Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Pháo hoa (2)

Đêm pháo hoa thứ 2 trời vẫn rất trong sau cơn mưa nhỏ hồi chiều.

Và Khu vườn trên bầu trời của đội Nhật bản dường như không thiên về rực rỡ mà lại chậm và thưa trên nền nhạc đa dạng không liên tục.

Cũng trên nền nhạc nhiều giai điệu là The way you look tonight từ USA thực sự lung linh.


Còn lại là công việc của ban giám khảo. Mình đi ngủ, hehe.

Vàng

Bữa trước lang thang trên mạng, thấy bạn kia dẫn link tới báo Thanh niên và comment: Đọc nhanh kẻo bị gỡ.

Có bạn khác comment: Có trên báo in rồi mà.


Quả nhiên bị gỡ thật. Và nghe đâu trên báo in phải xin lỗi.

Ngân hàng nhà nước còn đòi công an vào cuộc.

Không ngửi cũng thấy mùi mờ ám của nhà nước.


Đó là chuyện rửa vàng bằng cơ chế.

Một trong những bài báo khá, đến mức nhiều người nghi ngờ có ai đứng sau lưng chứ một phóng viên không đủ trình độ.

Luận điểm của quan chức ngân hàng thanh minh càng đáng ngờ. Vẫn một thủ đoạn quen thuộc: khẳng định trên những số liệu lập lờ mà chính họ cố sống cố chết giấu.


Nói trắng cho nhanh: lợi ích nhóm.

Chỉ cần nhìn người dân gian lận ngoài chợ thế nào thì tưởng tượng ra mức tham nhũng của quan chức.

Lạ chăng?

Pháo hoa

Mấy năm trở lại đây, Đà nẵng có cuộc thi pháo hoa. Năm nào hắn cũng một đêm xem từ trên núi, một đêm ở phố.

Năm nay, cả 2 đêm ở núi. Hôm qua là đêm đầu.


Đội Nga mới, pháo nhiều khói.

Đội Đà nẵng hồn vía âm nhạc hơn hẳn mấy năm trước, pháo nhịp chậm khá ăn nhạc.

Sau cùng, "Cảm xúc dòng sông" đã thể hiện đội Ý ở một đẳng cấp khác.


Tối nay sẽ là các đội đến từ Mỹ và Nhật.

Cũng toàn xem qua tv thôi. Tuy trời khá trong nhưng xem từ đỉnh núi góc nhìn xa, pháo tầm thấp, không nghe nhạc, chỉ lâu lâu chạy ra chạy vào cho có không khí, hihi. Với lại ngoài trời gió lạnh, đứng một lúc là cóng hết chân tay ...

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Trồng cây

Quản Trọng được hỏi bèn dâng lên Tề Hoàn Công:

Nhất niên chi kế, mạc ư thụ cốc
Thập niên chi kế, mạc ư thụ mộc
Bách niên chi kế, mạc ư thụ nhân.


Lão Lãn ngứa miệng bảo rằng: Ta nay vẫn còn ham rong chơi đường nhựa, từ tinh sương tới tối mịt. Có miếng đất cắm dùi chó không buồn ỉa, nói chi chuyện thập bách niên.

Thôi thì thử cái "tam niên chi ... kế hoạch", lần thứ chả biết mấy đây, hehe.

Gieo 5 hạt, sáng nay thấy chiến sĩ đầu tiên trèo lên mặt đất. Trông thương quá, như một kẻ độc hành non nớt giữa hoang mạc:


Đọc sách

Rảnh rỗi (sinh nông nổi) đi hiệu sách.

Nhiêu đó đủ tự thấy đáng buồn.

Không biết tự bao giờ, hành vi đọc sách trở thành "nhàn cư vi bất thiện" (?!).


Nhớ ngày xưa vẫn thường đi hiệu sách.

Đi ngắm cho thỏa nỗi khát khao (thực ra không bao giờ thỏa). Đi coi cọp.

Ngày ấy là món ăn tinh thần cho những kẻ đói khổ.


Con người ta, có phải khi no đủ hơn về mặt vật chất, thì cũng không còn đói tinh thần?

Internet thay thế dần trang sách.

Chat chít dày thưa bớt gặp gỡ bạn bè.


Bước vào hiệu sách với vài ba tên sách tên tác giả thủ sẵn trong đầu.

Và cảm thấy bơ vơ lạc lõng.

Như ông già lạc vào vườn hoa thiếu nữ.


Rốt cuộc trở về không.

Dù túi có tiền. Dù sách như rừng.

Chẳng khác thời không tiền ít sách.



Bonus.
Lang thang trên đường, tự nhiên nhìn thấy quảng cáo ngày đọc sách. Không đọc kịp nhưng lười quay lại, nghĩ bụng đi đoạn nữa thế nào chả thấy cái khác. Thế mà không. Một vòng toàn những pháo hoa (có cần dày đặc đến thế không?).
Biết sẽ không tìm thấy thứ mình cần ở đó, vẫn quay lại. 27, 28/4 tại Viện cổ Chàm.
Lèo tèo. Chỉ có 4 gian hàng, Nhà xuất bản Đà nẵng nhỏ nhoi, Nhà sách Đà nẵng thưa thớt, Nhà xuất bản chính trị vắng hơn chùa bà Đanh, và em gái xinh đẹp sau bàn Tạp chí tiếp thị. That's all.

Ôi, duy hữu độc thư cao ...

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Rong chơi

Ngày bắt đầu bằng cuộc họp quan trọng, bị dời lại từ hôm qua do hôm qua mình cũng kẹt mấy cuộc họp khác.

Và như thường lệ, cuộc họp làm bộc lộ những vấn đề lưu cữu từ lâu mà (và do) không được giải quyết. Và cũng sẽ không được giải quyết, vì những giải pháp của mình may ra thì được thực hiện khoảng 20%. Dĩ nhiên, ngoài mình ra không có ai đưa ra bất cứ giải pháp nào khác.

Mọi người chỉ cần bơi được qua sông, không ai muốn khùng mà đi xây cầu như mình.


Mình được giải phóng ra khỏi cuộc họp căng thẳng nhờ một công việc khác, mà lẽ ra mình phải được biết trước từ hôm qua nếu như không quá bận vào những triền miên họp (hành).

Hai anh em xách ô tô chạy lên Bà Nà. Có người đón với cáp treo miễn phí, hihi.

Về mặt công việc thì khó có thể nói là tốt. Đơn giản vì tư vấn, dù có chút giá trị, cũng chỉ có thể cho không. Người ta chỉ quen mua một món hàng, không ai mua một lời khuyên.


Trong mát rượi Bà Nà. Mình vui vẻ ngồi chờ. Ngắm cây và ngắm hoa. Kệ dưới kia oi ả.


Về đến thành phố khi nắng phai. Mặt trăng nhạt to tròn như cái đấu vừa nhô lên quá hàng dừa ven biển. Bỗng nhớ hôm qua mọi người ăn chay.

Thế mà rất nhanh, đạp xe về đã không thấy chị Hằng đâu nữa. Ở quán cơm ra, mấy giọt nước rơi trên tay. Chợt hiểu là sau màn đêm đen thẳm con gấu đã nuốt chửng thỏ ngọc mất rồi.

Trong nhà vẫn nồng cái đợi chờ khát một cơn mưa.

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Vui

Đúng ra, hôm nay là một ngày làm việc đáng chán.

Tham gia tới 02 cuộc họp, cá nhân hắn còn bị tranh giành vì không thể họp một lúc cả 2.

Họp thì có gì hay. Chưa kể chẳng đi đến đâu, như thường lệ.

Những vấn đề lần này là quan trọng. Khổ, lại phải tiếp tục họp nay mai.


May, hắn có niềm vui kéo lại.

Chả là, lâu nay, hắn có ý tìm 2 cuốn sách: một là Việt sử yếu của Hoàng Cao Khải, một là Tùy Viên thi thoại của Viên Mai. Tìm hoài chẳng thấy, rảnh hắn cứ lơ ngơ trên mạng biết đâu.

Tình cờ gặp thêm cuốn nữa, Kỹ thuật của người An Nam. Lần này may mắn hơn, hắn tải được bộ số hóa. Mừng khôn xiết.

Vẫn có ý kiếm sách in. Một là tri ân những người làm sách, cứ tải miễn phí cũng vài phần áy náy. Hai là sách ấy đọc trên giấy mới đáng, toàn tranh vẽ, in trên giấy đẹp khổ lớn bìa cứng. Bộ 3 cuốn của Nhã Nam, Vinabook báo giá 600 000đ hết hàng. Loay hoay hắn tìm được một nhà sách ở Hải Dương, chỉ e thông tin còn hàng 850 000 cũng đã là quá cũ.


Món ngon nhấm nháp ăn dè, hắn để ý một thông tin thú vị.

Hẳn nhiều người biết thành ngữ: Đem con bỏ chợ.

Hắn cũng chưa bao giờ tự hỏi, tại sao lại là đem con bỏ chợ, mà không là, chẳng hạn, đem vợ bỏ sông, hehe. Chắc tại bỏ vợ thì thường quá?

Đáng ngạc nhiên là trong Kỹ thuật của người An Nam, hắn thấy một bức tranh có kèm theo mấy chữ đó, vẽ một người đàn bà đang bỏ một đứa con nít vào trong một cái thúng.


Có lẽ nào, câu thành ngữ trên xuất phát từ một hành động có thật, vốn là một "kỹ thuật" của người An nam? ...

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Lo

Mấy hôm bỗng thấy lo lo.

Vì đọc báo thấy nói chuyện đổi tên nước.


Đổi tên nước có gì mà lo. Tên gì chả Tý chả Tèo ...


Lo là lo ở chỗ có kẻ nói đổi tên nước ắt phải đổi tiền. Vì tên đó in trên đồng tiền mà.

Tin đồn có gì mà lo. Khổ nỗi thời nay không tin tin đồn thì biết tin cái gì ...


Hai hôm nay lại lo. Tại thấy ngân hàng nhà nước khẳng định không đổi tiền.


Chả lẽ, chó quyết cắn áo rách phen này? ...

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Спутник


Hồi nhỏ, hắn thấy bác hắn có một món đồ chơi giống như trong hình. Vàng chóe và gắn lên một cái đế để trên bàn.

Thấy đẹp nhưng chưa bao giờ hắn thắc mắc đó là cái gì.


Phải rất lâu, rất lâu sau hắn mới tình cờ biết được đó chính là mô hình của vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên trái đất. Do Liên xô chế tạo, được đặt tên là Sputnik.

Tên đó trong tiếng Nga hình như có nghĩa là kẻ đồng hành. Có lẽ, với hàm ý đồng hành cùng trái đất chăng?

Thực tế, tuổi thọ kẻ đồng hành đầu tiên kéo dài không lâu. Mà số phận những kẻ đồng hành dường như đều là cô độc. Bay tròn mãi trong không gian sâu thẳm tối tăm lầm lũi một mình. Dù có đồng loại thì cũng không bao giờ gặp nhau. Vì, gặp nhau sẽ là thảm họa và kết thúc.


Đó hẳn là thâm ý của HM khi gọi câu chuyện của mình là Người tình Sputnik.

Hắn thấy, mọi nhân vật trong truyện này đều là sputnik. Một cô gái muốn trở thành nhà văn, một thầy giáo dạy tiểu học, một nữ doanh nhân, một học sinh tiểu học, một bà mẹ học sinh. Tất cả đều là sputnik, dù có đồng tính hay không, có gia đình hay chưa, còn nhỏ hay đã lớn.


Và, khiến cho, người đọc, cũng thành một Sputnik ...

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Tổ

Hôm nay, hắn lên ca trực.

Nhằm đúng ngày "lễ". Cái ngày đang được gọi là ngày "giỗ Tổ". Truyền rằng giỗ "người không mang họ", nhưng lại được tụng xưng là tổ muôn họ (!?).

Bàn dân chẳng biết có kính tổ thật chăng? Năm nao có người cúng cái bánh chưng to thiệt to mà trong độn ba lăng nhăng phần bánh thật không ăn được. Năm nọ lại có kẻ cúng chai rượu cũng bự thiệt bự chả biết có ai dám uống thứ nước bên trong hay không. Năm nay có bà già thôn quê xem tv nhận xét rằng bà phó chủ tịt (nước) lên cúng giỗ mặc áo cộc tay trong khi đi chợ mặc áo dài (đang hô hào) "quốc phục" chỉ một lúc thay liền ba bộ đồ như người mẫu thời trang.

Đa số người dân được nghỉ được chơi, công bộc được phát tiền lễ, thế là vui vẻ cả làng cùng nhau ăn "giỗ".

Đại Việt sử ký toàn thư chép:


[k] Hng Bàng th, tKinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tut, cùng thi vi Đế Nghi, truyn đến cui thi vua Hùng Vương, ngang vi đời Noãn Vương nhà Chu năm th57 [258 TCN] là năm Quý Mão thì hết, tt c2.622 năm [2879 - 258 TCN]. 


Đời sau có sử gia nói, gắng cho được 2622 năm để "bằng anh bằng em". Chính xác là bằng lão "anh" phương bắc, ý nói tao cũng ngang Đế Nghi nhà mày.

Dân gian quen miệng nói 18 đời vua Hùng. Nhân đây kể lại chuyện hắn đi với mấy đứa em qua đường Kinh Dương Vương, mấy đứa em không biết Kinh Dương Vương là ai, tỏ vẻ tinh tướng "cũng con cháu vua Hùng cả" khiến hắn phì cười, nói không phải con cháu mà là ông nội vua Hùng. Tụi nhỏ còn tưởng hắn nói bậy (!?).

Sách chép 18 đời bao gồm cả Kinh Dương Vương Lộc Tục - Hùng Dương (vương), Lạc Long Quân Sùng Lãm - Hùng Hiền (vương). Bắt đầu gọi vua Hùng từ đời thứ 3 - Hùng Lân (vương) đến đời cuối cùng là thứ 18 - Hùng Duệ (vương).

Đại Việt sử ký toàn thư chỉ thấy nói về đời thứ 6 có Xung Thiên Thần Vương làng Phù Đổng và đời cuối cùng (18) có cô nàng Mị nương chọc hai tinh Sơn Thuỷ đánh nhau mà thôi.

Nhiều người thấy khó tin nhưng kỵ huý đành im lặng. Có sử gia nói cả chữ Hùng cũng là nhầm lẫn, tại sao chăn dắt Lạc tướng, Lạc dân, cai quản Lạc ấp lại không phải Lạc vương? Nhiều nhà ngôn ngữ học cũng ngờ chữ Lạc chính thị từ chữ "lúa" (ngày xưa phát âm "ló") là hợp lắm song cũng chẳng dám bàn.

Bẵng đi mấy chục năm theo một đạo vốn du nhập từ phương tây mà đập phá bàn thờ, nay quẫn mới quay về tự hào tín ngưỡng thờ cúng. Khó biết đúng sai, tạm không bàn cứ khói hương sì sụp đã.


Năm nay còn có chuyện hay, về một đạo bùa yểm dưới dạng một hòn đá. Của ai? của một sĩ quan theo đạo vô thần. Như nào? phong cách rất đa thần giáo. Để làm gì? yểm lại một đạo bùa khác.

Đạo bùa kia (nếu quả thực nó là một đạo bùa), được tin rằng của quân Nguyên Mông mà viết bằng chữ Hán (?!). Nội dung "Đánh đổ đức sáng vua Hùng" (?!).  Nội dung này dĩ nhiên không phải nguyên gốc mà đã được diễn nôm trên báo chí. Hắn chả muốn đa nghi, tuy nhiên rõ là ý thì giặc mà tứ thì ta.


Những chuyện thế này khiến hắn nhớ lại tích vua Đinh Bộ Lĩnh. Rằng thời nhỏ nhờ bơi lặn giỏi mà lừa được thầy địa lý Tàu táng hài cốt cha mình vào miệng ngựa đá để thành vua. Sau bị thầy Tàu trả đũa lừa lại cho đeo gươm cổ ngựa mà vua bị hoạ sát thân con cái cũng mất luôn cơ nghiệp.

Hoá ra bao năm dân ta khổ đều vì một kẻ giặc cả. Không biết đạo bùa trấn yểm đa thần của vị sĩ quan vô thần kia linh nghiệm cỡ nào mà từ khi (lén lút) đặt vào nơi thờ "Tổ" văn hoá kinh tế đạo đức nước nhà vẫn lao dốc không phanh?


Về những chuyện trấn qua yểm lại còn có chuyện cụ Tả Ao, người để lại nhiều sách địa lý hắn có đọc mà chả hiểu gì, được cụ Phan Kế Bính chép trong sách Nam Hải dị nhân như sau:


Người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, tên là Nguyễn Đức Huyên (có bản nói là Hoàng Chỉ). Nhân tên làng, cho nên tục gọi là Tả Ao. Lúc còn trẻ nhà nghèo lắm, mẹ phải bệnh lòa mắt, Tả Ao mới theo người khách buôn ở phố Phù Thạch về Tàu, để lấy thuốc chữa mắt cho mẹ. Thầy thuốc khen là người có hiếu, mới dạy cho phép làm thuốc. Học thành nghề mới trở về, xảy có một thầy địa lý chính tông đau mắt, sai người mời thầy thuốc đến chữa, thầy thuốc già yếu không đi được, mới sai Tả Ao đi chữa thay. Thầy địa lý khỏi đau mắt, thấy Tả Ao có ý tứ khôn dễ dạy, và cảm cái ơn chữa khỏi cho mình, mới truyền cho Tả Ao phép làm địa lý, Tả Ao học hơn một năm đã giỏi. Thầy địa lý muốn thử xem sức học làm sao, đổ cát làm ra hình sông núi, rồi yểm 100 đồng tiền xuống dưới cát, và cho Tả Ao 100 cái kim sai tìm huyệt mà cắm kim vào lỗ đồng tiền.
   Tả Ao ngắm xem các huyệt, cắm trúng 99 cái kim vào 99 lỗ đồng tiền, chỉ sai mất một cái cắm ra ngoài.
   Thầy địa lý nói rằng:
   - Nghề ta sang phương Nam mất rồi!
   Mới cho Tả Ao một cái tróc long và các câu thần chú hô thần để cho về nước Nam. Tả Ao vâng lời từ về; về đến nhà thì mẹ vẫn còn mạnh, mới chữa thuốc cho mẹ khỏi lòa.
   Một khi, đi qua núi Hồng Lĩnh, trông lên xem, thấy có kiểu đất “cửu long tranh châu” , mừng mà nói rằng:
   - Huyệt đế vương ở đây rồi!
   Lập tức nhổ ngôi mộ của cha, cất vào huyệt trên núi. Không bao lâu sinh được một đứa con trai. Người Tàu xem thiên văn, thấy các vì sao chầu cả về phương Nam , biết là người nước Nam được đất. Chính phủ Tàu truyền cho các nhà địa lý, ai để đất cho người An Nam, hoặc là dạy người An Nam, thì phải sang nước Nam dùng thuật mà phá đi, nếu không thì tru di cả ba họ.
   Thầy địa lý trước, biết chắc là ông Tả Ao được đất mới sai con sang tìm đến nhà Tả Ao, lập mưu mà triệt đi.
   Người ấy tìm đến nơi, vào chơi nhà mà bảo rằng:
   - Từ khi đại huynh ở Tàu về, đã cất được ngôi tiên phần nào chưa?
   Tả Ao nói thực cả chuyện trước. Con thầy Tàu mới dùng mẹo đào lấy ngôi mộ ấy, mà bắt đứa con của Tả Ao đem về Tàu.
   Được ít lâu mẹ Tả Ao mất. Tả Ao tìm một ngôi đất ở ngoài bãi bể, kén ngày kén giờ để hạ huyệt. Đến giờ, sóng gió ầm ầm, người anh Tả Ao giữ áo quan của mẹ, không cho hạ xuống, một lát sóng gió yên thì ở đấy nổi lên thành bãi rồi.
   Tả Ao than rằng:
   - Đây là hàm rồng đây, cứ 500 năm mới há miệng ra một lần, mà há chỉ trong một lát mà thôi. Bây giờ đã ngậm lại rồi, còn táng làm sao được nữa. Trời không cho thì chỉ uổng mất công ta mà thôi.
   Từ bấy giờ Tả Ao không chịu làm ăn gì cả, chỉ lang thanh đi làm đất cho người ta. Một bữa đi xem đất đến làng Bùi Sơn, huyện Hoằng Hóa, thấy có một huyệt đất hay, bèn bảo người ta rằng: “Có ngôi đất, táng giờ Dần đến giờ Mão thì phát, nếu ai táng ngôi ấy tất được của, hễ ai chịu nhường cho ta một phần chia mười, thì ta cho ngôi đất ấy”. Có một người xin táng, Tả Ao dặn đến sáng sớm mai thì cất. Táng xong mặt trời mới mọc. Người ấy vác cuốc ra rửa chân ngoài sông, thấy một người chết trôi, nhân thể có cuốc, mới vớt lên chôn cho xác ấy, thấy trong bọc người chết có hai túi bạc, mở ra đếm thì được 50 nén, mới biết Tả Ao là tài, biếu Tả Ao 5 nén, rồi Tả Ao đi.
   Khi đến huyện Thanh Liêm lại tìm được một ngôi, bảo người ta rằng:“Đây có ngôi đất, chỉ táng trong một tháng thì phát quận công, nếu ai cho ta 100 quan tiền, thì ta táng cho” . Có một ông nhà giàu xin táng. Bấy giờ chúa Trịnh đang đánh nhau với nhà Mạc. Tướng nhà Mạc là Mạc Kinh Độ thua trận ở huyện Kim Bảng chạy trốn. Chúa Trịnh rao ai bắt được thì thưởng cho làm quận công một đời. Ông nhà giàu ấy táng được 20 ngày rồi. Bỗng một hôm thấy có một người vào nhà bảo rằng: “Ta là Mạc Kinh Độ đây, cho ta đánh một bữa chén, ta sẽ làm ơn mà cho đem nộp lấy thưởng” . Ông nhà giàu mừng rỡ, làm cơm thết đãi. Mạc Kinh Độ ăn uống xong, cho trói mình lại mà đem đến đồn Cầu Châu nộp cho chúa Trịnh. Chúa Trịnh lập tức thưởng cho làm quận công. Người ấy được thưởng tạ Tả Ao 100 quan tiền. Tả Ao chỉ lấy 3 quan để ăn đường, rồi đi chỗ khác.
   Tự bấy giờ danh tiếng đồn khắp thiên hạ. Tả Ao đi chu du bốn phương, phàm 20 năm trời. Đi qua các huyện Gia Bình, Từ Liêm, Đông Ngạn, Siêu Loại, Gia Lâm, táng cho nhà nào cũng được, lớn thì làm đến Tiến sĩ, Thượng thư; nhỏ cũng làm nên giàu hùng trưởng. Kể ra nhiều lắm, không sao cho xiết.
   Khi đi qua làng Thiên Mỗ, thấy có một ngôi đất to, muốn táng hộ cho nhà họ Trần. Vừa đặt tróc long xuống đất, tróc long đổ ba lượt. Tả Ao niệm phù chú gọi Thổ thần lên hỏi, thì Thổ thần nói rằng: “Đất này phát ba đời quốc sư đại vương, con cháu công hầu không bao giờ hết. Trời đã để đành cho nhà Nguyễn Qui Đức; còn nhà họ Trần kia ít hồng phúc, không kham nổi được đất này; nếu ông làm cưỡng của trời thì tất có vạ. Vả lại ông đi khắp thiên hạ, làm phúc cho người ta đã nhiều, mà không được ngôi nào để táng cho cha mẹ, ông nên nghĩ thế thì biết” . Vì thế, Tả Ao từ bấy giờ không dám khinh thường để mả cho ai nữa.
   Tả Ao sinh được hai con trai, nhà thì nghèo mà làm đất không lấy tiền của ai, cho nên con cái thường không đủ bữa mà ăn. Khi đã già, tìm sẵn một ngôi đất sinh phần cho mình, ở xứ Đồng Khoai, gọi là cách “Nhất khuyển trục quần dương” (nghĩa là một con chó đuổi đàn dê). Nếu táng được ngôi ấy, thì chỉ ba ngày thành địa tiên. Đến lúc phải bệnh, sai hai con khiêng mình ra đấy, toan phân kim lấy rồi nằm xuống cho chôn; nhưng đến nửa đường thì đã gần chết, không kịp đến được chỗ kia, mới trỏ một cái gò bên cạnh đường, dặn con rằng: “Chỗ kia là ngôi huyết thực (nghĩa là được hưởng người ta cúng tế), bất đắc dĩ táng ngay ở đấy cũng xong”.
   Nói xong thì mất, bấy giờ mới 65 tuổi. Hai con đem táng vào gò ấy, quả nhiên về sau làm phúc thần một làng.
   Địa lý xưa nay ở nước Nam, không ai giỏi bằng ông Tả Ao, thế mà chỉ làm phúc cho người, đến mình thì không sao làm được, mà con cái vẫn nghèo khổ, thế mới biết rằng câu tục ngữ nói: “Tiên tích phúc nhi hậu tầm long”.



Đọc xong, Thuỷ Nguyệt thiền sư có phán rằng: những chuyện học nghệ thầy Tàu, bị thầy lừa lại, rồi thất bại bởi thiển cận (hình ảnh người anh) đâm ra thất chí chỉ biết dùng tài (lớn) kiếm tiền (lẻ), rốt cục lúc chết ý nguyện nhỏ cũng không thành, sao mà quen thế (!!).

Còn lão Lãn không ngửa mặt nhìn trời cười, cũng không cúi mặt nhìn đất khóc, chỉ im lặng thở dài ...

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Kính

Hôm nay đi thay cặp mắt kính.

Mới phát hiện ra là hơn cả năm trời, hoặc bao lâu không nhớ rõ nữa, mình đeo mắt kính sai độ.


Haizzz. Hèn gì nhìn đời cứ mờ mờ ảo ảo.

Bắt đầu từ tối nay, đời lại sáng rỡ rồi đây.


Chả biết nên vui hay nên buồn ...

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Ít tiền khỏi xài hàng hiệu

Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế tại Đà nẵng năm nay không vận động được nhiều tiền tài trợ như các năm trước.

Liệu cơm gắp mắm, khoản đầu tiên được nhắm đến để cắt giảm chi phí là thuê ca sĩ. Tiền không đủ thì khỏi mời các ca sĩ hàng đầu, lẽ cũng dễ hiểu.

Cây nhà lá vườn và kêu gọi hảo tâm cũng không phải là một ý kiến tồi.


Tóm lại có gì đâu mà rộn?

Khiến báo chí cứ như lũ kên kên ...

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Nhẫn (2)

Hôm rồi ghé Hoa hồng trắng ở Hội an. Không phải lần đầu, nhưng lần này tự nhiên để ý bức thư pháp chữ Nhẫn.

Thư pháp chữ Nhẫn, thường kèm hai câu quen thuộc, dù viết bằng chữ tượng hình hay chữ cái Latin:

Nhẫn nhất thời phong bình lãng tĩnh
Thoái nhất bộ hải khoát thiên không

(Đôi khi là Thoái tam bộ ...)


Mình cứ thấy câu sau sao sao đó.

Nay thấy ở bức này:

Nhẫn nhất thời phong bình lãng tĩnh
Nhượng tam phân hải khoát thiên không

Chữ thoái bộ xước được thay bởi chữ nhượng bộ ngôn. Chẳng phải hợp hơn? ...

Sử

Hành động vui mừng xé đề cương sử của các em học sinh là một cú tát vào mặt ngành giáo dục.

Tiếc là, mặt trơ trán bóng, chỉ tổ ... đau tay người tát.


Nhiều người lên án thái độ này nọ với môn sử.

Xin thưa, đó chỉ là thái độ đối với cái được gọi là sử trong (cái cũng được gọi là) nhà trường mà thôi.



Những cuộc tranh luận theo kiểu ném gạch ném đá ồn ào, từ môn sử đến bất động sản hay chuyện một cậu bé thần đồng ... đều thể hiện một nền văn hoá vốn chỉ quen bị nhồi nhét hơn là thực sự tiếp thu ... từ trong những ngôi trường.

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Nhẫn




- Posted using BlogPress from my iPhone

Location:Đường Trần Nhân Tông,,Vietnam

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Bà nà

Hôm nay đi trên phố Đà nẵng thì như úp mặt vào chảo rang, mà ở Bà nà thì thật xứng đáng.
Mỗi tội tìm được đường đi giữa những ngổn ngang xây dựng đã khó, chưa nói đến một chỗ ngồi thư giãn, ngoài phòng khách sạn và nhà hàng duy nhất.
Công nhân làm việc cả đêm, và tuyến cáp số 3 vẫn chưa phục vụ khách.




- Posted using BlogPress from my iPhone

Location:Vietnam

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Điều Ngự Giác Hoàng



Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Phạm vi

Chiều đạp xe qua phố, tự nhiên thấy biển báo mới to đùng, gì mà phạm vi xử phạt thí điểm theo nghị định xxx gì đó (mẹ, cái chính phủ cà chớn ra toàn mấy nghị định tào lao ai mà biết được).


Thắc mắc phạm vi là sao? nhưng lười dừng xe. May quá thêm đoạn nữa thì thấy mấy tấm phướn nội dung tương tự treo đầy các cột đèn đường.

Trong đầu nghĩ, hay là chỉ phạt thí điểm một số nội dung. Nhưng không thấy liệt kê. Mà khó có chỗ để liệt kê. Cũng không thấy dẫn chỗ tham khảo.

Như vậy từ phạm vi đó phải chỉ không gian (?). Là chỉ phạt trên mấy tuyến đường đó?


Cần tránh các "phạm vi xử phạt thí điểm" (!), nghĩa là tìm đường khác đi, tha hồ vi phạm!

Nên chăng?!

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

bđs

Chiều nay, đạp xe đi làm về, thấy hai thanh niên nam thanh nữ tú đứng ở ngã tư đông đúc NVL - HN. Nét mặt dễ thương, đồng phục đơn giản với chiếc mũ xinh xắn, cầm ngang hai tấm biển to đùng.

Đọc lướt qua thấy gì đó về nhà mẫu Hàn quốc, giá khởi điểm từ 451 triệu đồng.


Ít nhất, sự xuống đường là đã đáng được đánh giá cao.

Thói thường thị trường, đầu tư sai, sản phẩm ế thì phải cố gắng bán, hạ giá để bán, thậm chí bán lỗ để thu hồi vốn đặng tiếp tục kinh doanh. Chứ đâu cứ như hiệp hội nọ kia, khư khư giữ giá trên trời do chính họ nâng lên, lại còn đòi hỗ trợ này nọ.

Mà khoản hỗ trợ, nếu có, lại chỉ rơi vào túi một nhóm nhỏ, những mong kiếm lời bằng cách đạp nền kinh tế chúi xuống thêm nữa. Vì lợi ích đó, họ tung ra bao nhiêu mỹ từ hòng lừa dối dân đen, và giở trò bẩn thỉu với những ai vạch ra chân tướng của họ ...

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Id

Đọc báo, thấy một số người bàn về vấn đề ban hành một số định danh cho mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời.

Hình như nhiều người không thực sự hiểu?

Thực ra, số CMND hay mã số thuế bây giờ đã mang tính chất ấy. Chỉ có điều là các cơ quan quản lý có vẻ như chưa hình dung ra mà thôi.


Để "chứng minh" mình là "nhân dân", bạn phải trình giấy CMND. Mẩu giấy này do nhân dân tự giữ và không có gì đảm bảo nó không bị thất lạc, hư hỏng hay thậm chí bị làm giả. Ngoài ra các cơ quan chức năng luôn cảm thấy thông tin trên mảnh giấy con con bọc plastic ấy là quá ít (nên mới có chuyện đề nghị ghi thêm tên cha mẹ khổ chủ, ...).

Tất nhiên khi có nghi ngờ, người ta vẫn phải kiểm tra lại trong hồ sơ lưu của ca, là nơi cấp miếng giấy ấy.

Ở các nước, người ta chỉ cần hỏi số và kiểm tra thẳng vào hồ sơ khi cần. Ngày xưa còn làm được huống hồ ngày nay thời đại vi tính cùng mạng internet.

Cũng phải nói rằng, công dân bình thường chẳng mấy khi bị kiểm tra.


Nước ta, ngoài ra còn có cơ man là thẻ cùng bằng. Nên mới có chuyện ông này bà nọ đủ thứ bằng cấp mà chính trường đứng tên cấp cũng không biết đến.

Chung quy chỉ một chữ tư duy. Thông tin đáng tin cậy cần nằm ở đâu? Trong hồ sơ lưu hay trên mẩu giấy cầm tay?

Còn con số chẳng qua để tìm cho nhanh mà thôi.



Người dùng phổ thông có một lo ngại phải nói là rất đúng. Ấy là bí mật thông tin.

Dĩ nhiên không phải ai cũng có thể hiểu được thế nào là bảo mật, thế nào là phân quyền sử dụng.

Song nếu ai cũng lo ngại như thế thì ngày nay đã không có mạng internet.

Trường hợp cổ điển là: chẳng lẽ vì sợ đứt tay mà cấm sản xuất dao?



Haiz. Chặng đường trước mặt của dân tộc xem ra vẫn còn dài lắm ...


- Posted using BlogPress from Khanh An's iPad

Location:kiệt 338 Hoàng Diệu,,Vietnam