Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Mất nơi ở


Bức hình này có tên

A rose made of galaxies

This image of a pair of interacting galaxies called Arp 273 was released to celebrate the 21st anniversary of the launch of the NASA/ESA Hubble Space Telescope. The distorted shape of the larger of the two galaxies shows signs of tidal interactions with the smaller of the two. It is thought that the smaller galaxy has actually passed through the larger one. Credit: NASA, ESA and the Hubble Heritage Team (STScI/AURA).



***



Ì ạch mãi mới đọc xong Mất nơi ở của Phạm Văn Ký.
Ấy nói vậy, bởi có bạn, nếu tình cờ một mai đọc được sách này, lại bảo, hợp. Hehe.

Sách là sách được tặng (có ý gì không ta?).
Lâu thật là lâu rồi, mà đọc mãi không quá nửa.
Nói dày thì không phải quá dày. Nhưng đặc những chữ. Và đặc những chuyện.

Chuyện mất nơi ở.

Mà nào chỉ nơi ở. Chữ hơn một tý, mình nghĩ phải nói là mất chốn dung thân.

Câu chuyện nước Nhật những năm cuối thế kỷ 19. Bối cảnh là một công trường xây dựng đường sắt.
Là tín đồ phim cao bồi viễn tây, mình nhắm mắt lại là tưởng tượng ra cảnh công trường nhiều phần thô sơ này. Và cứ, nơi nào xuất hiện công trường kiểu này, là mang đến sự xâm thực văn minh nặng nề vào chốn hoang dã.
Bối cảnh nước Nhật, nhẽ còn nặng nề hơn. Cùng với quyết tâm duy tân của Nhật hoàng Minh Trị, nước Nhật chấp nhận sự hiện diện của những người da trắng trong vai trò như những người thầy.
Cuộc duy tân đã đưa nước Nhật lên vị thế hùng cường. Biết bao người thán phục. Nhưng có lẽ không nhiều người đặt câu hỏi, nước Nhật đã chịu đựng những gì trong cuộc thay da đổi thịt, chắc vô cùng đau đớn ấy?
Nhiều dân tộc láng giềng đã chọn con đường nhắm mắt bịt tai quyết không học.
Nước Nhật cũng bị giằng xé bởi những người dân nghèo hoàn toàn không ý thức, và một phần tầng lớp quý tộc cũ, kiên quyết đến quá khích bảo vệ hệ tư tưởng, hay bảo vệ quyền lợi ích kỷ.

Nhân vật chính, đại úy Hizen, đã chiến đấu và mất đi tất cả.
Thuộc tầng lớp quý tộc, ông từ bỏ những thanh gươm của mình để theo Nhật hoàng duy tân.
Người ta nhìn thấy cuộc chiến đấu vô vọng của ông chống lại bạn bè cũ, những chiến binh không chấp nhận thay đổi. Không nói về lòng quả cảm hay kỹ thuật chiến đấu tinh nhuệ, chính hệ tư tưởng của những con người cao thượng dám tự mổ bụng khi thua đã chế ngự dân trí và cả một phần những kẻ bên kia chiến tuyến như đại úy Hizen.
Nhưng, những chiến binh đó cũng vô vọng, khi đa số, gồm cả người đứng đầu, Nhật hoàng, đã chọn lựa. Và những kẻ thù đến từ phương Tây lại tỏ ra quá mạnh.
Dù sao, những chiến binh chống đối đã chết như họ đã sống. Đại úy Hizen mất hết.
Vì ông đã không dứt khoát.
Như hệ tư tưởng Tây phương. Như những người chọn truyền thống. Như đức vua mà ông phục vụ.
Đại úy Hizen luôn lưỡng lự.
Ông thất bại trước chiến binh chống đối. Ông nhục nhã trước những người Anh và người Pháp. Vợ ông ngoại tình với người da trắng. Con gái ông chọn kẻ thù của ông. Con trai ông chọn đạo của những người phương Tây. Cuối cùng, đức vua của ông phải chối bỏ ông.

Số phận đại úy Hizen không phải là số phận nước Nhật. Số phận ông chỉ là nhát cắt. Đau đớn và trở thành quá khứ của những vết sẹo.



Thực ra mình vô cùng thắc mắc. Cuốn sách mình đọc dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, tác giả là một người Việt Nam, sinh ra và mất đi trong thế kỷ 20.
Phạm Văn Ký dựa vào nguồn tư liệu nào để viết về một nước Nhật cuối thế kỷ 19?
Lắm khi tự nghĩ, có chăng một đại úy Hizen-người-Nhật-đầy-mâu-thuẫn? Hay đó đơn giản là một người Việt?

Tư liệu nói rằng, Phạm Văn Ký là một người cô đơn, nhiều nỗi buồn và buồn hơn vì không chia sẻ được. Là một cây đại thụ của nền văn học thời của mình nhưng ông không được nhiều người biết đến. Có chăng, chỉ như là người anh của nhà thơ Phạm Hổ và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

Hẳn không phải ngẫu nhiên khi ông chọn tiếng Pháp cho những sáng tác sau này của mình?

Mình đã phải thật cố gắng mới đọc hết Mất nơi ở. Bây giờ mình hầu như lại quên hết. Còn chăng, đồng cảm với nhà văn.

Không có nhận xét nào: