Thứ Ba, 14 tháng 3, 2023

Tiêu thổ

 Tình cờ xem một video về hoàng thành Huế. Do các bạn trẻ ở Hà nội làm. Không hẳn chuyên nghiệp, về phim ảnh cũng như về hiểu biết di tích, lịch sử.

Xuyên suốt video chỉ là lời của chị hướng dẫn viên. Tuy nhiên lão sớm nhận ra, đằng sau giọng nữ Huế dễ thương kia là một kiến thức hiểu biết khá chắc chắn.

So với thời lão còn hay ra vào chốn ấy, thì nay đã được trùng tu khá nhiều. Đột nhiên lão chú ý lời giới thiệu về các di tích đã bị tàn phá (hầu như hoàn toàn), trong các cuộc chiến tranh (còn được gọi là kháng chiến), đặc biệt nhiều nhất là trong cuộc chiến năm 1947.

Nổi tò mò, vì các cuộc chiến ở Huế vốn không nổi tiếng ... về bom đạn. Chưa nói tới năm 1947, người Pháp cũng không có nhiều bom đạn như người Mỹ sau này. Hà cớ gì nhà cửa cung điện lại bị san phẳng như vậy?

Thử nhờ Google lục tìm. Chủ yếu là các bài báo "chính thống". Và thông tin không hơn gì cách thuyết minh của chị hướng dẫn viên nọ.

Vốn đã chột dạ về cuộc kháng chiến bắt đầu hồi những năm 1946, 1947. Với cái được gọi là "tiêu thổ kháng chiến". Mà điển hình là nhịp cầu Tràng tiền bị đánh sập, sau hàng bao nhiêu năm không thể khôi phục nổi. Để rồi một thời nổi tiếng thể chế đập phá giỏi hơn xây dựng.

Cũng có vài bài báo để lọt chữ tiêu thổ này đối với vài di tích (như điện Cần chánh).

Không rõ việc "tiêu thổ" như vậy có ý nghĩa lớn lao ra sao về mặt quân sự? Cứ tưởng chỉ quân chiếm đóng khi bị buộc phải rút đi mới tàn phá nơi vốn không thuộc về họ?

Quân sự có thể không quá quan trọng, trong khi văn hoá lại bị mất quá nhiều. Dĩ nhiên, đối với nhiều kẻ, đó không phải là những thứ đáng để họ đặt lên bàn cân nhắc.




Không có nhận xét nào: