Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Troy war, nguồn gốc

Entry trước có nói, Menelaus lấy được Helen. Dường như thế giới sau đó trở nên nhàm chán.

Không biết có phải vì thế, xứ Sparta của Menelaus nghĩ ra kế hoạch giao hảo với mọi cường quốc. Trong đó, dĩ nhiên có thành Troy nổi tiếng bên kia bờ biển. Và đoàn sứ thần của vua Priam xứ Troy đến Sparta, do … (ai nào?) hoàng tử Paris dẫn đầu. Anh chàng này đã trở về làm hoàng tử sau bao nhiêu năm làm anh chăn cừu đẹp trai (nhất châu Á).

Nhưng khoan, chuyện gì đã xảy ra khi Paris đang mải chăn cừu? Ấy là diễn ra đám cưới hoành tráng của nữ thần biển Thetis và Peleus, do Zeus và Poseidon chủ trì. Chẳng biết có phải do bối rối hay không (người yêu đi lấy chồng mà, hehe), sai sót đã xảy ra …

Sai sót là quên mời nữ thần bất hoà. Nhưng với vị nữ thần này thì có mời vị tất tình thế đã khá hơn (?). Trường hợp đã xảy ra là, do không được mời dự đám cưới, nữ thần bất hoà tức giận ném vào giữa bàn tiệc một quả táo bằng vàng trên có khắc dòng chữ “Tặng người phụ nữ đẹp nhất!”.


Quả không hổ danh nữ thần bất hoà, thật biết cách gây bất hoà, hihi. Quả táo không thành vấn đề, bằng vàng đi nữa cũng không phải là lý do để các nữ thần tranh chấp. Vấn đề là dòng chữ (!!!).

Tất nhiên, mọi cuộc tranh chấp đều có hồi kết. Ở đây còn lại 3 nữ thần mạnh nhất (chứ không phải đẹp nhất???), Hera (vợ Zeus), Athena (nữ thần chiến binh, con gái Zeus, sinh ra bằng cách chui ra từ … đầu Zeus do trước đó ông này đã nuốt bà mẹ đang mang thai vào bụng để … bảo vệ, lại một câu chuyện khác … hehe) và Aphrodite (tức Venus), nữ thần sắc đẹp (nguồn gốc nữ thần này còn lắm chuyện!?).

Một cách hợp lý, họ yêu cầu Zeus phân xử. Zeus dĩ nhiên không ngu. Và bài chuồn quen thuộc của chàng là nhường khó khăn cho đội bạn. Lần này cũng vậy, Zeus lại bán cái cho người trần, bằng cách chỉ cho 3 nữ thần thi hoa hậu kia ông giám khảo Paris, chàng (lúc ấy đang) chăn cừu (đẹp trai nhất châu Á, hihi).

Paris chấm cho Aphrodite thắng. Tất nhiên không phải vì nàng là nữ thần sắc đẹp, mà vì nàng đã thắng trong phần thi hùng biện (thực chất là hối lộ ban giám khảo, hehe). Aphrodite hứa nếu Paris xử cho mình quả táo, nàng sẽ giúp chàng lấy được (ai nào?) người phụ nữ đẹp nhất châu Âu (trong khi Hera hứa sẽ biến chàng thành một vị vua hùng mạnh, còn Athena hứa biến chàng thành một dũng sĩ bách chiến bách thắng).


Paris đã chọn, và Aphrodite cũng thực hiện lời hứa. Chẳng biết bằng cách nào, nhưng Paris đã được cử đến Sparta, và rủ Helen cùng mình lên tàu trốn thẳng về lại Troy (thật là đơn giản như nữ thần sắc đẹp đang giỡn, haha).

Thật là xui xẻo cho xứ Troy, Helen là gái đã có chồng. Mà nào chỉ có chồng, Menelaus vua xứ Sparta thiện chiến, còn có đông đảo các đồng minh mạnh mẽ của ông ta, vốn bị ràng buộc bởi lời hứa năm xưa khi cùng đến cầu hôn (cầu hôn ai? Helen chứ ai …).


Và thế là, Paris và Helen hầu như hoàn thành sứ mệnh (được tiên tri?) của mình. Còn lại, Troy hãy đợi đấy ...

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Helen of Troy

Helen, mệnh danh là người đàn bà đẹp nhất châu Âu (thậm chí nhất thế giới!?) và là con của thần Zeus (còn có thể là con của ai khác?!). Nàng được gọi là Helen of Troy, để phân biệt với các Helen khác (ngay con của Zeus không cũng đã có mấy Helen!), mặc dù sinh ra và lớn lên không liên quan gì đến Troy. Nhưng sau này, Helen sẽ là nguyên nhân khiến thành Troy diệt vong (cùng với gã trai đẹp nhất châu Á, Paris, dường như các trai xinh gái đẹp đều gây nên thảm hoạ, hihi).

Một entry trước đây đã treo bức tranh Leda và thiên nga. Leda chính là mẹ của Helen, còn con thiên nga không là ai khác hơn chính thần Zeus. Không hiểu sao trong vụ này Zeus lại biến thành thiên nga, khiến cho Leda đẻ ra … 2 quả trứng. Từ 2 quả trứng nở ra 4 đứa con, 2 trai 2 gái, trong đó có Helen. Trớ trêu là, hôm ăn nằm với thần Zeus, Leda đồng thời vẫn ngủ với chồng, một vị vua. Cho nên đến tận ngày nay, người ta vẫn còn tranh cãi, không biết trong 4 đứa con ấy của Leda, 2 đứa nào là con thần, 2 đứa nào là con người trần, thậm chí còn không biết 2 đứa nào với 2 đứa nào từ cùng một quả trứng nào (?!). Chưa kể chồng Leda là một vị vua, hông phải … ngỗng, hehe.

Nhiều người tin rằng Helen là con thần Zeus, có thể chỉ vì … nàng đẹp, hehe. Ngoài thành tích làm sụp đổ thành Troy, nàng chẳng có phép thuật hay sức mạnh gì khác. Helen of Troy, có số phận khá giống vài mỹ nhân Trung Hoa như Tây Thi, Điêu Thuyền, sau khi làm đổ thành nghiêng nước, không ai thèm nhắc đến các nàng ấy nữa …


Tóm lại là Helen … xinh đẹp. Trừ một vụ bị bắt cóc (cũng) gây tranh cãi (không rõ lúc nàng bao nhiêu tuổi, có sinh ra cho kẻ bắt cóc đứa con nào không?, … lại là một chuyện dài khác, hihi) thì Helen bắt đầu gây rắc rối khi tuyển chồng. Theo nhiều nguồn khác nhau, số lượng người đến cầu hôn cũng khác nhau. Có điều, họ toàn là những dũng sĩ, các vị vua và con vua hùng mạnh. Vì vậy chọn một người làm chồng có vẻ như đồng nghĩa với chọn thêm một số lượng lớn hơn nhiều làm … kẻ thù (!!).

May thay trong đó có Odysseus (một cái tên đáng nhớ khác!), vị vua khôn ngoan nhất trong các vị vua. Odysseus không đến vì Helen, nên không mang theo quà cáp, mà món quà của ông là lời đề nghị với bố Helen (???, tức vị vua chồng Leda, mẹ Helen) sẽ giúp giải quyết bài toán khó nói trên. Đổi lại, ông cần được giúp để lấy được nàng Penelope (một bằng chứng về sự khôn ngoan của Odysseus!, nàng Penelope không kém xinh đẹp, lại thông minh và chung thuỷ …, nhưng đó là câu chuyện được kể ở một lúc khác hihi).

Giải pháp của Odysseus là, mọi người lập lời thề, dù ai được chọn, thì những người còn lại cũng phải có trách nhiệm bảo vệ anh ta trước mọi sự gây hấn. Thật không ngờ, vì điều này mà Helen xem như đã chuẩn bị sẵn một đội quân để tàn phá thành Troy khốn khổ …


Sau đó, người được chọn làm chồng Helen và trở thành vua xứ Sparta là Menelaus, mặc dù không rõ ông này có tài cán gì (?!). Câu chuyện đến đây không còn gì thú vị …

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Troy

Troy là tên một vùng đất, ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Troy nổi tiếng trong lịch sử cổ đại, với những cuộc chiến tranh giữa Âu và Á mà nó phải trải qua.

Nhưng dường như Troy còn nổi tiếng hơn trong thần thoại. Với cuộc chiến tranh mang tên nó, mà ở đó cả một nền văn minh hùng mạnh bị tàn phá khi thành trì bị san phẳng. Cuộc chiến thành Troy.

Nói một cách nào đó, cả sự hình thành lẫn sự huỷ diệt của Troy đều liên quan đến … Zeus. Cũng phải thôi, chúa tể các vị thần mà, hihi.


Nguyên lúc Zeus đánh bại cuộc nổi dậy của các Titan (người khổng lồ), ông trừng phạt một trong số họ, Atlas, bằng cách bắt ông này đứng đỡ bầu trời (nếu không bầu trời sẽ sập xuống, hehe). Thực ra Atlas phải ngăn không cho hai vợ chồng Gaia (chính là thần mẹ Đất) và Uranus phối ngẫu (bằng cách đứng trên bờ tây của Đất và đỡ Uranus trên vai!?), để không sinh ra những kẻ có sức mạnh khủng khiếp thách thức Zeus (nói chuyện ngoài lề, hai người kia chính là … ông bà nội, cũng là ông bà ngoại của Zeus, haha).

Không chỉ có thế, Zeus (theo đúng kiểu Zeus) còn … dan díu với một trong số 7 cô con gái của Atlas, sinh ra 2 đứa con trai (có lẽ nên quên bớt vài cái tên, nếu không e nhiều quá rối, hihi). Một trong hai đứa con trai này có tính lăng nhăng (giống bố), không quan hệ với ai lại đi quan hệ với bà cô Demeter (nữ thần nông và sinh sản), Demeter vốn là … chị của Zeus. Thế là Zeus nổi trận lôi đình ngay lập tức đánh chết cậu con trai.

Cậu còn lại chán đời bỏ xứ ra đi. Cậu vượt biển sang châu Á, được một vị vua ở đó gả con gái cho và sau đó kế vị ngai vàng. Bắt đầu như vậy truyền lại nhiều đời, cho đến đời vua con kế vị vua Tros thì quyết định xây dựng kinh thành tráng lệ Troy. (Tros còn có một cậu con trai bị Zeus bắt cóc làm nhân tình, thế mới kinh, nhưng chuyện Zeus thì có nói cả ngày …).


Và cứ thế, ngôi vua lại tiếp tục được truyền, cho đến vua Priam. Vua Priam thông minh và nhân từ sinh cậu con trai Paris, bất hạnh thay, lại nhận được lời tiên tri, rằng Paris sẽ là nguyên nhân khiến cho thành Troy bị huỷ diệt.

Như trong mọi chuyện cổ tích, Paris bị đem vứt bỏ nhưng không chết mà lại lớn lên thành chàng trai xinh đẹp (nhất châu Á!?). Cậu chăn cừu trên đỉnh núi gần đó cho đến ngày được vua cha chấp nhận trở lại làm hoàng tử (cũng là chấp nhận số phận!).


Tóm lại, Troy ra đời, tráng lệ, sầm uất và … chờ ngày diệt vong. Thảm hoạ này bắt đầu từ đám cưới được nói đến trong entry trước, nhưng … cứ từ từ thì cháo mới nhừ hehe …

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Once upon a time

Ngày xửa ngày xưa …

Trước không nói đến, sau không nói đến, lúc ấy Zeus đang là vị thần đứng đầu các vị thần trên đỉnh Olympus.

Được xem là vị thần hùng mạnh nhất, Zeus là thần bầu trời và sấm sét.

Cũng được xem là “Father of Gods and men”, “cha của các vị thần và loài người”, không ngạc nhiên (một cách mai mỉa?!) Zeus có vô số những cuộc phiêu lưu tình ái. Với các nữ thần, với con người nữ cũng như nam (hãy tìm hiểu về tư tưởng tự do của người Hy lạp cổ đại, nhưng đó đã là một lĩnh vực khác, triết học hơn là thần thoại, hihi). Và sinh ra vô số các thần, á thần cũng như người thường (nhưng không bình thường, hehe). Và tạo ra vô số bi kịch vì những phụ nữ sinh con với Zeus xuất thân từ đủ mọi hoàn cảnh, từ các thiếu nữ bị cấm cung cho đến những thiếu phụ có chồng, các hoàng hậu của những ông vua hùng mạnh …

Chưa kể những bi kịch đến từ sự ghen tuông (thường tình thôi?!) của bà vợ “danh chính ngôn thuận” của Zeus, Hera. Nếu nói kỹ hơn chút nữa, Hera vốn là chị ruột của Zeus (do cùng một ông bố và một bà mẹ sinh ra, và sinh ra trước), nhưng đó là cả một câu chuyện khác.


Zeus có từng thất bại trong các cuộc phiêu lưu tình ái của mình chăng?

Có đấy. Và đây là một câu chuyện …



Thetis

Thetis (hay cũng được gọi là Metis) là một nữ thần biển. Xinh đẹp, đương nhiên (như mọi nữ thần và phụ nữ khác trừ vài quái vật, hihi) và … không thoát khỏi cặp mắt của Zeus. Không phải Zeus không gặp trở ngại trong các cuộc tình, nhưng ông ta luôn tìm ra cách láu cá để vượt qua. Lần này trở ngại là đáng kể, Poseidon, thần cai quản đại dương đầy sức mạnh, anh trai Zeus.

Nhưng hai vị thần hùng mạnh không đánh nhau vì tranh chấp mà phải bắt tay với nhau để dàn xếp. Vì một lý do, có lời tiên tri rằng, đứa con do Thetis sinh ra sẽ mạnh hơn cha nó.

Zeus và Poseidon đều ý thức rõ thách thức đáng sợ đó đối với quyền lực của họ. Bởi chẳng đâu xa, chính Zeus cũng bước lên đỉnh cao quyền lực bằng cách chiến thắng bố mình (lại một câu chuyên khác!). Hai vị thần quyền lực tìm cách dàn xếp để Thetis không được lấy bất cứ một vị thần nào (cẩn tắc vô ưu, hehe) mà phải lấy một người trần.

Tránh đêm dài lắm mộng, Zeus và Poseidon kiêm luôn nhiệm vụ mai mối để đưa vụ việc vào sự đã rồi. Người được họ chọn là Peleus, sau này trở thành vua xứ Myrmidons.

Thoạt đầu Thetis chảnh, không chịu lấy Peleus. Nhưng làm sao chống lại được âm mưu của các vị thần chúa tể? Gã thần biển thông minh Proteus (tên gã theo tiếng Hy lạp nghĩa là “đầu tiên”, có lẽ theo truyền thuyết gã là con trai đầu của … chính Poseidon!) được cử đến tư vấn cho Peleus. Proteus tiết lộ cho Peleus biết nơi Thetis thường đến nghỉ ngơi và bày cho Peleus bí quyết cứ ôm chặt lấy Thetis cho dù nữ thần biển có biến hình thành gì đi chăng nữa.

Thetis đã biến thành lửa, thành nước, thành sư tử và thành rắn, nhưng Peleus vẫn không buông tay khỏi món quà độc đắc trời (thần) cho của mình. Cuối cùng Thetis đành chấp nhận lấy Peleus làm chồng.


Sau này, Thetis sinh cho Peleus một con trai, được đặt tên là Achilles, một dũng sĩ vô địch (đúng như lời tiên tri, mạnh hơn không chỉ cha mình mà hơn tất cả mọi người, Zeus đã nhìn xa trông rộng khi không cho phép Thetis lấy bất cứ vị thần nào!!). Achilles là một cái tên đáng nhớ, vì câu chuyện về chàng trai này sẽ còn được nhắc lại nhiều …

Bước cuối cùng trong kế hoạch hoàn hảo của Zeus và Poseidon là tổ chức đám cưới thật hoành tráng cho Thetis và Peleus (hẳn để công bố rộng rãi và răn đe các vị thần?!). Đám cưới lớn đặc biệt này quả thật vô tiền khoáng hậu. Tiếc là một sơ suất nhỏ đã khởi nguồn cho một thảm hoạ của loài người. Nhưng đó là chuyện về sau ...

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

NCT

Tội nghiệp CT.


Không biết, CT đã mất hết những gì, và ông đang nhận được bao nhiêu.

Không biết, CT từng được hâm mộ như thế nào, và ông đang đánh mất bao nhiêu.


Không biết, thực sự CT muốn gì, và ông không muốn những gì.


Chúc ông may mắn.

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Rise of an Empire

Cuộc chiến của người Athens chống lại quân Ba tư quá không cân sức. Vì đồng minh lớn nhất và mạnh nhất trong liên minh Hy lạp là Sparta hầu như đứng ngoài cuộc chiến.

Có lẽ ý của các nhà làm phim là nhấn mạnh tư tưởng chủ đạo đã làm nên một trong những nền văn minh cổ đại rực rỡ nhất: tự do. Athens có một thể chế dân chủ thực sự: tự do lựa chọn.


Dĩ nhiên còn nhiều chuyện đáng nói. Bỗng nhiên một lần nữa mình sa vào đề tài Hy lạp cổ. Chắc phải viết đôi điều quá, hihi.

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Leda

Tối nay đọc linh tinh, tự nhiên gặp bức tranh này 2 lần ở 2 chỗ hoàn toàn khác nhau.

Bèn cóp về để đây.

Tích liên quan cũng thú vị nhưng gõ lại thì lười. Vả mấy chuyện này cà kê dê ngỗng dính dáng liên quan đến nhau lòng thòng không ít.


Thôi đi ngủ, hì.




Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Lương lậu

Hôm nay hắn nhận được bảng quyết toán lương 2 tháng đầu năm.

Thu nhập của hắn hoá ra tăng nhẹ so với năm ngoái.


Buồn.

Vì không phải có một điều gì tốt hơn. Mà chỉ là cuộc chiến chia lại lương.


Người lao động bình thường bị giảm thu nhập đáng kể. Nhưng lại không biết làm sao.

Đa phần những người tăng thu nhập là những kẻ cơ hội, và có cơ hội.


Life's still going on.

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Sáng

Hắn không phải là người lạc quan. Nếu không muốn nói là kẻ bi quan.

Và sáng nay, hắn thu được một kết quả tốt hơn nhiều so với chờ đợi. Có thể nói là ngoài mong đợi.

Dĩ nhiên hắn không đưa ra ý tưởng này, nếu như nó thực sự hoàn toàn tuyệt vọng. Tuy vậy, hắn vẫn coi đó là món quà của Chúa.


Điểm sáng này sẽ đẩy công việc của hắn đến chỗ tập trung vào giá trị cốt lõi một cách nhanh hơn.

Cũng có nghĩa là thách thức lớn hơn, sớm đến hơn.


Okie, let's go ahead!

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Đúng

Ở thời đại mà các quan chức đều tuân thủ đúng pháp luật và quy trình nhưng hậu quả lại xấu xa, thì bản án dành cho giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Hoài đức không có gì là lạ.

Song với những gì gã này phát biểu, có thể thấy địa ngục đang nằm ngay phía trước mỗi chúng ta, khi mà ai cũng làm "đúng".

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Ăn uống có lễ phép


Đến bữa ăn, tôi thấy cha mẹ, anh chị ngồi đông đủ cả rồi, tôi mới ngồi. Trước khi ăn, tôi mời cha mẹ, anh chị, rồi tôi mới ăn. Lúc ăn, tôi không nhai nhồm nhoàm, không khua đũa khua bát, và không đánh rơi đánh vãi. Cha mẹ cho món gì, tôi ăn món nấy. Không bao giờ tôi dám đòi ăn thứ nọ thứ kia, hoặc chê ít chê nhiều.

Khi ăn xong, bao giờ tôi cũng nói “xin vô phép”1 cha mẹ và anh chị rồi tôi mới đứng dậy. 



Bài 10, trích từ:


Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Selfie

@Oscar Awards 2014. I'd like it so much.