Nghe đâu có mấy cháu học sinh trường nọ ngay giữa thủ đô ngàn năm văn vật lỡ dại làm vài thìa canh gà. Khiến phụ huynh bỗng bị hóc xương (không biết có phải) gà. Diễn biến ồn ào tiếp theo khiến một cô giáo kiêm thạc sĩ phải nhập viện.
Mình, tự nhiên rảnh, nên đọc linh tinh, lại bận, nên không viết được dòng nào.
Mà thực ra, có không bận, cũng không biết viết gì. Vì chẳng biết gì về canh.
Ngày còn nhỏ, mình được biết rằng, canh là món ăn lõm bõm nước, hoặc chỉ mỗi nước (huý là canh toàn quốc!). Món canh này thường được chan vào cơm (có độn hoặc không) đặng dễ nuốt trôi cơm, hoặc để húp sì soạt sau mấy chén cơm khô khó nuốt.
Lớn lên chút, mình được biết dân Hàn quốc hay Nhật bản cũng có xơi canh, nhưng không chan vào cơm bèo nhèo như Việt mà húp trong một chén riêng.
Hồi mình sang Âu, người ta có món súp (món này mỗi dân tộc có tên riêng, nhưng đa số đều có âm gọi na ná như vậy). Sở dĩ nhắc đến súp là vì cũng lõm bõm nước, cũng xì xụp húp (bằng thìa hoặc không). Nhưng không chan vào đâu cả. Và thường ăn trước món chính, chứ không húp sau như canh nhà mình.
Nhớ hồi cô vợ Âu của bạn mình sang VN chơi, đi từ Bắc chí Nam, bảo toàn ăn súp. Bắc gọi phở, trung gọi bún, nam gọi hủ tiếu.
Thực ra, dân ta cũng có món súp. Nhưng có lẽ phần nhiều là được dùng trong các bữa tiệc (có tính) sang trọng, như đám cưới chẳng hạn, hay đám giỗ, mừng nhà mới, vân vân.
Còn bình thường trong các bữa cơm ngày nay là canh bầu canh bí canh rau canh chua canh cá canh (cũng) vân vân.
Nếu trí nhớ không phản mình thì mình chưa bao giờ xơi món (được gọi là) canh gà. Mặc dù nhiều món canh hầm có gà bơi ở trỏng. Chưa kể lẩu gà lá giang trứ danh.
Song nghe (gọi canh gà) thì nhiều lắm rồi. Ấy là trong những bộ phim cổ trang của nước bạn chiếu nhan nhản trên ti vi nước mình. Không thấy được hình thù nó ra làm sao, chỉ thấy thìa sứ múc múc húp húp.
Thơ có câu:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Hoặc:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Giảng cho nhau nghe rằng: canh ở đây là "canh giờ" (kiểu canh một canh hai canh ba hay một canh hai canh ba canh, không biết ngày nay có mấy ai còn biết một canh là kéo dài bao lâu không?!). Canh gà Thọ Xương tức nhiên là gà gáy báo canh (khuyển thủ dạ, kê tư thần) ở Thọ Xương.
Mà chả mấy ai dám chắc cái địa danh Thọ Xương ấy là đâu. Mà lại nghe được tiếng chuông (chùa) Thiên Mụ (ở Huế) hay (cũng chùa) Trấn Vũ (ở Hà nội). Mà (chùa) Thiên Mụ với (chùa) Trấn Vũ sao lại lẫn lộn ở đây?
Ấy mù mù mờ mờ thế. Các bậc có học thảng hoặc đọc sách thì chỉ ra rằng câu này do cụ Dương (Khuê) câu kia chép lại bởi cụ Phạm (Quỳnh).
Hễ dẫn đến sách là lại sinh lắm chuyện. Có kẻ chỉ ra rằng các cụ xưa viết chữ Nôm, thì chữ "canh" kia đích thị là món ăn chứ không phải giờ giấc gì sất.
Nhọc. Dân ta xưa nay chỉ biết nghe đâu biết đó, mấy ai động não làm gì. Nào phải ngẫu nhiên mà có cái (được gọi là) nền giáo dục ấy.
Bây giờ thì hay rồi. Các cụ ơi là các cụ. Viết gì sao không trắng phớ nó ra cho con cháu đỡ mệt?
Đọc thơ chỉ muốn khen hay. Chớ thiệt tình ra, hổng hiểu.
Đã thế, tiện đây, chép lại những lời diễn nôm diễn na diễn cha mách qué cho người đến sau đỡ nhức óc:
La đà, sách chép có con la (giống con ngựa nhưng nhỏ hơn, chuyên thồ hàng) và con lạc đà (cũng thồ hàng, chở người). Cành trúc la đà đích thị là cái roi của người chăn la chăn lạc đà vậy. Thiên nghĩa là trời, thiên mụ là vợ trời chẳng sai. Canh xương gà vốn có bán trong mấy tiệm ăn Tàu. Vậy thơ trên được dịch ra tiếng ta như sau:
Roi tre vun vút vung ra
Lũ lạc đà với lũ la chạy cuồng
Vợ Trời giáng một hồi chuông
Gọi về ăn bát canh xương gà Tàu.
Hoặc:
Mụ Trời đánh một tiếng chuông
Ông Thọ vào bếp hầm xương con gà