Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

Khen chê

 Mới đọc được:


Vua Tự Đức nhận xét về tiền nhân thế này:

Về chiến công Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán năm 938:
- Ngô Quyền gặp được ngụy triều Nam Hán là một nước nhỏ, Hoằng Tháo là thằng hèn kém, nên mới có được trận thắng trên sông Bạch Đằng. Đó là một việc may, có gì đáng khen. Nếu gặp phải tay Trần Bá Tiên, mà bảo rằng Ngô Quyền không phải theo gót Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, thì ít có lắm!
Về việc Lý Thái Tổ thay ngôi nhà Tiền Lê:
- Nhà Lý được nước, cũng không phải chính nghĩa cho lắm, nhưng đương buổi Lê Ngọa Triều, lòng người lìa tan, sinh dân vô chủ, không về với Công Uẩn còn biết theo ai?
Nhận xét về Lê Hoàn:
- Lê Hoàn lợi dụng cơ hội, đã cướp lấy nước người ta, lại không khéo đối đãi chúa cũ, đẩy vào chỗ chết, thế nào mà (Đinh) Toàn chẳng đến tử vong? Còn việc cất tiếng kêu trời, gieo mình xuống đất, chỉ là một ngón giả trá. Thật khó che đậy được công luận nghìn thu.
Nhận xét Lý Thái Tông:
- Đối với những đám giặc cỏ ở trong nước, có gì đáng khoe là "bình" thế mà vội tự tôn, tự đại xằng! Bầy tôi thì dâng lời bợ đỡ, nhà vua thì giả đò khiêm nhường, trên dưới đều trái cả!
Về việc nhà Trần thay nhà Lý, bắt các quan đến hội thề Đồng Cổ:
- Nhà Lý, nhà Trần lấy được nước, đều không theo chính nghĩa, nên sợ lòng người không ủng hộ, mới phải dùng đến thề nguyền. Không khác gì Mạnh Tử nói: "Không đo từ dưới gốc, mà chỉ đo trên ngọn để lấy cho bằng". Việc làm như thế, cũng đã là thấp kém!
Về cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên của nhà Trần:
- Lúc bấy giờ nhà Nguyên mới nổi lên, khí thế rất ngang ngược; nhà Trần cũng may gặp lúc mới nổi lên, được các vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và tướng văn tướng võ phần nhiều người tài, mới có thể đánh bại được giặc, giữ được nước, chứ nếu gặp người khác (🤔) thì chưa biết thế nào.
- Nhà Nguyên hai lần đem quân xâm lấn, những tướng sai sang đều không phải là tướng giỏi, đấy cũng là may cho nhà Trần.
Về việc thả Ô Mã Nhi về nước nhưng nửa đường đục thuyền cho chết đuối:
- Bất nhân phi nghĩa.
Về việc Đặng Tất sau khi thắng trận Bô Cô không thẳng tiến đánh đến Đông Quan:
- Đặng Tất để lỡ cơ hội, rước lấy tai họa, chẳng tiếc lắm sao.
Về chiến thắng Tốt Động - Chúc Động:
- Điều không thể hiểu được còn nhiều, chứ chẳng những việc này. Có lẽ vì tập sử Lê Kỷ là do các bầy tôi nhà Lê biên soạn, cho nên tuy gọi là "thực lục", nhưng có nhiều lời lẽ quá khoe khoang, không đủ tin là chứng cớ xác thực được.
Về việc nhà Minh phong Trần Cảo làm An Nam Quốc Vương:
- Lê Thái Tổ làm việc tòng quyền, Minh Tuyên Tông cũng theo quyền nghi mà xử sự. Đó đều vì tình hình lúc bấy giờ có chỗ không thể không xong, việc này không thể theo luận điệu khắc nghiệt của tục nho mà chê trách được. Còn như việc Thanh Cao Tông [Càn Long] bao dung ngụy Huệ [Quang Trung] mới là việc xảo trá, kiêu căng, đáng khinh bỉ!
Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành:
- Lúc bấy giờ cương vực chưa mở rộng, số binh lính có đâu được nhiều đến như thế?
- Không hợp lý tức là không hợp đạo, quá phân tách với lý, e rằng chưa chắc đã là đúng.
-Trước nói 26 vạn quân đã sai sự thật, ở đây nói 500 chiếc thuyền đã là quá đáng huống hồ lại nói những hơn 1000 chiếc thuyền và 70 vạn quân, làm sao mà lại nói khoác không nghĩ đến như thế
-Chỉ hiếu thắng mà thôi, không phải là quân nhân.
-Cũng chỉ nói hão
Về việc Lê Chiêu Tông giết Trần Chân:
- Công việc lúc bấy giờ như thế, không giết Trần Chân, cũng không ngăn ngừa được loạn lạc.
Về việc Trịnh Cương từ chối mặc áo màu vàng mà mặc áo tía lên chầu vua Lê:
- Gọi Trịnh Cương bằng "chúa thượng", xin Trịnh Cương mặc áo sắc vàng, thì Công Hãng là tên phạm tội đầu sỏ. Còn như Cương cũng theo thói cũ xưng là "sư phụ" mà còn nhúng nhường không mặc áo sắc vàng. Cái cách giả trá khéo léo của Cương cũng giống hết như Tào Tháo nhường trả ba huyện. Cương toan lừa dối ai?
Nguyễn Huệ ra bắc diệt họ Trịnh:
- Lúc ấy triều đình đã hết sức rối ren đỗ nát, giặc đã nhòm biết kẽ tóc chân tơ rồi, tiến thẳng quân mà đánh lấy có khó khăn gì.
- Lúc này, sao kiêu binh không lo tính để lập công?
Về Lê Chiêu Thống:
- Nhà vua bị người ta lừa gạt, bị giám buộc ở quê người đất khách, đến nỗi lo buồn phẫn uất, ôm hận mà chết, thân dẫu chết, nhưng tâm không chết, kể cũng đáng thương! Vậy nên truy đặt tên thụy là Mẫn Đế.
(Trích Khâm định Việt sử Thông giám cương mục - Tú Anh Phạm - Đông Tây Sử Luận)


Có người đọc xong bèn ... chê lại:

Chê bai tiền nhân vậy hẳn Tự Đức phải là một bậc hiền minh sáng thế nghìn năm khó kiếm của dân tộc? Đáp án tất nhiên là không! Hãy nhìn lại hành trạng của đấng minh quân từng chê cả Lý Thái Tông, Trần Nhân Tông và Lê Thánh Tông này như thế nào:
- Về Nội trị: Về đức, Tự Đức rất chăm lo cho dân, thuộc vào loại hiếm có. Nhưng về tài, đất nước thời của ông khơi khơi có 40 cuộc khởi nghĩa chống chính quyền chỉ trong vòng 35 năm, tức là bình quân nhiều hơn 1 lần mỗi năm
- Về phát triển tiềm lực quốc gia: Nguyễn Trường Tộ xin ông cải cách, ông không cho. Quốc lực hủ bại dần dần thua xa các nước khác. Cùng thời với ông có cải cách Minh Trị Duy Tân nổi tiếng đưa nước Nhật vươn mình thành đại cường quốc. Không biết Tự Đức có chê Nhật Hoàng không biết cai trị không.
- Về thuế khoá: Vì phải bồi thường cả đống tiền cho Pháp, ông bán luôn quan tước để kiếm tiền chả khác gì Hán Linh Đế đầu thời Tam Quốc
- Về quân đội: Chê cả Trần, Lê, Tây Sơn các thứ, nhưng quân đội của ông đánh còn thua cả thổ phỉ Sơn Tây, đừng nói gì Pháp. Sau còn phải bỏ tiền thuê đám thổ phỉ đó đi đánh Pháp hộ.
- Về thương mại: Đã kém hơn phương tây, lại còn thích giấu dốt, bế quan toả cảng luôn!
- Về lãnh thổ: Thua nát ông Pháp rồi còn nói gì nữa!
Hoá ra ông Tự Đức, thân là vua mà cũng chẳng hơn gì tôi, lúc đi chê các vĩ nhân thời xưa thì miệng mồm lanh lợi lắm! Đến lúc làm thì chả ra cái ôn gì.



Lão già lười nơi núi kia không khỏi phì cười. Nhưng, không chê, chẳng khen, xem như những lời bình, thì thấy khá thú vị.


Không có nhận xét nào: