Ngày hôm nay, mình được một chút bối rối.
Bắt đầu từ bài viết đang "hot" của bác Phạm Toàn. "NHÀ VUA CHẾT RỒI, HOÀNG ĐẾ VẠN TUẾ!".
Nói cho có đầu có đuôi tý.
Chả là gần đây có nhiều ý kiến về nền giáo dục đại học nát như tương của nước nhà. Mình nhiều phần lơ đãng. Biết ở đó nhiều tâm huyết, nhưng chỉ là nước đổ đầu vịt. Nhiều bài có giá trị của các học giả hàng đầu trong nước đều rơi vào khoảng không chán nản.
Lần này có hơi rộn chút. Bác PT phê ông Koblitz. Mà trước đó ông Koblitz lại phê ông Vallely.
Lại phải nói cho có đầu có đuôi.
Thomas J. Vallely và đồng sự Ben Wilkinson thực hiện một bản báo cáo có tựa đề "Giáo dục đại học - cao đẳng Việt Nam: Khủng hoảng và đối phó", trong khuôn khổ Asia Programs của Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard. Bài dịch được đăng trên Tuần Việt Nam.
Bỗng nhiên trên website cũng như forum chính thức của Bộ GD&ĐT xuất hiện bài phản biện của Neal Koblitz. Ông này là tiến sĩ toán, từng có công trình có giá trị trong ngành cryptography, hiện là giáo sư của Đại học Washington. (Nói cho rõ, vì ở Mỹ có nhiều đại học mang tên Washington, tuy nhiên tên gọi không hoàn toàn giống nhau, ở đây là University of Washington (UW) tại Seattle. Tình cờ UW chính là đối tác của Đại học bách khoa Đà Nẵng trong Chương trình tiên tiến nên mình mới biết.)
Đã trót ... nên phải đọc các bài liên quan. Theo mình bài của Koblitz chỉ nói được mỗi một điều: Không phải cái gì Mỹ cũng đúng, cũng tốt. Thiết tưởng điều này khá cần cho dân xứ ta. Không thì lại cứ Mỹ cơ mà, Harvard cơ mà (!).
Nhưng đồng chí Koblitz này lại có quan điểm khá là "CNXH", từng có quan hệ tốt với quân ta, và lý luận của đồng chí cũng mang phong thái như ... quân ta. Hẳn không phải ngẫu nhiên mà được Bộ ĐH&ĐT chọn lựa? Được tiếng Mỹ đánh Mỹ nha (!). Và cách viết chuôi chuối của đồng chí là nguyên nhân khiến bài viết của bác PT "nóng rẫy" (hot!). Không biết ông Koblitz này giỏi giang kiểu gì mà lý luận kỳ thiệt.
Tất nhiên đại đa số dân chúng thì cũng khó mà có điều kiện phân định vấn đề. Cũng nên biết ông Vallely là giám đốc Chương trình VN của Harvard, lại tham gia cả Fulbright và VEF. Mình may mắn là kẻ có chui vào chăn nên không thể không thán phục trước những đàn rận mà VEF đã từng khoanh lại giúp ta. Cách làm việc của họ là cực kỳ khoa học, dù rằng với tinh thần biện chứng thì cứ việc nghi ngờ số liệu và lập luận của họ đi! Tất nhiên họ khuyên ta đi theo con đường của họ, ta có thể chọn lựa. Chỉ biết Fulbright và VEF đã từng cấp học bổng (qua sự lựa chọn gắt gao) cho nhiều người VN đủ các trình độ và ngành nghề sang Mỹ học; Và cũng đưa nhiều giáo sư Mỹ sang dạy tại VN. Nhưng họ vẫn khuyến cáo ta phải tự xây dựng những đại học tiên tiến.
Ai có điều kiện, hãy tự đánh giá các điểm Vallely đưa ra, hơn là nghe đánh giá kiểu Koblitz! Thiệt tình, thấy mấy giải pháp Koblitz đề nghị, mình thông cảm vô cùng với bác PT, rằng "có ở trong chăn ...".
Nói chung ... đau đầu. Thôi không nói chuyện đó nữa.
Không biết đầu óc mình dạo này sao cứ ... đần đần (?!). Thực ra là mình không hiểu nổi cái tiêu đề của bác PT. "Nhà vua chết rồi, hoàng đế vạn tuế".
Chữ "vạn tuế", sau này gọi là "muôn năm", cũng thế (!). Nghĩa đen đều là 10 000 năm (thời gian). Nhưng nghĩa bóng thì lâu hơn thế. Vua hay hoàng đế là mấy? Trước nói chết, sau lại bảo dài lâu (???).
Thấy nhiều bạn comment, mỗi người mỗi ý. Đa số cho rằng, ý cũng như "đi vô đi ra cũng thằng cha lúc nãy". Nghĩa là chẳng có gì thay đổi cả!
Nhưng cũng có bạn cho rằng bác PT có ý giễu cợt, vua đã chết rồi, còn bảo dài lâu (?). Có bạn phản bác, chẳng giễu gì đâu, "hoàng đế vạn tuế" là tung hô vua mới thôi.
Lại nữa, bảo thấy chẳng có gì tiếu lâm cả (!).
Thấy câu này xuất xứ không phải từ xứ ta, mới tra từ tiếng Anh "The King is dead, Long live The King!". Hóa ra xuất xứ là từ Pháp: "Le Roi est mort, vive le Roi!". Thời vua Charles VII nối ngôi sau khi vua cha Charles VI chết năm 1422. Chỉ là sự tiếp nối. Nhưng bao gồm ý hài hước, tung hô sống lâu, mà lại chết.
Vậy mình hiểu là "dòng sông vẫn chảy" (?!). Nhưng khi dịch không nên dùng hai chữ khác nhau (vua - hoàng đế) thì mới thấy ý thâm thúy. "Hoàng đế băng hà, hoàng đế vạn tuế". Hay ở dùng chữ chứ không cười cợt.
Có điều mình hiểu thế e không đúng tinh thần phần tranh luận nêu trên?
Lại trót ..., thấy cũng dễ dịch ra tiếng Slovakia nên thử xem. Quả nhiên thành ngữ này có được đưa vào: "Kráľ je mŕtvy, nech žije kráľ". Đọc ba bài có sử dụng đều thấy người Slovakia dụng ý về một sự tiếp nối không ngừng.
Thiệt là rảnh rỗi quá mà. Hết bàn cái này lại bàn đến cái kia. Lắm chuyện! (!!!).
Thứ Ba, 27 tháng 10, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét