Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán dương thụ
Phương thảo thê thê Anh vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
Tích kể lại rằng, à mà có nhiều dị bản, nhưng tựu trung đều có một người (tiên?!) từ nơi đó đã cưỡi hạc vàng mà bay đi. Người ta bèn xây dựng ngay tại nơi đó một lầu để tưởng nhớ (quãng nhà Ngô thời Tam quốc, tương đương quãng bà Triệu thị Trinh cưỡi voi vú dài tới rốn ở nước Nam). Sau này đã thành danh lầu Hoàng hạc, với bút tích nhà thơ Thôi Hiệu khiến người đời sau đến đọc xong chỉ biết thở dài ngậm ngùi cất bút không còn dám đề thơ.
Thầy lão có lần kể rằng, cách phát âm của người TQ có nhiều thay đổi. Nên ngày nay đến lầu mà nghe ngâm thơ Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu thì ... có phần không được xuôi tai cho lắm. Trong khi vẫn câu chữ ấy, người Nam còn gật gù khen hay qua âm Hán Việt (chưa kể đắc ý bình thêm câu tam phá luật bằng trắc này nọ ...).
Hôm nay đọc một entry trên Fb của Thạch Quỳ tiên sinh, nhớ lại thêm rằng, thực ra thì vị trí lầu ngày nay cũng không còn như xưa nữa. Mặc dù trải qua lịch sử, lầu đã từng được trùng tu nhiều lần, mỗi lần mỗi cao không giống trước, nhưng lần sau cùng thì lầu không còn ở bên vách đá huyền thoại mà được chuyển ra xa bờ sông gần 1km. Người ta ghi nhận lần tái thiết cuối cùng vào năm 1981, khánh thành 1985, nhưng vị trí thì bị di chuyển từ năm 1957, lúc chiếc cầu đầu tiên vượt sông Dương tử được xây ở ngay vị trí người xưa chọn để dựng lầu.
Chuyện xưa ở xứ xa xôi biết đâu mà bàn. Chỉ là có chút tiêng tiếc cho câu thơ hay mất âm hưởng du dương, cũng tiếc cho những kẻ hậu sinh tìm đến lầu còn đâu cảnh "tình xuyên lịch lịch Hán dương thụ". Đến "thử địa" thấy cầu không thấy lầu, "mây trắng ngàn năm" không biết có còn bay, hay cũng đã theo hạc vàng xưa một đi không trở lại, để lại một thành phố "ma" Vũ hán? E rằng người bản xứ cũng phải cảm thán câu "nhật mộ hương quan hà xứ thị" ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét