Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Tháng Tư thư viết cho mình

Người đời hay nhắc câu:

Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt
Tri nhân tri diện bất tri tâm

Vẽ hổ chỉ vẽ được hình dáng bên ngoài (bộ da) chứ khó vẽ bản chất bên trong (hồn cốt). Biết người chỉ biết mặt (đẹp xấu) chứ không biết được lòng (tốt xấu).

Tiếc là câu này thường ngụ ý bề ngoài hoa mỹ che đậy bản chất xấu xa, như thói đời vẫn vậy, mà bỏ qua cái logic rằng bản chất tốt đẹp cũng không dễ thấy được vậy.


Xem chương trình “Ai là triệu phú?”, có điều gì khó người chơi biết được, người xem nghĩ rằng anh/cô ta đọc được ở đâu đó. Xem phim “Triệu phú ổ chuột”, mỗi câu trả lời đúng không đơn giản chỉ là biết, mà còn là trải nghiệm (thường khi đau đớn) của nhân vật trong cuộc đời.



Thói thường, người ta nhìn thấy lớp vỏ của sự vật/việc mà không nhìn thấy chiều sâu vào trong, chiều xa ra phía bên kia, âu cũng không có gì là lạ.

Những kẻ độc tài, dù cái thế nhìn xa trông rộng hơn người, vẫn không biết mình là hạn hẹp, nên cứ nhất nhất bắt kẻ khác theo mình, đến độ thây chất thành đống chưa thôi.

Điều ta biết chỉ là hạt cát, điều ta không biết là cả đại dương. Lý ấy nói thời dễ mà làm thì thật khó.

Biết, học không đủ, nhìn thấy không đủ. Người trần mắt thịt (nhục nhãn) nhìn được bao lăm?

May ra tu tập theo đức Phật cho có được huệ (tuệ) nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn, đặng nhìn thấu vạn vật nhìn xa muôn phương. Nhưng nào học nào thiền mà được. Cơ duyên như Ngài lúc sinh thời còn là hoàng tử trong cung cấm đã nhìn thấu nỗi khổ của dân chúng ngoài nghìn dặm, mới phát nguyện mà thành.




Nay ta ở xứ lòng cảm thông trắc ẩn còn hiếm hoi, chẳng phải mắt thịt đã mờ còn dùng tay bịt lại hay sao …

1 nhận xét:

tunrua nói...

Uhm, khó hiểu quá! :D