Mình đọc bài và thấy không có gì nổi bật. Có lẽ tại mình quen thuộc với chuyện đó quá chăng?
Hầu hết những lần kéo ghế lai rai với bạn hữu nơi những quán nhậu bình dân, mình đều hân hạnh được nghe sự trình diễn, hay như thường nói, bị tra tấn, bởi những "ca sĩ" kiểu ấy.
Điều đáng nói là nhiều lần cũng gây cho mình không ít thắc mắc (?!).
Nơi quán xá nhậu nhẹt ồn ào, liệu có ai nghe (chứ chưa nói đến thưởng thức)? Mình thì khi bốc lên cũng như lúc còn tỉnh táo, đều không để ý họ hát thế nào. Có chăng là sự bực mình. Bực mình vì âm thanh chọc vào tai. Vì sự quấy rầy chọc vào mắt, đập vào vai.
Mà xưa nay người uống bia rượu có bao giờ hảo đồ ngọt (?). Vậy thì bán được bao nhiêu nơi chốn ấy?
Rồi nghĩ lời lãi bao nhiêu cho bõ công (?). Nào xe máy, nào giàn âm thanh to tổ bố. Chưa kể ắc qui cùng nạp với sạc.
Thế mà nhiều người nói "ca sĩ" cũng phải tập luyện, kể cả luyện "hát nhép" (!?).
Có người nói chủ yếu các ông mua để "hối lộ" con khi về nhà sặc mùi bia rượu (?).
Theo phóng viên thì có vẻ cũng ra tiền (?). Mà chắc phải ra tiền người ta mới hành nghề chứ? Mình thì hoàn toàn thờ ơ với mấy thanh kẹo như những chiếc đũa trắng được bọc trong lớp nilon trong suốt rất cẩn thận.
Nhớ hồi học lớp 5, lớp 6. Cứ đến giờ ra chơi cả lũ lại chạy ra cổng. Ở đó lác đác những người bán hàng rong. Và có một chú bán kẹo kéo. Chú đi xe đạp, phía sau đèo một cục kẹo to. Chú dùng một cái khăn (ngày ấy ít ai để ý chuyện vệ sinh!) vuốt vuốt, kéo kéo, có vẻ khá nặng nhọc, ra một cái vòi kẹo. Bằng một động tác mà lúc đó mình rất thán phục, chú bẻ gãy cái vòi kẹo rất dứt khoát. Thế là có một cái kẹo kéo. Không ai thắc mắc về tên gọi loại kẹo này cả.
Bọc một mẩu giấy bé tí để cầm cho khỏi dính tay, tụi mình nhấm nháp từng mẩu đường, thỉnh thoảng lẫn vài nửa hạt lạc (đậu phụng).
Có lẽ ấn tượng không phải ở ăn kẹo, mà là ở cách bán kẹo (!?).
Quan trọng là kéo chứ không phải kẹo.
Ngày nay bản chất nói trên vẫn không đổi (?!?). Nhưng "công nghệ" thì thay đổi nhiều ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét