Tự nhiên đọc linh tinh về hồ con rùa.
Và nhớ về những tò mò một thời học sinh. Những thông tin mình nghe được ngày ấy, không khác gì trên wiki ngày nay.
Sở dĩ có những tò mò, lúc đó mình chưa hề đặt chân đến Sài gòn, là do bộ phim Vụ án hồ con rùa. Còn nhớ, đó là bộ phim màu đầu tiên của vn mà mình được xem. Vé mua theo tập thể của trường Quốc học. Xem tại nhà hát lớn (thành phố Huế).
Ấn tượng khó phai là màu rất đẹp. Đẹp hơn hẳn các phim màu chiến đấu liên xô, hay tâm lý xã hội (phần lớn cũng của liên xô) độc quyền ngày ấy.
Sau đó hình như mình được xem Xa và gần, rồi dần dần quên những đen trắng cũ ...
Hôm nay đọc thấy hồ con rùa, không kìm được hỏi bạn Gúc về phim cũ. Và tìm thấy link hay hay này, cóp về đây để nhớ ...
TB. Cũng đáng nhớ là phim Pho tượng. Có một cái gì đó khá cảm động. Và bài hát trong phim ...
(Nói chuyện cà kê dê ngỗng, Pho tượng là phim đầu tiên Đơn Dương tham gia. Dĩ nhiên lúc đó mấy ai để ý, thậm chí sau này cũng chả ai biết mà nhớ. Người thì nổi tiếng, rồi gian nan, rồi về cùng cát bụi ...)
Thúy Lan tên thật là Phạm Thúy Lan, sinh năm 1956 tại Hà Nội. Thời thập niên 80, Thúy Lan là giảng viên giảng dạy nhạc cụ Cello (tức Violoncell) của Nhạc viện TP.HCM. Ngoài thời gian giảng dạy âm nhạc, Thúy Lan hằng đêm còn chơi đàn Cello tại nhà hàng Maxim.
Năm 1982, Thúy Lan được đạo diễn điện ảnh Lê Dân mời tham gia đóng phim, với vai nữ chính là bác sĩ Thu Trang, đóng cặp với nam diễn viên điện ảnh Nguyễn Chánh Tín, trong cuốn phim nhựa trắng đenPho Tượng do hãng phim Nguyễn Đình Chiểu sản xuất. Nội dung phim Pho Tượng nói về một nhà điêu khắc trẻ bị bắt đi quân dịch, phải ra trận, bị thương, tưởng phải bị cắt bỏ tay, nhưng được một nữ bác sĩ giải phóng quân cứu chữa, được giác ngộ và đã dùng đôi tay ấy tạo nên những bức tượng về những người đã cứu mình. Bộ phim Pho Tượng đã đoạt giải đặc biệt Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI vào năm 1983.
Với gương mặt ăn ảnh, xinh đẹp cùng với khả năng diễn xuất có sức thuyết phục ngay từ bộ phim đầu tay đến với điện ảnh, Thúy Lan trở thành gương mặt tạo sự chú ý từ các nhà làm phim thời bấy giờ. Trong năm 1982, khi chuẩn bị làm phim màu Xa Và Gần dài 2 tập, đạo diễn Huy Thành đã chọn sẵn Thúy Lan dự tính để vào vai chính Thu Hà - cô con dâu của bà tư sản Thuận Thành. Nếu như diễn viên Hà Xuyên lúc ấy mới bước chân vào lãnh vực điện ảnh trong phim Xa Và Gần không có đủ khả năng đảm đương nỗi vai diễn chính đầu tiên này thì người đóng thay Hà Xuyên trong vai Thu Hà sẽ là Thúy Lan, nhưng rồi Hà Xuyên đã vượt qua được, thế là Thúy Lan lỡ hẹn với phim Xa Và Gần.
Vào năm 1984, lúc chuẩn bị thực hiện tiếp bộ phim Ván Bài Lật Ngửa với tập 4 Cơn Hồng Thủy Và Bản Tango Số 3 thì diễn viên nữ chính Thúy An có bầu con gái đầu lòng Thúy Hồng, do đó không thể nào tiếp tục tham gia vai diễn Thùy Dung với nhiều cảnh hành động trong tập này. Để không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất phim trong năm 1984 của Xí nghiệp phim Tổng hợp TP.HCM đã quy định, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đành tìm chọn diễn viên khác thay thế. Ông đã mời nữ diễn viên Thúy Lan, thế nhưng trong thời điểm đó Thúy Lan lại mắc bận đang đóng phim Vụ Án Hồ Con Rùa của đạo diễn Trần Phương với vai nữ chính Trà My nên không thể tham gia cùng một lúc hai phim, cuối cùng đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã gặp được Thanh Lan và mời Thanh Lan đóng phim trở lại. Để vào vai diễn Trà My này trong phim Vụ Án Hồ Con Rùa, Thúy Lan đã phải trải qua với nhiều cảnh quay phải tự diễn xuất một mình trước ống kính quay phim, đòi hỏi người diễn viên phải có bản lĩnh cao để thể hiện tốt mọi trạng thái tâm lý của nhân vật. Trong phim, còn có cảnh nhân vật Trà My ngồi chơi đàn Cello. Còn phimVán Bài Lật Ngửa, một lần nữa trong cuộc đời làm diễn viên, Thúy Lan lại vuột mất cơ hội để đến với vai Thùy Dung - nữ điệp viên tình báo người Hà Nội bên cạnh Nguyễn Thành Luân; chứ nếu cô tham gia được vào vai Thùy Dung của phim Ván Bài Lật Ngửa thì cô sẽ được nhiều khán giả điện ảnh đương thời biết đến tên tuổi cô nhiều hơn.
Năm 1987, Thúy Lan tham gia diễn xuất vai Hồng trong bộ phim nhựa trắng đen Tiếng Gọi Lúc Mờ Sáng của đạo diễn Lê Mộng Hoàng, do hãng phim Nguyễn Đình Chiểu sản xuất. Trong phim này, Thúy Lan đảm nhận vai chính, đó là một cô gái có tình yêu mù quáng với một tướng cướp (do Thương Tín đóng).
Sau phim này, Thúy Lan từ giã hẳn điện ảnh, cô trở về với công việc chính của mình là giảng dạy đàn Cello ở Nhạc viện TP.HCM & chơi đàn Cello hằng đêm ở nhà hàng Maxim như trước đây, chăm lo cho gia đình của cô.
Qua thập niên 90, Thúy Lan cũng không còn hoạt động bên lãnh vực âm nhạc nữa, cô chuyển sang làm công việc khác, đó là làm kinh tế cho một công ty tư nhân. Năm 2001, sức khỏe Thúy Lan giảm sút do mắc cơn bệnh tai biến. Hiện nay, Thúy Lan đã sang Nga định cư cùng với chồng con.
Chồng của Thúy Lan là Bùi Công Thành, giảng viên giảng dạy đàn Violon của Nhạc viện TP.HCM, đồng thời là nghệ sĩ chơi đàn Violon. Ngoài âm nhạc, Bùi Công Thành còn tham gia bên lãnh vực điện ảnh qua hai bộ phim. Phim đầu tiên là phim Phượng của đạo diễn Lê Văn Duy, do Xí nghiệp phim Tổng hợp TP.HCM sản xuất năm 1981. Trong phim này, Bùi Công Thành đóng vai nam chính Thạch, người yêu của cô sinh viên Phượng tham gia xuống đường biểu tình. Năm 1988, Bùi Công Thành đến với vai nghệ sĩ chơi đàn Violon rồi bị chết trong một tai nạn (cha của nhân vật nữ chính) trong bộ phim màuTình Xa của đạo diễn Trung Hiếu, do Công ty điện ảnh và băng từ TP.HCM hợp tác với điện ảnh Thái Lan. Hiện nay, Bùi Công Thành cũng sinh sống bên Nga cùng với vợ con. Nơi họ sinh sống thuộc miền Nam Ural, cách Matxcơva 1.800 cây số, có khoảng 700-800 người Việt Nam sinh sống, phần lớn thuộc diện hợp tác lao động. Bùi Công Thành là phó giám đốc phụ trách đối ngoại của Nhạc viện Magnitogorskơ, vừa dạy chuyên môn vừa tìm kiếm nguồn ngoại tệ cho trường thông qua việc thu hút các sinh viên nước ngoài. Từ nhiều năm nay, Bùi Công Thành đều được mời tham gia ban giám khảo các cuộc thi quốc tế quan trọng và là thành viên Hiệp hội Giáo sư Âm nhạc châu Âu. Trong cuộc thi âm nhạc quốc tế tại Toliatti (Nga) năm 2002, Bùi Công Thành được trao bằng danh dự Người dạy giỏi nhất cuộc thi vì có học trò (người Nga) đoạt giải nhất.
Vợ chồng Bùi Công Thành - Phạm Thúy Lan có hai người con. Con trai đầu lòng của họ tên là Bùi Công Duy, sinh năm 1981, hiện nay là nghệ sĩ chơi đàn Violon của Nhà hát giao hưởng vũ kịch Việt Nam và là giảng viên dạy Violon ở Nhạc viện Hà Nội. Bùi Công Duy còn là con rể của vợ chồng nhạc sĩ Phú Quang - NSƯT Nguyễn Hồng Nhung (thổi sáo Flute). Bùi Công Duy lập gia đình với Nguyễn Trinh Hương, nghệ sĩ chơi đàn Piano, con gái của nhạc sĩ Phú Quang. Bùi Công Duy là tài năng âm nhạc trẻ đã giành giải nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Tchaikovsky năm 16 tuổi cùng hàng chục giải thưởng âm nhạc uy tín khác.
Cô con gái út của Bùi Công Thành - Thúy Lan có tên là Bùi Công Duy Linh, sinh năm 1988, hiện nay sinh sống cùng với bố mẹ tại nước Nga, biết chơi Piano & thổi Flute.
Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét