẳng bao giờ tung hô các cuộc cách mạng, dù là tương lai, hiện tại hay trong quá khứ. Bạo lực cũng có trả vay vậy.

Nhưng, nhiều lúc tự lo, hình như mình đang ngày càng quá khích. Nhẽ, nhìn nghe thấy quá nhiều ngang trái mà chẳng biết xả vào đâu. Quả bóng cứ bị bơm mãi, không xì được thì liệu có nổ không?

Theo lý luận thông thường, khi nổ, lại bảo, bị kích động. Dường như kẻ kích động thì bao giờ cũng phải là kẻ xấu. Cứ nghe phát ngôn của các quan chức, hay bộ máy tuyên truyền, như VTV chẳng hạn, chỉ muốn ... nổ. Xem ra, kẻ kích động, còn phải tìm đâu xa ...

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018

Thái bình

Nghe nói rằng, lúc Fernão de Magalhães đi qua Thái Bình Dương trong chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới, ông hầu như không gặp trở ngại gì đáng kể, nên mới đặt tên cho đại dương lớn nhất "năm châu bốn biển" như vậy.

Thực ra thì Thái Bình Dương là nơi hàng năm hình thành một số lượng các cơn bão đáng kể, trong đó có nhiều cơn bão khủng khiếp, có sức tàn phá kinh khủng.



Vậy nên, thái bình mà không thái bình, là vậy.



Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2018

Phán quyết và phán xử

Nghe được một câu thật đơn giản: phán quyết ở cuối một phiên phán xử, không phải ở đầu.

Dường như, những kẻ đang rắp tâm thông qua một cái được gọi là "luật" (mượn danh) an ninh mạng, cố tình lờ đi sự thật đơn giản này.

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

Trấp tổn

Lão già kia ở núi đã lâu, nay nghe những chuyện thuê đất bán nước thời không hiểu mấy. Thôi thì chỉ nói chuyện thơ văn.

Lại nhân đang đọc sách cũ của cụ Vương (Hồng Sển), bèn học lối tuỳ tiện nhớ đâu viết đó, chẳng tra cứu sắp xếp lớp lang gì ...


***


Bạn, một hôm hỏi: Anh ở xứ Quảng đã lâu, biết "trấp tổn" nghĩa là gì chăng?

Đáp:
Há phải Đường Ngu mà trấp tổn
Nào Thang, nào Võ ở mô na?
phải không?

Bạn vỗ đùi đánh đét: đúng y tổ kiến lửa rồi.

Cười, mình, quê Quảng Trị, học Quảng Đức, nay ngụ Quảng Nam, xem  như Ngũ Quảng cũng gần, phải không? Chắc bạn biết mấy câu thơ trên xuất xứ Quảng Nam nên nghĩ tiếng địa phương mà hỏi? May cho lão, Quảng, chỉ gà què, nhưng biết được 2 chữ trên vốn là ... chữ Hán.

Hai chữ này, vốn chẳng được dùng mấy, bởi, chỉ một khái niệm xa xưa sau này không còn lặp lại. Phiên âm "trấp tổn", cũng có nơi "ấp tốn", lão đọc được ở đâu đó, nôm na là "vái nhau mà nhường thiên hạ". Ấy chỉ việc Nghiêu Thuấn xưa. Nghiêu vái mà nhường thiên hạ cho Thuấn, sau Thuấn lại "trấp tổn", trao thiên hạ cho Vũ.

Sử Trung Hoa, thường bắt đầu từ thời Tam Hoàng, Ngũ Đế. Cũng nặng truyền thuyết, nhiều sử gia cho rằng, thuở ấy chắc chỉ cỡ bộ lạc, tù trưởng chứ chưa đến vua chúa phong kiến. Hai vua cuối cùng trong Ngũ Đế là Nghiêu và Thuấn.

Nghiêu, có 2 con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh, đều gả cho Thuấn. Nên, nhường ngôi cho Thuấn, tưởng cũng không lạ lắm. Thậm chí có sách còn nói Thuấn âm mưu hại con trai Nghiêu, đoạt lấy thiên hạ.

Đến lượt Thuấn, cha ngang ngạnh, em hư hỏng, sau này có thiên hạ đem trao cho người ngoài là Vũ thì cũng thường thôi.

Song, sử Tàu, có cái hay là cứ lấy cái ban sơ làm gương, nên sách sau này đều viết: vua hiền không ai hơn Nghiêu Thuấn. Cũng có cái tốt, là răn hậu sinh bớt kiêu căng.

Nếu giữ được truyền thống thì Vũ đã nhường thiên hạ cho người ngoài là Bá Ích. Nhưng, "các quan không chịu", rốt cuộc thiên hạ về tay con Vũ là Khể, "bắt đầu cho cái lệ, lấy thiên hạ làm của nhà".

Xem như Vũ sáng lập ra nhà Hạ, (nên cũng gọi Hạ Vũ). Cha truyền con nối đến Kiệt thì không ra gì. Tàn bạo, hoang dâm vô độ. Nên, Thang phải nổi lên mà đuổi đi.

Thang lập nhà Thương, cũng gọi là Ân (Thương Thang, Ân Thang). Truyền đến Trụ thì cũng chẳng khác gì Kiệt. Cuối cùng bị giết bởi Võ vương (con của Văn vương), nhường chỗ cho nhà Chu.

Sử Tàu, sau vẫn nói, vua xấu không ai hơn Kiệt Trụ.


Mải học cụ Vương nên đi xa lạc đề, bây giờ quay lại 2 câu thơ đã dẫn.

Nghiêu đặt hiệu nước là Đào Đường. Thuấn gọi tên nước là Đại Ngu. "Há phải Đường Ngu mà trấp tổn" chính là: nào phải Nghiêu Thuấn đâu mà đòi nhường thiên hạ?

"Nào Thang nào Võ ở mô na", hỏi ông Thang, ông Võ (vương) ở đâu tức ý muốn mắng chúng mày chính là lũ Kiệt Trụ.


Bạn, thắc mắc, hoàn cảnh nào, sao tác giả mắng ai mà ghê thế?

Hai câu thơ, vốn là 2 câu kết của một bài thất ngôn bát cú. Tác giả là một bậc nữ lưu, sau này quen gọi là bà Bang Nhãn, do có chồng làm bang tá. Tục danh, hình như, là Nguyễn Thị Liễu, sinh quán Đại Lộc (Quảng Nam).

Bài thơ có tên "Qua cửa Hàn cảm tác" (viết nhân đi thuyền qua cửa Hàn - cửa biển Đà Nẵng ngày nay). Thực ra 2 câu kết này có rất nhiều dị bản (trong khi 6 câu đầu khá thống nhất), trong đó, 2 câu dẫn ở đây dường như ... khó hiểu nhất. Nhưng vì thích nên ... lão chỉ nhớ 2 câu này, theo đúng tinh thần cổ thi điển tích.

Lão đoán, bài thơ được làm vào những năm 1885, 1886. Vì năm 1885 là năm "kinh đô thất thủ", Tôn Thất Thuyết rước vua Hàm Nghi lánh ra Tân Sở. Đồng Khánh lên ngôi. Nhiều sử gia cho rằng Đồng Khánh trả ơn người Pháp ủng hộ nên cắt đất dâng Pháp. Thực ra, có thể thế lúc đó chẳng đặng đừng. Một loạt vùng đất bị cắt giao cho người Pháp, gọi là nhượng địa, trong đó có Đà Nẵng (ngày nay).

Người Pháp gọi bằng tên Tourane. Sĩ phu thời ấy tránh tên gọi này, xem như gợi nỗi nhục mất nước. Không như ngày nay, cháu con vinh dự đặt Tourane này Tourane nọ cho dự án ấy dự án kia.



Nói vậy cũng đã quá dài. Lão chỉ nhớ bài thơ thế này:


Qua cửa Hàn cảm tác
Bà Bang Nhãn

Ầm ầm ngựa lại với xe qua
Nhượng địa là đây có phải a
Liếc mắt nhìn xem phong cảnh lạ
Chạnh lòng nhớ tới nước non ta
Những trang hồ thỉ rày đâu vắng
Nỡ để dân đen tủi lắm mà
Há phải Đường Ngu mà trấp tổn
Nào Thang nào Võ ở mô na?

Thị phi

Đội bóng hoàng gia Real Madrid đã thắng Liverpool FC trong trận chung kết UEFA Champions League mùa giải 2017-2018.

Trong trận đấu này, tiền đạo ngôi sao, niềm hy vọng của Liverpool, Mohamed Salah, đã sớm phải rời sân sau va chạm với Sergio Ramos bên phía Real. Xem các đoạn phim quay lại, có thể thấy Ramos đã dùng tiểu xảo với Salah. Có thể, đó không phải là một ác ý. Có thể, đó chỉ là điều bình thường trong thể thao ngày nay.


Liverpool đã thua, không chỉ bởi mất đi mũi nhọn tấn công lợi hại nhất, mà còn vì những sai lầm tai hại của the goalkeeper, Loris Karius. Mới đây, một số báo nước ngoài đăng tải một đoạn phim quay lại, cảnh ngay trước khi anh này phạm sai lầm đầu tiên. Anh đã nhận một cú thúc cùi chỏ khá mạnh vào đầu từ ... Sergio Ramos, với nhận định có thể gây choáng nặng.



Thể thao không còn là thể thao nữa. Thương mại khoác áo thể thao sao tránh khỏi thị phi ...

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

Cuộc sống phiên bản lỗi

Đang đọc nghĩ ngợi đường xa của Nguyễn Thị Hậu, NXB Văn hoá - Văn nghệ Tp HCM. Bỗng thấy sang trang đột ngột. Giật mình nhìn lên, sau trang 104 là trang 109. Thiếu đâu mất 4 trang - 2 tờ.

Không biết, chỉ quyển này hay quyển nào cũng thiếu như vậy?


***


Tự nhiên nhớ lại ngày hôm qua đi xe từ Huế vào. Xe du lịch, giường nằm. Xui một nỗi quá đông ... đồng bào mình. Đồng nghĩa với xung quanh như cái chợ.

Mặc dù ở Huế được nhắc đi nhắc lại về điểm đến, hoá ra ở ĐN điểm đó đã được thay đổi sang tận quận 3. Không sao, nhờ thế hắn có dịp đi bộ qua chiếc cầu cũ, vốn được chuyển thành cầu đi bộ đã lâu, mặc cho xe ôm taxi chèo kéo.

Nghe nói rằng, đây là chiếc cầu cuối cùng có kết cấu thép hàn còn lại trên thế giới. Chẳng cần đâu xa, hôm nọ ngang qua Cam Ranh, hắn nhìn thấy một chiếc cầu có vẻ giống hệt.

Dân ta, hầu như không có tư duy phản biện, cộng thêm nền giáo dục "phải ngoan", lối sống "dĩ hoà vi quý", nên chuyện phát tán thông tin không chính xác chẳng còn là lạ ...

Đặc khu

Nói chữ "luật" ở xứ ta nghe hơi ngượng miệng, nhưng thôi cứ tạm dùng.

Văn bản thì truyền thống là tiền hậu bất nhất. Mở đầu bao giờ cũng thật hoành tráng.

Nói đặc khu là để phát triển mũi nhọn này nọ, rút cục triển khai không quá đất đai với sòng bạc.


Còn nói 4.0 hay tự so sánh với Thâm Quyến làm gì, trong khi thực chất tư bản sơ khai đào mãi tài nguyên cho đến hết. Nước Mỹ xây dựng Las Vegas có chọn nơi bờ xôi ruộng mật chăng?



Không biết, cái được gọi là "luật" kia có nhắm đến các yếu tố nước ngoài không? Nhưng không ngạc nhiên thấy nước ngoài hiển hiện, bởi nội lực nào có có gì.

Mà nước ngoài, không ngẫu nhiên người ta nhắc đến Trung cộng, bởi "quy trình" áp dụng luật (lại luật!?!) đấu thầu đã hai chục năm nay.




Nghe dân tình tranh cãi con số 99, lão già nọ cười ruồi, tham nhũng chính sách, chưa nghe nói tới ư ...

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

Quan lại

Nói về quan lại ngày nay, có câu cửa miệng: chưa bao giờ thấy (ví dụ, bộ trưởng) kém như thế, tệ như thế, dốt ngu khốn nạn như thế, ...

Nhưng lúc như thế, hắn, không thể không nhớ câu, "Smile, tomorrow will be worse". Và cười bảo mọi người: cứ yên chí, sẽ có kẻ tệ hơn, sớm thôi, hihi.

Chẳng cần giỏi giang gì cũng nhìn thấy những kẻ đang tay bưng bô chân lết bằng đầu gối chả mấy chốc một bước lên quan ...

(01/06/2018)