Thứ Ba, 27 tháng 10, 2009

Le Roi est mort, vive le Roi!

Ngày hôm nay, mình được một chút bối rối.
Bắt đầu từ bài viết đang "hot" của bác Phạm Toàn. "NHÀ VUA CHẾT RỒI, HOÀNG ĐẾ VẠN TUẾ!".

Nói cho có đầu có đuôi tý.
Chả là gần đây có nhiều ý kiến về nền giáo dục đại học nát như tương của nước nhà. Mình nhiều phần lơ đãng. Biết ở đó nhiều tâm huyết, nhưng chỉ là nước đổ đầu vịt. Nhiều bài có giá trị của các học giả hàng đầu trong nước đều rơi vào khoảng không chán nản.
Lần này có hơi rộn chút. Bác PT phê ông Koblitz. Mà trước đó ông Koblitz lại phê ông Vallely.

Lại phải nói cho có đầu có đuôi.
Thomas J. Vallely và đồng sự Ben Wilkinson thực hiện một bản báo cáo có tựa đề "Giáo dục đại học - cao đẳng Việt Nam: Khủng hoảng và đối phó", trong khuôn khổ Asia Programs của Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard. Bài dịch được đăng trên Tuần Việt Nam.
Bỗng nhiên trên website cũng như forum chính thức của Bộ GD&ĐT xuất hiện bài phản biện của Neal Koblitz. Ông này là tiến sĩ toán, từng có công trình có giá trị trong ngành cryptography, hiện là giáo sư của Đại học Washington. (Nói cho rõ, vì ở Mỹ có nhiều đại học mang tên Washington, tuy nhiên tên gọi không hoàn toàn giống nhau, ở đây là University of Washington (UW) tại Seattle. Tình cờ UW chính là đối tác của Đại học bách khoa Đà Nẵng trong Chương trình tiên tiến nên mình mới biết.)
Đã trót ... nên phải đọc các bài liên quan. Theo mình bài của Koblitz chỉ nói được mỗi một điều: Không phải cái gì Mỹ cũng đúng, cũng tốt. Thiết tưởng điều này khá cần cho dân xứ ta. Không thì lại cứ Mỹ cơ mà, Harvard cơ mà (!).
Nhưng đồng chí Koblitz này lại có quan điểm khá là "CNXH", từng có quan hệ tốt với quân ta, và lý luận của đồng chí cũng mang phong thái như ... quân ta. Hẳn không phải ngẫu nhiên mà được Bộ ĐH&ĐT chọn lựa? Được tiếng Mỹ đánh Mỹ nha (!). Và cách viết chuôi chuối của đồng chí là nguyên nhân khiến bài viết của bác PT "nóng rẫy" (hot!). Không biết ông Koblitz này giỏi giang kiểu gì mà lý luận kỳ thiệt.
Tất nhiên đại đa số dân chúng thì cũng khó mà có điều kiện phân định vấn đề. Cũng nên biết ông Vallely là giám đốc Chương trình VN của Harvard, lại tham gia cả Fulbright và VEF. Mình may mắn là kẻ có chui vào chăn nên không thể không thán phục trước những đàn rận mà VEF đã từng khoanh lại giúp ta. Cách làm việc của họ là cực kỳ khoa học, dù rằng với tinh thần biện chứng thì cứ việc nghi ngờ số liệu và lập luận của họ đi! Tất nhiên họ khuyên ta đi theo con đường của họ, ta có thể chọn lựa. Chỉ biết Fulbright và VEF đã từng cấp học bổng (qua sự lựa chọn gắt gao) cho nhiều người VN đủ các trình độ và ngành nghề sang Mỹ học; Và cũng đưa nhiều giáo sư Mỹ sang dạy tại VN. Nhưng họ vẫn khuyến cáo ta phải tự xây dựng những đại học tiên tiến.
Ai có điều kiện, hãy tự đánh giá các điểm Vallely đưa ra, hơn là nghe đánh giá kiểu Koblitz! Thiệt tình, thấy mấy giải pháp Koblitz đề nghị, mình thông cảm vô cùng với bác PT, rằng "có ở trong chăn ...".

Nói chung ... đau đầu. Thôi không nói chuyện đó nữa.
Không biết đầu óc mình dạo này sao cứ ... đần đần (?!). Thực ra là mình không hiểu nổi cái tiêu đề của bác PT. "Nhà vua chết rồi, hoàng đế vạn tuế".
Chữ "vạn tuế", sau này gọi là "muôn năm", cũng thế (!). Nghĩa đen đều là 10 000 năm (thời gian). Nhưng nghĩa bóng thì lâu hơn thế. Vua hay hoàng đế là mấy? Trước nói chết, sau lại bảo dài lâu (???).
Thấy nhiều bạn comment, mỗi người mỗi ý. Đa số cho rằng, ý cũng như "đi vô đi ra cũng thằng cha lúc nãy". Nghĩa là chẳng có gì thay đổi cả!
Nhưng cũng có bạn cho rằng bác PT có ý giễu cợt, vua đã chết rồi, còn bảo dài lâu (?). Có bạn phản bác, chẳng giễu gì đâu, "hoàng đế vạn tuế" là tung hô vua mới thôi.
Lại nữa, bảo thấy chẳng có gì tiếu lâm cả (!).
Thấy câu này xuất xứ không phải từ xứ ta, mới tra từ tiếng Anh "The King is dead, Long live The King!". Hóa ra xuất xứ là từ Pháp: "Le Roi est mort, vive le Roi!". Thời vua Charles VII nối ngôi sau khi vua cha Charles VI chết năm 1422. Chỉ là sự tiếp nối. Nhưng bao gồm ý hài hước, tung hô sống lâu, mà lại chết.
Vậy mình hiểu là "dòng sông vẫn chảy" (?!). Nhưng khi dịch không nên dùng hai chữ khác nhau (vua - hoàng đế) thì mới thấy ý thâm thúy. "Hoàng đế băng hà, hoàng đế vạn tuế". Hay ở dùng chữ chứ không cười cợt.
Có điều mình hiểu thế e không đúng tinh thần phần tranh luận nêu trên?
Lại trót ..., thấy cũng dễ dịch ra tiếng Slovakia nên thử xem. Quả nhiên thành ngữ này có được đưa vào: "Kráľ je mŕtvy, nech žije kráľ". Đọc ba bài có sử dụng đều thấy người Slovakia dụng ý về một sự tiếp nối không ngừng.

Thiệt là rảnh rỗi quá mà. Hết bàn cái này lại bàn đến cái kia. Lắm chuyện! (!!!).

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2009

Xạo

Nhân xem phim Surrogates về, mới nhớ lại nhận xét cũ. Rằng "phim Tây làm như thật; phim Mỹ dựng cảnh xạo cũng như thật; còn phim ta làm cảnh thật mà như xạo". :-)

Entry "G.I.Joe review" của bạn Mất Dép có nói, phim G.I.Joe có thể được so sánh với phim Wanted về mức độ xạo. :-D
Lại nhớ mới tuần trước, tình cờ mình nhìn thấy đĩa DVD phim Shoot 'em up. Đây là loại đĩa chất lượng, nghe nói nhập từ Hongkong về, chứ không phải loại sao chép ở VN. Vốn phim này ra đời từ năm 2007, đã chiếu ở các rạp trong nước. Nhưng năm ngoái mình thấy dân tình yêu điện ảnh trên các forum ta thán, rằng phim bị cắt tới gần 1/3. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên với quan chức kiểm duyệt nhà mình. Thế nên bây giờ mình mới quyết định mua đĩa (ngoại) xem xem sao (!). Trên nhiều forum vẫn thấy các bạn trẻ cười, bình luận rằng phim này xạo quá đáng. Có một ý kiến đáng chú ý cho rằng: "đừng nói xạo hay không xạo, nghệ thuật mà" (?). :-)

Nhớ thời mình học phổ thông, chuyền tay nhau giấu diếm đọc Anh hùng xạ điêu. Không thấy ai bình luận rằng xạo hay không (!). Sau sang Âu học đại học mới xem phim kiếm hiệp đầu tiên. Nhớ đó là một phim của Bắc Hàn, nên mấy cậu bạn Bắc Hàn có vẻ tự hào. Xem xong các bạn các nước khác cứ cười mãi, rằng xạo quá là xạo. :-D
Bắc Hàn là nước có lý tưởng lắm nha, mà thời đó đã biết xạo pà cố, không ngây thơ như xứ mình (?). :-) Ngày nay thì xứ ta chẳng còn thiếu những phim về các cao thủ bay như chim, vung chưởng như thảy lựu đạn nữa. :-D Tất nhiên phim nhập khẩu từ nền văn hóa lớn phía Bắc là chủ yếu. Chẳng thấy mấy ai bảo xạo (?).
Trong khi đó mấy phim tình cảm sướt mướt cây nhà lá vườn vẫn khiến người xem dở khóc dở cười. Rằng xạo không biết đường xạo. :-(


P/S: Chuyện chẳng đâu vào đâu. Nhân nói về xạo hay không. :-)

1. Google lại mấy cái entries của bạn Mất Dép thì tình cờ thấy chuyện tình của bạn này được một báo nhà mình xào lại từ blog bạn ấy mà mình đọc đã lâu. Dẫn cả ảnh khổ chủ. Có cả audio hẳn hoi. Kể chuyện nhân Valentine. Không biết có xin phép hay trả bản quyền gì không? Xưa nay mình đọc bạn ấy vì thấy sắc sảo mà vui. Bài trên báo kia thì chỉ thấy ... sên sến.

2. Hôm nay xem Larry trên Youtube. Thấy buồn cười quá là buồn cười. Mình cũng xỉn nhiều nên rất thú vị. Cái chi tiết cứ đưa tay ra định nắm gì đó rồi lảo đảo lùi về phía sau. :-D Và dù ngã không đứng dậy được vẫn không buông hộp bia. :-))

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009

Lợi Danh

Hôm nay đọc thấy tin là lạ:

Những thùng hàng cứu trợ vô giá trị.

Quần áo quá cũ rách; giày dép đứt quai không thể sử dụng; các tạp chí chuyên ngành thời trang, chứng khoán... trong một số thùng quà cứu trợ bà con vùng bão lũ khiến Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh Quảng Nam chua xót không biết xử lý ra sao.

Là sao? ???

nhầm lẫn gì ở đây chăng?
Người cho trao nhầm? Hay người vận chuyển lẫn?

Hay có người nghịch chơi? Nghịch dại? Nghịch ác?

Hay ác?
Mà ác chi với những người khốn khổ? Có thể chẳng qua nổi giận vì bị bắt buộc "tự nguyện" nên nhất thời ... ? Chuyện này có thể, và chỉ có thể ở xứ ta.

Hay cố tình? Để làm chi?
Người cứu trợ, trừ trường hợp "tự nguyện bắt buộc" nêu trên (chỉ có ở xứ ta!), thường xuất phát từ Tâm. Cái này chắc phải xuất phát từ Danh. Hám danh.
Nhưng đã là danh thì phải lưu danh. Đầu tiên hy vọng không phải do người đưa tin (dù chuyện này vốn không lạ ở xứ ta). Vì có nêu tên một số quan chức hẳn hoi. Chỉ lạ là nhà báo này (Kiều Mi?) tiếc gì không nói rõ mà cứ ậm ờ "hai người phụ nữ xưng là đại diện của hai tổ chức từ thiện".
Hai người này, hoặc rảnh dữ, hoặc ngu dữ?

Hay họ lợi dụng sự yếu kém kinh niên của bộ máy ... ? Trà trộn đánh lẫn bùn sang ao?
Hay chính bộ máy ... lợi dụng? "Rút ruột công trình"?
Cái này từ chữ Lợi?

Đau đầu quá. Chỉ có ở "văn hóa chợ"?

Xưa có chuyện thế này:
Cụ Mạc Đĩnh Chi đi sứ Tàu. Vua Tàu gây khó dễ: "Ngươi hàng ngày gặp bao nhiêu người trên phố". Rõ không phải câu hỏi toán học. Trả lời: "Hai người". "Chẳng lẽ kinh đô Thiên triều thưa thớt vậy sao?". "Phàm ra đường chỉ có hai người, một vì Danh, một vì Lợi.".

Chuyện này, nói thật thì không chắc thật. Nhưng lẽ đời không quá bao nhiêu đó.

Nhớ thuở nhỏ học rằng:
Mảng vui cơm tấm, ổ rơm
Tuy rằng cũ kỹ mà thơm sạch lòng
Hơn ai gạo tám, lầu hồng
Đem thân luồn cúi vào vòng lợi danh

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2009

Hệ thống điều khiển

Bài này, nghe qua tiêu đề, đã thấy sặc mùi khoa học kỹ thuật.

Cũng phải thôi, người viết vốn xưa nay vẫn tự xưng là "thuần túy kỹ thuật" mà.
Chả là hắn học một cái ngành, nôm na vẫn tạm dịch là "điều khiển tự động".

Nhớ lại những năm giữa thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước, thiên niên kỷ trước (!?), hắn có làm một cái hệ thống điều khiển nho nhỏ. Điều khiển qui trình nấu bia cho Nhà máy bia Sông Hàn (nay đã không còn nữa, cái nhà máy bia ấy, thiện tai, thiện tai!). Đại loại là dùng hơi nóng đun một cái nồi như nồi cháo. Yêu cầu đun đến nhiệt độ xxx độ C trong t phút. Giữ nhiệt độ ấy trong tt phút. Rồi nâng lên nhiệt độ yyy trong ttt phút. Lại giữ trong tttt phút. Rồi lại nâng lên hạ xuống zzz trong ...
Bài bản, hắn mô hình hóa yêu cầu (modeling) thành các phương trình toán học. Áp dụng những gì học được từ phương xa để giải quyết bài toán. Sau đó hiện thực hóa vào thực tế bằng máy vi tínhPLC.
Buổi đầu đem ra áp dụng xiết bao hồi hộp. Khi nhiệt độ chưa lên đến xxx đã thấy cái van nhiệt bị máy móc điều khiển xoay tít theo chiều đóng lại. Mấy bà chị trong phân xưởng nấu hét: "Ôi, ôi ôi, chưa sôi sao đã đóng rồi?". Hắn phải từ tốn giải thích, đóng dần là vừa chứ ạ, nhiệt đang tăng mà. "Hèn gì xưa nay nấu hay bị cháy! Có khi trừ hao đóng trước thì lại ... sống!". "Vâng, còn tùy hôm, nấu nhiều hay ít. Với lại nhiệt cung cấp cũng hôm mạnh hôm yếu ...". Thế mới cần đến vi tính để tính toán chứ (!!!).
Nói thì dài dòng tinh vi, cái sự điều khiển âu chỉ thế. Ít thì thêm mà nhiều thời bớt. Chứ đã ít còn bớt mà nhiều rồi lại thêm thì ... chỉ có chết.

Ngược thời gian chút nữa, ngày hắn còn học phổ thông. Nước nhà được mở mắt lần đầu tiên với công trình thế kỷ thủy điện Hòa Bình. Do anh cả Liên Xô giúp đỡ. Ngoài việc cung cấp năng lượng điện, công trình còn điều tiết chế ngự con sông Đà hung dữ. Ấy là nói cho văn vẻ thế. Nôm na, khi nước lũ tràn về thì giữ bớt lại trong hồ cho hạ lưu khỏi bị ngập. Mùa khô đến thì xả thêm vào dòng sông cạn cho dân lấy nước cấy cày.
Sau này đi học đại học, hắn biết đó cũng là một hệ thống điều khiển. Mà nghề điều khiển thì lại thế này: điều khiển đúng thì khó chớ điều khiển sai dễ lắm. Ước lượng thiết kế không chính xác thì mùa khô hồ cũng cạn. Không điện dùng, không nước tưới. Ông điện lực, ông nông nghiệp chửi nhau giành nước. Chuyện này đã từng xảy ra không chỉ một lần.
Mùa lũ về, đồng ngập trắng. Nước lên nhanh, dân chạy không kịp. Ông điện lực lại lo vỡ đập, hào phóng xả nước "nâng cao đỉnh lũ". Chuyện này mới xảy ra mấy ngày trước đây. Khi cơn bão số 9 Ketsana tràn qua Quảng Nam. Tại nhà máy thủy điện A Vương.
Vậy là hệ thống điều khiển có vấn đề (?!). "Sao trước lũ nhà máy không lo xả nước đi? Khi lũ về giữ bớt nước cho dân nhờ.". "Thế nhỡ dự báo sai, lũ không về thì nhà máy lấy nước mắt công nhân ra mà phát điện à?"

Một hệ thống điều khiển, control system thì phải stable. Chứ khi thì "lạy trời mưa xuống lấy nước tôi uống", lúc lại góp phần "cao hơn cơn lũ lịch sử". Gọi là unstable system.
There are dual aspects of a control system, controllability and observability. Hệ thống mà mắt mũi kèm nhèm quan sát không xong, đầu óc u mê kiểm soát chẳng được, thì còn điều khiển làm sao?

Bonus thêm mấy hệ số thời gian. Hệ thống điều khiển mà chậm hơn đại lượng cần điều khiển thì giống như một anh chàng to béo chậm chạp cứ đòi đuổi bắt một cậu bé láu lỉnh nhanh như sóc vậy. Con người chăn ấm nệm êm càng thêm chậm chạp. Nước lũ ngày một nhanh bởi cây rừng bao đời giữ nước chậm lại giúp người nay ngày ngày ngả rạp dưới bàn tay của chính con người.
Trong dòng lũ lịch sử ấy, bao xác cây lềnh bềnh, theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Bão lụt trong mắt ai

Ngày Đinh Sửu.
Tháng Quý Dậu.
Năm Kỷ Sửu.

Nằm chờ Ketsana.
Nói đúng hơn là nằm tránh Ketsana.
Tiếng Việt quả nhiên rắc rối. Phải nói là nằm chờ Ketsana đi qua.

Nghe nói rằng người đi rừng, nếu gặp bầy thú dữ ắt leo lên cây tránh. Chờ chúng đi qua mới dám xuống.
Lại nói người đi biển, nếu gặp bão tố cũng kiếm nơi kín gió ẩn nấp. Đợi bão tố tan đi mới tiếp tục dong buồm.
Người lữ hành phương xa, giữa sa mạc gặp bão cát hay mùa đông đụng bão tuyết cũng đều tìm nơi tránh.
Có câu: tránh voi chẳng xấu mặt nào.

Mình hôm nay giữa đô thị. Nằm nhà khóa kín cửa. Trên chăn ấm. Dưới nệm êm. Ăn bánh mì, phô mai, xúc xích. Uống nước trong. Đọc sách. Điện cúp. Cứ như trên hoang đảo.
Chiều qua còn đi đám cưới. Tối qua mưa gió ì ầm khiến giấc ngủ chẳng an. Cũng đã biết hôm nay chỉ việc ngủ cho quên mưa gió.
Sáng thấy ngớt gió, xách xe chạy quanh một vòng. Đường phố vắng lặng. Xơ xác toàn lá cây. Đường ngập nước, chắc nghẽn cống. Mưa không lớn. Dân tình nấp trong nhà nhìn ra đường như lén nhìn nhan sắc Ketsana.
Cậu em gọi điện nói dự kiến bão vào giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, khoảng giờ Thân (giờ hoàng đạo của ngày hôm nay !?).

Bây giờ mới quá Ngọ.
Gió vẫn rít, chưa quá ào ạt.
Mưa vẫn rơi, chưa quá tầm tã.
Trời vẫn hửng sáng, thỉnh thoảng lại tối sầm.
Ánh sáng qua cửa sổ đọc sách lúc đủ lúc thiếu. Nhân laptop còn pin mới bật lên đọc tài liệu. Và gõ offline những dòng này, cho nó thời sự. Hehe.

***

Giờ này thì cái gì qua đi đã qua đi. Và cái gì còn đó thì vẫn còn đó.

Hôm kia mình kiên nhẫn chờ đến giờ Dậu mới lấy xe đạp ra đường. Lẽ ra hôm đó mình phải viết: Gió vẫn rít, đã bớt ào ạt. Mưa vẫn rơi, không còn tầm tã. Trời dần hửng sáng.
Bây giờ báo chí giật tít: Thảm họa từ chủ quan và dự báo sai. Hôm đó đài phát thanh vẫn "dự báo" bão sẽ vào chiều tối trong khi trưa nó đã tàn phá Quảng Ngãi rồi (!?).
Ba năm trôi qua từ ngày Xangsane ghé Đà Nẵng và cách xây dựng nhà cửa của người dân nơi đây cũng đã thay đổi nhiều. Nên đợt này thiệt hại lớn nhất có lẽ là các công trình công cộng (!).
Tất nhiên đợt này Đà Nẵng chỉ nằm trong vùng ảnh hưởng, dù chẳng nhẹ nhàng gì. Nhưng chủ quan hay không thì đáng thương nhất vẫn là những người dân quê. Những người thậm chí nhà còn chẳng có cửa ngõ tử tế để mà giằng buộc.

Mà đã hết đâu. Bão chưa qua thì lũ lụt đã tới. Hầu như bao giờ cũng vậy. Và hậu quả cũng cứ ... vậy. Giao thông đình trệ. Xóm làng bị cô lập trong tuyệt vọng. Mênh mông nước trắng.
Quê mình Quảng Trị mười mấy năm nay mới lại thấy lại lũ lụt kinh hoàng. Cứ tưởng qua rồi cái thời nước ngập nửa nhà. Có lẽ sẽ có những thống kê đau thương cho những gia đình mà mức sống còn chưa đủ cao để kiên cố hóa nhà cửa.

Và rồi báo chí sẽ kể những câu chuyện đau thương. Chụp những bức ảnh tiêu biểu lẫn không tiêu biểu. Tiền cứu trợ lại đổ không biết về đâu.
Người dân sẽ vuốt nước trên mặt để ngước mắt nhìn trời. Nước mưa và nước mắt.

Để rồi năm lại năm, lại kể chuyện: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.