Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Iveta

Nữ ca sĩ mà hắn và bạn bè vẫn hâm mộ từ thời sinh viên với những giai điệu trong sáng và dáng vẻ xinh tươi đã từ giã cõi đời ở tuổi 48.

Đáng buồn là cách ra đi của cô, tự tử dưới bánh tàu lửa, khiến hắn nhớ đến Anna Karenina. Cuộc đời vẫn buồn theo cách của nó.


Odpočívej v pokoji, Iveto!



Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Vớ vẩn sử

Suy nghĩ vớ vẩn nhân đọc sách sử.


Ngàn năm bắc thuộc đã biến một dân tộc từ theo chế độ mẫu hệ thành một xã hội trọng nam khinh nữ nặng nề. Có lẽ nguyên nhân chính là chữ viết cho trí thức và lễ giáo cho kẻ cầm quyền. Mới thấy một người như Khổng tử chiếm đất còn gấp mấy Tần Thuỷ Hoàng!

Cuộc nổi dậy từ rất sớm của hai bà Trưng, ngay trên đất Mê linh của các vua Hùng, không khỏi khiến người ta nghi ngờ: các Hùng Queens có lẽ hợp lý hơn các Hùng Kings chăng?

Lý Bí có lẽ là một người tài, khi tập hợp được những Tinh Thiều và Triệu Túc. Xui xẻo cho ông là phải đối đầu với một Trần Bá Tiên quá lão luyện, kẻ sau đó đã soán ngôi nhà Lương mà lập ra nhà Trần thời nam bắc triều. Sau khi Lý Bí chết, con cháu ông là Lý Phật Tử lập tức mâu thuẫn với Triệu Quang Phục là con cháu Triệu Túc và kết cục như thường xảy ra ...

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Đoạn đầu tiên

Đợi đến khi những cuộc thi (một nền giáo dục hầu như không quan tâm dạy gì, học gì, mà chỉ quan tâm thi gì ...) cho phép học sinh tự chọn một chút thì người ta mới chịu cay đắng (cũng chỉ mới một chút) nhận ra cái sự thật đã kéo dài hàng mấy thập kỷ, rằng học sinh không thích môn sử. Câu hỏi dành cho (và không chỉ cho) những người thầy đang (ít nhất là tỏ ra) cay đắng kia: cái thứ mà các thầy đang dạy học sinh (và bắt chúng thi) ấy có đáng gọi là sử?

***

Người Trung Hoa nói rằng lịch sử của họ bắt đầu từ Tam Hoàng Ngũ Đế. Theo đó 3 vị đầu mang nhiều tính huyền thoại, 5 vị sau dần dần thực hơn. Nhiều sử gia tin rằng, Nghiêu Thuấn cũng chỉ mới là những vị tù trưởng hơn là những ông vua.

Rồi họ có những triều đại phong kiến đầu tiên: Hạ, Thương (Ân), Chu. Cuối Chu là thời Xuân Thu Chiến Quốc đầy biến động, tranh giành lãnh thổ, quyền lực với một nền lý thuyết quân sự và triết học phát triển. Kịp đến Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Hoa, nhưng sự ổn định kéo dài không lâu đã bước vào cuộc chiến Hán Sở tranh hùng, mà kết thúc bằng sự ra đời của nhà Hán. (Cho đến nay dân tộc chính của Trung Hoa vẫn được gọi là người Hán!).


Có lẽ, song song với thời gian nói trên, cư dân sinh sống ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng là người Lạc. Không có nhiều tư liệu về điều này. Thậm chí tên gọi cũng được cho là đã lưu lạc sang Trung Hoa rồi mới quay về, nghĩa là ta gọi ta theo cách người Trung Hoa gọi ta. Các nhà ngôn ngữ cho rằng chữ Lạc này chính là việc Hán hoá từ gốc của cư dân bản địa, chữ Lúa.

Theo một truyền thuyết mà nhiều người tin rằng xuất hiện không sớm hơn thế kỷ 15, người ta nói về triều đại các vua Hùng. Ngay cả khi các ông vua này là có thật (ở một dạng đơn sơ nào đó người Lạc cũng phải có một tổ chức xã hội nhất định?) thì tên gọi các vua Hùng cũng nhiều phần khiên cưỡng (bên cạnh lạc dân, lạc ấp, lạc tướng, ...). Từng có ý kiến khoa học về sự nhầm lẫn này (Hùng và Lạc) nhưng chưa tiện công bố.

Khiên cưỡng thứ hai là thời gian người ta nói về sự trị vì của 18 đời vua Hùng lên đến hơn 2000 năm, có vẻ như mang tâm lý nhược tiểu, nhằm sánh với dân tộc vừa đáng ghét vừa đáng sợ ở phía bắc?

Dù sao thì tính huyền thoại đem làm sử cũng gây nhiều khó chịu. Chưa kể việc hình thành một ngày giỗ quốc tổ dựa theo đó tạo không ít đàm tiếu. Như việc mới đây nhiều ý kiến cười cợt tuổi thọ các vua Hùng lên đến vài trăm tuổi.


Một điều nữa không thể không nói là lãnh thổ VN ngày nay hợp thành từ nhiều vùng đất có lịch sử nhất định, không chỉ từ một ông tổ loanh quanh vùng ngã ba sông Hồng.

Ngay từ khoảng thời gian Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Hoa, người Lạc đã bị khuất phục bởi người Âu (vùng núi phía bắc VN ngày nay?), lập thành nước Âu Lạc với vua An Dương (vương).

Âu Lạc sau đó lại bị thôn tính bởi Triệu Đà, vua nước Nam Việt (Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay), vốn tự tuyên bố tách ra khỏi Trung Hoa cuối Tần. Tiếp theo phần lớn lãnh thổ Âu Lạc được gọi là Giao Chỉ, bên cạnh vùng đồng bằng sông Mã, sông Cả (Thanh Hoá, Nghệ An ngày nay) được gọi là Cửu Chân.

Khi nhà Hán đánh tan Nam Việt, họ lập các quận Giao Chỉ, Cửu Chân như trên, và thêm quận Nhật Nam ở phía nam Cửu Chân, khoảng từ đèo Ngang kéo đến tận đèo Hải Vân.



Dường như, dưới ách thống trị bắc thuộc, nhiều vùng đất đã bị / được liên kết lại, hẳn với cả những con người sinh sống ở đó ...

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Sách

Nắng, nóng và uể oải.

Thực ra, nói nắng thì hắn không ra tới cổng. Nói nóng thì nóng chả mấy.

Uể oải, vì dường như công việc không theo kịp hắn.



Tối nay, một chút kỳ ngộ, hắn mua ngay một cuốn sách. $24.

Và, bây giờ, tắt đèn, đọc đã ...

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Tuyên truyền và ăn cắp

Joe sửa essay hộ cho một người bạn. Người bạn này học ở Học viện báo chí và tuyên truyền.

Vấn đề chính là cái tên trường. Người Việt nam hầu như không ai thắc mắc gì. Nhưng dịch chính xác ra tiếng Anh thì sẽ có chữ propaganda.

Rắc rối ở chỗ, những dân tộc (và không chỉ những dân tộc) sử dụng tiếng Anh coi khái niệm propaganda này là một sự xấu xa, một cái gì đó mang tính áp đặt tư tưởng.


Có sai lệch về mặt ngôn ngữ ở đây chăng? Một thứ như thế sao có thể dạy trong trường đại học?

Thực ra, không biết người ta dạy và học những gì trong cái trường đó, nhưng, có lẽ, những người đặt tên trường không hề nhầm lẫn. Chẳng phải dân ta từ xưa đến nay vốn không có chủ kiến gì, mà say sưa tuân theo hết đạo này đến chủ nghĩa nọ đó sao?

Lan truyền một tư tưởng bản chất không có gì xấu, nhưng đi đôi với quyền lực thì chính là propaganda vậy.

***

Chuyện thứ hai, về một bức ảnh chụp một nữ học sinh bị bắt đeo bảng "Tôi là người ăn trộm".

Rõ ràng việc làm này mang tính sỉ nhục hơn là răn đe, giáo dục hay trừng phạt.


Tuy nhiên, đa số những người phê phán điều này, liệu có ý thức được, ăn cắp (cũng) là một hành vi đáng lên án?

Dường như, dân ta, từ xưa đến nay, quá dễ dãi với thói xấu này, để rồi nuôi dưỡng nó trở thành những điều đáng sợ hơn, như chuyện đánh chết người ăn trộm chó, hay lập đường dây trộm cắp từ nước ngoài, ...

***

Lạ là, một bộ máy mang tính tuyên truyền mạnh mẽ như vậy, lại chiến đấu (một cách vô vọng) với thói ăn cắp bằng những phương pháp vô cùng phi nhân tính ...

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Thơ dưỡng thần

Hôm trước thấy bên nhà bạn Thu Trang có bài thơ Uống rượu tiêu sầu của Cao Bá Quát, khiến mình nhớ bài Chí làm trai của Nguyễn Công Trứ.

Các cụ chí lớn gặp nhau chăng?!


Bài của cụ Cao mình ít đọc, chợt nhớ bài của cụ Nguyễn cũng đã lâu rồi không ngâm ngợi. Hẳn mặt mũi mình dạo này trông rất khó coi? Mà e tính tình cũng nhiều phần cáu bẳn?

Thôi thì, tự giác chép phạt vào đây. Thời đại máy vi tính, chép phạt copy & paste thế này, không biết được mấy phần thành tâm, hehe …



Uống rượu tiêu sầu

Cao Bá Quát

Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy những nực cười
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung lếu láo
Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu
斷 送 一 生 惟 有 酒
Trầm tư bách kế bất như nhàn
沉 思 百 計 不 如 閒
Dưới thiều quang thấp thoáng bóng Nam san
Ngoảnh mặt lại Cửu hoàn coi cũng nhỏ
Khoảng trời đất cổ kim kim cổ
Mảnh hình hài không có có không
Lọ là thiên tứ vạn chung!



Chí làm trai

Nguyễn Công Trứ

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả, trả vay
Chí làm trai nam, bắc, đông, tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
人 生 自 古 誰 無 死
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
留 取 丹 心 照 汗 青
Đã chắc rằng ai nhục, ai vinh
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
Chí những toan xẻ núi, lấp sông
Cho rạng tiếng anh hùng đâu đấy tỏ
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi, rượu bầu.

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Shutdown

Màn hình shutdown của iPhone (IOS7.1) đẹp lung linh. Nhẽ các nhà thiết kế muốn người dùng shutdown thiết bị của mình luôn luôn?

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Tháng Tư thư viết cho mình

Người đời hay nhắc câu:

Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt
Tri nhân tri diện bất tri tâm

Vẽ hổ chỉ vẽ được hình dáng bên ngoài (bộ da) chứ khó vẽ bản chất bên trong (hồn cốt). Biết người chỉ biết mặt (đẹp xấu) chứ không biết được lòng (tốt xấu).

Tiếc là câu này thường ngụ ý bề ngoài hoa mỹ che đậy bản chất xấu xa, như thói đời vẫn vậy, mà bỏ qua cái logic rằng bản chất tốt đẹp cũng không dễ thấy được vậy.


Xem chương trình “Ai là triệu phú?”, có điều gì khó người chơi biết được, người xem nghĩ rằng anh/cô ta đọc được ở đâu đó. Xem phim “Triệu phú ổ chuột”, mỗi câu trả lời đúng không đơn giản chỉ là biết, mà còn là trải nghiệm (thường khi đau đớn) của nhân vật trong cuộc đời.



Thói thường, người ta nhìn thấy lớp vỏ của sự vật/việc mà không nhìn thấy chiều sâu vào trong, chiều xa ra phía bên kia, âu cũng không có gì là lạ.

Những kẻ độc tài, dù cái thế nhìn xa trông rộng hơn người, vẫn không biết mình là hạn hẹp, nên cứ nhất nhất bắt kẻ khác theo mình, đến độ thây chất thành đống chưa thôi.

Điều ta biết chỉ là hạt cát, điều ta không biết là cả đại dương. Lý ấy nói thời dễ mà làm thì thật khó.

Biết, học không đủ, nhìn thấy không đủ. Người trần mắt thịt (nhục nhãn) nhìn được bao lăm?

May ra tu tập theo đức Phật cho có được huệ (tuệ) nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn, đặng nhìn thấu vạn vật nhìn xa muôn phương. Nhưng nào học nào thiền mà được. Cơ duyên như Ngài lúc sinh thời còn là hoàng tử trong cung cấm đã nhìn thấu nỗi khổ của dân chúng ngoài nghìn dặm, mới phát nguyện mà thành.




Nay ta ở xứ lòng cảm thông trắc ẩn còn hiếm hoi, chẳng phải mắt thịt đã mờ còn dùng tay bịt lại hay sao …

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

052631578947368421

Đây là một trong những con số Phượng hoàng, đọc được trong sách của thầy TQĐ.

Có thể kiểm tra bằng cách nhân nó với các con số từ 2 đến 18 và quan sát những kết quả thu được.


Tự nhiên nghĩ, các bạn trẻ ngày nay đọc sách có tò mò mà làm phép kiểm tra như hắn không?

Ngồi thực hiện 17 phép nhân?

Hoặc, ngày nay, sẵn máy vi tính bên cạnh, có kiểm tra được bằng một cách nhanh chóng hơn không?

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Troy war, khởi đầu câu chuyện

Vậy là, các chiến binh trên khắp Hy lạp cùng nhau tập hợp lại, chuẩn bị tàu bè trực chỉ thành Troy để rửa mối nhục bị cắm sừng cho Menelaus, vua xứ Sparta.

Họ chọn Agamemnon, một vị vua hùng mạnh, chính là anh trai của Menelaus, làm thủ lĩnh. Nhưng, … dường như đang thiếu cái gì đó, hay là ai đó … Và họ nhận ra đoàn quân còn thiếu 2 người quan trọng.

Người thứ nhất là Achilles, chàng dũng sĩ vô địch, con vua Peleus và nữ thần biển Thetis (mà chính tại đám cưới của 2 người này đã khởi đầu tình thế ngày hôm nay). Sứ mệnh của Achilles là sẽ phải giết chết Hector, dũng sĩ số một của thành Troy, hoàng tử con vua Priam, anh trai của Paris. Cuộc chiến sau đó đã chứng minh, khi không có Achilles, Hector giết chết không ít các dũng sĩ Hy lạp. Vấn đề là, không ai biết Achilles đang ở đâu. Chàng vốn không bị ràng buộc bởi lời thề bảo vệ Menelaus, do không có mặt trong số những người đến cầu hôn Helen năm nào (có thể lúc đó Achilles còn nhỏ tuổi?).

Người thứ hai, không những bị ràng buộc bởi lời thề, mà còn chính là người đã nghĩ ra lời thề đó, Odysseus, vị vua nổi tiếng khôn ngoan nhiều mưu mẹo. Không có ông, ai sẽ nghĩ ra kế con ngựa thành Troy nổi tiếng để hạ được thành sau 10 năm vây hãm? Không có ông, ai dám nhảy từ tàu xuống bãi biển Troy khi đoàn quân đến nơi? (vì có lời tiên tri, người chạm đất đầu tiên sẽ chết). Rốt cục không ai biết ai là kẻ bất hạnh đó, vì họ đua nhau nhảy xuống tàu khi thấy Odysseus đã xuống, quên không để ý ông ta láu cá đứng trên chiếc khiên của mình chứ chưa chạm đất.


Khi đoàn người đến mời Odysseus tham gia chiến trận, người vợ trẻ xinh đẹp của ông, Penelope, vừa hạ sinh cho ông cậu con trai. Và, không biết có phải vì thế (?), ông đã phát điên. Odysseus thắng chung một con ngựa với một con bò để (khập khiễng) cày ruộng, đồng thời rải những hạt muối vào luống cày thay vì gieo lúa mì. Ai trông thấy cũng cám cảnh, điên dại thế làm sao ra trận được (!). Nhưng Agamemnon nghi ngờ, ông ta đặt đứa con trai mới sinh của Odysseus trước mũi cày và nhà vua khôn ngoan kia đành phải đi chệch sang một bên. Thế là lòi đuôi giả điên để trốn không đi đánh nhau, hihi.

Odysseus phải gia nhập đoàn quân, và nhiệm vụ đầu tiên của ông là … đi tìm Achilles. Achilles, từ khi chưa được sinh ra, đã được tiên đoán là sẽ mạnh mẽ hơn người trần. Ngay khi mới được sinh ra, lại được tiên đoán sẽ có cuộc đời yên ả nếu không tham gia chiến trận, hoặc nếu thích đánh nhau, sẽ là một dũng sĩ vinh quang nhưng có số phận ngắn ngủi. Mẹ chàng, nữ thần biển Thetis, không cam tâm, muốn chống lại số mệnh, bằng cách nhúng con xuống dòng sông bất tử, khiến Achilles trở nên mình đồng da sắt không giáo gươm nào đâm thủng. Có điều không hiểu nếu tay bà ta bị ướt thì sao (?) mà bà ta lại sợ, thành ra cậu con có gót chân là nơi tay bà cầm để nhúng là không được bảo vệ, trở thành điểm yếu chết người (và chết danh “gót chân Achilles”). Cuối cũng thì anh chàng Paris cũng bắn được một mũi tên trúng gót chân đó, kết liễu cuộc đời ngắn ngủi anh hùng của Achilles.

Nhưng đó là chuyện về sau, còn ban đầu Thetis vẫn quyết tâm bảo vệ con. Bà nghĩ ra cách giấu con trước mọi âm mưu chiến tranh cũng như con người, hòng lái con trai sang định mệnh thứ nhất. Thế là Achilles được nuôi dạy giữa một đám công chúa mặt hoa da phấn, ở một nơi chẳng ai biết. Âm mưu thay đổi giới tính bất thành, khi ông vua khôn ngoan Odysseus giả làm lái buôn tìm đến. Ông ta để ý trong khi các cô nàng khách hàng xinh đẹp hít hà với những món hàng son phấn ngọc ngà trang sức lộng lẫy thì có một “nàng” chỉ chăm chăm nhìn cung kiếm mà Odysseus cố ý kín đáo bày ra (giống trò chơi của người Việt khi con đầy tuổi quá, hihi). Thế là Achilles dũng mãnh khoác áo giáp ra trận (mặc dù không hiểu chàng cần áo giáp để làm gì, có lẽ chỉ để trang điểm, do lối dạy con sai lầm của bà mẹ, hehe).


Đến đây, cỗ máy chiến tranh nhằm nghiền nát thành Troy đã được khởi động hết công suất. Trừ một vài thủ tục lặt vặt nữa, chẳng hạn Agamemnon giết con gái để tế thần (không biết có phải vì thế mà khi chiến thắng trở về từ Troy, ông ta ngay lập tức bị vợ giết chết? bà vợ này hình như lại chính là chị gái của Helen vốn được sinh ra cùng lúc từ 2 quả trứng?).


Tội nghiệp Troy, phần còn lại chắc không cần kể nữa. Chi tiết có thể tham khảo Iliad của Homer

Còn nhiều nhiều nhiều rất nhiều những chuyện khác ai muốn biết hãy đến nhà Soi nghiên cứu môn Soi học … (ở đó có rất nhiều tranh đẹp cùng những lời bình dí dỏm sắc sảo thú vị …)