Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Điểm

Không có ý chê bai bộ giáo dục ở đây (nghĩa là rất đáng chê bai nhưng sẽ chê bai ở một chỗ khác vào một lúc khác hehe).

Cũng không có ý chê bai kỳ thi quốc gia do bộ ấy tổ chức (lý do tương tự hihi).


Nhưng mới đọc được bài viết về chuyện điểm học điểm thi một trời một vực. Bỏ qua chuyện mưa điểm 9 điểm 10, tác giả đặt vấn đề có nhiều điểm thi rất thấp (thậm chí điểm liệt) trong khi điểm học của cũng môn đó lại cao (thậm chí ngất ngưỡng). Từ đó "thẳng thắn" vạch ra tiêu cực, bệnh thành tích (biết rồi khổ lắm nói mãi) của việc dạy và học ở xứ này.

Nói không sai. Tuy nhiên, không biết có chút "nguỵ biện" nào không cho một kỳ thi quá hao tài tốn sức của cả xã hội mà kết quả thì có thực sự cần thiết?


Sở dĩ ngờ nguỵ biện là vì:

1. Nhằm chê việc học nên cố khen việc thi. Thi cử kiểu đó (tập trung, dồn dập và thậm chí ... trắc nghiệm) liệu có hay ho gì? (Ông cha chẳng đã bảo "học tài thi phận" đó sao!).

Mưa điểm 9, 10 kia sao không nói luôn (cho "công bằng" khi có ý phán xét)? Có chăng lộ đề, học tủ, ...?

Không tìm hiểu đến nơi đến chốn. Ví dụ như chuyện các đồng nghiệp hắn kể, rằng con họ không thèm làm bài thi, chỉ cần làm sơ sơ, có gì đã có điểm học kéo lại. Điểm tốt nghiệp chẳng có ý nghĩa gì, điểm thi đại học cũng không quá quan trọng (vì có quá nhiều trường đại học), ít ra là những đứa trẻ đã nghĩ thế. Vậy nên điểm thi thấp cũng có năm bảy đường ...


2. Chuyện điểm trong học bạ cao kịch bậc không phải bây giờ mới có, cũng không cần so điểm thi mới thấy. Sớm không nói, muộn không nói, nói giờ là có ý gì hihi? Bảo đa nghi thì cũng đa nghi thật, song lối nguỵ biện này không xa lạ.



Còn lão già lười nơi núi nọ chỉ thủng thẳng: bệnh thành tích không có gì lạ, để thành tích có ý nghĩa thời phải thay đổi cách đánh giá. Trước tiên, cứ bỏ các kỳ thi tập trung đi đã ...

Không có nhận xét nào: