"Dek" hay viết cho đúng chính tả là "đếch". Tra từ điển không thấy nghĩa còn thì tất cả các cái đầu thông minh hay không thông minh đều hiểu nó đơn giản chỉ là một từ mang nghĩa phủ định như "không", “chả", "chẳng", "no", "not"... (Trừ những người quá thông minh hay quá cổ điển mới không thèm hiểu nó mà thôi).
Thấy thú vị nên mình cũng muốn góp vui.
Chả là mình thỉnh thoảng cũng văng cái "dek" này. Nói cho công bằng, mình ít khi sử dụng những từ không có trong từ điển tiếng Việt phổ thông. (Những từ có trong đó xài còn chưa hết! ). Cũng ít khi dùng đến những từ được chú thích trong ngoặc đơn là (t.) (?!), mở đầu từ điển ghi "t. nghĩa là tục" (!?). Nhưng tình hình là thói quen này đang dần bị phá vỡ.
Bác NQL có nói: "Một ngày mà không nói tục thì thấy nhạt miệng".
Mình thì lâu không nói tục cũng thấy đời ... hơi bị ... nhạt (!?).
Nguyên nhân sâu xa là ở chỗ: thấy các vị quan to quan nhỏ, trí thức trí ngủ thi nhau ráo mép dạy đời mà làm thì còn tệ hơn tục. Mình không biết sống có khá hơn được không, nhưng cũng muốn văng vào mặt mấy vị cho hả.
Tuy nhiên vốn từ hạn hẹp, sử dụng cũng còn nhiều ... ngượng ngập. Trong đó có chữ "dek" là dùng tự tin hơn cả (?!). Tại nghĩ: nó là từ ít tục nhất (!?).
Cũng nghĩ như bạn Ngỗng thôi. Bạn N nói hoặc dùng để "mắng", hoặc để "mắng yêu". Chú thích: mắng yêu là yêu nhiều hơn mắng.
Xưa nay phang đại trong ngôn ngữ nói. Bây giờ bờ lốc bờ liếc bỗng nảy ra văn viết (!?). Ngôn ngữ "@" viết "dek", nguyên dạng viết "đếch". Có bạn còm cho bạn N ghi rõ ngoài Bắc nói "đách".
Tự nhiên nổi máu "chuyện Đông chuyện Tây", tò mò xem thử từ nguyên của "dek" là gì. Loay hoay một hồi tìm được cái này của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc. Bài dài, có nhiều điều mình thấy không chính xác. Nhưng hôm nay không tiện bàn rộng ra, e loãng. Nguyên bài viết nói về ngôn ngữ con người ... dính đến loài vật. Chỉ xin trích đoạn liên quan (nhân đang nói đến "con cóc"!):
Chữ ‘cóc” cũng là một từ phủ định, nhưng ý hướng phủ định thì khác hẳn. Ðó là sự phủ định kèm theo hàm ý thách thức. Phủ định và thách thức. “Cóc cần” là không cần, hơn nữa, dù thế nào đi nữa cũng không cần. “Cóc ngán” là không ngán, hơn nữa, dù thế nào đi nữa thì cũng vẫn không ngán. Kết hợp phủ định với chữ “cóc”, do đó, mạnh mẽ và dứt khoát hơn hẳn kết hợp phủ định với từ “không” hay “chẳng” hay “chả” quen thuộc.
Trong hầu hết các trường hợp, những chữ cóc mang ý nghĩa phủ định ấy đều có thể được thay thế bằng một trong ba chữ khác: nõ, đách và đếch:
Nhưng nõ, đách hay đếch nghĩa là gì?
Theo Từ điển Tiếng Việt của Văn Tân: “Nõ: Bộ phận sinh dục ngoài của đàn ông”; “Ðách: Cơ quan sinh dục của đàn bà”. Trong Việt Nam Tự Ðiển, Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ giải thích chữ “đếch” (“đách”) hơi khác: “Ðếch: Ðách, chất nhờn, dơ trong âm hộ.” Ðịnh nghĩa này có vẻ gần với cách hiểu của Alexandre de Rhodes trong Từ điển Việt Bồ La: “Ðếch: tinh khí con người”. Khác, hơi khác, nhưng dù sao nó cũng liên quan đến bộ phận sinh dục của phụ nữ. Và như vậy, thực chất của những cách nói quen thuộc như “nõ sợ”, “đếch sợ” hay “đách sợ” là gì? Là, xin lỗi, nói một cách nôm na, “Sợ cái con c.” hay “sợ cái l.”
Tục tĩu quá chăng? Trước khi đánh giá, xin lưu ý bạn đọc một điều: Trong tiếng Anh hiện nay, chữ Testament sang trọng biết chừng nào. Nó là tên của thánh kinh đấy: Old Testament = Cựu Ước; New Testament = Tân Ước. Chữ Testament có động từ là testify có nghĩa là khai, tuyên thệ hay làm chứng. Nhưng từ nguyên của testify là gì? Có nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng một trong các giả thuyết ấy là: chữ testify bắt nguồn từ testis nghĩa là... hòn dái. Theo giả thuyết này, ngày xưa, dĩ nhiên là xưa lắm lắm, ở La Mã, mỗi lần ra trước toà án, người ta thường đặt tay lên bộ phận sinh dục của mình mà... thề. Thì, có gì đáng ngạc nhiên đâu? Thời ấy, lâu rồi, với tín ngưỡng phồn thực, người ta từng xem các bộ phận sinh dục là những vật linh thiêng. Người ta phong thần cho chúng. Người ta tạc tượng chúng. Người ta bày chúng ở những nơi trang trọng nhất để thờ. Thờ được thì dùng để thề cũng được, sao lại không?
Theo chỗ tôi biết, trong khi có vô số bằng chứng về sự hiện hữu của tín ngưỡng phồn thực tại Việt Nam, chưa có bất cứ chứng cớ gì, dù xa dù gần, cho thấy người Việt Nam từng đặt tay lên bộ phận sinh dục để thề thốt cả. Thề, chúng ta chỉ tay lên trời hoặc xuống đất mà thề. Bộ phận sinh dục, chúng ta chỉ gọi tên hay vỗ vào đó khi cần chửi nhau mà thôi. Hồi nhỏ, ở Việt Nam, tôi đã từng thấy rất nhiều lần trong làng xóm hoặc những nơi tôi tình cờ đi qua, hình ảnh những phụ nữ đứng dạng chân, trước hằng trăm cặp mắt chăm chú ngó, vỗ tay đồm độp vào giữa háng của mình, đòi đối thủ phải bú, phải liếm hay nhét đầu vào đó. Tôi cứ nghĩ đó là cách hành xử của những người ít học. Mà hình như không hẳn thế.
...Sống trong một xã hội như xã hội Việt Nam, chỉ có thánh may ra mới không biết chửi tục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét